cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 33/1998/NĐ-CP ngày 23/05/1998 của Chính phủ Về việc thành lập Tổng cục dạy nghề Bộ Lao động - Thương binh và xã hội

  • Số hiệu văn bản: 33/1998/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Ngày ban hành: 23-05-1998
  • Ngày có hiệu lực: 07-06-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 9666 ngày (26 năm 5 tháng 26 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 1998

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 33/1998/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 5 NĂM 1998 VỀ VIỆC THÀNH LẬP TỔNG CỤC DẠY NGHỀ THUỘC BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đào tạo nghề từ Bộ Giáo dục và đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Tổng cục Dạy nghề trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác đào tạo nghề trong phạm vi cả nước.

Tổng cục Dạy nghề có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Kinh phí hoạt động của Tổng cục do ngân sách nhà nước cấp và được tổng hợp chung trong dự toán ngân sách của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trụ sở Tổng cục đặt tại Thành phố Hà Nội.

Điều 2. Tổng cục Dạy nghề có các nhiệm vụ và quyền hạn :

1. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nghề trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội ban hành.

2. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về đào tạo nghề phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ để Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ phê duyệt. Giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đó.

3. Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy chế tổ chức và hoạt động các loại cơ sở đào tạo nghề, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật nghề, danh mục nghề đào tạo, mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, tiêu chuẩn giáo viên, tiêu chuẩn trường, lớp, quy chế thi tuyển, quy chế cấp các văn bằng chứng chỉ tốt nghiệp cho học sinh các loại cơ sở đào tạo nghề phù hợp với quy định của nhà nước.

4. Quản lý, hướng dẫn sử dụng các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp đào tạo nghề theo đúng các quy định của nhà nước.

5. Quản lý một số trường đào tạo nghề; trường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo nghề và một số cơ sở phục vụ cho đào tạo nghề.

6. Tổ chức công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đào tạo nghề, tổng kết, phổ biến, ứng dụng những thành tựu khoa học tiên tiến trong đào tạo nghề và kinh nghiệm đào tạo nghề.

7. Thực hiện việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề theo phân công của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

8. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đào tạo nghề trong phạm vi cả nước.

9. Quản lý tổ chức, biên chế, tài sản, ngân sách của Tổng cục theo quy định hiện hành của Nhà nước và phân công của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

10. Thực hiện một số nhiệm vụ khác có liên quan đến đào tạo nghề do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao.

Điều 3. Tổng cục Dạy nghề có Tổng cục trưởng và một số Phó Tổng cục trưởng giúp việc Tổng cục trưởng. Tổng cục trưởng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm; các Phó Tổng cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dạy nghề :

1. Bộ máy giúp việc Tổng cục trưởng :

Ban Tiêu chuẩn nghề,

Ban Giáo viên đào tạo nghề,

Ban Kế hoạch - Tài chính,

Thanh tra,

Ban Tổ chức cán bộ,

Văn phòng.

2. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc :

a) Trung tâm nghiên cứu về đào tạo nghề.

b) Các trường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đào tạo nghề.

c) Một số đơn vị sự nghiệp có thu phục vụ cho đào tạo nghề.

Các đơn vị sự nghiệp cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy cụ thể của các tổ chức trực thuộc Tổng cục Dạy nghề do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

Điều 4. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bộ phận quản lý đào tạo nghề thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, bộ phận quản lý công tác đào tạo nghề đặt trong tổ chức đào tạo hoặc Vụ Tổ chức cán bộ.

Điều 5. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn về tổ chức, biên chế Tổng cục Dạy nghề. Các tổ chức quản lý đào tạo nghề của các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương được sắp xếp hợp lý trên cơ sở biên chế hiện có và bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Điều 6. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ các quy định trước đây về đào tạo nghề trái với Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)