Nghị định số 24/2001/NĐ-CP ngày 30/05/2001 của Chính phủ Sửa đổi Quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và các khu vực hàng hải ở Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 13/CP năm 1994 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 24/2001/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 30-05-2001
- Ngày có hiệu lực: 14-06-2001
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-01-2004
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 936 ngày (2 năm 6 tháng 26 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 06-01-2004
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2001/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2001 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 24/2001/NĐ-CP NGÀY 30 THÁNG 5 NĂM 2001 VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI TẠI CẢNG BIỂN VÀ CÁC KHU VỰC HÀNG HẢI Ở VIỆT NAM BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 13/CP NGÀY 25 THÁNG 02 NĂM 1994 CỦA CHÍNH PHỦ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ Luật Hàng hải Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và các khu vực hàng hải ở Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 13/CP ngày 25 tháng 02 năm 1994 của Chính phủ như sau:
1. Điều 5 được sửa đổi như sau:
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định việc công bố mở, đóng cửa cảng biển và luồng tàu biển trên cơ sở đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam.
2. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
1. Cảng biển phải được đầu tư, xây dựng phù hợp với Quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam đã được phê duyệt.
2. Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài được phép đầu tư xây dựng cảng biển hoặc được phép kinh doanh, khai thác cảng biển tại Việt Nam đều có thể mở cảng biển, sau đây được gọi chung là Chủ đầu tư.
3. Thủ tục mở cảng biển thực hiện như sau:
a) Trước khi chuẩn bị đầu tư xây dựng cảng biển:
Chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam văn bản đề nghị mở cảng có kèm theo bản vẽ bình đồ mặt bằng bố trí cầu cảng, vùng nước trước cầu cảng và đoạn luồng tàu từ luồng tàu Quốc gia vào cảng. Nội dung văn bản nêu rõ về sự cần thiết đầu tư xây dựng cảng, địa điểm, quy mô và mục đích sử dụng của cảng.
Chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trên, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản trả lời cho Chủ đầu tư biết. Nếu không chấp thuận, Cục Hàng hải Việt Nam phải nêu rõ lý do trong văn bản trả lời.
b) Quá trình thực hiện đầu tư xây dựng cảng biển:
Chủ đầu tư phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng, đấu thầu và các văn bản pháp luật hiện hành khác có liên quan khi thực hiện đầu tư xây dựng cảng biển. Trước khi tiến hành xây dựng cảng biển, Chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam văn bản Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật.
Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm giám sát về an toàn hàng hải trong quá trình xây dựng công trình cảng.
c) Sau khi hoàn thành việc xây dựng cảng biển, để thực hiện việc công bố mở cảng biển đưa vào khai thác, sử dụng, Chủ đầu tư gửi cho Cục Hàng hải Việt Nam các giấy tờ sau:
- Văn bản xin công bố mở cảng biển;
- Quyết định đầu tư xây dựng cảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
- Biên bản nghiệm thu cuối cùng để đưa công trình cảng đã hoàn thành vào sử dụng có kèm theo bản vẽ hoàn công mặt bằng, mặt chính và mặt cắt ngang công trình cảng;
- Thông báo hàng hải, bình đồ độ sâu và báo cáo khảo sát mặt đáy vùng nước trước cầu cảng và đoạn luồng tàu từ luồng tàu quốc gia vào cảng;
- Văn bản chứng nhận công trình đạt tiêu chuẩn môi trường của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
- Văn bản chứng nhận công trình đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Chậm nhất 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các giấy tờ hợp lệ nói trên, Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định việc công bố mở cảng biển.
Trong trường hợp xét thấy cần phải kiểm tra lại thì Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành kiểm tra trước khi báo cáo Bộ Giao thông vận tải quyết định việc công bố mở cảng biển.
4. Các quy định nêu tại mục 3 khoản 2 Điều 1 của Nghị định này cũng được áp dụng đối với việc đầu tư xây dựng mới cầu cảng của cơ sở sửa chữa - đóng tàu biển, luồng tàu biển, khu neo đậu chuyển tải. Riêng đối với các công trình xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp thuộc phạm vi vùng nước cảng biển đã được công bố thì sau khi hoàn thành, Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết định việc cho phép tàu biển vào hoạt động, khi Chủ đầu tư đã có đủ các giấy tờ hợp lệ như quy định tại mục 3 khoản 2 Điều 1 của Nghị định này.
3. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
Đối với các công trình không thuộc các dự án mở cảng biển quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định này, nhưng công trình đó ảnh hưởng đến điều kiện an toàn hàng hải, thì Chủ đầu tư phải tiến hành các bước sau:
1. Trước khi chuẩn bị đầu tư:
Chủ đầu tư gửi cho Cục Hàng hải Việt Nam văn bản giải trình về công trình sẽ đầu tư xây dựng với nội dung cụ thể như: tên, địa điểm, vị trí, mục đích sử dụng, thông số kỹ thuật và các yêu cầu khác có liên quan đến hoạt động hàng hải tại khu vực của nơi xây dựng công trình đó.
Chậm nhất 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Chủ đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản trả lời. Trường hợp không chấp thuận, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản trả lời và ghi rõ lý do.
2. Trước khi đưa công trình vào sử dụng:
Chủ đầu tư phải thông báo rộng rãi ít nhất hai lần liên tiếp trên cá phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương những nội dung sau:
Tên, vị trí, đặc điểm, giới hạn vùng nước, các thông số kỹ thuật có liên quan như: chiều rộng khoang thông thuyền, chiều cao tĩnh không, các báo hiệu cảnh báo, thời gian thông thuyền và độ sâu công trình so với mực nước "0" Hải đồ, thời gian bắt đầu, kết thúc (nếu có) hoạt động của công trình và các yêu cầu cần hạn chế khác nhằm bảo đảm an toàn công trình.
4. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:
Tàu thuyền nước ngoài khi đến các cảng biển Việt Nam hoặc tàu thuyền của nước ngoài quá cảnh Việt Nam để đến nước thứ ba phải thực hiện theo quy định sau:
1. Đối với tàu biển vận chuyển hàng hoá, hành khách, tàu biển thực hiện hoạt động dầu khí, nghề cá chậm nhất 48 giờ trước khi dự kiến đến vị trí đón, trả hoa tiêu thì Chủ tàu hoặc Đại lý của Chủ tàu phải gửi cho Giám đốc Cảng vụ nơi tàu đến "Giấy xin phép tàu đến cảng biển". Nội dung giấy phép này được quy định tại mục 5 khoản 4 Điều 1 của Nghị định này. Căn cứ nội dung ghi trong Giấy xin phép tàu đến cảng, Giám đốc Cảng vụ xem xét cho phép tàu thuyền đó vào hoạt động tại cảng. Đối với tàu biển nước ngoài hoạt động định tuyến tại các cảng biển Việt Nam thì Chủ tàu hoặc Đại lý của Chủ tàu phải báo cho Giám đốc Cảng vụ biết chậm nhất là 24 giờ trước khi tàu đến vị trí đón, trả hoa tiêu.
2. Đối với tàu quân sự nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Nghị định số 55/CP ngày 01 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho phép tàu biển chạy bằng năng lượng nguyên tử của nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam, nhưng chậm nhất 48 giờ trước khi đến vị trí đón, trả hoa tiêu, Chủ tàu hoặc đại lý của Chủ tàu đó phải báo cho Giám đốc Cảng vụ nơi tàu đến.
4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc cho phép đối với tàu thuyền nước ngoài đến Việt Nam để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm, lai dắt, huấn luyện, thể thao, xây dựng công trình biển tại cảng biển hoặc tại khu vực hàng hải Việt Nam, nhưng chậm nhất 48 giờ trước khi đến vị trí đón, trả hoa tiêu, Chủ tàu hoặc đại lý của Chủ tàu đó phải báo cho Giám đốc Cảng vụ nơi tàu đến.
5. "Giấy xin phép tàu đến cảng biển" có các nội dung như sau:
- Tên tàu, loại tàu, quốc tịch, hô hiệu và nơi đăng ký của tàu;
- Tên và địa chỉ của Chủ tàu, người khai thác tàu (nếu có);
- Chiều dài, chiều rộng, chiều cao và mớn nước của tàu;
- Tổng dung tích, trọng tải toàn phần, khối lượng và loại hàng hoá chở trên tàu;
- Số lượng thuyền viên, hành khách và những người khác đi theo tàu;
- Mục đích, dự kiến thời gian đến cảng và thời gian dự kiến hoạt động tại Việt Nam;
- Tên và địa chỉ của đại diện Chủ tàu hoặc đại lý của Chủ tàu.
6. Để kịp thời giải quyết các thủ tục cho phép tàu vào cảng và chủ động kế hoạch khai thác của tàu và cảng, Chủ tàu có thể thông qua đại diện, đại lý của mình hoặc gửi trực tiếp cho Cảng vụ nơi tàu đến các giấy tờ liên quan đến tàu, hàng hoá, thuyền viên và hành khách; kể cả gửi qua phương tiện thông tin điện tử.
5. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:
Tàu thuyền nước ngoài được miễn thủ tục xin cấp phép tàu đến cảng biển trong những trường hợp và theo các quy định sau đây:
1. Đối với tàu thuyền mang cờ Quốc tịch nước ngoài mà nước đó đã ký Hiệp định hàng hải với Việt Nam, chậm nhất 48 giờ trước khi dự kiến đến vị trí đón, trả hoa tiêu phải báo cho Giám đốc Cảng vụ nơi tàu đến.
2. Thuyền trưởng bắt buộc phải đưa tàu thuyền neo đậu tạm thời tại vùng nước cảng và các vùng nước khác vì những lý do khẩn cấp như sau:
a) Xin cấp cứu cho thuyền viên, hành khách trên tàu;
b) Tránh bão;
c) Chuyển giao người, tài sản, tàu thuyền đã cứu được trên biển;
d) Khắc phục hậu quả sự cố, tai nạn hàng hải.
Trong những trường hợp nói trên, thuyền trưởng phải nhanh chóng tìm mọi cách liên lạc với Cảng vụ hoặc các nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam nơi gần nhất; đồng thời, có nghĩa vụ chứng minh về hành động của mình là thực sự cần thiết và hợp lý. Mọi hành vi lạm dụng quy định nói trên sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
6. Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:
Để tiến hành các thủ tục cho tàu vào cảng, thuyền trưởng phải chuẩn bị sẵn sàng các loại giấy tờ sau:
1. Các loại giấy tờ phải xuất trình:
a) Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển hoặc chứng thư quốc tịch của tàu biển;
b) Các giấy chứng nhận về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu do cơ quan có thẩm quyền cấp;
c) Giấy phép sử dụng đài tàu (nếu là tàu biển Việt Nam);
d) Giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế của thuyền viên và hành khách;
đ) Giấy chứng nhận diệt chuột hoặc miễn diệt chuột;
e) Lược khai hàng quá cảnh hoặc hàng tạm nhập để tái xuất; các giấy chứng nhận miễn dịch có liên quan đến loại hàng đó;
g) Hộ chiếu thuyền viên hoặc sổ thuyền viên (hoặc giấy tờ tương ứng khác) và hộ chiếu của hành khách;
h) Sổ danh bạ thuyền viên (nếu là tàu biển Việt Nam);
i) Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng, các sỹ quan và thuyền viên khác của tàu;
k) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của Chủ tàu, nếu là tàu chuyên dùng vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hoá nguy hiểm khác;
l) Giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép tàu thuyền nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại mục 2, mục 3, mục 4 khoản 4 Điều 1 của Nghị định này.
m) Tờ khai ngoại hối hoặc sổ hành lý của thuyền viên, nếu là tàu nước ngoài hoặc tàu biển Việt Nam đi từ nước ngoài về.
2. Các loại giấy tờ phải nộp:
a) Giấy phép rời cảng cuối cùng | 01 bản |
b) Các giấy chứng nhận miễn dịch | 01 bản |
c) Giấy chứng nhận miễn khử trùng hàng hoá | 01 bản |
d) Tờ khai tàu đến | 02 bản (theo mẫu) |
đ) Tờ khai sức khoẻ thuyền viên, hành khách | 02 bản (theo mẫu) |
e) Lược khai hành lý cá nhân | 01 bản (theo mẫu) |
g) Sơ đồ hàng hoá và lược khai hàng hoá | 05 bản (theo mẫu) |
h) Lược khai hàng hoá nguy hiểm | 05 bản (theo mẫu) |
i) Tờ khai về các kho dự trữ của tàu | 05 bản (theo mẫu) |
k) Tờ khai kiểm dịch động vật | 01 bản (theo mẫu) |
l) Danh sách thuyền viên | 05 bản (theo mẫu) |
m) Danh sách hành khách hoặc những người khác đi trên tàu | 05 bản (theo mẫu) |
n) Tờ khai tư trang thuyền viên | 01 bản |
o) Bảng khai các loại dụng cụ cấm được sử dụng tại cảng | 01 bản |
p) Đơn xin phép đi bờ của thuyền viên và hành khách (nếu là tàu nước ngoài) | 01 bản (theo mẫu) |
7. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:
Khi làm thủ tục rời cảng, thuyền trưởng phải chuẩn bị sẵn sàng các loại giấy tờ sau đây:
1. Các loại giấy tờ phải xuất trình:
a) Các chứng từ thanh toán hoặc các giấy tờ khác theo quy định hiện hành để chứng minh việc tàu đã thanh toán mọi khoản nợ có liên quan;
b) Các giấy chứng nhận về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có thay đổi so với khi tàu vào cảng);
c) Hộ chiếu thuyền viên hoặc sổ thuyền viên, hoặc giấy tờ tương ứng khác và hộ chiếu của hành khách;
d) Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng, các sĩ quan và thuyền viên khác của tàu (nếu có thay đổi so với khi tàu vào cảng);
đ) Sổ danh bạ thuyền viên (nếu là tàu thuyền Việt Nam).
2. Các loại giấy tờ phải nộp:
a) Các loại giấy phép do Cảng vụ hoặc các cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước tại cảng đã cấp cho tàu, thuyền viên, hành khách của tàu trong thời gian tàu lưu tại cảng (để thu hồi).
b) Tờ khai tàu đi 02 bản (theo mẫu)
c) Lược khai hàng hoá trên tàu 03 bản (theo mẫu)
d) Lược khai hành lý cá nhân 01 bản (theo mẫu)
đ) Tờ khai sức khoẻ thuyền viên, hành khách 01 bản (theo mẫu)
e) Danh sách thuyền viên, hành khách 05 bản (theo mẫu)
Chậm nhất 04 giờ trước khi tàu rời cảng, thuyền trưởng phải nộp cho Cảng vụ "Tờ khai tàu đi".
8. Điều 26 được sửa đổi, bổ sung như sau:
1. Các loại tàu thuyền nước ngoài không phân biệt lớn nhỏ và tàu biển Việt Nam có dung tích toàn phần từ 2.000 GT trở lên bắt buộc phải có hoa tiêu Việt Nam dẫn tàu khi vào, rời cảng, di chuyển trong vùng nước cảng hoặc các vùng hoa tiêu bắt buộc khác của Việt Nam và phải trả phí hoa tiêu theo quy định của pháp luật. Riêng tàu biển Việt Nam có dung tích toàn phần dưới 2.000 GT thì Thuyền trưởng tàu biển đó có thể yêu cầu hoa tiêu dẫn tàu.
2. Những thuyền trưởng Việt Nam nào đã có chứng chỉ hoa tiêu hàng hải Việt Nam phù hợp với loại tàu và vùng hoa tiêu mà tàu đang hoạt động, thì được phép tự dẫn tàu nhưng phải bảo đảm an toàn.
9. Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:
1. Trừ các trường hợp khẩn cấp phải xin hoa tiêu dẫn tàu để tránh các tai nạn, việc yêu cầu hoa tiêu phải được thông báo cho Công ty Hoa tiêu và Cảng vụ chậm nhất 06 giờ trước khi dự kiến đón hoa tiêu lên tàu.
2. Nếu sau khi xin hoa tiêu mà muốn thay đổi giờ đón hoa tiêu hoặc huỷ bỏ việc xin hoa tiêu, thì phải thông báo cho Công ty Hoa tiêu và Cảng vụ ít nhất 03 giờ trước khi dự kiến đón hoa tiêu lên tàu.
3. Hoa tiêu có trách nhiệm chờ đợi tại địa điểm đã được thoả thuận nhiều nhất là 04 giờ, kể từ giờ đã dự kiến đón hoa tiêu lên tàu, nếu quá thời hạn này thì việc xin hoa tiêu coi như bị huỷ bỏ và Chủ tàu phải trả tiền chờ đợi của hoa tiêu theo quy định hiện hành.
4. Chậm nhất là 01 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu xin hoa tiêu, Công ty Hoa tiêu phải xác báo lại cho Cảng vụ, thuyền trưởng tàu xin hoa tiêu hoặc đại lý của Chủ tàu về địa điểm và thời gian dự kiến hoa tiêu sẽ lên tàu. Nếu hoa tiêu lên tàu chậm so với thời gian và sai địa điểm đã xác báo mà buộc tàu phải chờ đợi hoặc di chuyển đến địa điểm khác thì Công ty Hoa tiêu đó phải trả tiền chờ đợi cho tàu theo quy định hiện hành.
10. Điều 30 được sửa đổi, bổ sung như sau:
Khi thực hiện các hoạt động trong vùng nước cảng biển và khu vực hàng hải khác, các thuyền trưởng phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định sau đây:
1. Chấp hành đầy đủ các lệnh điều động tàu của Giám đốc Cảng vụ và luôn duy trì liên lạc với Cảng vụ trên kênh liên lạc đã được thông báo.
2. Chủ động để tránh va chạm với các tàu thuyền hoặc công trình, thiết bị khác.
3. Tại khu vực có liên quan, chấp hành đầy đủ các quy định về tốc độ qua luồng tàu, dấu hiệu cảnh báo, chế độ cảnh giới và các quy định khác. Phải chủ động di chuyển với một tốc độ an toàn hợp lý khi đi qua các khu vực đang có hoạt động ngầm dưới nước, hoạt động nạo vét luồng lạch, thả phao tiêu, trục vớt cứu hộ, hoạt động nghề cá, hoặc khi đi qua các tàu thuyền khác đang neo đậu, làm ma-nơ ở khu vực đó.
4. Ngoài các giờ quy định, không đi qua dưới các đường dây điện cao thế, trong luồng hẹp hoặc các khu vực có hạn chế khác.
5. Máy neo và các thiết bị tương tự khác phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng để có thể thực hiện nhanh chóng các mệnh lệnh của thuyền trưởng.
6. Cấm không được rê neo, kéo neo ngầm dưới nước khi hoạt động trong luồng, kênh đào, trừ trường hợp khẩn cấp bắt buộc để hạn chế trớn của tàu và tránh tai nạn có thể xảy ra.
7. Tàu biển Việt Nam và tàu nước ngoài có chiều dài từ 70 m trở lên khi điều động cập, rời cầu cảng và phao buộc tàu hay quay trở, di chuyển vị trí neo đậu trong phạm vi vùng nước trước cầu cảng đều bắt buộc phải sử dụng tàu lai hỗ trợ. Căn cứ điều kiện thực tế về an toàn hàng hải tại khu vực, Cục Hàng hải Việt Nam quy định cụ thể về số lượng và công suất tàu lai để hỗ trợ các tàu biển nói trên khi hoạt động tại cảng. Thuyền trưởng của các tàu biển có chiều dài dưới 70 m, khi hoạt động tại cảng nếu thấy cần thiết cũng có thể yêu cầu tàu lai hỗ trợ.
11. Các Điều 57, 58, 59 và Điều 60 được bãi bỏ theo quy định tại Nghị định số 92/1999/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
12. Điều 61 được sửa đổi như sau:
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn thực hiện Quy chế này.
Điều 2. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |