cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 102/2002/NĐ-CP ngày 11/12/2002 của Chính phủ Quy định chế độ trợ cấp với bệnh binh hoặc công nhân, viên chức nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động đồng thời là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 102/2002/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Ngày ban hành: 11-12-2002
  • Ngày có hiệu lực: 26-12-2002
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 102/2002/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2002

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 102/2002/NĐ-CP NGÀY 11 THÁNG 12 NĂM 2002 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI BỆNH BINH HOẶC CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NGHỈ VIỆC HƯỞNG CHẾ ĐỘ MẤT SỨC LAO ĐỘNG ĐỒNG THỜI LÀ THƯƠNG BINH, NGƯỜI HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHƯ THƯƠNG BINH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng ngày 29 tháng 8 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Đối tượng hưởng chế độ trợ cấp dưới đây là các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định của Chính phủ số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995.

Điều 2. Chế độ trợ cấp

1. Bệnh binh có thời gian phục vụ trong quân đội hoặc công an nhân dân từ 15 năm trở lên hoặc công nhân, viên chức nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động (gọi tắt là công nhân, viên chức mất sức lao động) có thời gian công tác thực tế từ 20 năm trở lên đồng thời là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (gọi chung là thương binh) thì được hưởng 2 khoản trợ cấp sau:

a) Trợ cấp thương tật hàng tháng đối với thương binh (trợ cấp thương binh).

b) Trợ cấp bệnh binh hoặc trợ cấp mất sức lao động.

2. Bệnh binh có thời gian phục vụ trong quân đội hoặc công an nhân dân dưới 15 năm hoặc công nhân, viên chức mất sức lao động có thời gian công tác thực tế dưới 20 năm đồng thời là thương binh được hưởng trợ cấp theo quy định sau:

a) Sau khi đã trừ đi tỷ lệ mất sức lao động do thương tật, có tỷ lệ mất sức lao động còn lại do ốm đau, bệnh tật thì ngoài trợ cấp thương binh sẽ được hưởng trợ cấp bệnh binh hoặc mất sức lao động theo quy định hiện hành.

b) Trường hợp không đủ điều kiện hưởng hoặc sau khi tính hưởng cả hai loại trợ cấp trên mà thấp hơn so với trợ cấp đang hưởng thì được tiếp tục hưởng trợ cấp bệnh binh hoặc trợ cấp mất sức lao động hiện hưởng.

3. Căn cứ để thực hiện chế độ quy định tại Điều này là hồ sơ gốc do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (đối với quân nhân, công an nhân dân hưởng trợ cấp bệnh binh) hoặc do cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý (đối với công nhân, viên chức hưởng trợ cấp mất sức lao động).

Điều 3.

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

2. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam căn cứ hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát hồ sơ, xác định đối tượng là công nhân viên chức mất sức lao động hưởng trợ cấp theo quy định của Nghị định này.

3. Bộ Tài chính bố trí kinh phí thực hiện trợ cấp đối với đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định này.

Điều 4. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy định của Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)