Nghị định số 38-HĐBT ngày 28/01/1991 của Hội đồng Bộ trưởng Thi hành Pháp lệnh Khiếu nại, tố cáo của công dân (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 38-HĐBT
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Ngày ban hành: 28-01-1991
- Ngày có hiệu lực: 28-01-1991
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 22-08-1999
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3128 ngày (8 năm 6 tháng 28 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 22-08-1999
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38-HĐBT | Hà Nội, ngày 28 tháng 1 năm 1991 |
NGHỊ ĐỊNH
CUẢ HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 38-HĐBT NGÀY 28-1-1991 VỀ VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân ngày 2 tháng 5 năm 1991;
Theo đề nghị của Tổng Thanh tra Nhà nước,
NGHỊ ĐỊNH:
I. KHIẾU NẠI VÀ VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
Điều 1.
1. Công dân thực hiện quyền khiếu nại trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với quyết định hành chính hoặc việc làm của nhân viên cơ quan Nhà nước khi thi hành công vụ, đã xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Công dân khiếu nại trước tiên với cơ quan Nhà nước đã ra quyết định hành chính nói trên hoặc cơ quan Nhà nước có nhân viên làm trái pháp luật thuộc phạm vi quản lý hành chính.
Điều 2.
1. Các khiếu nại về việc vi phạm pháp luật trong tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội được giải quyết theo quy định Pháp luật; nếu khiếu nại về việc vi phạm Điều lệ hoạt động thì được giải quyết theo Điều lệ của tổ chức đó.
2. Các khiếu nại mà thẩm quyền, thủ tục giải quyết đã được các Luật hoặc Pháp luật khác quy định thì giải quyết theo các văn bản Pháp luật đó.
Điều 3.
1. Những người ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất (câm, điếc, mù) hoặc vì một lý do nào khác không thể tự mình khiếu nại được, có thể thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Cha, mẹ, vợ, chồng, anh chị em ruột đã thành niên, người đỡ đầu hoặc người giám hộ có thể khiếu nại trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mắc bệnh tâm thần đã bị xâm phạm.
3. Việc đại diện khiếu nại phải được Uỷ ban Nhân dân cấp cơ sở xác nhận.
4. Người đại diện có nghĩa vụ trình bày đầy đủ, trung thực nội dung sự việc khiếu nại.
Điều 4. - Đơn khiếu nại phải ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ, cơ quan, đơn vị (nếu có) của người khiếu nại ; họ tên, chức vụ, cơ quan, đơn vị công tác của người bị khiếu nại; ghi rõ nội dung sự việc, cung cấp các bằng chứng, tài liệu cần thiết và yêu cầu giải quyết. Nếu khiếu nại về một quyết định (kể cả quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà đương sự còn khiếu nại) thì phải kèm theo quyết định hoặc bản sao quyết định đó.
Trường hợp nhiều người khiếu nại trong cùng một đơn về một sự việc thì từng người phải ghi rõ họ tên, địa chỉ và ký tên vào đơn; nếu trực tiếp trình bày thì cử đại diện đến trình bày với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Điều 5. - Đơn khiếu nại mà nội dung ghi chưa rõ ràng, đầy đủ thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết yêu cầu đương sự bổ sung. Trong trường hợp cần thiết phải ghi nhận lời trình bày của người khiếu nại thì cán bộ trực tiếp nhận phải ghi chính xác, đầy đủ nội dung, sau khi đọc cho đương sự nghe, người khiếu nại và cán bộ tiếp nhận cùng ký tên xác nhận.
Việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại chỉ được tiến hành tại Trụ sở cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Điều 6. - Thời hiệu khiếu nại đã được quy định tại Điều 19 Pháp lệnh. Hết thời hạn đó đương sự không có quyền khiếu nại nữa.
Nếu người khiếu nại vì những trở ngại như thiên tai, địch hoạ, đi công tác đột xuất ở nơi xa, đi công tác hoặc học tập ở nước ngoài không thể thực hiện quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời hiệu khiếu nại được tính từ ngày những trở ngại không còn nữa. Những trở ngại nói trên phải được thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp hoặc Uỷ ban Nhân dân cấp cơ sở xác nhận.
Điều 7.
1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại theo quy định tại Điều 6 Pháp lệnh, cơ quan Nhà nước nhận được đơn nếu xác định không thuộc thẩm quyền của mình giải quyết, thì phải có thông báo cho đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân biết rõ lý do và hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
2. Cơ quan Nhà nước nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, thì thụ lý phần thuộc thẩm quyền của mình đồng thời hướng dẫn người khiếu nại với các cơ quan khác có thẩm quyền giải quyết những nội dung còn lại.
Điều 8. - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn, thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính của mình, khiếu nại đối với cán bộ thuộc quyền quản lý trực tiếp mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình.
Điều 9. - Chánh thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết theo quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh, giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại đối với cán bộ thuộc quyền quản lý trực tiếp mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình.
Điều 10. - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết:
1. Khiếu nại đối với quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại với cán bộ thuộc quyền quản lý trực tiếp mà nội dung khiếu nại liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình;
2. Xem xét và ra quyết định giải quyết cuối cùng đối với khiếu nại mà Chánh thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã giải quyết, khi:
a) Đương sự còn khiếu nại;
b) Phát hiện có tình tiết mới hoặc phát hiện việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
c) Có kháng nghị của Chánh thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 11. - Chánh thanh tra sở có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh, giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại đối với cán bộ thuộc quyền quản lý trực tiếp mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình.
Điều 12. - Giám đốc Sở có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết:
1. Khiếu nại đối với quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại đối với cán bộ thộc quyền quản lý trực tiếp mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình;
2. Xem xét và ra quyết định giải quyết cuối cùng đối với khiếu nại mà Chánh thanh tra Sở đã giải quyết, khi:
a) Đương sự còn khiếu nại;
b) Phát hiện có tình tiết mới hoặc việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
c) Có kháng nghị của Chánh thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 13. - Chánh thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết theo quy định tại Điều 13 Pháp lệnh, giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại đối với cán bộ thuộc quyền quản lý trực tiếp mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình.
Điều 14. - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết:
1. Khiếu nại đối với quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại đối với cán bộ thuộc quyền quản lý trực tiếp mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình.
2. Xem xét và ra quyết định giải quyết cuối cùng đối với khiếu nại mà Chánh thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giải quyết, khi:
a) Đương sự còn khiếu nại;
b) Phát hiện có tình tiết mới hoặc phát hiện việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm Pháp luật;
c) Có kháng nghị của Tổng thanh tra Nhà nước.
Điều 15. - Chánh thanh tra Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết theo quy định tại Điều 14 Pháp lệnh, giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại với cán bộ thuộc quyền quản lý trực tiếp mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình.
Điều 16. - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết theo quy định tại Điều 16 Pháp lệnh và giải quyết:
1. Khiếu nại đối với quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại đối với cán bộ thuộc quyền quản lý trực tiếp mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình;
2. Xem xét và ra quyết định giải quyết cuối cùng đối với khiếu nại mà Chánh thanh tra Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng đã giải quyết khi:
a) Đương sự còn khiếu nại;
b) Phát hiện có tình tiết mới hoặc việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm Pháp luật;
c) Có kháng nghị của Tổng thanh tra Nhà nước.
Điều 17. - Tổng thanh tra Nhà nước có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết theo quy định tại Điều 17 Pháp lệnh, giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính của chính mình, khiếu nại đối với cán bộ thuộc quyền quản lý trực tiếp mà nội dung khiếu nại liên quan đến phạm vi quản lý của mình; quyết định của Tổng thanh tra trong trường hợp nêu trên là quyết định cuối cùng.
Điều 18. - Cơ quan Nhà nước khi nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình phải thụ lý, tiến hành thẩm tra xác minh, thu thập chứng cứ lập thành hồ sơ.
Trên cơ sở hồ sơ, chứng cứ đã thu thập được, căn cứ vào các quy định của Pháp luật, Thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định giải quyết. Trường hợp người bị thiệt hại được bồi thường thì quyết định phải ghi rõ tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký, quyết định giải quyết khiếu nại phải được gửi cho những người nói tại Điều 25 của Pháp lệnh.
Cơ quan Nhà nước đã ra quyết định giải quyết khiếu nại có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh, kịp thời.
Điều 19. - Thời hạn kháng nghị nói tại Điều 13 và Điều 17 của Pháp lệnh không quá một năm kể từ ngày ký quyết định giải quyết khiếu nại.
Kháng nghị được gửi cho thủ trưởng cùng cấp của tổ chức thanh tra đã ra quyết định giải quyết và tổ chức thanh tra đó, đồng thời thông báo cho người khiếu nại, người bị khiếu nại biết.
Điều 20. - Căn cứ kháng nghị là phát hiện có tình tiết mới hoặc giải quyết có dấu hiệu vi phạm Pháp luật.
1. Tình tiết mới là những chứng cứ đã có từ trước mà trong quá trình giải quyết, cơ quan có thẩm quyền chưa phát hiện được và với chứng cứ đó thì việc khiếu nại phải được giải quyết lại mới bảo đảm tính đúng đắn.
2. Dấu hiệu vi phạm Pháp luật là những dấu hiệu chứng tỏ khi quyết định giải quyết đã áp dụng không đúng các quy luật của Pháp luật, hoặc cơ quan có thẩm quyền đã vi phạm thủ tục giải quyết, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Điều 21. - Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh.
1. Cá nhân có trách nhiệm mà không thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thì tuỳ theo mức độ vi phạm nặng hoặc nhẹ, thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp cá nhân đó có thể áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật hành chính, trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đề nghị cơ quan Pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 127 Bộ luật hình sự.
2. Nếu người khiếu nại, người bị khiếu nại hoặc những người liên quan không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thì Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thích hợp theo quy định của Pháp luật buộc họ phải thực hiện.
Người nào lợi dụng quyền khiếu nại để gây rối trật tự công cộng thì tuỳ theo mức độ vi phạm nặng hoặc nhẹ có thể xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 198 Bộ luật hình sự.
3. Nếu Thủ trưởng có trách nhiệm mà không áp dụng biện pháp cần thiết nói tại khoản 1 và 2 Điều này để thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thì tuỳ theo mức độ vi phạm nặng hoặc nhẹ có thể bị xử lý kỷ luật hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 220 của Bộ luật hình sự.
II. TỐ CÁO VÀ VIỆC GIẢI QUYẾT TỐ CÁO
Điều 22. - Công dân có quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bằng hình thức gửi đơn hoặc trực tiếp trình bày.
Đơn tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo; nêu rõ sự việc, các bằng chứng mà mình đưa ra; họ tên, địa chỉ, chức vụ người bị tố cáo.
Các tố cáo về hành vi phạm tội thì giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Công dân thực hiện quyền tố cáo trước tiên tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 29 Pháp lệnh.
Điều 23.
1. Các cơ quan có thẩm quyền giải quyết có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận các tố cáo của công dân. Nếu người tố cáo đến trình bày trực tiếp thì phải ghi rõ nội dung tố cáo, họ tên địa chỉ người tố cáo, người bị tố cáo; trong trường hợp cần thiết có thể ghi âm lời tố cáo.
Nếu người tố cáo cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo thì cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phải biên nhận và bảo quản chu đáo. Bản ghi nội dung tố cáo, băng ghi lời tố cáo phải cho đương sự đọc lại, nghe lại, yêu cầu họ cùng cán bộ tiếp nhận ký tên xác nhận.
2. Những đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra xác minh, thì tuỳ tính chất, sự việc mà thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định xem xét hoặc không xem xét.
Điều 24. - Cơ quan Nhà nước nhận được tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì chậm nhất trong thời hạn 10 ngày phải chuyển đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo và tài liệu, chứng cứ liên quan (nếu có) cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo biết nếu họ có yêu cầu. Trường hợp cần thiết, đe doạ gây thiết hại tính mạng và tài sản của công dân, lợi ích của Nhà nước, của tập thể thì cơ quan nhận được tố cáo phải báo ngay cơ quan công an hoặc Uỷ ban Nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 25.
1. Cơ quan Nhà nước nhận được tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được phải ra quyết định thụ lý, đồng thời thông báo cho cơ quan đã chuyển đơn tố cáo hoặc người tố cáo biết.
2. Tố cáo thuộc thẩm quyền cấp dưới giải quyết, quá thời hạn mà không được thụ lý thì cơ quan cấp trên trực tiếp ra quyết định buộc cấp dưới giải quyết. Những tố cáo mà cấp dưới đã giải quyết dùng Pháp luật thì thông báo cho người tố cáo biết.
3. Những tố cáo đã được giải quyết nhưng phát hiện có tình tiết mới hoặc việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm Pháp luật như quy định tại Điều 20 Nghị định này, thì được giải quyết theo quy định tại các Điều 31, Điều 32, Điều 33 Pháp lệnh.
Điều 26. - Trong quá trình giải quyết tố cáo, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thu thập tài liệu, chứng cứ lập thành hồ sơ và ra văn bản kết luận, quyết định giải quyết. Nếu phải tiến hành thanh tra thì thực hiện theo quy định của Pháp luật về thanh tra. Nếu thấy có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Điều 27. - Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có kết luận hoặc quyết định tố cáo thì cơ quan đã giải quyết phải có thông báo cho người tố cáo biết. Nội dung kết luận hoặc quyết định giải quyết tố cáo phải nêu rõ căn cứ, xác định rõ đúng sai, biện pháp xử lý, thời hạn thi hành và người phải thi hành. Trường hợp chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát thì phải ghi rõ.
III. QUẢN LÝ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CAÓ CUẢ CÔNG DÂN
Điều 28. - Tổng thanh tra Nhà nước giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thực hiện việc quản lý thống nhất công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong phạm vi cả nước; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra các ngành, các cấp trong việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm bảo đảm cho các quyết định giải quyết được đúng đắn và thi hành nghiêm chỉnh; kiến nghị các biện pháp cần thiết để thi hành Pháp lệnh; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về công tác xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo lên Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, đồng thời có thông báo cho Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các tổ chức Thanh tra Nhà nước thực hiện quyền thanh tra Nhà nước trong việc thực hiện Pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
Điều 29. - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tổ chức và quản lý tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong ngành, địa phương mình; bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt làm công tác xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; ba tháng một lần có báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tổng thanh tra Nhà nước về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành, địa phương mình.
Điều 30. - Thủ trưởng các cấp, ngành có trách nhiệm tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Thanh tra nhân dân giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân. Nếu phát hiện những hành vi trái pháp luật của cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thì Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, thanh tra nhân dân có quyền kiến nghị cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan vi phạm xem xét, giải quyết và trả lời cho các tổ chức xã hội đã kiến nghị biết.
IV - ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 31. - Những khiếu nại, tố cáo trước ngày 1 tháng 8 năm 1991 mà đang được giải quyết thì vẫn tiếp tục giải quyết theo quy định của Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân ngày 2 tháng 5 năm 1991.
Điều 32. - Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; người tố cáo có công trong việc ngăn ngừa thiệt hại cho Nhà nước, tập thể, công dân thì được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.
Người nào vi phạm quyền khiếu nại, tố cáo, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân quy định tại Điều 44 Pháp lệnh thì tuỳ theo mức độ và tính chất vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Điều 33. - Căn cứ vào đặc điểm về tổ chức và hoạt động, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất với Tổng thanh tra Nhà nước hướng dẫn chi tiết việc giải quyết khiếu nại trong quân đội và công an.
Điều 34. - Tổng thanh tra Nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Điều 35. - Nghị định này thay thế Nghị định 58-HĐBT ngày 29 tháng 3 năm 1982 và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |