Nghị định số 07-CP ngày 30/01/1993 của Chính phủ Về việc thành lập Cục đường bộ Việt nam trực thuộc Bộ giao thông vận tải (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 07-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 30-01-1993
- Ngày có hiệu lực: 30-01-1993
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-05-2003
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3758 ngày (10 năm 3 tháng 18 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 16-05-2003
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07-CP | Hà Nội, ngày 30 tháng 1 năm 1993 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 7-CP NGÀY 30-1-1993 VỀ VIỆC THÀNH LẬP CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM TRỰC THUỘC BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. - Thành lập Cục đường bộ Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải. Cục đường bộ Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông và vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước.
Cục Đường bộ Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được hưởng kinh phí từ ngân sách Nhà nước, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
Cục trưởng Cục Đường bộ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành đường bộ trong phạm vi cả nước.
Điều 2. - Cục đường bộ Việt Nam có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Căn cứ vào phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
2. Xây dựng các dự án luật, các văn bản dưới luật, các chính sách, chế độ, các quy trình quy phạm và quy chế quản lý Nhà nước về chuyên ngành đường bộ (bao gồm cả vận tải chuyên dùng, vận tải quá cảnh) để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ quyết định hoặc Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền.
Ban hành các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật thuộc chuyên ngành đường bộ theo thẩm quyền của Cục và hướng dẫn thực hiện;
3. Trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc phân công, phân cấp quản lý các cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, các tuyến đường bộ; trực tiếp quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ do Trung ương quản lý trong phạm vi cả nước;
4. Làm chủ quản đầu tư các công trình giao thông thuộc cơ sở hạ tầng chuyên ngành đường bộ do Trung ương quản lý theo phân cấp;
5. Công bố hệ thống giao thông đường bộ, công bố quy định chủng loại và cơ giới, tải trọng xe, kích thước và đặc tính kỹ thuật khác của xe có liên quan tới kết cấu đường theo quy định của pháp luật;
6. Thiết lập và quản lý hệ thống báo hiệu đường bộ, cấp phép việc xây dựng các công trình vượt đường hoặc các công trình có liên quan đến kết cấu đường; cấp phép sử dụng, khai thác hoặc đình chỉ việc sử dụng khai thác trên các tuyến đường bộ;
7. Quy định điều kiện, tiêu chuẩn và cấp phép, giấy phép hành nghề vận tải, đại lý vận tải thuộc chuyên ngành đường bộ; quy định và tổ chức đăng ký hành chính các phương tiện vận tải đường bộ đối với các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước (kể cả các tổ chức và cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam); xét duyệt cấp phép cải tạo, sửa đổi các phương tiện vận tải đường bộ; tham gia với các cơ quan Nhà nước có liên quan quy định việc xuất, nhập khẩu các phương tiện giao thông vận tải đường bộ;
8. Kiểm tra, thanh tra an toàn giao thông và vận tải đường bộ, phối hợp với các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương để bảo vệ các công trình giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn vận tải, xử lý các vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, các tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ trong phạm vi cả nước;
9. Tổ chức chỉ đạo nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thuộc chuyên ngành đường bộ;
10. Tổ chức thu các loại lệ phí giao thông và vận tải đường bộ theo uỷ nhiệm của Bộ Tài chính;
11. Đề xuất với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải việc tham gia (hoặc không tham gia) các công ước quốc tế, việc ký kết các hiệp định, các Nghị định thư về đường bộ theo quy định của Chính phủ;
12. Đào tạo, bồi dưỡng lái xe, công nhân kỹ thuật thuộc chuyên ngành đường bộ;
13. Thành lập, giải thể các cơ quan giúp việc Cục trưởng và các đơn vị sự nghiệp; quản lý Nhà nước trực tiếp các doanh nghiệp Nhà nước về đường bộ trực thuộc Cục theo quy định của pháp luật;
14. Quản lý tổ chức, cán bộ, lao động, tài sản được Nhà nước giao cho Cục quản lý theo quy định hiện hành.
Điều 3. - Cục đường bộ Việt Nam có trụ sở đóng tại thành phố Hà Nội, có các khu quản lý đường bộ theo khu vực do Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.
Điều 4. - Cục Đường bộ Việt Nam do Cục trưởng lãnh đạo, các Phó cục trưởng giúp việc.
Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải đề nghị, Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ thẩm duyệt và Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm.
Phó cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định bổ nhiệm sau khi có sự trao đổi với Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.
Điều 5. - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam xây dựng lại đề án các đơn vị sản xuất kinh doanh, sự nghiệp chuyên ngành đường bộ để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 6. - Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với Nghị định này.
Điều 7. - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |