Nghị định số 08/2003/NĐ-CP ngày 10/02/2003 của Chính phủ Về hoạt động của cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế
- Số hiệu văn bản: 08/2003/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 10-02-2003
- Ngày có hiệu lực: 20-03-2003
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7919 ngày (21 năm 8 tháng 14 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2003/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 10 tháng 2 năm 2003 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 08/2003/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 02 NĂM 2003VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI PHỤC VỤ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh về Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 02 tháng 12 năm 1993;
Để nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế của Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (dưới đây gọi tắt là hoạt động phục vụ kinh tế), đưa hoạt động này thành một trong các biện pháp của Chính phủ nhằm thúc đẩy thương mại, hợp tác đầu tư, hợp tác phát triển, hợp tác khoa học - công nghệ, du lịch, lao động, dịch vụ thu ngoại tệ; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hoạt động kinh tế đối ngoại;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
Nghị định này điều chỉnh các hoạt động do Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (dưới đây gọi tắt là Cơ quan đại diện) thực hiện nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hoạt động kinh tế, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo hộ quyền và lợi ích kinh tế hợp pháp của tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước tiếp nhận.
Điều 2. Nguyên tắc của hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện
1. Hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện phải căn cứ vào yêu cầu, mục tiêu của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua; yêu cầu cụ thể của tổ chức, cá nhân Việt Nam có liên quan.
2. Hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận, của nước mà tổ chức quốc tế đặt trụ sở, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
3. Hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện phải phát huy tối đa những lợi thế về hệ thống tổ chức và địa vị đại diện chính thức của Cơ quan đại diện tại nước tiếp nhận và các tổ chức quốc tế.
Chương 2:
NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ KINH TẾ CỦA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN
Điều 3. Cung cấp thông tin kinh tế
1. Thu thập, phân tích, đánh giá và cung cấp cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thông tin về :
a) Tình hình kinh tế quốc tế, quan hệ kinh tế quốc tế.
b) Tiềm năng, chiến lược, chính sách, tình hình kinh tế, pháp luật, tập quán thị trường ở nước tiếp nhận và các tổ chức quốc tế.
c) Xu thế phát triển của khoa học và công nghệ trên thế giới, cơ hội tiếp thu công nghệ.
d) Các vấn đề liên quan tới quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, kinh nghiệm tham gia và hoạt động của nước tiếp nhận tại các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực.
2. Thực hiện tuyên truyền, quảng bá tại nước tiếp nhận và các tổ chức quốc tế về kinh tế, văn hóa, xã hội, đất nước, danh lam thắng cảnh, cơ hội và môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam thông qua việc giới thiệu về :
a) Đường lối, chính sách, pháp luật, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
b) Tiềm năng, cơ hội hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, du lịch và lao động của Việt Nam.
c) Thông tin chung về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam.
d) Khả năng và nhu cầu hợp tác của các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế - xã hội.
Điều 4. Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh tế đối ngoại
1. Thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước với nước tiếp nhận hoặc tổ chức quốc tế nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách kinh tế đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Đề xuất với Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan trong nước các chính sách và biện pháp cần thiết nhằm phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với nước tiếp nhận, các tổ chức quốc tế, chú trọng sự hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động, khoa học và công nghệ.
3. Đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế cần thiết với nước tiếp nhận và tổ chức quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho quan hệ hợp tác kinh tế.
Điều 5. Tham gia thực hiện hoạt động kinh tế đối ngoại
Phù hợp với các nhiệm vụ phục vụ kinh tế hoặc theo yêu cầu của các cơ quan hữu quan, Cơ quan đại diện thực hiện các hoạt động sau :
1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao tiến hành vận động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tại nước tiếp nhận và các tổ chức quốc tế phù hợp với quy hoạch, kế hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA trong từng thời kỳ.
2. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các chương trình vận động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền về cơ hội và môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam tại nước tiếp nhận phù hợp với chiến lược, chính sách và danh mục các dự án thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong từng thời kỳ của Nhà nước.
3. Phối hợp với Bộ Thương mại tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại và hội chợ triển lãm ở nước tiếp nhận.
4. Phối hợp với Tổng cục Du lịch quảng bá, tuyên truyền về tiềm năng du lịch của Việt Nam tại nước tiếp nhận.
5. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tìm kiếm, khai thông, thiết lập quan hệ hợp tác xuất khẩu lao động với nước tiếp nhận và các tổ chức quốc tế.
6. Phối hợp với các cơ quan hữu quan khác trong các hoạt động kinh tế đối ngoại theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân Việt Nam
Chủ động hoặc căn cứ vào yêu cầu cụ thể của tổ chức, cá nhân Việt Nam, Cơ quan đại diện có trách nhiệm :
1. Cung cấp thông tin về thị trường, pháp luật, tập quán kinh doanh của các nước và các đối tác nước ngoài.
2. Cung cấp thông tin về khả năng, cơ chế, chính sách, luật lệ của các tổ chức quốc tế.
3. Hỗ trợ thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài.
4. Hỗ trợ thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch, hợp tác lao động, thương mại, thiết lập quan hệ hợp tác về khoa học - công nghệ, đào tạo với các đối tác nước ngoài.
Điều 7. Tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
1. Phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng, hoàn thiện và tổ chức việc thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi để huy động tiềm năng kinh tế, tri thức và bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ của đất nước.
2. Đề xuất với Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan những chính sách, biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài làm ăn, sinh sống lâu dài, ổn định ở nước tiếp nhận.
Điều 8. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài
Thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và pháp luật của nước tiếp nhận.
Chương 3:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ KINH TẾ CỦA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN
Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ quan đại diện
Cơ quan đại diện chịu trách nhiệm về hoạt động phục vụ kinh tế tại địa bàn hoặc tổ chức quốc tế được giao phụ trách, có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Quản lý thống nhất các hoạt động phục vụ kinh tế tại địa bàn hoặc tổ chức quốc tế được giao phụ trách.
2. Quản lý các đoàn Việt Nam được cử đi công tác ở nước ngoài; các đoàn công tác của tổ chức, cá nhân Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đại diện tại nước đến về nội dung, chương trình và kết quả hoạt động của đoàn.
3. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ phục vụ kinh tế được giao. Người đứng đầu Cơ quan đại diện có trách nhiệm chỉ đạo các bộ phận thuộc Cơ quan đại diện trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ của mình.
4. Thực hiện việc gửi báo cáo định kỳ cho Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan về tình hình hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện và những vấn đề nảy sinh trong các hoạt động kinh tế do tổ chức, cá nhân Việt Nam tiến hành tại địa bàn được phụ trách.
5. Kịp thời báo cáo các vấn đề nảy sinh và những vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện và đề xuất với Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan trong nước những biện pháp và đối sách phù hợp.
Điều 10. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Ngoại giao
Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện, có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Quản lý thống nhất hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện.
2. Phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan chỉ đạo việc thực hiện các nội dung về hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện.
3. Thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện thông qua việc giao nhiệm vụ cụ thể phục vụ kinh tế cho Cơ quan đại diện.
4. Định kỳ báo cáo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện.
5. Định kỳ, hoặc bất thường (nếu cần thiết) triệu tập các cuộc họp với đại diện của các tổ chức, cá nhân để đánh giá hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện, thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động này.
Điều 11. Nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Các Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao trong hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện và có các nhiệm vụ cụ thể sau:
a) Phối hợp với Bộ Ngoại giao trong hoạt động quản lý và chỉ đạo các công chức do mình cử đi làm việc tại Cơ quan đại diện, bảo đảm thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại và pháp luật của nhà nước và tuân thủ pháp luật của nước tiếp nhận.
b) Trực tiếp hoặc thông qua Bộ Ngoại giao cung cấp kịp thời các thông tin mà các Cơ quan đại diện yêu cầu, hướng dẫn về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của mình.
c) Phối hợp với Bộ Ngoại giao đánh giá hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện, kiến nghị các biện pháp tăng cường hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế từ chức năng quản lý nhà nước của mình.
2. Bộ Thương mại chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Phòng Thương mại tại Cơ quan đại diện. Phòng Thương mại chịu sự phân công và quản lý về chính trị đối ngoại của người đứng đầu Cơ quan đại diện; có trách nhiệm phối hợp với các bộ phận khác trong Cơ quan đại diện trong việc thực hiện nhiệm vụ phục vụ kinh tế.
Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân Việt Nam
Tổ chức, cá nhân Việt Nam có quyền trực tiếp hoặc thông qua Bộ Ngoại giao yêu cầu các Cơ quan đại diện hỗ trợ đối với các hoạt động kinh tế của mình và có trách nhiệm cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến các yêu cầu của tổ chức, cá nhân cho Cơ quan đại diện.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Quỹ hỗ trợ hoạt động phục vụ kinh tế
Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ hoạt động phục vụ kinh tế theo hướng huy động kinh phí hoạt động từ nhiều nguồn khác nhau, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Điều 14. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phục vụ kinh tế được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |