Nghị định số 164-CP ngày 18/06/1977 của Hội đồng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 164-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Ngày ban hành: 18-06-1977
- Ngày có hiệu lực: 03-07-1977
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 164-CP | Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 1977 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA ỦY BAN PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1960;
Căn cứ nghị quyết số 83 NQ/QHK6 ngày 12-5-1977 của Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc thành lập Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam.
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1. – Nay thành lập Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công tác hiện nay do Đài Tiếng nói Việt Nam phụ trách. Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, chịu trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước ngành phát thanh và ngành truyền hình trong phạm vi cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm phục vụ yêu cầu tuyên truyền trong nước và tuyên truyền ra nước ngoài của Đảng và Chính phủ.
Điều 2. - Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Thông tin, cổ động, giáo dục tư tưởng, hướng dẫn dư luận nhằm biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành hành động cách mạng và phong trào của quần chúng thi đua hoàn thành kế hoạch Nhà nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Đáp ứng yêu cầu về nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt cho cán bộ và nhân dân;
- Đáp ứng yêu cầu về nâng cao sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của quần chúng, đấu tranh chống tư tưởng và văn hóa phản động và lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa;
- Tăng cường tình đoàn kết hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới; tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, cổ vũ kịp thời ba dòng thác cách mạng trên thế giới.
2. Nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ về chủ trương, quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển ngành phát thanh và ngành truyền hình trong cả nước; tổ chức thực hiện các chủ trương và kế hoạch đó sau khi đã được Hội đồng Chính phủ xét duyệt.
3. Quản lý toàn diện đài phát thanh trung ương (tức Đài Tiếng nói Việt Nam) và đài vô tuyến truyền hình trung ương.
-Thống nhất quản lý toàn diện các đài phát thanh, đài truyền hình, đài chuyển tiếp sóng phát thanh và phát hình của trung ương đặt tại một số địa phương phục vụ cho từng khu vực bao gồm nhiều tỉnh;
-Thống nhất quản lý về mặt trang bị kỹ thuật và chỉ đạo nghiệp vụ đối với các đài phát thanh của các tỉnh và thành phố.
4. Nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ, thể lệ, tiêu chuẩn quan hệ đến nghiệp vụ phát thanh và truyền hình; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chế độ, thể lệ, tiêu chuẩn đó.
5. Nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ thông qua kế hoạch hợp tác về lĩnh vực phát thanh và truyền hình giữa nước ta với các tổ chức phát thanh và truyền hình quốc tế và các nước trên thế giới; được Hội đồng Chính phủ ủy nhiệm ký kết và tổ chức thực hiện các văn kiện về hợp tác phát thanh và truyền hình với các nước theo quyết định của Hội đồng Chính phủ.
6. Tổ chức việc nghiên cứu khoa học - kỹ thuật về phát thanh và truyền hình.
7. Quản lý kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công nhân kỹ thuật và cán bộ nghiệp vụ của ngành phát thanh và ngành truyền hình; quản lý tổ chức cán bộ, lao động tiền lương, vật tư tài sản, ngân sách của Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam và của các cơ sở phát thanh và truyền hình trực thuộc Ủy ban.
Điều 3. - Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam do một Chủ Nhiệm phụ trách, có một số Phó chủ nhiệm giúp việc.
Điều 4. - Hệ thống tổ chức của Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam có:
- Hệ thống phát thanh gồm có đài phát thanh trung ương (tức Đài Tiếng nói Việt Nam), các cơ sở phát thanh của đài trung ương đặt tại địa phương do Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam quản lý toàn diện; các đài phát thanh của các tỉnh và thành phố do Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố quản lý và do Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam chỉ đạo thống nhất về mặt kỹ thuật và nghiệp vụ phát thanh.
- Hệ thống truyền hình gồm có đài truyền hình trung ương và các đài truyền hình, các đài chuyển tiếp sóng phát hình trực thuộc ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam đặt tại một số địa phương phục vụ cho từng khu vực bao gồm nhiều tỉnh và thành phố.
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam gồm có:
1.Ban biên tập chương trình phát thanh cho trong nước;
2.Ban biên tập chương trình phát thanh cho nước ngoài;
3.Ban biên tập chương trình phát thanh khoa giáo;
4.Ban biên tập chương trình phát thanh văn nghệ;
5.Đài phát thanh II (thành phố Hồ Chí Minh);
6.Cục quản lý kỹ thuật phát thanh.
- Bộ biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam gồm có các trưởng ban biên tập phát thanh, cục trưởng cục quản lý kỹ thuật phát thanh, giám đốc đài phát thanh II, do Phó chủ nhiệm Ủy ban được phân công phụ trách phát thanh làm Tổng biên tập.
7. Ban biên tập chương trình truyền hình thời sự;
8.Ban biên tập chương trình truyền hình khoa giáo;
9.Ban biên tập chương trình truyền hình văn nghệ;
10.Ban biên tập chương trình truyền hình các chuyên đề thanh, thiếu niên, quân đội…;
11.Đài truyền hình II (thành phố Hồ Chí Minh);
12.Ban phối hợp các đài truyền hình toàn quốc;
13.Xưởng phim vô tuyến truyền hình;
14.Cục quản lý kỹ thuật truyền hình.
- Bộ biên tập đài vô tuyến truyền hình trung ương gồm có các trưởng ban biên tập truyền hình, trưởng ban phối hợp các đài truyền hình, cục trưởng cục kỹ thuật truyền hình, giám đốc xưởng phim vô tuyến truyền hình, giám đốc đài truyền hình II, do Phó chủ nghiệm Ủy ban được phân công phụ trách truyền hình làm Tổng biên tập.
15.Vụ tổ chức cán bộ;
16.Vụ kế hoạch tài vụ;
17.Vụ quan hệ quốc tế;
18.Viện nghiên cứu kỹ thuật phát thanh và truyền hình;
19.Công ty vật tư kỹ thuật (chuyên dùng);
20.Văn phòng;
21.Ban thanh tra;
22.Các đài phát thanh, các đài truyền hình, các đài chuyển tiếp sóng phát thanh và phát hình, và các đơn vị chuyên môn khác trực thuộc Ủy ban quản lý.
Ban có trưởng ban phụ trách và từ hai đến ba phó trưởng ban giúp việc.
Đài phát thanh II, đài truyền hình II có giám đốc phụ trách và từ hai đến ba phó giám đốc giúp việc.
Cục có cục trưởng phụ trách và từ một đến hai phó cục trưởng giúp việc.
Viện có viện trưởng phụ trách và từ một đến hai phó viện trưởng giúp việc.
Vụ có vụ trưởng phụ trách và từ một đến hai phó vụ trưởng giúp việc.
Điều 5. - Việc thành lập, bãi bỏ hoặc sửa đổi các cục, vụ, viện và các đơn vị tương đương nói ở điều 4 do Chủ nhiệm Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam đề nghị, Hội đồng Chính phủ xét, quyết định.
Biên chế cán bộ, nhân viên của các đơn vị tổ chức nói ở điều 4 do Chủ nhiệm Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam sắp xếp điều chỉnh trong tổng số biên chế có của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trường hợp đặc biệt cần tăng thêm sẽ do Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị, Thủ tướng Chính phủ xét, quyết định.
Điều 6. - Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |