cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 156-HĐBT ngày 07/05/1992 của Chính phủ Sửa đổi Nghị định 388-HĐBT năm 1991 ban hành Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước của Hội đồng Bộ trưởng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 156-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Ngày ban hành: 07-05-1992
  • Ngày có hiệu lực: 07-05-1992
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Ngày hết hiệu lực: 00/00/0000
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Văn bản này đã hết hiệu lực.

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 156-HĐBT

Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 1992

 

NGHỊ ĐỊNH

CUẢ HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ156-HĐBT NGÀY 7-5-1992 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH 388-HĐBT BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ THÀNH LẬP VÀ GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC NGÀY 20 THÁNG 11 NĂM 1991 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG  

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG  

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Để tăng cường tính pháp lý và bảo đảm sự nhất quán trong việc thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH: 

Điều 1. - Nay sửa lại Điều 6, bản Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 388-HĐBT, ngày 20 tháng 11 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng như sau:

"Điều 6 (mới):

Trước khi duyệt cho thành lập doanh nghiệp Nhà nước, phải lập Hội đồng thẩm định và xem xét kỹ các điều kiện cần thiết đã quy định tại các Điều 4 và Điều 5 của bản Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước (ban hành kèm theo Nghị định số 388-HĐBT ngày 20 tháng 11 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng). Hội đồng thẩm định đối với doanh nghiệp thuộc quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định thành lập hoặc duyệt cho phép thành lập thì do uỷ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì, gồm đại diện có thẩm quyền của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước có liên quan tham gia. Hội đồng thẩm định đối với các doanh nghiệp thuộc quyền Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký quyết định thành lập thì do Bộ trưởng ngành kinh tế - kỹ thuật chủ trì.

Các Hội đồng thẩm định nói trên phải được tổ chức gọn, làm việc khẩn trương, trong thời hạn 40 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp thì phải hoàn thành mọi thủ tục thẩm định và có ý kiến trả lời bằng văn bản.

a) Những doanh nghiệp có giá trị tài sản lớn, doanh số lớn hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế thì do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định thành lập sau khi Hội đồng thẩm định đã thẩm định và đồng ý đề nghị thành lập.

b) Những doanh nghiệp khác, nếu trực thuộc Trung ương, sau khi Hội đồng thẩm định đã thẩm định, đồng ý đề nghị thành lập, trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đồng ý bằng văn bản thì Bộ trưởng Bộ quản lý ngành trực tiếp quản lý ký quyết định thành lập; nếu trực thuộc địa phương, sau khi Bộ trưởng ngành kinh tế - kỹ thuật đã thẩm định và có văn bản thông báo đồng ý thành lập, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký quyết định thành lập".

Điều 2. - Việc thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước phải tuân theo Nghị định số 388-HĐBT ngày 20 tháng 11 năm 1991 và Nghị định này.

Những quy định trước đây trong Nghị định 388-HĐBT ngày 20 tháng 11 năm 1991 và trong bản Quy chế quản lý kinh doanh du lịch ban hành kèm theo Nghị định số 37-HĐBT ngày 28 tháng 1 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng, trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3. - Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)