Nghị định số 84/1999/NĐ-CP ngày 28/08/1999 của Chính phủ Về việc tổ chức lại Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính
- Số hiệu văn bản: 84/1999/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 28-08-1999
- Ngày có hiệu lực: 01-10-1999
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 9185 ngày (25 năm 2 tháng 0 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84/1999/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 1999 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 84/1999/NĐ-CP NGÀY 28 THÁNG 8 NĂM 1999 VỀ TỔ CHỨC LẠI TỔNG CỤC QUẢN LÝ VỐN VÀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP TRỰC THUỘC BỘ TÀI CHÍNH
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Nay tổ chức lại hệ thống tổ chức Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp như sau:
1. Ở Trung ương:
Thành lập Cục Tài chính doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính trên cơ sở tổ chức và biên chế của cơ quan Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
Cục Tài chính doanh nghiệp có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thống nhất quản lý Nhà nước về tài chính doanh nghiệp trong cả nước và thực hiện những nhiệm vụ chính sau đây:
a) Quản lý vốn và tài sản thuộc sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập hoặc góp vốn.
b) Tổng hợp phân tích tình hình tài chính và quản lý vốn thuộc sở hữu Nhà nước tại các loại hình doanh nghiệp trong cả nước.
2. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Thành lập Chi cục Tài chính doanh nghiệp hoặc Phòng Tài chính doanh nghiệp trực thuộc Sở Tài chính - Vật giá trên cơ sở tổ chức lại Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
Những tỉnh sau đây được thành lập Chi cục trực thuộc Sở Tài chính - Vật giá:
1. Thành phố Hà Nội
2. Thành phố Hồ Chí Minh
3. Thành phố Hải Phòng
4. Thành phố Đà Nẵng
5. Tỉnh Quảng Ninh
6. Tỉnh Đồng Nai
7. Tỉnh Bình Dương
8. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
9. Tỉnh Hải Dương
10. Tỉnh Thanh Hóa.
Tại Bộ Quốc phòng: Đổi tên Chi cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp quốc phòng thành Chi cục Tài chính doanh nghiệp trực thuộc Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng) để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Bộ Tài chính đối với các doanh nghiệp quốc phòng.
Nhiệm vụ của Chi cục hoặc phòng Tài chính doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định sau khi thống nhất với Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.
Điều 2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Cục Tài chính doanh nghiệp sau khi thỏa thuận với Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc bàn giao nhiệm vụ, biên chế, kinh phí, tài sản của các Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp cho ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 4. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1999. Bãi bỏ Nghị định 34/CP ngày 27 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp; điểm B.4 của Điều 3 Nghị định 178/CP ngày 28 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính và những quy định tại các văn bản khác trái với Nghị định này.
Điều 5. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |