cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 382-HĐBT ngày 05/11/1990 của Hội đồng Bộ trưởng Ban hành Quy chế đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện thường trú các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 382-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Ngày ban hành: 05-11-1990
  • Ngày có hiệu lực: 05-11-1990
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 02-08-1994
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1366 ngày (3 năm 9 tháng 1 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 02-08-1994
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 02-08-1994, Nghị định số 382-HĐBT ngày 05/11/1990 của Hội đồng Bộ trưởng Ban hành Quy chế đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện thường trú các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 82-CP ngày 02/08/1994 của Chính phủ Ban hành Quy chế Đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 382-HĐBT

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 1990

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 382-HĐBT NGÀY 5-11-1990 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẶT VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ NƯỚC NGOÀI TẠI CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng 4 tháng 7 năm 1981;
Để hoàn thiện việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các Văn phòng Đại diện thường trú các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế đặt và hoạt động của Văn phòng Đại diện thường trú các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Nghị định này thay thế Nghị định số 199-HĐBT ngày 28 tháng 12 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng và có hiệu lực từ ngày ban hành.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

QUY CHẾ
ĐẶT VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ NƯỚC NGOÀI TẠI CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Nghị định số 382-HĐBT ngày 5 tháng 11 năm 1990)

Chương 1:

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Các tổ chức kinh tế và cá nhân nước ngoài (dưới đây gọi tắt là Bên nước ngoài) có quan hệ với các tổ chức kinh tế, thương mại Việt Nam nhằm thực hiện các mục đích kinh tế thuộc phạm vi hoạt động và đủ điều kiện quy định tại Quy chế này, có thể được phép đặt Văn phòng Đại diện thường trú tại Việt Nam.

Điều 2.

Phạm vi hoạt động của Văn phòng Đại diện Bên nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:

- Xúc tiến xây dựng các dự án, chương trình hợp tác kinh tế, kể cả các dự án, chương trình phát triển du lịch; hợp tác đầu tư và hợp tác khoa học kỹ thuật được phía Việt Nam quan tâm.

- Xúc tiến trong thời gian dài việc thực hiện các hợp đồng thương mại, kể cả các hợp đồng dịch vụ du lịch; hợp đồng thuộc lĩnh vực đầu tư, hợp tác kinh tế khoa học kỹ thuật đã được ký kết với các tổ chức kinh tế có thẩm quyền của Việt Nam phù hợp với pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Văn phòng Đại diện Bên nước ngoài không được trực tiếp chi trả kiều hối, mua gom hàng xuất khẩu hoặc bán hàng nhập khẩu tại Việt Nam.

Bộ Thương nghiệp quy định các điều kiện cụ thể cho tổ chức và cá nhân nước ngoài đặt Văn phòng đại diện và hoạt động tại Việt Nam theo phạm vi của điều này.

Điều 3. Bộ Thương nghiệp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền xét và cấp giấy phép cho Bên nước ngoài đặt Văn phòng Đại diện tại Việt Nam theo các quy định của Quy chế này.

Chương 2:

TRÌNH TỰ XIN CẤP GIẤY PHÉP ĐẶT VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN

Điều 4.

Bên nước ngoài xin cấp giấy phép đặt Văn phòng Đại diện thường trú tại Việt Nam phải gửi đơn đến Bộ Thương nghiệp và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân tỉnh) nơi Bên nước ngoài xin đặt trụ sở Văn phòng Đại diện.

Đơn được lập theo mẫu thống nhất do Bộ Thương nghiệp quy định, gồm một bản chính bằng tiếng Việt Nam, một bản bằng một trong các thứ tiếng nước ngoài thông dụng, nội dung gồm:

1- Tên và địa chỉ nơi đóng trụ sở chính của Bên nước ngoài;

2- Phạm vi hoạt động chủ yếu của Bên nước ngoài tại nước mình;

3- Số vốn pháp định của Bên nước ngoài;

4- Mục đích xin đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam;

5- Phạm vi hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam;

6- Nơi (tỉnh, thành phố) xin đặt trụ sở Văn phòng đại diện;

7- Số lượng cán bộ, nhân viên trong Văn phòng đại diện, trong đó:

- Số người nước ngoài,

- Số người tuyển dụng tại Việt Nam.

8- Tài sản chủ yếu của Văn phòng đại diện tại Việt Nam;

9- Người có thẩm quyền cao nhất của Bên nước ngoài xin đặt Văn phòng đại diện ký tên và đóng dấu (nếu có).

Điều 5.

Kèm theo đơn xin phép đặt Văn phòng đại diện, Bên nước ngoài phải xuất trình:

1- Điều lệ hoặc tài liệu cần thiết chứng minh sự tồn tại hợp pháp của Bên nước ngoài;

2- Giấy chứng nhận của Ngân hàng hoặc cơ quan có thẩm quyền phía nước ngoài xác định rõ số vốn pháp định của Bên nước ngoài;

3- Một số giấy tờ có liên quan khác (nếu cần).

Điều 6. Trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ ngày Bộ Thương nghiệp Việt Nam nhận đơn, Bên nước ngoài sẽ được thông báo về kết quả của việc xin đặt Văn phòng đại diện.

Điều 7.

Giấy phép đặt Văn phòng đại diện cấp cho Bên nước ngoài phải quy định rõ mục đích, phạm vi hoạt động và điều kiện hoạt động của Văn phòng đại diện.

Giấy phép được cấp có giá trị trong thời hạn không quá 03 (ba) năm, kể từ ngày cấp, tuỳ thuộc vào nội dung hoạt động hữu quan của Bên nước ngoài.

Điều 8.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được giấy phép đặt Văn phòng đại diện, Bên nước ngoài phải đến đăng ký hoạt động với Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi Văn phòng đại diện đóng trụ sở, và phải gửi cho Uỷ ban nhân dân tỉnh các bản tóm tắt lý lịch của người đại diện trưởng và các nhân viên người nước ngoài sẽ làm việc trong Văn phòng đại diện. Trong 15 ngày làm việc Uỷ ban nhân dân tỉnh phải cấp cho Văn phòng đại diện giấy đăng ký hoạt động theo mẫu thống nhất của Bộ Thương nghiệp gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

1- Tên và địa chỉ đóng trụ sở Văn phòng đại diện (số nhà, đường phố, quận/huyện, tỉnh/thành phố);

2- Số giấy phép và ngày được cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện;

3- Tên người đại diện trưởng và các nhân viên người nước ngoài, người tuyển dụng tại Việt Nam (nếu có) trong Văn phòng đại diện;

4- Phạm vi hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam (căn cứ theo giấy phép được cấp);

5- Thời gian bắt đầu hoạt động của Văn phòng đại diện.

Sau khi cấp giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng đại diện, Uỷ ban nhân dân tỉnh gửi 1 bản sao về Bộ Thương nghiệp để theo dõi việc thực hiện.

Chương 3:

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN

Điều 9.

Khi được cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam, Bên nước ngoài phải nộp một khoản phí theo biểu phí do Bộ Thương nghiệp và Bộ Tài chính Việt Nam quy định.

Điều 10. Văn phòng đại diện tại Việt Nam chỉ được hoạt động theo những nhiệm vụ, mục đích, phạm vi và thời gian đã quy định trong giấy phép và giấy đăng ký; phải tuân thủ các quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam về việc đi lại ra ngoài phạm vi các tỉnh, thành phố và đặc khu nơi Văn phòng đại diện đóng trụ sở.

Điều 11. Văn phòng đại diện được thuê trụ sở làm việc, nhà ở và các phương tiện phụ vụ hoạt động và sinh hoạt của mình; được thuê công dân Việt Nam làm việc theo quy chế hiện hành của Việt Nam.

Điều 12.

Văn phòng đại diện được mở tài khoản bằng tiền Việt Nam tại Ngân hàng của Việt Nam và mở tài khoản bằng ngoại tệ tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam hoặc tại Ngân hàng được Ngân hàn Nhà nước Việt Nam uỷ quyền để phục vụ cho hoạt động của mình theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Việc thanh toán chuyển đổi ngoại tệ và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của Văn phòng đại diện thực hiện theo quy định về quản lý ngoại hối của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 13. Văn phòng đại diện được nhập khẩu vào Việt Nam và tái xuất khẩu khi kết thúc hoạt động tại Việt Nam ô-tô và các vật dụng cần thiết cho nhu cầu công tác và sinh hoạt theo quy định tại Nghị định số 131-HĐBT ngày 27 tháng 8 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 14. Văn phòng đại diện phải báo cáo định kỳ bằng văn bản với Bộ Thương nghiệp và Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi đóng trụ sở về các hoạt động nghiệp vụ của mình theo giấy phép được cấp, không kể trường hợp cần thiết phải báo cáo ngay theo yêu cầu của Bộ Thương nghiệp Việt Nam.

Điều 15. Văn phòng đại diện các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam không được hưởng quy chế ưu đãi miễn trừ ngoại giao. Trong thời gian được phép hoạt động tại Việt Nam, Văn phòng đại diện có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Nhà nước Việt Nam bảo hộ các quyền lợi theo pháp luật của Việt Nam.

Chương 4:

THAY ĐỔI, GIA HẠN VÀ CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN

Điều 16.

Trường hợp muốn thay đổi tên, trụ sở chính hoặc chi nhánh của Văn phòng đại diện, hoặc muốn kéo dài thời hạn hoạt động tại Việt Nam, Bên nước ngoài phải báo cáo Bộ Thương nghiệp và Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi đóng trụ sở trước 30 ngày và chỉ được thay đổi hoặc kéo dài thời hạn hoạt động khi có văn bản chấp nhận của Bộ Thương nghiệp.

Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, Bên nước ngoài muốn thay đổi người đại diện trưởng và nhân viên người nước ngoài trong Văn phòng đại diện phải báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi đóng trụ sở, và chỉ được thay đổi khi có văn bản chấp thuận.

Điều 17.

Hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam được chấm dứt trong các trường hợp:

1- Hết thời hạn ghi trong giấy phép;

2- Theo đề nghị của chính Bên nước ngoài;

3- Theo quyết định của Bộ Thương nghiệp Việt Nam nếu Văn phòng đại diện vi phạm những quy định trong giấy phép đặt Văn phòng đại diện.

Trong các trường hợp nói trên, Bộ Thương nghiệp phải có văn bản thông báo cho Bên nước ngoài trong phạm vi 30 ngày trước khi chấm dứt hoạt động.

Điều 18. Trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ ngày Bộ Thương nghiệp gửi thông báo kết thúc hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam, Văn phòng đại diện phải trả trụ sở làm việc, nhà ở, phương tiện làm việc và sinh hoạt đã thuê và thanh toán các công nợ với các tổ chức và cá nhân có liên quan phía Việt Nam.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Quy chế này không áp dụng đối với các tổ chức quốc tế có Văn phòng đại diện thành lập theo Công ước hoặc Hiệp định mà Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia ký kết.

Điều 20. Bản Quy chế này thay thế bản Quy chế đã ban hành kèm theo Nghị định số 199-HĐBT ngày 28/12/1988 của Hội đồng Bộ trưởng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 21. Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp và các Bộ, Uỷ ban Nhà nước có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)