cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 141-HĐBT ngày 25/04/1991 của Hội đồng Bộ trưởng Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 141-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Ngày ban hành: 25-04-1991
  • Ngày có hiệu lực: 01-06-1991
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-08-1996
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1902 ngày (5 năm 2 tháng 17 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-08-1996
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-08-1996, Nghị định số 141-HĐBT ngày 25/04/1991 của Hội đồng Bộ trưởng Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 49-CP ngày 15/08/1996 của Chính phủ Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 141-HĐBT

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 1991

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 141-HĐBT NGÀY 25-4-1991 QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN NINH, TRẬT TỰ 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG 

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 30 tháng 11 năm 1989;
Để thực hiện thống nhất việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.      

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

HÌNH THỨC XỬ PHẠT NHỮNG HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN NINH, TRẬT TỰ

Điều 1. Hành vi gây rối trật tự công cộng:

1. Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng; nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì có thể phạt đến 50.000 đồng với một trong các hành vi sau:

a/ Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.

b/ Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào tầu, thuyền, ôtô, xe lửa và phương tiện giao thông khác; vào người, vào đồ vật, tài sản của người khác;

c/ Có cử chỉ thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác;

d/ Gây rối trật tự ở cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã, trụ sở các tổ chức xã hội, ở nơi công cộng khác;

e/ Không chấp hành nội quy ở nơi công cộng;

g/ Làm mất trật tự ở các rạp hát, rạp chiếu bóng, nhà văn hoá, câu lạc bộ, các nơi thi đấu thể dục, thể thao, ở nhà ga, bến tầu, bến xe, trên các phương tiện giao thông vận tải công cộng;

h/ Tuyên truyền, quảng cáo, dán và treo các loại áp phích quảng cáo không đúng quy định, ảnh hưởng đến mỹ quan.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng có thể phạt đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Tổ chức các lễ hội, các hoạt động văn hoá nghệ thuật, thể dục, thể thao... theo quy định phải xin phép mà không xin phép;

b/ Không chấp hành, xúi giục kích động người khác không chấp nhận các yêu cầu của người thi hành công vụ;

c/ Gây rối trật tự ở phiên toà, nơi thi hành án, có lời nói, cử chỉ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng hoặc có hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động xét xử, thi hành án;

3. Có thể áp dụng biện pháp buộc bồi thường thiệt hại đến 100.000 đồng hoặc buộc khôi phục lại tình trạng đã bị thay đổi, nếu vi phạm điểm b khoản 1; buộc tháo gỡ những thứ dán, treo không đúng quy định vi phạm điểm h khoản 1 điều này; buộc đình chỉ các hoạt động trái phép quy định tại các điểm g khoản 1, điểm a, c khoản 2 điều này.

Điều 2. Hành vi gây ảnh hưởng cho sự yên tĩnh chung:

Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1.000 đồng; nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm có thể phạt đến 50.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo trong giờ nghỉ đêm của nhân dân (từ 23 giờ đêm đến 4 giờ sáng);

b/ Không tôn trọng sự yên tĩnh của bệnh viện, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi đã được quy định;

c/ Rú ga, dùng còi ô tô, xe lửa không theo đúng quy định; để động cơ ô-tô, mô tô và các loại xe cơ giới khác buông hơi nổ rền kéo dài, sử dụng các loại xe này hoặc xe máy không có bộ phận giảm thanh;

d/ Dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn... để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 3. Hành vi gây ảnh hưởng cho việc giữ gìn vệ sinh chung:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng; nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì có thể phạt đến 50.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Không quét dọn, khai thông cống rãnh ở trong và xung quanh nhà ở, cơ quan xí nghiệp, doanh trại gây mất vệ sinh chung, gây tắc cống rãnh;

b/ Đổ nước bẩn, hoặc để nước bẩn chảy ra hè phố; làm mất vệ sinh ở nhà ga, bến tầu, bến xe và trên các phương tiện giao thông;

c/ Vứt rác, xác con vật chết hoặc bất cứ vật gì ô uế ra đường phố, vào chỗ có vòi nước công cộng, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng;

d/ Tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung trong khu nhà tập thể... ngoài nơi đã quy định;

c/ Để trâu, bò, ngựa... gia súc khác chạy rông ngoài đường quốc lộ, nơi công cộng;

g/ Làm nhà vệ sinh không đúng quy cách gây mất vệ sinh chung;

h/ Lấy, vận chuyển phân bằng phương tiện thô sơ trong thành phố (từ 6 giờ sáng đến 22 giờ tối);

i/ Không khai báo khi trong nhà hoặc cơ quan, xí nghiệp, đơn vị có người đang mắc bệnh dịch hoặc chết vì bệnh dịch.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Thải khói bụi, hơi độc làm ô nhiễm môi trường trong thành phố hoặc ở khu vực đông dân cư khác;

b/ Không chấp hành những quy định của cơ quan y tế về giữ gìn vệ sinh trong việc chế biến, bán lương thực, thực phẩm và các thứ giải khát cho nhân dân;

c/ Bán gia súc đang có bệnh dịch, bán thịt súc vật có bệnh dịch cho nhân dân;

d/ Chôn người chết vì bệnh dịch không đúng quy định; bốc mộ, di chuyển người chết, hài cốt không có giấy phép của cơ quan y tế hoặc thực hiện không đúng những quy định trong giấy phép, thể lệ chuyên chở trên các phương tiện giao thông;

e/ Không chấp hành lệnh hoặc không thực hiện các biện pháp phòng dịch của cơ quan y tế ở những nơi đã công bố là đang có dịch.

3. Trường hợp vi phạm điểm a, b khoản 2 điều này nếu có nhiều tình tiết tăng nặng thì có thể tước quyền sử dụng giấy phép.

Buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm quy định tại điểm g khoản 1; huỷ bỏ những vật phẩm chế biến không bảo đảm vệ sinh, vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 2 điều này; buộc đình chỉ các hoạt động vi phạm quy định tại một trong các điểm b, c khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 điều này.

Điều 4. Hành vi xâm phạm nếp sống văn minh:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng; nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì có thể phạt đến 50.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Làm tình hoặc có hành động khiêu dâm ở nơi công cộng;

b/ Hút thuốc ở những nơi quy định "Cấm hút thuốc";

c/ Đàn hát, nhảy múa, biểu diễn những vở diễn, những bài, những điệu nhảy có tính chất đồi truỵ mà Nhà nước cấm;

d/ Làm hoen bẩn trụ sở, trường học, bệnh viện, bệnh xá hoặc làm hư hại các cây cối, thảm cỏ, hoa ở công viên.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng có thể phạt đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Hút thuốc phiện, dùng các chất ma tuý khác; che dấu tạo điều kiện cho người khác hút thuốc phiện hoặc dùng các chất ma tuý khác;

b/ Hoạt động mê tín dị đoan như: đồng bóng, bói toán, gọi hồn, xem tướng, đoán chữ, truyền bá "sấm trạng" và các hình thức mê tín dị đoan khác;

c/ Đánh bạc, đánh bài, số đề hoặc bằng bất cứ cách nào khác được thua bằng tiền hoặc hiện vật;

d/ Làm ra, sao chép, lưu hành, mua, bán, tàng trữ các loại văn hoá phẩm đồi truỵ, các loại tranh ảnh, sách bán, tiểu thuyết, băng nhạc, đĩa nhạc, băng hình mà Nhà nước không cho phép phát hành và kinh doanh.

3. Trường hợp vi phạm một trong các điểm a, b, c, d ở khoản 2 điều này có thể tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm trong trường hợp vi phạm điểm d khoản 2 điều này mà có nhiều tình tiết tăng nặng có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép.

Buộc khôi phục tình trạng đã bị thay đổi hoặc bồi thường, nếu làm thiệt hại do vi phạm quy định tại điểm d khoản 1; buộc đình chỉ hoạt động vi phạm quy định tại điểm a, b, c, d, khoản 2 điều này.

Điều 5.Hành vi gây trở ngại cho trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

1. Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng; nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì phạt đến 50.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Đi bộ, điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, dắt súc vật mà không đi đúng phần đường dành riêng cho mỗi loại;

b/ Qua các đầu đường nhiều ngả, qua cầu, qua phà, qua đoạn đường nguy hiểm mà không tuân theo đèn báo hoặc sự chỉ dẫn của cảnh sát, của nhân viên giữ gìn trật tự;

c/ Đỗ xe, dừng xe, quay xe, vượt xe, tránh xe, mở tốc độ xe không đúng quy định hoặc đi vào các khu vực đã có biển báo "cấm";

d/ Dùng xe này đẩy, kéo xe khác không theo đúng quy định; chở hàng hoá, chở khách quá trọng tải quy định trong giấy phép; vi phạm quy định về giới hạn kích thước khi chạy trên đường giao thông;

e/ Đi xe máy, xe đạp trên hè phố;

g/ Đi xe đạp, xe máy ngang hàng từ 3 xe trở lên; đua xe đạp, đuổi nhau trên đường phố, dừng xe ở lòng đường gây cản trở giao thông;

h/ Nhảy bám xe cơ giới khi đang chạy;

i/ Đá bóng, đá cầu hoặc các trò chơi khác tụ tập đông người trên mặt phố, đường giao thông;

k/ Để hàng hoá, đồ đạc, vật liệu hoặc bất cứ vật gì khác trên hè phố hoặc trên mặt đường giao thông; trên các lối đi công cộng.

2. Phơi rơm rạ, lúa hoặc các thứ khác, thả rông súc vật, xếp, bày củi, tre, nứa hoặc vật liệu khác trên mặt đường phố, đường giao thông chính.

3. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Không nhường đường cho các loại xe được ưu tiên đi trước theo quy định hoặc cho các loại xe có tốc độ nhanh hơn khi đã có còi hoặc đèn báo xin vượt;

b/ Sử dụng xe cơ giới thiếu còi, thiếu đèn, thiếu thiết bị an toàn hoặc có những thứ đó nhưng không có hiệu lực;

c/ Lái xe cơ giới mà không có bằng lái xe và giấy tờ cần thiết khác theo quy định;

d/ Điều khiển các loại xe cơ giới trong tình trạng miệng còn hơi men của rượu, bia hoặc các chất kích thích khác;

e/ Không chấp hành quyết định hoặc lệnh của người hoặc cơ quan có thẩm quyền; không chấp hành hoặc ngăn cản sự kiểm soát của cảnh sát; chạy trốn sau khi va quệt;

g) Dùng xe vận tải chở người mà không có giấy phép hoặc không có đủ phương tiên bảo đảm an toàn.

Lái xe chở người khi chạy không đóng cửa xe, để người đu bám, ngồi trên thành, nóc xe hoặc để người ngồi trên xe khi xe qua phà, cầu phao;

h/ Tự ý đào đường, ngăn đường hoặc lối đi công cộng;

i/ Sử dụng vỉa kè trong thành phố hoặc trên các đường giao thông chính trái với quy định của cơ quan có thẩm quyền;

k/ Không bố trí đủ phương tiện và biện pháp đề phòng tai nạn khi sửa chữa đường, cầu, cống, nhà hoặc các công trình khác; khi chặt cành, hạ cây ở những nơi có người qua lại;

l/ Sau khi hoàn thành công trình không lấp lại như cũ những đoạn đường, những nơi chỉ được phép tạm thời đào, xẻ, bới.

4. Trường hợp vi phạm một trong các điểm a, b, c, d, e, g khoản 1; điểm a, b, c, d, e, g khoản 2 điều này; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng thì có thể tước quyền sử dụng giấy phép.

Buộc khôi phục lại tình trạng đã bị thay đổi do vi phạm quy định tại các điểm k, khoản 1, các điểm h, i, k, l khoản 2; buộc bồi thường thiệt hại đến 100.000 đồng do vi phạm quy định tại điểm e khoản 2 điều này; buộc đình chỉ các hoạt động vi phạm quy định tại các điểm d khoản 1, các điểm b, c, d, e, g khoản 2 điều này; buộc khôi phục lại tình trạng đã bị thay đổi do vi phạm quy định tại các điểm i, k, l, khoản 2 điều này.

Điều 6. Vi phạm quy định về trật tự quản lý hành chính:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng; nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm có thể phạt đến 50.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Sửa chữa, tẩy xoá, làm giả giấy chứng nhận nhân khẩu thường trú, các loại giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp;

b/ Không chấp hành thể lệ về đăng ký cư trú, khai báo tạm trú;

c/ Không chấp hành quy định cấm cư trú hoặc cư trú bắt buộc;

d/ Thay đổi nơi cư trú không làm thủ tục đăng ký hộ khẩu theo quy định sau khi đã có sự nhắc nhở của cơ quan có thẩm quyền;

e/ Cư trú không đúng nơi đăng ký mặc dù đã được chính quyền địa phương nhắc nhở;

g/ Không báo cho cơ quan quản lý hộ khẩu những thay đổi nhân khẩu trong hộ như: có người chết, người mất tích, trẻ em mới sinh;

h/ Sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu mà Nhà nước quy định dành riêng cho lực lượng vũ trang.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng có thể phạt đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Khai man, giả mạo, sửa chữa hồ sơ để được cấp đăng ký, giấy phép các loại;

b/ Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng, vận chuyển vũ khí quân dụng, thể thao quốc phòng, súng săn;

c/ Tàng trữ, sử dụng, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, thể thao quốc phòng, vũ khí thô sơ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

d/ Sửa chữa, chế tạo, mua bán súng săn, mang súng săn ra nước ngoài hoặc vào trong nước không có giấy phép hoặc không theo đúng quy định trong giấy phép;

e/ Kinh doanh các nghề đặc biệt không có giấy phép hoặc không đúng quy định trong giấy phép;

g/ Để mất con dấu hoặc sử dụng con dấu không đúng nguyên tắc.

3. Trường hợp vi phạm một trong các điểm b, c, d, e khoản 2 điều này, nếu có nhiều tình tiết tăng nặng thì có thể tước quyền sử dụng cấp giấy phép.

Trường hợp vi phạm điểm a, h khoản 1 hoặc một trong các điểm a, c, d, e, g khoản 2 điều này có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Điều 7. Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy:

1. Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng; nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì có thể phạt đến 50.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Đốt pháo ném vào người khác hoặc ném vào nơi đông người, nơi dễ gây cháy;

b/ Không sửa chữa đúng kỳ hạn những cơ sở thiếu sót về phòng cháy chữa cháy khi đã được cơ quan có trách nhiệm yêu cầu sửa chữa;

c/ Không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ những nội quy, quy định về phòng cháy chữa cháy;

d/ Không trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ phòng cháy chữa cháy theo quy định;

e/ Không tổ chức lực lượng chữa cháy tại chỗ theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng có thể phạt đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Vi phạm các quy định về sản xuất, sửa chữa các phương tiện, dụng cụ và hoá chất chữa cháy;

b/ Vi phạm các quy định về quản lý chất cháy, chất nổ, chất độc mạnh và chất phóng xạ trong các khâu sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng, vi phạm các quy định an toàn trong khi sử dụng điện;

c/ Vi phạm thiết kế trong xây dựng và lắp đặt thiết bị phòng cháy, chữa cháy;

d/ Gây trở ngại đến việc chữa cháy;

e/ Không thực hiện hoặc trì hoãn việc thực hiện lệnh huy động người, phương tiện vào việc chữa cháy.

3. Trường hợp vi phạm một trong các điểm a, b, c khoảng 2 điều này, nếu có nhiều tình tiết năng nặng thì có thể tước quyền sử dụng giấy phép, tịch thu phương tiện tang vật vi phạm.

Điều 8. Hành vi tư lợi hoạc gây thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản công dân nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

1. Phạt cảnh cáo hoạc phạt tiền từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng; nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm có thể phạt đến 50.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ hoặc có hành vi khác xâm phạm tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của công dân;

b/ Gây hư hại nhỏ tài sản của nhà nước, tập thể hoặc của công dân;

c/ Cố ý chiếm giữ những tài sản có giá trị không lớn của cơ quan Nhà nước, tập thể hoặc của người khác do tìm được, nhặt được;

d/ Mua, bán, cất giữ một ít tài sản mặc dù biết rõ do người khác vi phạm pháp luật mà có;

e/ Làm giả, gian lận hoặc "phe" một ít các loại vé;

g/ Gây sách nhiễu phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở các bến tầu, bến xe, nơi công cộng.

2. Trường hợp vi phạm điểm a, c, d, e, g khoản 1 điều này thì có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; trường hợp vi phạm điểm b khoản 1 điều này có thể phải bồi thường thiệt hại đã gây ra.

Điều 9. Hành vi gây hư hại đến các công trình lợi ích công cộng:

1. Phạt tiền từ 20.000 đến 200.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng có thể phạt đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Tự ý đào, bới hoặc làm bất cứ việc gì khác gây hư hại đến đê, đập, kè, cống, cầu, hầm, đường bộ, đường sắt;

b/ Tự ý xê dịch, tháo gỡ hoặc làm bất cứ việc gì khác gây hư hại đến biển báo, cột dây điện thoại, điện tín, cột đèn, hàng rào của các cơ quan Nhà nước hoặc các công trình công cộng khác;

c/ Điều khiển các loại xe, tầu, thuyền, bè, mảng đi qua hoặc đậu bên đê, đập, cầu, hầm, cống, kênh, rạch mà không theo đúng quy định về an toàn cho công trình công cộng.

2. Trường hợp vi phạm điểm c khoản 1 điều này mà có nhiều tình tiết tăng nặng thì có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép.

3. Buộc khôi phục tình trạng đã bị thay đổi do vi phạm quy định tại các điểm a, b khoản 1 điều này.

Điều 10. Hành vi gây hư hại đến các công trình văn hoá nghệ thuật, những di tích lịch sử, những khu danh lam thắng cảnh:

1. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:

a/ Làm hoen bẩn, làm làm hư hại các công trình kiến trúc, văn hoá nghệ thuật, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tượng đài, di vật lịch sử đã xếp hạng;

b/ Làm hư hại các nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa địa, công trình thể dục, thể thao, các trụ sở, trường học, bệnh viện, bệnh xá.

2. Buộc khôi phục tình trạng đã bị thay đổi hoặc bồi thường nếu gây thiệt hại do vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 1 điều này.

Điều 11. Hành vi gây trở ngại cho trật tự an toàn giao thông đường sắt:

1. Phạt tiền từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng có thể phạt đến 200.000 đồng đối với các hành vi sau:

a/ Cố tình không chấp hành thể lệ vận chuyển trên đường sắt;

b/ Ngồi trên nóc toa xe, đu bám hai bên toa xe, nhảy lên, nhảy xuống hoặc quăng ném hàng hoá khi tàu đang chạy.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng có thể phạt đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ lập tầu sai quy định về khoản cách, trọng tải, tấm hãm; đưa đầu máy, toa xe không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vào vận hành; không thử hãm, khám hãm hoặc thử hãm, khám hãm không đúng quy định;

b/ Xếp dỡ hàng hoá không đúng quy định làm lệch tải, quá tải, vi phạm các quy định về khổ giới hạn gia cố;

c/ Cho tầu chạy vượt quá tín hiệu "ngừng", chạy quá tốc độ quy định hoặc cho tầu dừng trái phép ở trong ga ngoài "khu gian";

d/ Không gác hãm hoặc gác hãm nhưng không làm đúng quy định khi tầu qua đèo, qua dốc; không tổ chức phòng vệ hoặc phòng vệ không đúng quy định về an toàn giao thông khi có chướng ngại trên đường;

e/ Tự ý giật van, cúp hãm hoặc có hành động dừng xe lửa hoặc làm dừng xe lửa trái với quy định về giao thông đường sắt làm cản trở hoạt động bình thường của xe lửa, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

g/ Người làm nhiệm vụ trên tầu lợi dụng quyền hạn, nhiệm vụ để bao hàng, bao người nhằm trốn thuế trốn cước;

h/ Do đùa nghịch mà đặt đất, đá, chướng ngại lên đường sắt cản trở hoạt động bình thường của xe lửa;

i/ Tháo gỡ, lấy cắp phụ kiện thiết bị chuyên dùng và đất đá trên đường sắt, cắt trộm dây thông tin điện thoại đường sắt, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự;

k/ Tự ý để xe ô-tô, máy kéo, xe lam, xe xúc vật kéo, xe thô sơ đỗ sát trên mặt đường sắt, cố tình vượt qua đường sắt khi tầu đến gần hoặc khi đã hạ chắn;

l/ Tự ý làm nhà, dựng lều quán và các công trình khác vi phạm khổ giới hạn đường sắt, câu kéo dây điện, làm cầu vượt, mở đường ngang mà không có chắn bảo vệ, đào cống rãnh trái với quy định an toàn giao thông đường sắt.

3. Trường hợp vi phạm điểm k khoản 2 điều này mà có nhiều tình tiết tăng nặng thì có thể tước quyền sử dụng giấy phép.

Buộc khôi phục tình trạng đã bị thay đổi do vi phạm quy định tại các điểm h, i khoản 2; buộc tháo dỡ công trình xây dựng do vi phạm quy định tại điểm 1 khoản 2 điều này.

Điều 12. Hành vi gây trở ngại cho trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ

1. Phạt từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Điều khiển các loại phương tiện giao thông đường thuỷ không tuân theo những quy định về đi, tránh, vượt, đậu, đỗ, ra, vào cảng, bến bãi, kè, cống hoặc sự chỉ dẫn của người có trách nhiệm;

b/ Không được sự đồng ý của chủ tầu, chủ thuyền hoặc không do một yêu cầu khẩn thiết mà tự ý áp mạn hoặc móc phương tiện của mình vào tầu, thuyền khác;

c/ Không nhường đường cho tầu, thuyền có tốc độ nhanh hơn khi đã có còi, đền tín hiệu xin vượt;

d/ Để các bè gỗ tre, nứa lá hoặc các thứ khác choán mặt sông, gây trở ngại cho việc đi lại của tầu, thuyền;

e/ Chở quá trọng tải quy định của tầu, thuyền;

g/ Dùng tầu, thuyền không đảm bảo an toàn để chở khách hoặc trong lúc có gió to, nước lũ, tầu, thuyền có nguy cơ xảy ra đắm mà không tìm nơi trú ẩn, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người khác đi trên tầu, thuyền;

h/ Tự ý làm nhà, dựng lều quán hoặc làm thay đổi kích thước các công trình; thả những vật chướng ngại, cắm hoặc dịch chuyển các loại "đăng", "chà", không trục vớt kịp thời tầu, thuyền, tài sản của mình bị đắm trên các sông. kênh, rạch gây cản trở cho tầu, thuyền đi lại;

i/ Có điều kiện cứu giúp mà không cứu giúp khi tầu, thuyền, bè, mảng có nguy cơ bị tai nạn hoặc đang bị tai nạn;

k/ Trốn tránh khi qua các trạm kiểm soát; không dừng lại khi có báo hiệu phải dừng lại để kiểm soát;

l/ Dử dụng tầu, thuyền thiếu thiết bị an toàn đèn tín hiệu, phương tiện cấp cứu hoặc có những thứ đó nhưng không có hiệu lực hoặc dùng tầu này kéo, đẩy tầu khác không đúng quy định;

m/ Sử dụng phương tiện giao thông vận tải đường thuỷ thuộc loại phải đăng ký, phải có bằng lái, có giấy phép mà không có hoặc sử dụng quá hạn;

n/ Làm hỏng phao tiêu, biểu báo, đèn báo hoặc chuyển dịch phao tiêu, biển báo, đèn báo, làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ; không làm các tín hiệu như phao tiêu, đèn báo theo quy định để báo hiệu khi có tầu thuyền bị đắm;

o/ Đổ bùn cát, các chất thải vật liệu khác trong phạm vi luồng tàu làm cản trở an toàn giao thông đường thuỷ;

p/ Làm các công trình vượt sông, kênh (trên không, nổi, ngầm) gây cản trở an toàn giao thông đường thuỷ;

q/ Đóng, mở toàn bộ, đột ngột các cống, đập, điều tiết nước qua công trình, đầu mối ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thuỷ.

2. Trường hợp vi phạm một trong các điểm a, b, c, g, k, m khoản 1 điều này, nếu có nhiều tình tiết tăng nặng thì có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép.

Buộc khôi phục tình trạng đã bị thay đổi do vi phạm quy định tại các điểm d, h, n, c, p, q khoản 1; buộc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định tại điểm g khoản 1 điều này.

Điều 13. Vi phạm Quy chế hoạt động trên vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam:

1. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng có thể phạt đến 2.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau:

a/ Tầu, thuyền nước ngoài đi lại trên các vùng biển Việt Nam hoặc đi vào khu vực cấm mà không có giấy phép;

b/ Hành nghề không đúng địa điểm, phạm vi, tính chất nghề nghiệp ghi trong giấy phép;

c/ Cặp mạn, tiếp xúc với người và tầu, thuyền nước ngoài, mua, bán, vận chuyển hàng hoá trái phép;

d/ Không chấp hành nội quy bến đậu và các quy định khác về trật tự an toàn trên biển;

e/ Không chấp hành hoặc ngăn cản việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển.

2. Trường hợp vi phạm một trong các quy định ở khoản 1 điều này mà có nhiều tình tiết tăng nặng thì có thể tước quyền sử dụng giấy phép. Đối với vi phạm ở điểm a khoản 1 điều này có thể tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Điều 14. Vi phạm những quy định về quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia, cột mốc, dấu hiệu biên giới.

1. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng có thể phạt đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Làm hư hại hoặc có bất cứ hành động gì có hại tới cột mốc, dấu hiệu trên đường biên giới đất liền và trên biển, nhưng chưa đến mức xử lý hình sự;

b/ Có những việc làm ảnh hưởng đến thay đổi đường biên giới quốc gia hay dòng chảy các sông, suối, biên giới, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c/ Vi phạm các quy định về chăn thả gia súc, xâm canh, xâm cư qua biên giới;

2. Buộc khôi phục tình trạng đã bị thay đổi do vi phạm quy định trong các điểm a, b khoản 1 điều này.

Điều 15. Vi phạm quy chế quản lý khu vực biên giới, cửa khẩu:

1. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng có thể phạt đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Cư trú, đi lại, hành nghề trái phép trong khu vực biên giới;

b/ Không khai báo hoặc che giấu, giúp đỡ người khác đi lại, cư trú, hành nghề trái phép ở khu vực biên giới;

c/ Vi phạm quy định quản lý, bảo vệ vành đai biên giới, khu vực biên giới;

d/Không chấp hành hoặc ngăn cản việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng bảo vệ biên giới;

e/ Dùng phương tiện, đưa người, hành lý, hàng hoá lên, xuống các phương tiện trong khu vực cửa khẩu không đúng nơi quy định;

g/ Không chấp hành hoặc ngăn cản sự kiểm soát, hướng dẫn của các lực lượng kiểm soát cửa khẩu;

h/ Đưa vào lãnh thổ Việt Nam các loại súc vật, thực vật, các loại phương tiện, đồ vật mà Nhà nước quy định phải kiểm dịch nhưng chưa kiểm dịch.

2. Trường hợp vi phạm một trong các điểm a, e, h khoản 1 điều này có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; vi phạm điểm c khoản 1 điều này thì có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép.

Điều 16. Vi phạm các quy định về xuất nhập cảnh:

1. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng; nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Sửa chữa, thay đổi nội dung ghi trong hộ chiếu, thị thực, dùng hộ chiếm, thị thực không còn giá trị;

b/ Làm giả hộ chiếu, thị thực để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc để đi lại hoạt động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c/ Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh không có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu và thị thực theo quy định; nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh không đúng cửa khẩu quy định trong thị thực;

d/ Đi lại vào các khu vực Nhà nước quy định cần có giấy phép mà không có giấy phép;

e/ Hành nghề trái mục đích nhập cảnh, cư trú ở Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền;

g/ Không xuất trình giấy tờ khi nhà chức trách Việt Nam yêu cầu;

h/ Trốn ra nước ngoài, ở lại nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài quá thời hạn được phép;

i/ Trốn trong các phương tiện dùng để nhập cảnh, xuất cảnh nhằm mục đích ra nước ngoài hoặc vào Việt Nam trái phép;

k/ Giúp đỡ, che dấu, tạo điều kiện cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép.

2. Trường hợp vi phạm một trong các điểm a, b, c, i khoản 1 điều này thì có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Chương 2:

THẨM QUYỀN, THỦ TỤC, NGUYÊN TẮC VÀ BIỆN PHÁP XỬ PHẠT

Điều 17. Thẩm quyền quyết định xử phạt:

1. Những chiến sĩ sau đây trong khi làm nhiệm vụ được quyền quyết định cảnh cáo, phạt tiền từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng đối với những vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực và địa bàn quản lý của mình:

- Chiến sĩ cảnh sát nhân dân thuộc các lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự, cảnh sát bảo vệ, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính, cảnh sát phòng cháy, cảnh sát kinh tế, cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra.

- Chiến sĩ bộ đội biên phòng.

2. Những cán bộ sau đây được quyết định cảnh cáo, phạt tiền từ 1.000 đồng đến 50.000 đồng đối với những vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực và địa bàn quản lý của mình:

- Chủ tịch Uỷ ban nhân xã, phường, thị trấn;

- Trưởng công an phường;

- Đội trưởng, đội phó cảnh sát giao thông, trật tự, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cảnh sát bảo vệ mục tiêu, cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra;

- Đội trưởng, đội phó cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khu vực; đội kiểm tra kỹ thuật an toàn phòng cháy chữa cháy;

Đội trưởng, đội phó kiểm soát biên phòng, trưởng, phó trạm kiểm soát của các đơn vị cảnh sát, biên phòng; trưởng, phó tàu tuần tra của các đơn vị cảnh sát, biên phòng, hải đội trưởng, phó hải đội trưởng biên phòng.

3. Thẩm quyền quyết định phạt đến 200.000 đồng:

- Trưởng phòng, phó trưởng phòng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cảnh sát bảo vệ, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cảnh sát kinh tế, cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra cấp tỉnh;

- Trưởng phòng, phó trưởng phòng quản lý xuất, nhập cảnh của công an cấp tỉnh, chỉ huy trưởng trạm quản lý cửa khẩu, sân bay;

- Trưởng, Phó trưởng công an huyện và cấp tương đương;

- Thủ trưởng, Phó thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội tở lên;

- Trưởng đồn, phó trưởng đồn biên phòng;

- Chỉ huy trưởng, Phó chỉ huy trưởng tiểu khu biên phòng;

- Chỉ huy trưởng, Phó chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh;

- Chỉ huy trưởng, Phó chỉ huy trưởng hải đoàn biên phòng.

4. Ngoài ra, cơ quan nhà nước và những người khác có thẩm quyền xử phạt hành chính quy định trong Điều 17 và Điều 19 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đang thi hành công vụ, phát hiện các hành vi vi phạm hành chính quy định trong Nghị định này, thuộc chức năng của ngành mình thì có quyền xử phạt, nhưng phải thực hiện đúng các quy định của Điều 18 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 18. Cảnh cáo:

1. Cảnh cáo được áp dụng đối với người có vi phạm hành chính nhỏ, vi phạm lần đầu do sơ suất, hoặc vi phạm do nhiều tác động của các nguyên nhân khách quan, có các tình tiết giảm nhẹ khác quy định tại điều 7 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

2. Việc quyết định xử phạt cảnh cáo được thực hiện bằng văn bản. Khi xét thấy cần thiết, cơ quan có thẩm quyền xử phạt thông báo quyết định xử phạt đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan, tổ chức nơi người vi phạm cư trú hoặc công tác.

Điều 19. Thủ tục biện pháp phạt tiền:

1. Khi phát hiện vi phạm hành chính, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt phải nói rõ cho người vi phạm biết điều khoản, tên văn bản pháp luật mà họ đã vi phạm, mức độ trách nhiệm, hình thức xử phạt áp dụng đối với hành vi của họ.

2. Khi quyết định xử phạt dưới 20.000 đồng, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt ghi rõ lý do, căn cứ xử phạt và mức tiền phạt, ký và ghi rõ họ tên vào biên lai thu tiền phạt và trao biên lai cho người bị phạt.

3. Nếu áp dụng mức phạt trên 20. 000 đồng, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản theo quy định tại điều 21 của pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày lập biên bản, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt, gửi quyết định xử phạt đến tổ chức, người bị xử phạt theo quyết định tại điều 28 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

- Bộ Nội vụ quy định thống nhất mẫu biên bản, mẫu quyết định xử phạt phù hợp với từng lĩnh vực về trật tự, an toàn xã hội.

Bộ Tài chính quy định thống nhất mẫu biên lai và phát hành, quản lý biên lai thu tiền phạt.

4. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt trực tiếp thu tiền phạt, sau đó nộp lại cho cơ quan Tài chính.

5. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực mà tổ chức và người bị phạt không tự nguyện thi hành thì thủ trưởng cơ quan đã ra quyết định xử phạt tổ chức cưỡng chế theo quy định tại điều 32 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Các cơ quan, tổ chức hoặc đại diện hợp pháp của người bị xử phạt có trách nhiệm thực đúng yêu cầu của cơ quan đã ra quyết định xử phạt về áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Điều 20. Thu hồi có thời hạn hoặc không thời hạn các giấy phép (tước quyền sử dụng giấy phép);

1. Tất cả các loại giấy phép, giấy chứng nhận (gọi chung là giấy phép) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân hoặc tổ chức để tiến hành hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đều có thể bị áp dụng hình thức phạt này, nếu vi phạm hành chính có liên quan trực tiếp đến quy tắc, thể lệ, chế độ sử dụng giấy phép đó.

2. Thu hồi có thời hạn giấy phép đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính khi cần phải xác minh làm rõ tính chất, mức độ vi phạm để quyết định xử phạt.

3. Thu hồi không thời hạn giấy phép được áp dụng trong các trường hợp sau:

- Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền;

- Giấy phép có nội dung trái pháp luật;

- Người vi phạm hành chính đã vi phạm quy tắc sử dụng giấy phép đó khi xét thấy không thể cho tiếp tục sử dụng.

4. Khi cần quyết định tước quyền sử dụng giấy phép, cơ quan có thẩm quyền phải ra lệnh, đình chỉ ngay hành vi vi phạm, người thi hành công vụ phải lập biên bản, ghi rõ lý do tước quyền sử dụng giấy phép theo các nội dung quy định tại điều 21 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Việc tước quyền sử dụng giấy phép chỉ được thực hiện khi có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền quy định tại điều 19 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Quyết định tước quyền sử dụng giấy phép phải được gửi cho người bị phạt ngay khi thực hiện quyết định và phải thông báo cho nơi cấp loại giấy phép đó biết.

Điều 21.

1. Tịch thu tang vật, tiền, phương tiện vi phạm sung vào công quỹ Nhà nước mà người vi phạm sử dụng để thực hiện vi phạm hành chính.

Đối với những tài sản, phương tiện thuộc quyền sở hữu của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội hoặc của người khác bị người vi phạm chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép để thực hiện vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.

- Khi tịch thu tang vật, tiền, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản theo mẫu quy định thống nhất của Bộ Nội vụ và giao cho người bị xử phạt một bản.

Điều 22. Những biện pháp hành chính khác:

1. Ngoài các hình thức phạt chính và hình thức phạt bổ sung quy định tại các điều, khoản trong chương này, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính những biện pháp hành chính khác theo quy định tại các điều 12, khoản 3, 5, 6, 7 điều 19 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

2. Cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền được phép áp dụng những biện pháp hành chính khác theo quy định tại điều 19 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính khi quyết định phải áp dụng các biện pháp hành chính khác phải căn cứ vào yêu cầu của pháp luật và thiệt hại thực tế nhằm ngăn chặn vi phạm và thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra, đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

- Việc áp dụng các biện pháp hành chính khác chỉ được tiến hành khi có quyết định bằng văn bản.

- Cá nhân, tổ chức bị áp dụng các biện pháp hành chính khác phải chịu tổn phí về việc áp dụng các biện pháp này, nếu họ không tự thực hiện.

Điều 23. Việc áp dụng các hình thức xử phạt theo nguyên tắc sau:

- Hình thức phạt chính thức được áp dụng độc lập có thể kèm theo hình thức phạt bổ sung hoặc áp dụng những biện pháp hành chính khác;

- Hình thức phạt bổ sung và việc áp dụng các biện pháp hành chính khác không thể áp dụng độc lập mà chỉ được áp dụng kèm theo hình thức phạt chính;

- Cùng một hành vi có thể áp dụng nhiều biện pháp hành chính khác.

Điều 24. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện vi phạm hành chính trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị xử phạt theo quy định tại điểm 3, điều 5 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 25.

Tổ chức có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự được trích từ 1 đến 15% tổng số tiền phạt hoặc trị giá hàng hoá, tang vật, phương tiện bị tịch thu để nộp vào quỹ khen thưởng chung của Bộ, ngành hoặc địa phương: 70% trong số này được sử dụng để mua sắm trang thiết bị phương tiện phục vụ công tác, 30% còn lại được dùng để thưởng cho tập thể và cá nhân có thành tích trong việc phát hiện và đấu tranh chống vi phạm hành chính. Tuỳ theo thành tích của tập thể và cá nhân mà quy định mức tiền thưởng, nhưng mức tiền thưởng cao nhất không quá 2 triệu đồng đối với một tập thể và không quá 500.000 đồng đối với một cá nhân trong mỗi lần thưởng.

Tổ chức có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét đề nghị Thủ trưởng Bộ, ngành hoặc Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định mức tiền thưởng cụ thể cho tập thể và cá nhân có thành tích.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Chỉ những tổ chức và người có thẩm quyền quy trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định này mới được xử phạt các vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh, trật tự. Tổ chức và cá nhân tự ý quy định việc xử phạt thì tuỳ tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy tố về hình sự và phải bồi thường những thiệt hại vật chất đã gây ra.

Điều 27.

Mọi công dân có quyền khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tố cáo các hành vi lạm quyền hoặc trái pháp luật khác của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự đến cơ quan cấp trên trực tiếp của tổ chức và người quyết định xử phạt hoặc Viện kiểm sát nhân dân. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhận được khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm xem xét giải quyết và trả lời trong thời hạn 15 ngày; nếu là trường hợp phức tạp thì việc giải quyết và trả lời trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, tố cáo.

Những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nếu có vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị thi hành kỷ luật hoặc bị truy tố về hình sự và phải bồi thường những thiệt hại vật chất đã gây ra.

Điều 28.

Nghị định này thay thế Nghị định số 143 của Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 27-5-1977 và có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 6 năm 1991.

Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Điều 29. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)