cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/07/1998 của Chính phủ Quy định các hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp, cụ thể hoá tiêu chuẩn khen thưởng huân chương lao động

  • Số hiệu văn bản: 56/1998/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Ngày ban hành: 30-07-1998
  • Ngày có hiệu lực: 14-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 9655 ngày (26 năm 5 tháng 15 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 56/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 1998

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 56/1998/NĐ-CP NGÀY 30 THÁNG 7 NĂM 1998 QUY ĐỊNH CÁC HÌNH THỨC, ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG CỦA CHÍNH PHỦ, CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ, UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP; CỤ THỂ HOÁ TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG.

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Sắc lệnh số 65.b, ngày 01 tháng 5 năm 1950 của Chủ tịch nước đặt Huân chương Lao động
Để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, biểu dương kịp thời chính xác thành tích của các cá nhân, tập thể đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Viện trưởng Viện Thi đua khen thưởng Nhà nước.

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định các hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp; cụ thể hoá tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương lao động đối với các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Các hình thức khen thưởng Huân chương khác, khen thưởng Huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước được thực hiện theo các quy định hiện hành.

Điều 2. Công dân Việt Nan, các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, người nước ngoài, cơ quan tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đều được Chính phủ Việt Nam khen thưởng hoặc đề nghị Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khen thưởng.

Điều 3. Việc khen thưởng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

1. Bình xét công khai, chính xác, kịp thời;

2. Căn cứ vào mức độ và phạm vi ảnh hưởng của thành tích để xét khen thưởng;

3. Mỗi hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng;

4. Chú trọng khen thưởng đối với cá nhân, đơn vị cơ sở, tập thể nhỏ trong các đơn vị cơ sở; cá nhân, tập thể hoạt động trên các lĩnh vực trọng yếu của đất nước;

5. Kết hợp khen tinh thần với thưởng vật chất.

Điều 4. Hình thức khen thưởng cụ thể đối với cá nhân và tập thể do người có thẩm quyền quyết định.

Điều 5. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp duy trì nhân rộng phong trào thi đua trong phạm vi địa bàn mình quản lý và chủ động phát hiện, lựa chọn các cá nhân, tập thể có thành tích xứng đáng để khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

Chương 2:

CÁC HÌNH THỨC, ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG

Điều 6. Các hình thức khen thưởng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp gồm:

1. Danh hiệu thi đua;

2. Cờ thi đua;

3. Giấy khen; 4. Bằng khen.

Điều 7. Hình thức khen thưởng danh hiệu thi đua các cá nhân gồm:

1. Đối với các ngành kinh tế, cơ quan hành chính, sự nghiệp:

a. Lao động giỏi;

b. Chiến sĩ thi đua cơ sở;

c. Chiến sĩ thi đua tỉnh, thành phố, chiến sĩ thi đua Bộ, ngành

Trung ương;

d. Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

2. Đối với lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân:

a. Chiến sĩ giỏi;

b. Chiến sĩ thi đua cơ sở;

c. Chiến sĩ thi đua tỉnh, thành phố, chiến sĩ thi đua Bộ, ngành

Trung ương;

d. Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Điều 8. Hình thức khen thưởng danh hiệu thi đua các tập thể gồm:

1. Đối với ngành kinh tế, cơ quan hành chính, sự nghiệp:

a. Tập thể lao động giỏi:

b. Tập thể lao động xuất sắc.

2. Đối với lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân:

a. Đơn vị giỏi;

b. Đơn vị quyết thắng.

Điều 9. Hình thức khen thưởng danh hiệu thi đua đối với hộ gia đình là Hộ gia đình kiểu mẫu.

Điều 10. Tiêu chuẩn cụ thể đối với hình thức khen thưởng các danh hiệu thi đua theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này bao gồm:

1. Lao động giỏi, Chiến sĩ giỏi:

Cá nhân được khen thưởng danh hiệu Lao động giỏi, Chiến sĩ giỏi phải đạt được các tiêu chuẩn sau:

a. Giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao, đạt năng suất, chất lượng tốt;

b. Chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước; có tinh thần tự lực cánh sinh; đoàn kết, tương trợ; tích cực tham gia các phong trào thi đua;

c. Tích cực học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật, nghiệp vụ.

Danh hiệu lao động giỏi, chiến sĩ giỏi mỗi năm xét khen thưởng một lần và do Thủ trưởng cấp cơ sở quyết định.

Cá nhân được khen thưởng lao động giỏi, chiến sĩ giỏi được cấp giấy chứng nhận kèm theo khoản tiền theo chế độ quy định.

2. Chiến sĩ thi đua cơ sở:

Cá nhân được khen thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở phải đạt được các tiêu chuẩn sau đây:

a. Hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao; đạt năng suất chất lượng hiệu quả kinh tế, hiệu suất công tác, huấn luyện, chiến đấu cao; tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và áp dụng kỹ thuật mới;

b. Gương mẫu chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; có tinh thần tự lực cánh sinh; nêu cao tinh thần đoàn kết tương trợ; tích cực tham gia các phong trào thi đua;

c. Tích cực học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật, nghiệp vụ.

Danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở mỗi năm xét khen thưởng một lần và do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định.

Cá nhân được khen thưởng chiến sĩ thi đua cơ sở được cấp giấy chứng nhận kèm theo một khoản tiền theo chế độ quy định.

3. Chiến sĩ thi đua tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiến sĩ thi đua Bộ, ngành Trung ương:

Cá nhân được khen thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiến sĩ thi đua Bộ, ngành Trung ương là những người tiêu biểu, xuất sắc nhất trong số chiến sĩ thi đua cơ sở và từ 3 năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở, hoặc tuy chưa đủ 3 năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở thì thành tích phải là tấm gương sáng của tỉnh, thành phố hoặc ngành.

Danh hiệu chiến sĩ thi đua tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiến sĩ thi đua Bộ, ngành Trung ương, 5 năm xét 2 lần vào năm thứ ba và năm thứ năm của kế hoạch 5 năm và do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định.

Cá nhân được khen thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chiến sĩ thi đua Bộ, ngành Trung ương được cấp giấy chứng nhận được thưởng Huy hiệu chiến sĩ thi đua tỉnh, thành phố, Huy hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ngành và được một khoản tiền theo chế độ quy định.

4. Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Cá nhân được khen thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc phải là những người tiêu biểu xuất sắc nhất trong số chiến sĩ thi đua tỉnh, thành phố, chiến sĩ thi đua Bộ, ngành Trung ương và 2 lần liền là chiến sĩ thi đua tỉnh, thành phố hoặc chiến sĩ thi đua ngành Trung ương.

Danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc 5 năm xét khen thưởng một lần vào năm cuối của kế hoạch 5 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cá nhân được khen thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc được cấp giấy chứng nhận được thưởng Huy hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc và được một khoản tiền theo chế độ quy định.

Điều 11. Tiêu chuẩn cụ thể đối với hình thức khen thưởng các danh hiệu theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này bao gồm:

1. Tập thể lao động giỏi, đơn vị giỏi:

Tập thể nhỏ trong đơn vị cơ sở được khen thưởng danh hiệu Tập thể lao động giỏi, đơn vị giỏi phải đạt được các tiêu chuẩn sau đây:

a. Hoàn thành nhiệm vụ và kế hoạch được giao, tổ chức phong trào thi đua nền nếp và có hiệu quả thiết thực;

b. Có 30% cá nhân trong đơn vị được khen thưởng danh hiệu lao động giỏi hoặc chiến sĩ giỏi và không có người bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;

c. Chấp hành tốt đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh.

Danh hiệu tập thể lao động giỏi, đơn vị giỏi mỗi năm xét khen thưởng một lần và do Thủ trưởng cấp cơ sở quyết định.

Tập thể khen thưởng lao động giỏi, đơn vị giỏi được cấp giấy chứng nhận kèm theo một khoản tiền theo chế độ quy định.

2. Tập thể lao động xuất sắc, đơn vị quyết thắng:

Tập thể nhỏ trong đơn vị cơ sở được khen thưởng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, đơn vị quyết thắng phải đạt được các tiêu chuẩn sau đây:

a. Sáng tạo vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước;

Có phong trào thi đua nền nếp, thiết thực được đơn vị bạn suy tôn học tập.

b. Có ít nhất 50% cá nhân được khen thưởng danh hiệu Lao động giỏi, hoặc chiến sĩ giỏi; có cá nhân được khen thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và không có người bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên;

c. Gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành đường lối, chủ trương chính sách của Đảng; pháp luật Nhà nước; tập thể đoàn kết trong sạch, vững mạnh.

Danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, đơn vị quyết thắng mỗi năm xét khen thưởng một lần và do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định.

Tập thể lao động xuất sắc, đơn vị quyết thắng được cấp giấy chứng nhận kèm theo một khoản tiền theo chế độ quy định.

Điều 12. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước quy định hình thức, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua khen thưởng đối với cá nhân, tập thể sinh viên, học sinh các trường trong cả nước.

Điều 13. Tiêu chuẩn cụ thể đối với danh hiệu Hộ gia đình kiểu mẫu:

Hộ gia đình được khen thưởng danh hiệu Hộ gia đình kiểu mẫu ở xã, phường, thị trấn phải đạt được các tiêu chuẩn sau đây:

1. Là hộ gia đình tổ chức lao động sản xuất, kinh doanh và công tác học tập đạt năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế, hiệu suất công tác cao;

2. Gia đình hoà thuận, hạnh phúc;

3. Gương mẫu chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng; pháp luật Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào của địa phương.

Danh hiệu Hộ gia đình kiểu mẫu mỗi năm xét khen thưởng một lần và do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định.

Hộ gia đình kiểu mẫu được cấp giấy chứng nhận kèm theo một khoản tiền theo chế độ quy định.

Điều 14. Hình thức khen thưởng cờ thi đua bao gồm:

1. Cờ thi đua của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cờ thi đua của Bộ, ngành Trung ương;

2. Cờ thi đua của Chính phủ.

Điều 15. Đối tượng, tiêu chuẩn cụ thể đối với hình thức khen thưởng cờ thi đua theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này bao gồm:

1. Cờ thi đua của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Các Hợp tác xã thuộc các ngành nghề; đơn vị cơ sở thuộc các ngành do tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý; xã, huyện và cấp tương đương; Sở, Ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được khen thưởng cờ thi đua của tỉnh, thành phố phải đạt được các tiêu chuẩn sau đây:

a. Hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao trong năm, thuộc loại tiêu biểu xuất sắc của tỉnh, thành phố;

b. Đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, hiệu suất công tác cao;

c. Có nhân tố mới, mô hình mới để đơn vị khác trong địa phương học tập, thực hành tiết kiệm tốt, chống tham nhũng, chống buôn lậu và các tệ nạn xã hội có hiệu quả thiết thực.

Cờ thi đua của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mỗi năm xét khen thưởng một lần và do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.

Các đơn vị được khen thưởng cờ thi đua của tỉnh, thành phố được thưởng cờ kèm theo một khoản tiền theo chế độ quy định.

2. Cờ thi đua của Bộ, ngành Trung ương:

Các đơn vị cơ sở trực thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý, các Sở, Ban, ngành trực thuộc tỉnh, thành phố được khen thưởng cờ thi đua của Bộ, ngành Trung ương phải đạt được các tiêu chuẩn sau đây:

a. Hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao trong năm, thuộc loại tiêu biểu xuất sắc của Bộ, ngành;

b. Đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, hiệu suất công tác cao;

c. Có nhân tố mới, mô hình mới để các đơn vị khác trong Bộ, ngành học tập; thực hành tiết kiệm tốt; chống tham nhũng, chống buôn lậu và các tệ nạn xã hội có hiệu quả thiết thực.

Cờ thi đua của Bộ, ngành Trung ương mỗi năm xét khen thưởng một lần và do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định.

Các đơn vị được khen thưởng cờ thi đua của Bộ, ngành Trung ương được thưởng cờ kèm theo một khoản tiền theo chế độ quy định.

3. Cờ thi đua của Chính phủ:

Hợp tác xã thuộc các ngành nghề; xã, huyện và cấp tương đương; đơn vị trực thuộc các Bộ, ngành đoàn thể Trung ương; Sở, Ban, Ngành, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được khen thưởng cờ thi đua của Chính phủ phải đạt được các tiêu chuẩn sau đây:

a. Dẫn đầu các hợp tác xã thuộc các ngành nghề; dẫn đầu các xã; dẫn đầu các huyện; dẫn đầu các Sở, Ban, Ngành; dẫn đầu các tổ chức chính trị - xã hội; dẫn đầu các đơn vị cơ sở trong cùng ngành kinh tế - kỹ thuật thuộc các Bộ, ngành Trung ương quản lý trong việc hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao trong năm;

b. Dẫn đầu về năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế, hiệu suất công tác;

c. Có nhân tố mới, mô hình mới tiêu biểu cho cả nước học tập; đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu và các tệ nạn xã hội có hiệu quả thiết thực.

Cờ thi đua của Chính phủ mỗi năm xét khen thưởng một lần và do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Các đơn vị được khen thưởng cờ thi đua của Chính phủ được thưởng cờ kèm theo một khoản tiền theo chế độ quy định.

Điều 16. Hình thức khen thưởng Giấy khen, Bằng khen của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp gồm có:

Giấy khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Giấy khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã.

Giấy khen của Giám đốc Sở, Ban, ngành và cấp tương đương trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.

Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bằng khen của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 17. Tiêu chuẩn cụ thể đối với các hình thức khen thưởng theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này bao gồm:

1. Giấy khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã; Giám đốc sở và cấp tương đương là hình thức khen thưởng đối với cá nhân, tập thể được tiến hành thường xuyên khi kết thúc một cuộc vận động, hoàn thành một hạng mục công trình, hoặc khen thưởng thành tích đột xuất, gương người tốt việc tốt có tác dụng nêu gương trong phạm vi đơn vị cơ sở xã, huyện và Sở, Ban, ngành của tỉnh.

Giấy khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã do Chủ tịch cấp xã, Giấy khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Giấy khen của Giám đốc Sở do Giám đốc Sở quyết định.

Các đối tượng được khen thưởng giấy khen của các cấp được khen thưởng giấy khen kèm theo khung và một khoản tiền thưởng theo chế độ quy định.

2. Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ mỗi năm xét khen một lần hoặc khi kết thúc một cuộc vận động, hoàn thành một hạng mục hoặc hoàn thành cả công trình; thành tích đột xuất, gương người tốt việc tốt có tác dụng ảnh hưởng trong phạm vi một tỉnh, Bộ, ngành.

Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, tành phố trực thuộc Trung ương, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định.

Các cá nhân, tập thể người Việt Nam được khen thưởng Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc chính phủ được khen thưởng bằng khen kèm theo khung bằng và một khoản tiền theo chế độ quy định.

Các cá nhân, tập thể người nước ngoài, tổ chức quốc tế có thành tích đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội của địa phương, của Bộ, ngành được khen thưởng Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kèm theo khung bằng khen.

3. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ:

Các cá nhân, tập thể được khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ phải đạt được các tiêu chuẩn sau đây:

a. Các cá nhân, tập thể có thành tích đột xuất, xuất sắc tiêu biểu của Bộ, ngành, tỉnh, thành phố hàng năm;

b. Các cá nhân, tập thể đã được tỉnh, thành phố, Bộ, ngành Trung ương khen thưởng Bằng khen tỉnh, Bằng khen Bộ sau đó ba năm liên tục lập được thành tích mới xuất sắc hơn; hoặc các cá nhân được khen thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở từ 5 năm trở lên;

c. Tập thể được khen thưởng danh hiệu Lao động xuất sắc hoặc đơn vị Quyết thắng hoặc Hộ gia đình kiểu mẫu từ 3 lần trở lên.

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Các cá nhân, tập thể được khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ được thưởng Bằng khen, kèm theo khung bằng và một khoản tiền theo chế độ quy định.

Điều 18. Tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương lao động các hạng được quy định như sau:

1. Khen thưởng Huân chương lao động hạng ba đối với cá nhân là chiến sĩ thi đua cơ sở từ 10 lần trở lên, hoặc chiến sĩ thi đua tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiến sĩ thi đua ngành từ 3 lần trở lên, hoặc những người tiêu biểu trong số những người là chiến sĩ thi đua toàn quốc, các tập thể xuất sắc tiêu biểu tỉnh, thành phố, xuất sắc tiêu biểu Bộ, ngành từ 5 năm trở lên.

2. Khen thưởng Huân chương lao động hạng nhì đối với cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong số những người là chiến sĩ thi đua toàn quốc 2 lần và các tập thể xuất sắc, tiêu biểu khu vực từ 3 năm trở lên.

3. Khen thưởng Huân chương lao động hạng nhất đối với cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong số những người là chiến sĩ thi thua toàn quốc 3 lần và các tập thể xuất sắc tiêu biểu toàn quốc 4 năm trở lên.

Điều 19. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và các hợp tác xã thuộc các ngành nghề được khen thưởng Huân chương lao động các hạng phải căn cứ vào các tiêu chuẩn sau đây:

1. Tốc độ tăng trưởng bình quân của doanh thu (đối với loại hoạt động kinh doanh). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của giá trị tổng sản lượng, sản phẩm chủ yếu hoặc khối lượng công tác dịch vụ (đối với loại hoạt động công ích).

2. Năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước (đối với loại hoạt động kinh doanh). Năng suất, chất lượng sản xuất, chất lượng dịch vụ cao (đối với loại hoạt động công ích).

3. Bảo vệ môi trường tốt, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động.

Việc xét khen thưởng Huân chương lao động các hạng: hạng ba, hạng nhì, hạng nhất phải căn cứ vào các khoản 1, 2 và 3 Điều 18 của Nghị định này.

Điều 20. Những người hoạt động trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật, an ninh - quốc phòng, ngoại giao được cấp có thẩm quyền đánh giá là xuất sắc; thành tích có giá trị đối với tỉnh, thành phố, Bộ, ngành, khu vực hoặc có giá trị toàn quốc sẽ được khen thưởng Huân chương lao động các hạng như quy định trong các khoản 1, 2 và 3 Điều 18 Nghị định này.

Điều 21. Cá nhân, tập thể người nước ngoài, tổ chức quốc tế có thành tích xuất sắc giúp Việt Nam phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội và bảo vệ Tổ quốc sẽ được khen thưởng Huân chương lao động các hạng hoặc Huy chương, Huân chương Hữu nghị.

Điều 22. Huân chương Lao động và Huy chương, Huân chương Hữu nghị do Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định.

Cá nhân, tập thể được khen thưởng Huân chương lao động các hạng được khen thưởng bằng Huân chương, kèm theo Huân chương, khung bằng khen và một khoản tiền theo chế độ quy định.

Các cá nhân, tập thể người nước ngoài, tổ chức quốc tế được khen thưởng Huân chương Lao động các hạng hoặc được khen thưởng Huy chương, Huân chương Hữu nghị được khen thưởng bằng, Huân chương hoặc bằng Huy chương kèm theo Huân chương, hoặc Huy chương và khung bằng khen.

Chương 3:

THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG

Điều 23. Việc khen thưởng các hình thức từ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên, đối với các tập thể, cá nhân thuộc các Bộ, ngành Trung ương (kể cả các đơn vị thuộc các doanh nghiệp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập) và khen thưởng các Sở, Ban, ngành, Giám đốc các Sở, Ban ngành thuộc tỉnh do Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương xét trình với sự hiệp y của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các trường hợp khen các Sở, Giám đốc các Sở và các đơn vị cơ sở, Thủ trưởng các đơn vị cơ sở trực thuộc Bộ về việc chấp hành nghĩa vụ nộp ngân sách, quản lý lao động, chăm lo đời sống người lao động và thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trên lãnh thổ.

Việc khen thưởng các hình thức từ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên đối với các cá nhân, tập thể thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý do tỉnh, thành phố xét trình.

Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước thoả thuận với các Bộ, ngành Trung ương có liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền khen thưởng.

Điều 24. Việc xét khen thưởng thành tích đột xuất phải xét khen kịp thời; hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ phải đơn giản gồm công văn đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kèm theo bản trích ngang thành tích.

Điều 25. Việc xét khen thưởng các trường hợp khen thường xuyên khác phải qua so sánh, lựa chọn thành tích; các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành Trung ương phải thẩm tra tổng hợp thành tích; hàng năm trình khen và công bố khen thưởng vào các đợt:

1. Đợt ngày 1 tháng 5

2. Đợt ngày 2 tháng 9.

3. Đợt ngày 27 tháng 7 (đối với thành tích Lao động - thương binh và Xã hội).

4. Đợt ngày 20 tháng 11 (nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam).

Hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét khen 4 đợt trên gồm có:

a. Văn bản đề nghị xét khen thưởng của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành, đoàn thể Trung ương.

b. Bản thành tích của cá nhân hoặc đơn vị được đề nghị khen thưởng có ý kiến xác nhận của Thủ trưởng cấp trên trực tiếp;

c. ý kiến của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về các trường hợp khen thưởng quy định tại Điều 23 của Nghị định này.

Chương 4:

CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG VÀ QUỸ KHEN THƯỞNG

Điều 26. Cá nhân, tập thể được khen thưởng ngoài việc được khen thưởng các hình thức: Giấy khen, Bằng khen, Cờ, Huy hiệu chiến sĩ thi đua, Huy chương, Huân chương còn được kèm theo khung bằng và một khoản tiền thưởng với nguyên tắc mức khen thưởng cao hơn phải được thưởng tiền cao hơn mức khen thưởng thấp và việc thưởng tiền kèm theo chỉ áp dụng đối với các hình thức khen thưởng cho cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm, khen thưởng thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Các hình thức khen thưởng theo niên hạn khác không thưởng tiền kèm theo.

Trong cùng một mức khen thưởng việc thưởng tiền kèm theo đối với các tập thể phải cao hơn mức thưởng đối với cá nhân.

Điều 27. Mức thưởng tiền kèm theo các hình thức khen thưởng đối với cá nhân dựa trên cơ sở mức lương tháng tối thiểu và được quy định cụ thể như sau:

Lao động giỏi, chiến sĩ giỏi thưởng tiền không quá một phần hai tháng lương.

Chiến sĩ thi đua cơ sở thưởng tiền không quá một tháng lương.

Chiến sĩ thi đua tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ngành ở Trung ương thưởng tiền không quá hai tháng lương.

Chiến sĩ thi đua toàn quốc thưởng tiền không quá ba tháng lương.

Giấy khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, huyện, Giám đốc Sở và cấp tương đương thưởng tiền không quá một phần hai tháng lương.

Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thưởng tiền không quá một tháng lương.

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thưởng tiền không quá hai tháng lương.

Huân chương lao động hạng ba, Huân chương chiến công hạng ba thưởng tiền không quá bốn tháng lương.

Huân chương lao động hạng nhì, Huân chương chiến công hạng nhì thưởng tiền không quá tám tháng lương.

Huân chương lao động hạng nhất, Huân chương chiến công hạng nhất thưởng tiền không quá 10 tháng lương.

Huân chương độc lập và Huân chương Quân công các hạng thưởng tiền không quá 15 tháng lương.

Huân chương Hồ Chí Minh thưởng tiền không quá 30 tháng lương.

Huân chương sao vàng thưởng tiền không quá 45 tháng lương.

Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thưởng tiền không quá 15 tháng lương.

Điều 28. Mức thưởng tiền kèm theo các hình thức khen thưởng đối với các tập thể quy định như sau:

1. Tập thể lao động xuất sắc, Đơn vị Quyết thắng và Hộ gia đình kiểu mẫu thưởng tiền không quá ba tháng lương.

2. Cờ thi đua của tỉnh, thành phố; cờ thi đua của Bộ, ngành Trung ương thưởng tiền không quá 15 tháng lương.

3. Cờ thi đua của Chính phủ thưởng tiền không quá 30 tháng lương. 4. Các hình thức: Giấy khen; Bằng khen của các cấp; Huân chương các hạng, các loại; danh hiệu anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khen thưởng đối với các tập thể được thưởng tiền gấp hai lần so với mức thưởng đối với cá nhân quy định tại Điều 27 của Nghị định này.

Điều 29. Quỹ khen thưởng được trích từ ngân sách Nhà nước và trích từ quỹ khen thưởng của các doanh nghiệp hàng năm.

Điều 30. Quỹ khen thưởng gồm:

1. Quỹ khen thưởng của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quỹ khen thưởng của Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương.

2. Quỹ khen thưởng của doanh nghiệp.

Điều 31. Quỹ khen thưởng của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hàng năm được trích từ ngân sách Nhà nước với mức 0,5% đến 1% chi ngân sách thường xuyên. Quỹ khen thưởng của Bộ, ngành đoàn thể Trung ương hàng năm được trích từ ngân sách Nhà nước với mức bằng từ 8% quỹ lương (nơi ít đầu mối) đến 15% quỹ lương (nơi nhiều đầu mối).

Điều 32. Thủ trưởng cơ quan nào ra quyết định khen thưởng đồng thời chiu trách nhiệm chi tiền thưởng theo quy định

Đối với các Quyết định khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch nước do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương trích trong quỹ khen thưởng của mình để chi thưởng.

Điều 33. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Viện thi đua - Khen thưởng Nhà nước hướng dẫn cụ thể về tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng, về trích lập quỹ và quyết toán quỹ khen thưởng hàng năm.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 34. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm kiện toàn tổ chức thi đua khen thưởng của cấp mình phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiện toàn Phòng thi đua khen thưởng trực thuộc Bộ.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn Ban Thi đua khen thưởng tỉnh, thành phố.

Viện trưởng Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước phối hợp với bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ kiện toàn tổ chức Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn về tổ chức, biên chế Phòng thi đua khen thưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ban Thi đua - Khen thưởng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 35. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Thay thế Nghị định số 104/CP ngày 18 tháng 7 năm 1963, Nghị định số 80/CP ngày 13 tháng 5 năm 1964 của Hội đồng Chính phủ; Nghị định số 53/HĐBT ngày 25 tháng 2 năm 1985 và Nghị định số 247/HĐBT ngày 23 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Điều 36. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)