Nghị định số 358-HĐBT ngày 28/09/1992 của Hội đồng Bộ trưởng Về tổ chức hoạt động của Thanh tra giáo dục (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 358-HĐBT
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Ngày ban hành: 28-09-1992
- Ngày có hiệu lực: 28-09-1992
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-12-2002
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3740 ngày (10 năm 3 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-12-2002
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 358-HĐBT | Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 1992 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 358-HĐBT NGÀY 28-9-1992 VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA GIÁO DỤC
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Luật phổ cập giáo dục Tiểu học ngày 12 tháng 8 năm 1991;
Căn cứ theo Pháp lệnh Thanh tra ngày 1 tháng 4 năm 1990;
Theo đề nghị của Tổng Thanh tra Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1. Thanh tra giáo dục thực hiện quyền thanh tra Nhà nước về giáo dục và đào tạo trong phạm vi cả nước nhằm tăng cường hiệu lực quản lý, bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục và Đào tạo.
Điều 2. Thanh tra giáo dục có nhiệm vụ:
1. Thanh tra việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch đào tạo, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo của Nhà nước và các văn bản pháp quy về giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với chính quyền các cấp, cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo các cấp, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội, tôn giáo và công dân trong cả nước.
2. Thanh tra việc quản lý ở các nhà trường, các cơ sở giáo dục và đào tạo; việc giảng dạy, giáo dục, đào tạo của cán bộ, giảng viên; việc học tập của học sinh trong các loại hình trường quốc lập, dân lập, bán công và các lớp tư nhân.
3. Giải quyết hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các khiểu nại, tố cáo theo quy định của Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân.
4. Hướng dẫn nội dung và bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra giáo dục và đào tạo cho các tổ chức thanh tra giáo dục cấp dưới.
5. Kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các quy định phù hợp với yêu cầu quản lý sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Điều 3. Hệ thống tổ chức thanh tra giáo dục gồm có:
1. Thanh tra giáo dục của Bộ là tổ chức Thanh tra Nhà nước về giáo dục và đào tạo ở Trung ương, thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo và chịu sự chỉ đạo về công tác, nghiệp vụ của Tổng Thanh tra Nhà nước.
Thanh tra Bộ có Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra và Thanh tra viên.
2. Thanh tra giáo dục của Sở là tổ chức Thanh tra Nhà nước về giáo dục và đào tạo ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, chịu sự hướng dẫn về công tác, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ, sự chỉ đạo về công tác, nghiệp vụ của Thanh tra tỉnh.
Thanh tra Sở có Chánh Thanh tra, Phó Chánh thanh tra và Thanh tra viên.
3. ở huyện và cấp tương đương, công tác thanh tra giáo dục do Trưởng phòng giáo dục - đào tạo trực tiếp phụ trách, chịu sự chỉ đạo về tổ chức và nghiệp vụ của Thanh tra Sở Giáo dục - đào tạo, thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, các cán bộ, giáo viên, nhân viên do Phòng giáo dục - đào tạo quản lý.
Điều 4. Công tác thanh tra giáo dục được thực hiện bởi các Thanh tra viên giáo dục.
Số lượng Thanh tra viên các cấp do Bộ trưởng, Giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo quyết định theo khối lượng công tác thanh tra.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn và nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp Thanh tra viên giáo dục và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng Thanh tra viên.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo hoặc Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo quyết định điều động các cộng tác viên thanh tra làm công tác thanh tra giáo dục thường xuyên hoặc từng vụ việc. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo quy định nhiệm vụ và quyền hạn cho các cộng tác viên Thanh tra giáo dục.
Điều 5. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục - Đào tạo thực hiện theo Nghị định số 244-HĐBT ngày 30-6-1990 của Hội đồng Bộ trưởng.
Việc bổ nhiệm Thanh tra viên thuộc biên chế của Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở thực hiện theo quy chế Thanh tra viên ban hành tại Nghị định số 191-HĐBT ngày 18-6-1991 của Hội đồng Bộ trưởng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan hữu quan quy định chế độ công tác, đãi ngộ đối với cộng tác viên Thanh tra giáo dục.
Điều 6. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế về nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ công tác của các tổ chức thanh tra và các Thanh tra viên giáo dục các cấp và các cộng tác viên Thanh tra giáo dục.
Điều 7. Các kết luận, kiến nghị của Thanh tra giáo dục đối với đơn vị, cá nhân là một trong các căn cứ chủ yếu để xem xét việc khen thưởng, kỷ luật, sử dụng, bồi dưỡng phong các chức danh và thực hiện chế độ đãi ngộ với cán bộ, giáo viên.
Điều 8. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 9. Tổng Thanh tra Nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |