Nghị định số 23/CP ngày 22/05/1993 của Chính phủ Về việc thành lập Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 23/CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 22-05-1993
- Ngày có hiệu lực: 22-05-1993
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-02-2004
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3920 ngày (10 năm 9 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-02-2004
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/CP | Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 1993 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 23-CP NGÀY 22-5-1993 VỀ VIỆC THÀNH LẬP TRUNG TÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN QUỐC GIA
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng - Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. - Thành lập Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia trên cơ sở tổ chức lại Viện Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay.
Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia là cơ quan khoa học trực thuộc Chính phủ, hoạt động theo quy chế riêng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chịu sự quản lý Nhà nước về hoạt động khoa học của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia có chức năng nghiên cứu những vấn đề về khoa học xã hội và nhân văn trọng điểm của Nhà nước, cung cấp luận cứ khoa học để các cơ quan lãnh đạo định ra đường lối, chính sách xây dựng và phát triển đất nước; xây dựng và phát huy tiềm lực khoa học xã hội và nhân văn của cả nước.
Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Điều 2. - Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia có nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Xây dựng trình Chính phủ xem xét và quyết định phương hướng nhiệm vụ và kế hoạch dài hạn về nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Trung tâm.
2. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch nghiên cứu và xây dựng tổ chức của Trung tâm.
3. Tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học xã hội và nhân văn có trình độ đại học và trên đại học.
4. Tham gia việc hoạch định chính sách phát triển khoa học xã hội và nhân văn của cả nước.
5. Xây dựng và thực hiện kế hoạch hợp tác khoa học với nước ngoài theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
6. Quản lý tổ chức, biên chế, tài sản và kinh phí của Trung tâm theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 3. - Cơ cấu tổ chức Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia gồm có:
A. CÁC VIỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC:
1. Viện Triết học
2. Viện Xã hội học
3. Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật
4. Viện Kinh tế học
5. Viện Kinh tế thế giới
6. Viện Sử học
7. Viện Khảo cổ học
8. Viện Dân tộc học
9. Viện Văn học
10. Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian
11. Viện Ngôn ngữ học
12. Viện Nghiên cứu hán nôm
13. Viện nghiên cứu Đông Nam á
14. Viện Nghiên cứu Tôn giáo
15. Viện Tâm lý học
16. Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.
B. CÁC CƠ QUAN PHỤC VỤ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC:
1. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội
2. Viện Thông tin khoa học xã hội
3. Tạp chí Việt Nam khoa học xã hội (bằng tiếng Anh)
C. CÁC CƠ QUAN GIÚP VIỆC GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM
1. Văn phòng
2. Ban Tổ chức cán bộ và đào tạo
3. Ban Kế hoạch - Tài chính
4. Ban Hợp tác quốc tế
5. Thanh tra.
Điều 4. - Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ điều hành mọi hoạt động của Trung tâm. Giám đốc Trung tâm có một số Phó Giám đốc giúp việc. Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Giám đốc Trung tâm có trách nhiệm xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 5. - Nghị định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Bãi bỏ Nghị định số 117-CP ngày 31-7-1967 và các quy định khác trước đây trái với Nghị định này.
Điều 6. - Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |