cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 03/1999/NĐ-CP ngày 28/01/1999 của Chính phủ Về việc quản lý hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính

  • Số hiệu văn bản: 03/1999/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Ngày ban hành: 28-01-1999
  • Ngày có hiệu lực: 13-02-1999
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 9415 ngày (25 năm 9 tháng 20 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 1 năm 1999

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 03/1999/NĐ-CP NGÀY 28 THÁNG 01 NĂM 1999 VỀ QUẢN LÝ HỢP TÁC VỚI NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng9 năm 1992;
Để tăng cường quản lý Nhà nước nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vị áp dụng

Nghị định này quy định về quản lý nhà nước đối với các hoạt động hợp tác với nước ngoài của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội (sau đây gọi tắt là "cơ quan, tổ chức Việt Nam") với các Chính phủ, tổ chức liên Chính phủ, các tổ chức quốc tế (sau đây gọi tắt là "Bên nước ngoài") trong lĩnh vực cải cách hành chính theo các hình thức quy định tại Điều 3 của Nghị định này.

Điều 2. Nguyên tắc hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính

1. Việc hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính phải được tiến hành trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia, tuân thủ Hiến pháp và Pháp luật của Nhà nước Việt Nam;

2. Nội dung hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính phải căn cứ vào đường lối của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chương trình cải cách hành chính của Nhà nước được xác định trong từng giai đoạn cụ thể;

3. Các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Hình thức hợp tác với nước ngoài trong tính vực cải cách hành chính:

Hình thức hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính quy định tại Nghị định này bao gồm:

1. Chương trình, dự án, kế hoạch hợp tác với nước ngoài về cải cách hành chính có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) (sau đây gọi tắt là chương trình, dự án);

2. Các hoạt động hợp tác với nước ngoài về cải cách hành chính không thuộc các chương trình, dự án quy định tại khoản 1 của Điều này (sau đây gọi tắt là hoạt động hợp tác) bao gồm:

a) Trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực cải cách hành chính;

b) Bồi dưỡng cán bộ, công chức về kiến thức quản lý và chuyên môn nghiệp vụ hành chính;

c) Tổ chức tham gia hội nghị, hội thảo, toạ đàm về cải cách hành chính ở trong nước và nước ngoài;

d) Đoàn của Việt Nam ra nước ngoài, đoàn nước ngoài vào Việt Nam làm việc về cải cách hành chính.

Chương 2:

QUẢN LÝ NHÀ NƯƠC VỀ HỢP TÁC VỚI NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Điều 4. Quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính

Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước vè hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cảI cách hành chính, bao gồm:

1. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính;

2. Quyết định chủ trương, phương pháp hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính;

3. Phê duyệt các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính;

4. Kiểm tra, thanh tra quá trình thực hiện, đánh giá hiệu quả xư lý vi phạm đối với việc hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính;.

Điều 5. Thẩm quyền của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ:

Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ giúp Chính phủ quản lý thống nhất các hoạt động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính, có các nhiệm vụ quyền hạn sau đây:

1. Làm đầu mồi mối về các hoạt động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính;

2. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính trình cơ quan nhà nước có thầm quyền ban hành;

3. Xây dựng và trình Chính phủ chủ trương, phương hướng và kế hoạch hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính trong từng thời kỳ căn cứ vào hướng ưu tiên sử dung vốn ODA của Bên nước ngoài và của Chính phủ;

4. Chỉ đạo các Cơ quan, Tổ chức Việt Nam xây dựng các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính có sử dụng nguồn ODA, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng hợp vào canh mục các chương trình, dự án ưu tiên sử dụng vốn ODA hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

5. Cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vận động tài trợ cho các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính có sử dụng nguồn ODA;

6. Cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan thẩm định nội dung chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính có sử dung nguồn ODA thuộc danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phe duyệt;

7. Cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan điều phối các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính có sử dụng nguồn ODA; chịu trách nhiệm điều phối hoạt động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính;

8. Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện chương trình, dự án, hoạt động hợp tác; đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án, hoạt động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính;

9. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính và tổng hợp các báo cáo kết thúc chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính theo quy định.

Điều 6. Thẩm quyền của cac Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính theo quy định của Chính phủ về Quản lý sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức Việt nam thực hiện hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính

1. Xây dựng đề cương chương trình, dự án và kế hoạch hoạt động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính trình duyệt theo quy định;

2. Quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án và kế hoạch hoạt động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt;

3. Báo cáo định kỳ 6 tháng và hành năm về tình hình thực hiện chương trình, dự án và kế hoạch hoạt động hợp tác theo quy định của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và các cơ quan liên quan quy định tại Điều 6 của Nghị định này.

Chương 3:

XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT, THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN VÀ QUYẾT ĐỊNH CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC VỚI NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Điều 8. Xây dựng, thẩm định, phê duyệt, thực hiện chương trình, dự án hợp tác

Việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện chương trình dự án, kế hoạch hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này được thực hiện theo các quy định của Chính phủ về Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, cụ thể là:

1. Căn cứ vào sự chỉ đạo hướng dẫn của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Cơ quan, Tổ chức Việt Nam xây dựng đề cương chương trình, dự án gửi Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để tổng hợp danh mục các chương trình, dự án hợp tác ưu tiên trong từng thời kỳ, trình duyệt theo quy định;

2. Trên cơ sở danh mục các chương trình, dự hợp tác đã được phê duyệt và được bên nước ngoài cam kết tài trợ, Cơ quan, Tổ chức Việt Nam hàon thiện hồ sơ chương trình, dự án gửi Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ xem xét trước khi thẩm định chính thức và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;

3. Sau khi chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan, tổ chức Việt Nam tiến hành ký kết văn kiện chương trình, dự án theo các quy định của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế;

4. Cơ quan, tổ chức Việt Nam thành lập ban quản lý chương trình, dự án để tổ chức thực hiện chương trình, dự án theo đúng mục tiêu, đối tượng, tiến độ và cam kết ghi ttrong văn kiện chương trình, dự án đã dược ký kết.

Điều 9. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn các chương trình dự án hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính

Việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn các chương trình dự án hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính của Cơ quan, Tổ chức Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn Hỗ tợ phát triển chính thức (ODA), kèm theo ý kiến bằng văn bản của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Điều 10. Quản lý, thực hiện hoạt động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính

Các hoạt động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính quy định tại khoản 2 Điều 3 của nghị định này thực hiện theo quy định của Chính phủ về tổ chức và quản lý các hội nghị, hội thảo tại nước ta và quy định của Chính phủ về Thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh. Đối với hoạt động thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan, tổ chức thực hiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kèm theo ý kiến bằng văn bản của Ban Tổ chức- Cán bộ chính phủ.

Điều 11. Đình chỉ, huỷ bỏ, xử lý vi phạm đối với chương trình, dự án hoạt động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính

Chương trình, dự án, hoạt động hợp tác nếu vi phạm các quy định tại Nghị định này, tuỳ theo mức độ vi phạm, sẽ có thể bị dình chỉ hoặc huỷ bỏ.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đình chỉ, huỷ bỏ chương trình, dự án hợp tác về cải cách hành chính tại Cơ quan, Tổ chức Việt Nam theo đề gnhị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi có ý kiến bằng văn bản của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Nghị định này, tuỳ theo mức độ vi phạm, bị xử lý theo quy định của Pháp luật.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Nghị địn này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, Ban Tổ chức - Cán Bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 13. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)