cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-01-2018, Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ Ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định 120/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật thi hành tạm giữ, tạm giam”. Xem thêm Lược đồ.

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 89/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 1998

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 89/1998/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 11 NĂM 1998 BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TẠM GIỮ, TẠM GIAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ Luật Tố tụng hình sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Nghị định này "Quy chế về tạm giữ, tạm giam".

Điều 2. Nghị định này thay thế Nghị định số 149/HĐBT ngày 05 tháng 5 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng, có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với các cơ quan hữu quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

Điều 4. Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Y tế và Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

QUY CHẾ
VỀ TẠM GIỮ, TẠM GIAM
(Ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tạm giữ, tạm giam là những biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự do Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Toà án áp dụng nhằm buộc những người có Lệnh tạm giữ hoặc Lệnh tạm giao cách ly khỏi xã hội trong một thời gian nhất định để ngăn chặn hành vi phạm tội, hành vi gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc đảm bảo thi hành án phạt tù hoặc án tử hình.

Điều 2.

1. Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang và đối với họ đã có Lệnh tạm giữ.

2. Người bị tạm giam là bị can, bị cáo, người bị kết án tù hoặc tử hình bị bắt để tạm giam và đối với họ đã có Lệnh tạm giam.

Điều 3.

1. Nhà tạm giữ là nơi tạm giữ những người quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này và những người bị bắt theo Lệnh truy nã (gọi chung là người bị tạm giữ, tạm giam). Trong Nhà tạm giữ còn có một số buồng để tạm giam bị can, bị cáo thuộc quyền điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cấp huyện.

Nhà tạm giữ của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là công an cấp huyện) là nơi giam, giữ những đối tượng thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân cấp huyện. Nhà tạm giữ ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương là nơi giam, giữ đối tượng thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Toà án trong Quân đội nhân dân.

2. Buồng tạm giữ ở Đồn biên phòng là nơi tạm giữ những người trong diện quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này do chỉ huy Đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới ra Lệnh tạm giữ và những người bị bắt theo Lệnh truy nã.

Điều 4. Trại tạm giam là nơi giam, giữ những người thuộc diện quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này, những người bị kết án tù hoặc tử hình đang chờ thi hành án. Trong Trại tạm giam có một số buồng để tạm giữ người được quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này và những người bị bắt theo Lệnh truy nã.

Trại tạm giam thuộc Bộ Công an và Trại tạm giam ở Công an cấp tỉnh giam, giữ những đối tượng thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân và Toàn án nhân dân. Trại tạm giam quân sự giam, giữ những đối tượng thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Toà án trong Quân đội nhân dân.

Điều 5. Nhà tạm giữ, Trại tạm giam chỉ tiếp nhận giam, giữ những người đã có Lệnh tạm giữ, Lệnh tạm giam hoặc Lệnh truy nã. Người bị tạm giữ và người bị tạm giam không được giam, giữ chung trong cùng một buồng. Việc tạm giữ, tạm giam phải theo đúng quy định của pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm của những người bị tạm giữ, tạm giam.

Chương 2:

TỔ CHỨC NHÀ TẠM GIỮ, TRẠI TẠM GIAM

MỤC A: TỔ CHỨC NHÀ TẠM GIỮ

Điều 6.

1. Mỗi Công an cấp huyện; mỗi Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương được tổ chức một Nhà tạm giữ. Nhà tạm giữ có một số buồng tạm giam và phải treo biển "Buồng tạm giam". Đồn biên phòng ở biên giới, hải đảo xa trung tâm hành chính cấp huyện thì được lập Buồng tạm giữ. Buồng tạm giữ ở Đồn biên phòng phải treo biển "Buồng tạm giữ".

Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc thành lập, giải thể, quy định quy mô tạm giam, tạm giữ, nội quy của Nhà tạm giữ ở Công an cấp huyện. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định việc thành lập, giải thể, quy định quy mô tạm giam, tạm giữ, nội quy của Nhà tạm giữ ở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương và Buồng tạm giữ ở Đồn biên phòng.

2. Nhà tạm giữ có Trưởng Nhà tạm giữ, Phó trưởng Nhà tạm giữ, cán bộ làm công tác quản lý, y tế và chiến sĩ vũ trang canh gác bảo vệ. Đối với Nhà tạm giữ thường xuyên có từ 50 người bị tạm giữ, tạm giam trở lên được bố trí thêm cán bộ làm công tác hồ sơ, trinh sát, tổng hợp, hậu cần...

Việc bổ nhiệm, phân công, bố trí công tác, biên chế cụ thể ở Nhà tạm giữ do Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ điều kiện từng địa phương quy định.

3. Buồng tạm giữ ở Đồn biên phòng do Đồn trưởng Đồn biên phòng trực tiếp quản lý. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đồn trưởng Đồn biên phòng trong việc quản lý tạm giữ được thực hiện như quy định đối với Trưởng Nhà tạm giữ. Chế độ đối với người bị tạm giữ và chế độ quản lý tạm giữ của Buồng tạm giữ ở Đồn biên phòng được thực hiện theo các quy định tại Quy chế này.

Những Đồn biên phòng không có Buồng tạm giữ khi cần tạm giữ người có dấu hiệu phạm tội theo thẩm quyền được pháp luật quy định thì Chỉ huy Đồn biên phòng phải cử người dẫn giải họ đến Nhà tạm giữ, Trại tạm giam gần nhất để tạm giữ theo quy định. Bộ Công an và Bộ Quốc phòng phối hợp hướng dẫn thực hiện quy định này.

Điều 7.

1. Trưởng Nhà tạm giữ có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Điều hành và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Nhà tạm giữ do mình quản lý theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện việc giam, giữ, trả tự do cho người bị tạm giữ, tạm giam, khi có Lệnh hoặc Quyết định của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;

c) Tổ chức, tạo điều kiện cho người đang bị tạm giữ, tạm giam thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật;

d) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án có người bị tạm giữ, tạm giam biết việc hết thời hạn tạm giữ trước 1 ngày, việc hết thời hạn tạm giam lần thứ nhất trước 5 ngày, việc hết thời hạn tạm giam lần thứ hai trước 10 ngày và yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án đến nhận hoặc giải quyết các trường hợp hết thời hạn tạm giữ, tạm giam. Trường hợp cơ quan đang thụ lý vụ án không giải quyết các trường hợp hết hạn tạm giữ, tạm giam thì kiến nghị ngay lên cấp trên có thẩm quyền của cơ quan đó giải quyết.

đ) Giao người bị tạm giữ, tạm giam theo Lệnh trích xuất của người có thẩm quyền;

e) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phạt tù;

g) Báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền đối với các trường hợp xét thấy quyết định giam, giữ, trả tự do là trái pháp luật;

h) Tiến hành các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

2. Phó trưởng Nhà tạm giữ có trách nhiệm giúp Trưởng Nhà tạm giữ theo sự phân công của Trưởng Nhà tạm giữ.

Điều 8. Trưởng Nhà tạm giữ, Phó trưởng Nhà tạm giữ, cán bộ làm công tác quản giáo, y tế, hồ sơ, tổng hợp, trinh sát, hậu cần và chiến sĩ vũ trang canh gác bảo vệ phải có phẩm chất chính trị tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, đã được đào tạo về chuyên môn và hiểu biết pháp luật.

Điều 9. Nhà tạm giữ, Buồng tạm giữ ở Đồn biên phòng được thiết kế, xây dựng kiên cố, có khoá cửa, đủ ánh sáng, bảo đảm sức khoẻ của người bị tạm giam, giữ, vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy, chữa cháy, phù hợp với đặc điểm khí hậu của từng địa phương và yêu cầu an toàn của công tác quản lý giam, giữ. Tiêu chuẩn cụ thể của Nhà tạm giữ, Buồng tạm giữ ở Đồn biên phòng do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định.

MỤC B: TỔ CHỨC TRẠI TẠM GIAM

Điều 10.

1. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, mỗi Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Công an cấp tỉnh), Quân khu, Quân đoàn và cấp tương đương trong Quân đội nhân dân được tổ chức một hoặc hai Trại tạm giam. Trại tạm giam có buồng riêng để giam người có án tử hình và có một số buồng để tạm giữ những người có Lệnh tạm giữ, người đã có quyết định thi hành án phạt tù đang chờ chuyển đi Trại giam. Những buồng giam, giữ này phải được treo biển "Buồng tạm giữ", "Buồng giam người có án tử hình", "Buồng giam người chờ chuyển đi Trại giam".

Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập, giải thể, quy định quy mô giam giữ, nội quy của Trại tạm giam thuộc Bộ Công an và Trại tạm giam ở Công an cấp tỉnh. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, giải thể, quy định quy mô giam giữ, nội quy của Trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng và Trại tạm giam ở Quân khu, Quân đoàn và cấp tương đương trong Quân đội nhân dân.

2. Trại tạm giam có Giám thị, Phó giám thị, Quản giáo, nhân viên, kỹ thuật viên, Sĩ quan, Hạ sĩ quan, chiến sĩ vũ trang canh gác bảo vệ. Việc bổ nhiệm, phân công công tác, biên chế cụ thể do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Điều 11.

1. Giám thị Trại tạm giam có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Điều hành và chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của Trại tạm giam theo đúng quy định của pháp luật;

b) Thực hiện việc giam, giữ, trả tự do cho người bị tạm giam, tạm giữ khi có Lệnh hoặc Quyết định của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;

c) Tổ chức cho người đang bị giam, giữ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật; chuyển kiến nghị, kháng cáo đối với bản án xét xử sơ thẩm, phúc thẩm của người bị tạm giam tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn luật định;

d) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án có người bị tạm giữ, tạm giam, biết việc hết thời hạn tạm giữ trước 1 ngày, việc hết thời hạn tạm giam lần thứ nhất trước 5 ngày, việc hết thời hạn tạm giam lần thứ hai trước 10 ngày và yêu cầu cơ quan thụ lý vụ án đến nhận hoặc giải quyết các trường hợp hết thời hạn tạm giam, tạm giữ. Trường hợp cơ quan đang thụ lý vụ án không giải quyết các trường hợp hết hạn tạm giam, tạm giữ thì kiến nghị ngay lên cấp trên có thẩm quyền của cơ quan đó giải quyết;

đ) Giao người bị tạm giữ, tạm giam theo Lệnh trích xuất của người có thẩm quyền;

e) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan phục vụ tốt yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phạt tù hoặc tử hình;

g) Báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền đối với các trường hợp xét thấy quyết định giam, giữ, trả tự do là trái pháp luật;

h) Tiến hành các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

2. Phó Giám thị Trại tạm giam có trách nhiệm giúp Giám thị Trại tạm giam theo sự phân công của Giám thị Trại tạm giam.

Điều 12. Giám thị, Phó giám thị, Quản giáo, nhân viên, kỹ thuật viên, Sĩ quan, Hạ sĩ quan, chiến sĩ vũ trang canh gác bảo vệ Trại tạm giam phải có phẩm chất chính trị tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, hiểu biết pháp luật và có nghiệp vụ chuyên ngành.

Giám thị, Phó giám thị Trại tạm giam phải là người đã tốt nghiệp Đại học Cảnh sát, Đại học An ninh, Đại học Luật hoặc tương đương trở lên và có kinh nghiệm về công tác quản lý tạm giam, tạm giữ.

Quản giáo và chỉ huy lực lượng bảo vệ Trại tạm giam phải là người đã tốt nghiệp Trung học Cảnh sát, Trung học An ninh hoặc tương đương trở lên và được đào tạo về nghiệp vụ chuyên ngành.

Sĩ quan, Hạ sĩ quan, chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ Trại tạm giam phải được đào tạo về nghiệp vụ bảo vệ chuyên ngành.

Điều 13. Trại tạm giam được thiết kế, xây dựng kiên cố, có đủ ánh sáng bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khoẻ cho người bị tạm giam, tạm giữ, an toàn phòng cháy, chữa cháy, phù hợp với đặc điểm khí hậu của từng địa phương và yêu cầu an toàn của công tác quản lý giam, giữ. Tiêu chuẩn cụ thể của Trại tạm giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Điều 14. Trại tạm giam được tổ chức bệnh xá để khám và chữa bệnh cho người đang bị giam, giữ. Trại tạm giam thuộc Công an thành phố Hà Nội và Công an thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức bệnh viện để khám, chữa bệnh cho người đang bị giam, giữ ở các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ theo quy định của Bộ Công an và Bộ Y tế.

Chương 3:

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TẠM GIỮ, TẠM GIAM

Điều 15.

1. Việc giam, giữ bố trí theo khu vực và phân loại như sau:

Phụ nữ;

Người chưa thành niên;

Người nước ngoài;

Người có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;

Loại côn đồ hung hãn, giết người, cướp tài sản, tái phạm nguy hiểm;

Người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia;

Người bị Toà án tuyên phạt tử hình;

Người có án phạt tù chờ chuyển đi Trại giam.

2. Không được giam, giữ chung buồng những người trong cùng một vụ án đang điều tra, truy tố, xét xử. Việc giam, giữ riêng từng người do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam có thể được giam, giữ ở buồng riêng trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.

3. Mỗi Trại tạm giam có một cơ sở chấp hành hình phạt tù (gọi là Phân trại quản lý phạm nhân) để thường xuyên phục vụ việc nấu ăn, đưa cơm, vận chuyển đồ tiếp tế, làm vệ sinh, sửa chữa, xây dựng Trại tạm giam và phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ giam, giữ. Việc thi hành án phạt tù ở Phân trại quản lý phạm nhân phải thực hiện theo Pháp lệnh thi hành án phạt tù và Quy chế Trại giam. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, giải thể, quy định quy mô, tiêu chuẩn phạm nhân của Phân trại quản lý phạm nhân trong Trại tạm giam.

Điều 16. Khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam thì Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam phải thực hiện các việc sau:

Xem xét Lệnh tạm giữ, Lệnh tạm giam, Lệnh truy nã và các tài liệu, thủ tục cần thiết khác để bảo đảm giam giữ đúng người, đúng pháp luật;

Lập biên bản giao nhận hồ sơ và giao nhận người bị tạm giữ, tạm giam, đồng thời xác định tình trạng sức khoẻ của họ;

Lập danh chỉ bản, chụp ảnh và vào sổ theo dõi danh sách người bị tạm giữ, tạm giam;

- Phổ biến nội quy Nhà tạm giữ, Trại tạm giam cho người bị tạm giữ, tạm giam, kiểm tra thân thể và đồ vật mang theo của họ trước khi đưa họ vào buồng giam, giữ. Việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, tạm giam là nam giới do cán bộ nam thực hiện, là nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và được tiến hành ở phòng kín.

Điều 17. Người bị tạm giữ, tạm giam chỉ được đưa vào buồng giam, giữ những đồ dùng cần thiết cho cá nhân theo quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Tiền và các tài sản khác của họ mang theo phải gửi lưu ký tại nơi quy định của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam hoặc uỷ quyền cho thân nhân họ quản lý. Những vật không thể bảo quản được trong thời hạn giam, giữ và những vật thuộc danh mục cấm mang vào buồng giam, giữ nếu phải huỷ bỏ thì Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam phải ra quyết định huỷ bỏ bằng văn bản. Khi huỷ bỏ phải có sự chứng kiến của người bị tạm giữ, tạm giam và phải lập biên bản về việc huỷ bỏ. Nếu họ được trả tự do hoặc chuyển nơi giam, giữ khác thì phải trả lại tiền hoặc các tài sản khác đã gửi lưu ký. Trường hợp Nhà tạm giữ, Trại tạm giam làm hư hỏng hoặc mất mát tiền hoặc tài sản gửi lưu ký của người bị tạm giữ, tạm giam thì phải bồi thường cho họ.

Điều 18.

1. Nhà tạm giữ, Trại tạm giam phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam bố trí cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ 24/24 giờ trong ngày để quản lý, tuần tra, canh gác, kiểm tra từng buồng giam, giữ và toàn bộ khu vực giam, giữ, giải quyết kịp thời các việc đột xuất xảy ra.

2. Người bị tạm giữ, tạm giam đều phải ở trong buồng giam, giữ. Chỉ khi có lệnh của Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam mới được cho họ ra khỏi buồng giam, giữ để thực hiện Lệnh trích xuất hay để thay đổi không khí, tắm giặt, khám, chữa bệnh, làm vệ sinh buồng giam, giữ. Không được sử dụng người bị tạm giữ, tạm giam làm các việc trái quy định của pháp luật.

Điều 19.

1. Việc quay phim, chụp ảnh, ghi hình, ghi âm, phỏng vấn tại khu vực Nhà tạm giữ, Trại tạm giam phải tuân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Cán bộ, chiến sĩ công tác ở Nhà tạm giữ, Trại tạm giam không có nhiệm vụ và mọi người khác, nếu không được phép của Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam thì không được vào khu vực buồng giam, giữ, không được tiếp xúc với người bị tạm giữ, tạm giam. Trường hợp được phép vào khu vực buồng giam, giữ và tiếp xúc với người bị tạm giữ, tạm giam thì phải có cán bộ hướng dẫn và phải tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ đó. Nhà tạm giữ, Trại tạm giam phải lập sổ theo dõi về những trường hợp vào khu vực buồng giam, giữ và tiếp xúc với người bị tạm giữ, tạm giam.

3. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện những quy định đối với công tác kiểm sát giam, giữ.

Điều 20.

1. Việc trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam chỉ được thực hiện khi có Lệnh trích xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền được quy định trong pháp luật Tố tụng hình sự. Trường hợp cần cấp cứu, khám và chữa bệnh ngay cho người bị tạm giữ, tạm giam, tại cơ sở y tế ở ngoài Nhà tạm giữ, Trại tạm giam thì trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam có quyền ra lệnh trích xuất, sau đó phải thông báo ngay cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết.

2. Lệnh trích xuất phải ghi rõ:

Cơ quan, họ và tên, chức vụ, cấp bậc người ra lệnh;

Họ và tên, tuổi, địa chỉ, hành vi vi phạm pháp luật, ngày bị tạm giữ, tạm giam của người được trích xuất;

Mục đích và thời hạn trích xuất;

Cán bộ nhận người được trích xuất.

Người ra lệnh trích xuất phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên, đóng dấu vào Lệnh trích xuất.

3. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam phải lập sổ theo dõi việc trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam.\

Điều 21. Việc trích xuất được thực hiện một trong những trường hợp sau:

a) Cho người bị tạm giữ, tạm giam đi khám, chữa bệnh, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần ở Bệnh viện ngoài Nhà tạm giữ, Trại tạm giam;

b) Chuyển người bị tạm giữ, tạm giam đến nơi giam, giữ khác;

c) Để thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử;

d) Đưa người bị kết án tù đi thi hành án phạt tù hoặc đưa người bị kết án tử hình đi thi hành án;

đ) Cho người bị tạm giữ, tạm giam gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác;

e) Cho người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, hoặc theo sự thoả thuận trực tiếp của Nhà nước Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam hoặc với tổ chức nhân đạo về từng trường hợp cụ thể.

Điều 22.

1. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam yêu cầu cán bộ thực hiện Lệnh trích xuất giao đầy đủ các văn bản hợp pháp theo các trường hợp nêu tại Điều 21 để xem xét, kiểm tra nhằm bảo đảm trích xuất đúng người và lập thủ tục giao nhận người được trích xuất, có ghi rõ tình trạng sức khoẻ của người đó.

2. Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam quyết định thời gian gặp nhưng không quá một giờ mỗi lần gặp. Nhà tạm giữ, Trại tạm giam phải bố trí buồng thăm gặp trong khu vực quản lý của mình để người bị tạm giữ, tạm giam gặp thân nhân trong trường hợp họ được phép. Luật sư hoặc người bào chữa khác được gặp người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tại buồng làm việc của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.

Người bị tạm giữ, tạm giam và thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác của người bị tạm giữ, tạm giam phải tuân thủ nội quy gặp gỡ. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam tổ chức phổ biến nội quy gặp gỡ và cử cán bộ, chiến sĩ giám sát, đề phòng người bị tạm giữ, tạm giam bỏ trốn hoặc giao, nhận những vật bị cấm mang ra, mang vào Nhà tạm giữ, Trại tạm giam. Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác thực hiện theo quy định này.

Việc người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với tổ chức nhân đạo được thực hiện theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo sự thoả thuận trực tiếp về từng trường hợp cụ thể giữa Nhà nước Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam hoặc với tổ chức nhân đạo. Trong các trường hợp tiếp xúc này cần có cán bộ, chiến sĩ Nhà tạm giữ, Trại tạm giam giám sát và có thể có đại diện của cơ quan Ngoại giao Việt Nam hoặc đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng tham dự.

Điều 23. Trại tạm giam phải tổ chức khu vực để giam những người có án tử hình. Trong trường hợp cần thiết, người có án tử hình có thể bị cùm chân 24h/24h. Giám thị Trại tạm giam được áp dụng các biện pháp kỹ thuật và nghiệp vụ cần thiết để ngăn ngừa người có án tử hình bỏ trốn, tự sát hoặc có các hành vi nguy hiểm khác.

Điều 24.

1. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ công tác quản lý giam, giữ, vị trí, đặc điểm địa bàn để tổ chức các phương án bảo vệ an toàn Nhà tạm giữ, Trại tạm giam và tổ chức phòng bệnh, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường theo quy định. Khi có dịch bệnh xảy ra phải thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để phối hợp dập tắt dịch bệnh.

2. Bộ Y tế và Bộ Công an tổ chức, hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện việc khám, chữa bệnh trong trường hợp dịch bệnh, ngộ độc hàng loạt... tại các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ và tổ chức các phòng điều trị riêng để tiếp nhận bệnh nhân là người bị tạm giam, tạm giữ tại các bệnh việc hoặc cơ sở y tế khác. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam bố trí cán bộ, chiến sĩ quản lý chặt chẽ người bị tạm giữ, tạm giam trong thời gian điều trị ở cơ sở y tế ở ngoài Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.

Điều 25.

1. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam chết tại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam thì Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông báo ngay cho Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát biết để tiến hành xác định nguyên nhân chết. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam phải chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và thông báo cho thân nhân người chết biết. Trường hợp người chết là người nước ngoài thì việc thông báo cho cơ quan lãnh sự và thân nhân của họ do cơ quan đang thụ lý vụ án thực hiện.

Khi Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát thống nhất cho phép chôn cất thì Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam làm thủ tục khai tử với chính quyền cơ sở và tổ chức chôn cất. Trường hợp thân nhân người chết làm đơn đề nghị và có xác nhận của chính quyền địa phương thì có thể bàn giao thi hài đó cho họ. Việc chôn cất phải đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế và của chính quyền địa phương. Đối với người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam chết thì giải quyết theo quy định tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo sự thoả thuận trực tiếp về từng trường hợp cụ thể giữa Nhà nước Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết. Trường hợp người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam chết nhưng hiện chưa có Điều ước quốc tế tương ứng, hoặc giữa Nhà nước Việt Nam và nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết không thoả thuận thống nhất được về giải quyết từng trường hợp cụ thể, hoặc không xác định được quốc tịch của người chết thì giải quyết thủ tục như đối với người Việt Nam bị tạm giữ, tạm giam chết.

2. Kinh phí chi cho việc chôn cất do ngân sách Nhà nước cấp, bao gồm: một quan tài bằng gỗ thường, một bộ quần áo mới và 4m vải liệm, rượu hoặc cồn để làm vệ sinh khi liệm xác, hương, nến và một khoản tiền bằng 100 kg gạo tẻ loại trung bình (theo thời giá thị trường tại địa phương) để chi phí cho việc tổ chức chôn cất.

Chương 4:

CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, TẠM GIAM

Điều 26.

1. Tiêu chuẩn ăn trong một tháng của một người bị tạm giữ, tạm giam được tính theo định lượng là 15 kg gạo, 0,3 kg thịt và 0,5 kg cá, 0,8 kg muối, 1/2 lít nước chấm, 15 kg rau xanh và 15 kg chất đốt. Trong các ngày lễ, Tết dương lịch (theo quy định của Nhà nước) được ăn thêm gấp 3 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường; trong các ngày Tết nguyên đán được ăn thêm gấp 5 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Các tiêu chuẩn nêu trên được tính theo thời giá thị trường ở từng địa phương. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam có thể hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với thực tế và khẩu vị của người bị tạm giữ, tạm giam để bảo đảm họ ăn hết tiêu chuẩn.

Một tháng không quá hai lần người bị tạm giữ, tạm giam được nhận quà và đồ dùng sinh hoạt của thân nhân gửi đến theo quy định; lượng quà không được vượt quá 2 lần tiêu chuẩn ăn hàng ngày. Nghiêm cấm người bị tạm giữ, tạm giam dùng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích độc hại khác. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam tổ chức tiếp nhận; kiểm tra chặt chẽ đồ tiếp tế, loại bỏ các vật bị cấm và giao lại đầy đủ cho người bị tạm giữ, tạm giam, kiểm tra phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt đồ tiếp tế đó. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể những thứ mà thân nhân người bị tạm giữ, tạm giam được phép tiếp tế và quy định việc tổ chức bán các thứ cần thiết trong các Trại tạm giam. Việc sử dụng đồ tiếp tế được quy định cụ thể trong nội quy Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.

2. Bình quân diện tích tối thiểu nơi giam, giữ đối với người bị tạm giữ, tạm giam là 2m2/1 người, có bệ nằm bằng xi măng hoặc gạch men và có chiếu trải để nằm.

3. Trong thời gian bị giam, giữ, người bị tạm giữ, tạm giam được sử dụng quần áo, chăn, chiếu, màn của cá nhân, nếu thiếu thì Nhà tạm giữ, Trại tạm giam cho mượn theo tiêu chuẩn mỗi người gồm: 1 chiếu, 1 màn (loại cá nhân), 1 chăn (đối với các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam từ thành phố Đà Nẵng trở vào dùng chăn sợi, từ Huế trở ra dùng chăn trần bông loại 2 kg), 1 đôi dép và 2 bộ quần áo dài theo mẫu thống nhất do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Hàng tháng người bị tạm giữ, tạm giam được cấp 0,2 kg xà phòng giặt, 2 tháng được cấp 1 khăn rửa mặt. Người bị tạm giữ, tạm giam là nữ được cấp thêm một số tiền (tương đương 2 kg gạo tính theo thời giá thị trường ở từng địa phương) để mua những đồ dùng cần thiết cho vệ sinh phụ nữ.

Cán bộ trực tiếp quản lý giam, giữ có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu người bị tạm giữ, tạm giam giữ gìn và bảo đảm vệ sinh những thứ cho mượn, tổ chức thu hồi và bảo quản chu đáo khi người bị tạm giữ, tạm giam ra khỏi Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.

Điều 27. Nhà tạm giữ, Trại tạm giam được tổ chức một bếp ăn, có đủ dụng cụ cần thiết. Nhà tạm giữ, Trại tạm giam phải quản lý chặt chẽ các tài sản đó nhằm đảm bảo an toàn, tiết kiệm. Việc tổ chức phục vụ ăn, uống đủ tiêu chuẩn định lượng và đảm bảo vệ sinh theo quy định thống nhất của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Điều 28. Người bị tạm giữ, tạm giam bị ốm đau, bệnh tật, thương tích được cán bộ y tế của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam khám và điều trị.

Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam bị ốm đau, bệnh tật, thương tích nặng vượt quá khả năng khám và điều trị của cán bộ y tế Nhà tạm giữ, Trại tạm giam thì Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam thông báo với cơ quan đang thụ lý vụ án, đồng thời làm các thủ tục chuyển họ đến cơ sở y tế ở ngoài để điều trị và tổ chức canh giữ họ. Chi phí khám và chữa bệnh do Nhà tạm giữ, Trại tạm giam thanh toán với cơ sở y tế đó.

Đối với người bị tạm giữ, tạm giam nghi bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam phải yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án trưng cần giám định pháp y tâm thần. Khi có quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với Nhà tạm giữ, Trại tạm giam đưa người bị tạm giữ, tạm giam đến cơ sở chữa bệnh nêu trong Quyết định.

Điều 29. Nhà tạm giữ, Trại tạm giam được trang bị hệ thống truyền thanh. Trung bình 20 người bị tạm giữ, tạm giam được cấp một số báo Nhân dân hoặc báo địa phương. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam tổ chức cho người bị tạm giữ, tạm giam nghe Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh hoặc truyền thanh địa phương, đọc báo Nhân dân hoặc báo địa phương. Nếu có điều kiện thì tổ chức cho họ xem một số chương trình truyền hình Trung ương và địa phương.

Người nước ngoài bị giam, giữ tại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam được nhận sách, báo bằng tiếng nước họ mang quốc tịch khi được cơ quan thụ lý vụ án cho phép.

Điều 30. Người bị tạm giữ, tạm giam chỉ được gửi và nhận thư khi được cơ quan đạng thụ lý vụ án cho phép. Thư phải để mở và qua sự kiểm tra của Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam.

Điều 31.

1. Người bị tạm giữ, tạm giam có quyền khiếu nại, tố cáo việc tạm giữ, tạm giam trái pháp luật hoặc các hành vi trái với Quy chế về tạm giữ, tạm giam.

2. Việc khiếu nại, tố cáo có thể bằng đơn, thư hoặc bằng miệng với cán bộ Quản giáo, Trưởng hay Phó trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị hay Phó giám thị Trại tạm giam hoặc với người tiến hành tố tụng giải quyết vụ án đó hoặc với cấp trên của Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam. Cán bộ tiếp nhận lời khiếu nại, tố cáo miệng phải lập thành văn bản. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam muốn khiếu nại, tố cáo bằng đơn, thư thì Trưởng hay Phó trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị hay Phó giám thị Trại tạm giam hoặc người tiến hành tố tụng giải quyết vụ án đó phải bố trí địa điểm, giấy bút để người bị tạm giữ, tạm giam viết. Người bị tạm giữ, tạm giam còn có quyền khiếu nại, tố cáo với Viện Kiểm sát. Đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi cơ quan cấp trên trực tiếp của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam hoặc người tiến hành tố tụng hoặc Viện Kiểm sát phải được chuyển giao trong vòng 24 giờ. Người bị tạm giữ, tạm giam phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo; nếu lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Khi nhận được đơn, thư hoặc lời khiếu nại, tố cáo của người bị tạm giữ, tạm giam thì cá nhân hoặc cơ quan có trách nhiệm giải quyết phải tiến hành xác minh làm rõ sự việc và trả lời cho người khiếu nại, tố cáo chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn, thư hoặc lời khiếu nại, tố cáo đó.

Điều 32.

1. Người bị tạm giữ, tạm giam đã hoàn cung chờ xét xử, chấp hành tốt nội quy Nhà tạm giữ, Trại tạm giam có thể được xét tăng gấp đôi số lần gặp gỡ thân nhân và tăng gấp đôi số lần được gửi và nhận thư, nhận quà.

2. Người bị tạm giữ có hành vi vi phạm nội quy của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý bằng một trong các hình thức sau:

Cảnh cáo;

Phạt cùm chân. Thời gian phạt cùm chân do Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam quyết định nhưng không quá một tuần.

3. Người bị tạm giam có hành vi vi phạm nội quy của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật sau:

Cảnh cáo;

Phạt giam riêng ở buồng kỷ luật từ 3 đến 12 ngày. Người bị phạt giam ở buồng kỷ luật có thể bị cùm chân. Thời gian bị cùm chân do Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam quyết định, nhưng không quá 10 ngày.

4. Người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm nội quy nhiều lần thì có thể bị hạn chế gặp thân nhân, gửi và nhận thư, nhận quà; đang trong thời gian bị kỷ luật không được gửi và nhận thư, nhận quà, không được gặp thân nhân cho đến khi họ chấp hành tốt nội quy Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.

5. Việc thi hành kỷ luật đối với người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm nội quy do Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam quyết định bằng văn bản. Quyết định phải ghi rõ lý do và hình thức kỷ luật. Biên bản về việc vi phạm và quyết định hình thức kỷ luật được đưa vào hồ sơ của người đó.

Điều 33.

1. Người bị kết án tử hình được hưởng các tiêu chuẩn về ăn, uống, khám, chữa bệnh, gửi, nhận thư, thăm gặp, nhận quà, khiếu nại, tố cáo như những người bị tạm giữ, tạm giam, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Trại tạm giam có trách nhiệm trả lại ngay tiền, tài sản gửi lưu ký, đồ dùng cá nhân (nếu có) của người đã bị thi hành án tử hình cho thân nhân hoặc cho người được uỷ thác của người đó.

Điều 34. Chế độ tạm giữ, tạm giam đối với người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam được áp dụng theo Quy chế này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 35. Kinh phí phục vụ cho việc quản lý, cải tạo, sửa chữa, xây dựng Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, mua sắm các phương tiện phục vụ giam giữ và chi phí ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam, chi phí cho việc tổ chức chôn cất người bị tạm giữ, tạm giam chết do ngân sách Nhà nước cấp theo dự trù hàng năm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp hướng dẫn thực hiện quy định này.

Điều 36.

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cấp đất, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và quản lý Nhà tạm giữ, Trại tạm giam tại địa phương mình và chỉ đạo chính quyền sở tại tổ chức phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.

2. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định cơ quan chuyên ngành quản lý hệ thống Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.