cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 227-CP ngày 21/06/1979 của Hội đồng Chính phủ Về bản quy định về chính sách và biện pháp nhằm khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 227-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 21-06-1979
  • Ngày có hiệu lực: 06-07-1979
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-02-1980
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 216 ngày ( 7 tháng 6 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 07-02-1980
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 07-02-1980, Nghị định số 227-CP ngày 21/06/1979 của Hội đồng Chính phủ Về bản quy định về chính sách và biện pháp nhằm khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 40-CP ngày 07/02/1980 của Hội đồng Chính phủ Quy định về chính sách và biện pháp nhằm phát triển sản xuất hàng xuất khẩu (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

*******

Số: 227-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 1979

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH VÀ BIỆN PHÁP NHẰM KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào nghị quyết của Đại hội lần thứ IV của Đảng và các nghị quyết của Ban chấp hành trung ương Đảng;
Để cụ thể hóa các nghị quyết, quyết định và chỉ thị của Chính phủ đã ban hành nhằm tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa;
Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Ngoại thương;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 11 tháng 5 năm 1979.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: - Nay ban hành kèm theo nghị định này bản Quy định về chính sách và biện pháp nhằm khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu.

Điều 2: - Các điều quy định trong các văn bản ban hành trước đây trái với bản quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3: - Các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

BẢN QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH VÀ BIỆN PHÁP NHẰM KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU
(Ban hành kèm theo Nghị định số 227-CP ngày 21-06-1979 của Hội đồng Chính phủ)

Căn cứ vào nghị quyết của Đại hội lần thứ IV của Đảng và các nghị quyết  của Ban chấp hành trung ương Đảng;

Để cụ thể hóa nghị quyết của Hội đồng Chính phủ số 280-CP ngày 12-10-1977 và các quyết định, chỉ thị, thông tư đã được ban hành nhằm tăng nhanh nguồn xuất khẩu, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa;

Hội đồng Chính phủ quy định dưới đây chính sách và biện pháp nhằm khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu.

I. ĐẦU TƯ ĐỂ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU

Điều 1: - Nhằm phát huy mạnh mẽ tiềm lực kinh tế, mau chóng tạo ra nhiều nguồn hàng xuất khẩu chủ lực, Nhà nước tăng cường đầu tư vào các ngành sản xuất, trước hết là nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khai thác các khoáng sản có trữ lượng lớn, các ngành công nghiệp nhẹ, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và gia công hàng xuất khẩu trên nguyên tắc hiệu suất đầu tư tương đối cao, thời gian xây dựng và mở rộng cơ sở tương đối nhanh.

Điều 2: - Nhà nước chú trọng đầu tư theo chiều sâu bằng cách bổ sung thiết bị, hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, mở rộng hoặc cải tạo những xí nghiệp hiện có, đồng thời đầu tư theo chiều rộng bằng việc xây dựng các cơ sở chuyên sản xuất hàng xuất khẩu với khối lượng lớn, chất lượng cao, chú trọng tạo nên những mặt hàng xuất khẩu chủ lực có thị trường ổn định và lâu dài. Coi trọng trước hết việc phát triển nông nghiệp nhiệt đới, lâm nghiệp, việc khai thác hải sản và những nguồn khoáng sản có trữ lượng tương đối dồi dào, những ngành công nghiệp và thủ công nghiệp có kỹ thuật truyền thống hoặc có điều kiện đào tạo nhanh công nhân.

Điều 3: - Trong việc đầu tư vào các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, phải đầu tư đồng bộ trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, chú trọng các khâu từ sản xuất đến vận chuyển, chế biến; trong công nghiệp, chú trọng cả khâu sản xuất chính và các khâu phụ trợ; đi đôi với việc phát triển sản xuất các sản phẩm, phải đầu tư về cả phương tiện đóng gói và bao bì, kho bảo quản hàng hóa, đặt biệt là kho chuyên dùng; chú trọng phát triển vận tải để phục vụ xuất khẩu.

Điều 4: - Nguồn vốn đầu tư, tùy theo ngành sản xuất và loại sản phẩm, có thể là vốn trong nước hoặc vốn bằng ngoại tệ bao gồm vốn vay nợ, vốn đầu tư của nước ngoài qua hình thức hợp tác kinh tế. Nếu đầu tư bằng vốn vay nợ, thì đơn vị sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm thanh toán toàn bộ số ngoại tệ vay bằng hàng xuất khẩu của mình trong một thời hạn nhất định. (Trong trường hợp một phần hàng của cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu được dùng để đáp ứng nhu cầu trong nước, thì sẽ xem xét riêng). Ngân hàng ngoại thương chịu trách nhiệm huy động vốn vay ngắn hạn và trung hạn của nước ngoài vào mục đích đầu tư cho xuất khẩu. Các tổ chức ngoại thương cần nghiên cứu mở rộng hình thức hợp tác gia công để nhập các thiết bị, nguyên liệu, vật liệu và thanh toán bằng các sản phẩm xuất khẩu.

Đối với những cơ sở xây dựng mà thời hạn trả nợ có thể dài hơn, thì phải dùng hình thức hợp tác kinh tế với nước ngoài theo chương II trong Điều lệ đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam.

Điều 5: - Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ chủ quản và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm căn cứ vào phương hướng phát triển nền kinh tế quốc dân, phương hướng xuất khẩu, xác định chủ trương đầu tư nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong kế hoạch ngắn hạn và kế hoạch dài hạn.

Điều 6: - Ban xuất khẩu của Hội đồng Chính phủ thành lập theo quyết định số 178-TTg ngày 15-04-1977 (do đồng chí Bộ trưởng Bộ Ngoại thương làm trưởng ban) có trách nhiệm nghiên cứu và kiến nghị với Chính phủ các dự án, chủ trương và biện pháp cụ thể về đầu tư để đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu.

II. CUNG ỨNG NGUYÊN LIỆU VÀ VẬT TƯ NHẬP KHẨU CHO CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU

Điều 7: - Để bảo đảm thực hiện kế hoạch sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, Nhà nước sẽ cung ứng cho các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu các nguyên liệu và vật tư cần thiết. Nếu các nguyên liệu và vật tư đó chưa được sản xuất ở trong nước, thì Nhà nước sẽ bảo đảm nguồn hàng nhập khẩu.

Điều 8: - Các đơn vị được bảo đảm cung ứng tư liệu sản xuất (nói trong điều 7) là:

- Các cơ sở quốc doanh được giao chỉ tiêu xuất khẩu;

- Các hợp tác xã trồng cây xuất khẩu theo quy định, kế hoạch của Nhà nước và bán sản phẩm cho Nhà nước trên cơ sở hợp đồng kinh tế hai chiều;

- Các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trên cơ sở hợp đồng kinh tế hai chiều, nếu được giao nguyên liệu, phải bán lại toàn bộ sản phẩm cho tổ chức ngoại thương.

Điều 9:- Trong trường hợp việc nhập khẩu các vật tư không bảo đảm yêu cầu chung của sản xuất, thì các đơn vị được giao nhiệm vụ sản xuất hàng xuất khẩu (nói trong điều 8) sẽ được ưu tiên cung ứng các vật tư kể trên.

Điều 10: - Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, và các Bộ quản lý ngành kinh tế-kỹ thuật có trách nhiệm cân đối các vật tư cho kế hoạch sản xuất hàng xuất khẩu (kể cả vật tư nhập khẩu) và phải bảo đảm ngoại tệ cần thiết để nhập các vật tư đó.

Điều 11: - Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại thương có trách nhiệm cùng với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước căn cứ vào số lượng phân bón hóa học và vật tư thực tế nhập khẩu, ấn định mức cung ứng phân bón hóa học và vật tư cho từng vùng chuyên canh cây xuất khẩu, trên tinh thần ưu tiên như đã quy định ở điều 9.

III. CHÍNH SÁCH LƯƠNG THỰC ĐỐI VỚI CÁC HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU

Điều 12:- Các hợp tác xã trồng cây xuất khẩu ở những vùng chuyên canh cây xuất khẩu được hưởng chế độ cung ứng lương thực như các hợp tác xã trồng cây công nghiệp, theo các quy định trong chỉ thị số 125-TTg ngày 27-3-1971 của Thủ tướng Chính phủ (mức cung cấp lương thực theo đầu tấn bán nông sản).

Điều 13: - Trong trường hợp có khó khăn về lương thực, Ủy ban nhân dân huyện hoặc tỉnh không bảo đảm hoặc chỉ bảo đảm cung ứng một phần lương thực, thì Nhà nước sẽ bổ sung, nhưng địa phương phải dùng số lương thực được Nhà nước bổ sung để cung ứng cho những hợp tác xã và vùng chuyên canh cây xuất khẩu cũng như vùng khai thác lâm sản, hải sản chuyên dành cho xuất khẩu. Địa phương không được dùng số lương thực này (cùa Nhà nước bổ sung) vào việc khác.

Điều 14: - Bộ Lương thực và thực phẩm, Bộ Ngoại thương có trách nhiệm bàn với các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan để ấn định mức cung ứng lương thực hàng năm cho những hợp tác xã ở những vùng chuyên canh cây xuất khẩu và những vùng khai thác lâm sản chuyên dành cho xuất khẩu; khi ấn định mức cung ứng lương thực này, phải căn cứ vào tình hình cân đối lương thực của Nhà nước, của từng địa phương và yêu cầu hợp lý của từng vùng, Ủy ban nhân dân các tỉnh phải có biện pháp bảo đảm thực hiện đúng mức đã ấn định.

IV. CHO VAY NGOẠI TỆ ĐỂ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU

Điều 15: - Nhằm giải quyết các yêu cầu đột xuất trong sản xuất hàng xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh ngoại thương, tăng nhanh khối lượng hàng xuất khẩu và tăng thu ngoại tệ cho Nhà nước, các ngành kinh tế, các cơ sở sản xuất và các tổ chức ngoại thương được vay ngoại tệ để đẩy mạnh sản xuất và gia công hàng xuất khẩu, để kinh doanh chuyển khẩu, kể cả việc lợi dụng thời giá thị trường và kinh doanh các loại hàng tiêu dùng cao cấp bán lấy ngoại tệ cao hơn số ngoại tệ đã chi.

Điều 16: - Thực hiện chủ trương ghi ở điều 15, ngân hàng ngoại thương được thành lập quỹ ngoại tệ đặc biệt để cho vay sản xuất hàng xuất khẩu (gọi tắt là quỹ ngoại tệ xuất khẩu).

Nguồn vốn của quỹ ngoại tệ xuất khẩu gồm:

- Vốn tự có của ngân hàng;

- Vốn ngân hàng vay nước ngoài;

- Ngoại tệ của Nhà nước bổ sung cho quỹ bằng khoản trích 5% kim ngạch xuất khẩu hàng năm;

- Lãi ngân hàng thu được từ việc cho vay phục vụ xuất khẩu.

Điều 17: - Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các tổ chức ngoại thương chỉ được vay của quỹ ngoại tệ xuất khẩu, để sử dụng vào các mục đích ghi ở điều 15 và với điều kiện trả vốn và lãi cho ngân hàng đúng kỳ hạn, tăng thu ngoại tệ cho Nhà nước.

Điều 18: - Cách thức vay và trả quỹ ngoại tệ xuất khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được quy định như sau:

1. Đối với hàng xuất khẩu cho thị trường xã hội chủ nghĩa (chưa ghi vào kế hoạch xuất khẩu) hoặc sản xuất vượt chỉ tiêu kế hoạch (gọi tắt là hàng xuất khẩu ngoài kế hoạch), các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoặc tổ chức ngoại thương được vay của quỹ ngoại tệ xuất khẩu để nhập các nguyên liệu, vật tư cần thiết cho sản xuất với điều kiện được Bộ Ngoại thương xác nhận các mặt hàng ấy có thể đổi được nguyên liệu, vật tư có giá trị ngoại tệ của các nước xã hội chủ nghĩa, trị giá gấp hai lần số ngoại tệ tư bản chủ nghĩa đã vay của quỹ ngoại tệ xuất khẩu.

Trong trường hợp này, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Ngoại thương có trách nhiệm điều chỉnh chỉ tiêu nhập khẩu nguyên liệu, vật tư của thị trường tư bản chủ nghĩa hoặc cân đối lại kế hoạch thu chi của Nhà nước về ngoại tệ tư bản chủ nghĩa cho phù hợp.

2. Đối với các mặt hàng đã ghi vào kế hoạch xuất khẩu cho thị trường tư bản chủ nghĩa, Nhà nước bảo đảm cung ứng nguyên liệu và vật tư (theo các quy định của chương II), nhưng nếu gặp trường hợp Nhà nước thiếu ngoại tệ để nhập khẩu, thì các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoặc tổ chức ngoại thương được vay của quỹ ngoại tệ xuất khẩu để nhập nguyên liệu, vật tư cần thiết cho sản xuất.

3. Đối với hàng xuất khẩu ngoài kế hoạch cho thị trường tư bản chủ nghĩa, các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoặc tổ chức ngoại thương, được vay của quỹ ngoại tệ xuất khẩu với lãi suất thị trường để nhập nguyên liệu, vật tư cần thiết cho sản xuất với điều kiện được Bộ Ngoại thương xác nhận là có hiệu quả kinh tế.

4. Việc phân phối và sử dụng ngoại tệ thu được do xuất khẩu ngoài kế hoạch được quy định như sau:

- Trả vốn và lãi cho ngân hàng;

- 30% ngoại tệ còn lại được bổ sung cho quỹ ngoại tệ xuất khẩu;

- 70% cho đơn vị sản xuất, kinh doanh sử dụng theo hình thức thưởng “quyền sử dụng ngoại tệ”.

Trong trường hợp tổ chức ngoại thương đứng ra vay để tổ chức sản xuất hàng xuất khẩu ngoài kế hoạch, thì sau khi trả vốn, lãi cho ngân hàng, số ngoại tệ còn lại được bổ sung cho quỹ ngoại tệ xuất khẩu và nộp cho Nhà nước.

Điều 19: - Thể thức vay và trả quỹ ngoại tệ xuất khẩu để kinh doanh ngoại thương được quy định như sau:

1. Công ty ngoại thương được vay của quỹ ngoại tệ xuất khẩu để kinh doanh chuyển khẩu hoặc lợi dụng thời giá của thị trường để mua vào bán ra, với điều kiện được Bộ Ngoại thương xác nhận là có hiệu quả kinh tế.

2. Công ty ngoại thương, Công ty du lịch, Công ty cung ứng tàu biển, Tổng cục hàng không dân dụng cũng được vay của quỹ ngoại tệ xuất khẩu để nhập hàng tiêu dùng cao cấp, bán cho khách nước ngoài lấy ngoại tệ tư bản chủ nghĩa theo danh mục hàng nhập khẩu do Bộ Ngoại thương quy định. Sau khi các công ty kể trên trả vốn và lãi cho ngân hàng, số ngoại tệ còn lại được bổ sung cho quỹ ngoại tệ. Trong trường hợp đặt biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép, các công ty kể trên cũng có thể giữ lại 70% ngoại tệ còn lại để sử dụng theo hình thức thưởng “quyền sử dụng ngoại tệ”.

Điều 20: - Trong các trường hợp áp dụng điều 19, nếu tổ chức ngoại thương có thể mua chịu được nguyên liệu, vật liệu của thương nhân nước ngoài (nhưng phải có bảo lĩnh của ngân hàng), thì ngân hàng ngoại thương chịu trách nhiệm bảo lĩnh.

Điều 21: - Trong trường hợp Nhà nước chưa có ngoại tệ phân phối cho  Bộ Ngoại thương để nhập các vật tư tác động vào sản xuất hàng xuất khẩu theo các quy định ở điều 25 của chương V, Bộ Ngoại thương chỉ đạo các tổng công ty xuất nhập khẩu vay của quỹ ngoại tệ xuất khẩu để nhập các vật tư đó, và phải trả lại ngân hàng sau khi hàng đã xuất và thu được ngoại tệ. Trong trường hợp này, các cơ quan có trách nhiệm phải cân đối lại kế hoạch thu chi ngoại tệ như trong điều 18 đã quy định.

V. KHUYẾN KHÍCH CÁC HỢP TÁC XÃ VÀ CÁC HỘ SẢN XUẤT Ở NHỮNG VÙNG KHÔNG CHUYÊN CANH, NHỮNG VÙNG KHAI THÁC LÂM SẢN PHÂN TÁN BÁN SẢN PHẨM XUẤT KHẨU CHO NHÀ NƯỚC

Điều 22: - Các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất hoặc hộ nông dân riêng lẻ ở những vùng nông nghiệp không chuyên canh và những vùng khai thác lâm sản phân tán không thuộc diện được hưởng chế độ cung ứng lương thực và vật tư sản xuất quy định trong các chương II và III, có sản phẩm nông sản, lâm sản xuất khẩu bán cho Nhà nước, thì được Nhà nước khuyến khích vật chất bằng cách bán lại một số lương thực, vật tư sản xuất hoặc hàng tiêu dùng trị giá từ 5% đến 20% giá trị sản phẩm xuất khẩu đã bán cho Nhà nước, tùy theo từng loại sản phẩm.

Định mức hàng hóa, vật tư bán khuyến khích cho từng loại sản phẩm do Bộ Ngoại thương cùng với các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh có sản phẩm quy định phù hợp với khả năng cung ứng của Nhà nước.

Điều 23: - Các loại nông sản, lâm sản xuất khẩu thuộc diện Nhà nước khuyến khích (ghi trong điều 22) gồm:

1.  Nông sản ngắn ngày: gạo đặc sản, lạc nhân, vừng, đậu tương, đậu đen, dứa, chuối, ớt, tỏi, thuốc lá, đay, cói, thầu dầu, các loại tinh dầu…

2. Cây dài ngày: cà-phê, chè, hồ tiêu, cam, bưởi…

3. Sản phẩm chăn nuôi: gà, vịt, lợn sữa (lợn thịt và bò được quy định riêng).

4. Lâm sản: cánh kiến đỏ, cánh kiến trắng, hoa hồi, quế, thảo quả, sa nhân, ba kích…

5. Cây thuốc: (có quy định riêng).

Điều 24: - Phương thức bán khuyến khích (ghi trong điều 22) do Bộ Ngoại thương cùng với các bộ có liên quan quy định.

Giá thu mua nông sản của các hợp tác xã, hộ sản xuất và giá bán vật tư cho các hợp tác xã, hộ sản xuất do Nhà nước quy định.

Điều 25: - Để có vật tư bán khuyến khích cho các hợp tác xã và hộ sản xuất hàng xuất khẩu, Nhà nước phân phối cho Bộ Ngoại thương số vật tư cần thiết để lập một quỹ hàng hóa đặc biệt gọi là quỹ hàng hóa khuyến khích hàng xuất khẩu. Ngoài số vật tư sản xuất ở trong nước, Bộ Ngoại thương được Nhà nước phân phối ngoại tệ để nhập các vật tư cần thiết nhằm bổ sung quỹ hàng hóa khuyến khích xuất khẩu.

Bộ Ngoại thương có trách nhiệm quản lý và sử dụng quỹ hàng hóa kể trên theo đúng chế độ của Nhà nước; Ủy ban nhân dân các tỉnh và các ngành cung ứng hàng xuất khẩu có nhiệm vụ tổ chức bảo quản và bán các hàng hóa khuyến khích cho các hợp tác xã và hộ sản xuất hàng xuất khẩu theo đúng đối tượng được quy định trong điều 22 và theo sự hướng dẫn, kiểm soát của Bộ Ngoại thương.

VI. CHÍNH SÁCH VỀ GIÁ THU MUA SẢN PHẨM XUẤT KHẨU

Điều 26: - Để phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, Nhà nước có chính sách thu mua khuyến khích đúng mức đối với sản phẩm xuất khẩu nhằm động viên các đơn vị sản xuất tích cực tạo ra nhiều nguồn hàng xuất khẩu (nhất là nguồn hàng chủ lực) có khối lượng lớn, giá trị cao đồng thời góp phần tạo ra sức hấp dẫn của hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Giá thu mua hàng xuất khẩu thuộc hệ thống giá cả chung trong nước, nhưng do hàng xuất khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn và phẩm chất cao hơn, hình dáng đẹp hơn, bao bì đóng gói kỹ hơn, nên khi định giá, cần có mức chênh lệch hợp lý để khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu.

Điều 27: - Đối với sản phẩm công nghiệp xuất khẩu, khi định giá thành sản xuất, ngoài chế độ tính giá thành của Nhà nước quy định, phải xét đến mọi yếu tố sản xuất để tạo mặt hàng xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế, có tính đến chất lượng của các nguyên liệu và vật tư được sử dụng, tính năng của các thiết bị sử dụng để bảo đảm kỹ thuật sản xuất, thời gian lao động cần thiết của những công nhân có tay nghề giỏi, chi phí nghiên cứu khoa học-kỹ thuật mà đơn vị sản xuất đã lo liệu để làm mặt hàng (hoặc chi phí mua bằng sáng chế phát minh, mua bí quyết kỹ thuật của nước ngoài) và có trách nhiệm của người quản lý…

Điều 28: - Đối với nông sản xuất khẩu, khi định giá thu mua, trên cơ sở vận dụng chính sách về giá nông sản của Nhà nước, cần xác định mức chênh lệch thích đáng đối với các sản phẩm phải chọn lọc, chế biến để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đối với các vùng chuyên canh cây xuất khẩu theo quy hoạch và kế hoạch của Nhà nước, khi định giá thu mua sản phẩm xuất khẩu, cần tính đến các khoản mà Nhà nước đã đầu tư, các tư liệu sản xuất, lương thực và hàng tiêu dùng do Nhà nước cung ứng (thông qua hợp đồng kinh tế hai chiều) và các khoản tiền thưởng áp dụng theo các quy định của chương I, II, III, V và VIII của bản quy định này, đồng thời phải bảo đảm cho người chuyên trồng cây xuất khẩu có thu nhập cao hơn so với người trồng các cây khác ở địa phương, với mức thích đáng.

Điều 29: - Đối với các sản phẩm xuất khẩu khác (lâm sản, hải sản, hàng tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp), phải căn cứ vào tính chất và đặc điểm của từng ngành nghề, xác định giá thu mua, trên nguyên tắc là bù đắp giá thành đầy đủ và hợp lý, dành cho hàng xuất khẩu mức lãi cao hơn so với hàng tiêu thụ trong nước và đặc biệt khuyến khích các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cao.

Điều 30: - Bộ Ngoại thương, Ủy ban Vật giá Nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm quản lý và quyết định giá cần vận dụng các nguyên tắc kể trên vào việc định giá từng loại hàng xuất khẩu, kiểm tra và xem xét ngay những giá cần điều chỉnh để kịp thời khuyến khích sản xuất phục vụ xuất khẩu.

VII. CHẾ ĐỘ THUẾ VÀ BÙ LỖ ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM XUẤT KHẨU

Điều 31: - Để đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu, đồng thời để tăng sức hấp dẫn của hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới, các sản phẩm xuất khẩu được miễn thu quốc doanh, thuế hàng hóa và mọi khoản thu phí kinh tế khác.

Xí nghiệp sản xuất giao hàng cho ngành ngoại thương theo giá bán buôn công nghiệp như đối với khách tiêu thụ trong nước; khi xuất khẩu, có chứng từ xác nhận, thì cơ quan tài chính sẽ hoàn lại các khoản thu.

Điều 32: - Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành điều 31.

Điều 33: - Đối với những hàng xuất khẩu bị lỗ, Hội đồng Chính phủ cho phép Bộ Ngoại thương bàn với Bộ Tài chính và được quyết định bù lỗ đến mức 50% so với giá thành xuất khẩu, nếu hàng đó bán lấy ngoại tệ chuyển đổi; nếu là hàng xuất khẩu qua đường Clearing, thì được bù lỗ đến mức 30%. Đối với các trường hợp phải bù lỗ vượt các mức quy định kể trên, phải trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ xét và quyết định. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại thương, Ủy ban Vật giá Nhà nước có trách nhiệm xác định tỷ giá hợp lý giữa các đồng tiền nước ngoài với đồng ngân hàng, trình Chính phủ quyết định kịp thời để có cơ sở tính thu bù lỗ, lãi của hàng xuất khẩu và giá vốn của hàng nhập khẩu sát với thực tế. Khi quyết định mức bù lỗ, Bộ Ngoại thương phải chú ý đến những lợi ích khuyến khích vật chất về quyền được sử dụng ngoại tệ và các lợi ích khác mà chính sách của Nhà nước đã ưu đãi các ngành và các đơn vị làm hàng xuất khẩu.

VIII. CHẾ ĐỘ THƯỞNG KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT VÀ GIAO HÀNG XUẤT KHẨU

Điều 34: - Thưởng khuyến khích sản xuất và giao hàng xuất khẩu gồm hai loại:

- Thưởng bằng tiền Việt Nam nhằm tăng thêm cho 3 quỹ trích lập theo thông tư số 165-TTg ngày 21-3-1978 của Thủ tướng Chính phủ;

- Thưởng bằng quyền được sử dụng ngoại tệ (theo quyết định số 151-CP ngày 01-07-1974 để nhập những tư liệu sản xuất nhằm mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu và trong những trường hợp đặc biệt (cơ sở lao động nặng nhọc, cơ sở ở miền núi) để nhập một số hàng tiêu dùng thật cần thiết.

Điều 35: - Điều kiện được thưởng đối với các đơn vị sản xuất là phải hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước. Đối tượng được thưởng khuyến khích là các liên hiệp xí nghiệp, công ty chuyên ngành, xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp công tư hợp doanh và hợp tác xã sản xuất đã thực hiện đầy đủ hợp đồng giao hàng xuất khẩu ký với các tổ chức ngoại thương. Căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu của Nhà nước, Bộ Ngoại thương theo dõi, tính toán mức thưởng kể trên và trực tiếp thưởng cho các liên hiệp xí nghiệp, công ty chuyên ngành, xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp công tư hợp doanh và hợp tác xã sản xuất.

Điều 36: - Các sản phẩm được thưởng khuyến khích tùy theo nhu cầu của thị trường thế giới và điều kiện sản xuất trong nước, hàng năm được sắp xếp thứ tự ưu tiên và do Bộ Ngoại thương quyết định.

Điều 37: - Nhà nước khuyến khích các cơ sở xây dựng kế hoạch cao và đăng ký cao hơn chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

Cơ sở sản xuất đăng ký cao phải ghi rõ số lượng sản phẩm giao thêm cho xuất khẩu và vượt kế hoạch Nhà nước giao. Những sản phẩm giao thêm phải đúng tiêu chuẩn xuất khẩu ký với Tổng công ty xuất nhập khẩu.

Mức thưởng bằng tiền Việt Nam được quy định như sau:

a) Đối với sản phẩm qua chế biến hoặc sản phẩm làm bằng nguyên liệu trong nước:

Trong trường hợp đơn vị sản xuất thực hiện hợp đồng giao hàng, đạt chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, được thưởng từ 2% đến 5% giá trị của hợp đồng.

Trong trường hợp cơ sở thực hiện vượt mức hợp đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, được thưởng từ 3% đến 5% giá trị hàng giao vượt mức.

Trong trường hợp đơn vị sản xuất đăng ký giao hàng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đối với phần giao hàng vượt chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và trong phạm vi mức đăng ký cao (được các tổng công ty xuất nhập khẩu xác nhận), thì được thưởng từ 6% đến 8% trị giá hàng giao thêm, tùy theo loại hàng.

Đối với phần giao hàng vượt mức đăng ký cao (được các Tổng công ty xuất nhập khẩu xác nhận), thì được thưởng từ 3% đến 5% trị giá hàng giao vượt mức đăng ký.

b) Đối với sản phẩm được sản xuất bằng nguyên liệu nhập khẩu (kể cả hàng gia công).

Các trường hợp đạt kế hoạch, vượt kế hoạch, thực hiện mức đăng ký cao, vượt mức đăng ký cao được thưởng như đối với các trường hợp ghi trong điểm a của điều 37, sau khi đã trừ giá trị của vật tư nhập khẩu.

c) Khi định mức thưởng cho từng mặt hàng, vừa phải căn cứ vào số lượng, vừa phải xét đến phẩm chất hàng đã giao, vừa phải đối chiếu với tỷ lệ bù lỗ mà Nhà nước phải chi về mặt hàng đó.

Điều 38: - Mức thưởng quyền được sử dụng ngoại tệ được quy định như sau:

a) Trong trường hợp cơ sở thực hiện đầy đủ hợp đồng giao hàng theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, được thưởng không quá 5% ngoại tệ thực thu, sai khi trừ giá trị của vật tư nhập khẩu tính bằng ngoại tệ, tùy theo cơ cấu hàng đã giao.

b) Trong trường hợp cơ sở thực hiện mức đã đăng ký cao hơn chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, được thưởng về phần vượt kế haọch và trong phạm vi mức đã đăng ký cao từ 30% đến 50% số ngoại tệ thực thụ, sau khi trừ giá trị của vật tư nhập khẩu tính bằng ngoại tệ. Đối với phần giao hàng vượt mức đăng ký cao, thì được thưởng không quá 5% ngoại tệ thực thụ, sau khi trừ giá trị của vật tư nhập khẩu tính bằng ngoại tệ.

Điều 39: - Nguồn tiền thưởng.

a) Nguồn thưởng bằng tiền Việt Nam được quy định bằng 2% giá thu mua hàng xuất khẩu. Khi xây dựng kế hoạch xuất khẩu hàng năm, Bộ Ngoại thương có nhiệm vụ dự trù khoản tiền thưởng này và báo cáo với Bộ Tài chính để tổng hợp vào ngân sách Nhà nước. Hàng năm, Bộ Ngoại thương phải quyết toán với Bộ Tài chính vế số tiền thưởng này.

b) Nguồn thưởng bằng quyền được sử dụng ngoại tệ: hàng năm, khi cân đối kế hoạch xuất nhập khẩu, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước dành ra 5% kế hoạch thu ngoại tệ về hàng xuất khẩu (sau khi đã trừ giá trị của vật tư nhập khẩu) để thưởng cho các đơn vị sản xuất. Nếu số ngoại tệ được dành ra chưa sử dụng hết trong năm kế hoạch, thì được chuyển sang năm sau để sử dụng vào hình thức thưởng này.

Điều 40: - Nguyên tắc sử dụng tiền thưởng bằng tiền Việt Nam được quy định như sau:

a) Đối với các đơn vị sản xuất quốc doanh và công tư hợp doanh: sử dụng theo chế độ 3 quỹ (quy định trong thông tư số 165-TTg ngày 21-3-1978 của Thủ tướng Chính phủ).

b) Đối với các hợp tác xã, Bộ Ngoại thương và Bộ Tài chính bàn với liên hiệp xã về cách sử dụng.

Điều 41: - Các đơn vị sản xuất được thưởng quyền được sử dụng ngoại tệ chỉ được sử dụng số ngoại tệ được thưởng để nhập các loại vật tư (nói trong điều 34) nhằm phát triển và mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu và phải tuân theo các nguyên tắc, thủ tục nhập khẩu hiện hành.

Điều 42: - Căn cứ vào các điều 36, 37, Bộ Ngoại thương cùng với Bộ Tài chính xem xét và quyết định mức thưởng cho các đơn vị sản xuất và tỷ lệ thưởng cho các đơn vị cung cấp nguyên liệu, bao bì.

Cách thưởng được quy định như sau:

a) Thưởng bằng tiền Việt Nam, tổ chức ngoại thương cấp tiền thưởng cho đơn vị sản xuất,sau khi hợp đồng giao hàng được hoàn thành.

b) Thưởng bằng quyền được sử dụng ngoại tệ, cuối năm kế hoạch, căn cứ vào tình hình thực hiện hợp đồng giao hàng xuất khẩu của các đơn vị sản xuất, Bộ Ngoại thương quyết định số ngoại tệ mà các đơn vị được sử dụng và phân phối cho đơn vị sản xuất.

Điều 43: - Các liên hiệp xí nghiệp, công ty chuyên ngành, xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp công tư hợp doanh và hợp tác xã không hoàn thành hợp đồng giao hàng, nếu không có lý do chính đáng, vừa bị xử phạt theo hợp đồng kinh tế, vừa phải giao bù số lượng sản phẩm còn thiếu vào năm sau. Riêng đối với các xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh, Bộ Tài chính cùng với bộ chủ quản phải tính đế yếu tố này khi xét thưởng các đơn vị trong cuối năm.

IX. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 44: - Căn cứ vào bản quy định này, Bộ Ngoại thương, Bộ Tài chính Ngân hàng Nhà nước, các Bộ và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, trong phạm vi chức năng của mình, có trách nhiệm ban hành các văn bản hướng dẫn việc thi hành. Các đồng chí thủ trưởng các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành bản quy định này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị