Nghị định số 114-CP ngày 15/04/1977 của Hội đồng Chính phủ Sửa đổi nhiệm vụ của Ủy ban quan hệ kinh tế với nước ngoài của Chính phủ (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 114-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Ngày ban hành: 15-04-1977
- Ngày có hiệu lực: 30-04-1977
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-05-1980
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1099 ngày (3 năm 0 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 03-05-1980
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 114-CP | Hà Nội, ngày 15 tháng 04 năm 1977 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG NHIỆM VỤ CỦA ỦY BAN QUAN HỆ KINH TẾ VỚI NƯỚC NGOÀI CỦA CHÍNH PHỦ
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1960;
Căn cứ vào nghị định số 155-CP ngày 2-7-1974 và quyết định số 5-CP ngày 12-1-1976 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quan hệ kinh tế với nước ngoài của Chính phủ và bố trí thành phần của Ủy ban;
Để cải tiến chế độ làm việc và phát huy hiệu lực công tác của Ủy ban quan hệ kinh tế với nước ngoài.
NGHỊ ĐỊNH
Điều 1. – Nay xác định tính chất của Ủy ban quan hệ kinh tế với nước ngoài của Chính phủ là một tổ chức Hội đồng liên Bộ. Thành phần Ủy ban gồm thủ trưởng các Bộ và các cơ quan: Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Bộ Ngoại thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Phủ thủ tướng, Ban kinh tế trung ương Đảng.
Điều 2. – Nhiệm vụ của Ủy ban quan hệ kinh tế với nước ngoài của Chính phủ là:
1. Nghiên cứu và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những chủ trương, chính sách nhằm phát triển quan hệ kinh tế và khoa học kỹ thuật giữa nước ta và nước ngoài (bao gồm cả các tổ chức quốc tế);
2. Giúp Thủ tướng Chính phủ thẩm tra các đề án do các Bộ, các ngành trình lên Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển quan hệ kinh tế và khoa học – kỹ thuật với nước ngoài;
3. Giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo các cuộc đàm phán kinh tế quan trọng giữa nước ta với nước ngoài;
4. Tổ chức quản lý thống nhất việc thu thập và sử dụng các tài liệu nước ngoài về kinh tế và khoa học – kỹ thuật có thể có lợi ích thiết thực đối với nước ta.
Điều 3. – Ủy ban quan hệ kinh tế với nước ngoài của Chính phủ gồm có:
1. Bộ phận thường trực:
- Chủ nhiệm: Đồng chí Lê Thanh Nghị, Phó thủ tướng Chính phủ;
- Phó chủ nhiệm:
Đồng chí Đặng Việt Châu, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương,
Đồng chí Lê Khắc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước,
Đồng chí Nguyễn Văn Kha, Phó trưởng ban Ban kinh tế trung ương Đảng;
2. Các ủy viên:
- Đồng chí Trần Quỳnh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước,
- Đồng chí Trần Dương, Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước,
- Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, thứ trưởng Bộ Ngoại giao,
- Đồng chí Đào Thiện Thi, thứ trưởng Bộ Tài chính,
- Đồng chí Nguyễn Tu, ủy viên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
3. Bộ máy giúp việc gồm có:
- Tổ nghiên cứu tổng hợp và chuyên đề;
- Văn phòng Ủy ban quan hệ kinh tế với nước ngoài của Chính phủ do một vụ trưởng (và có thể có một phó vụ trưởng) phụ trách. Văn phòng có nhiệm vụ giúp bộ phận thường trực Ủy ban tổng hợp tình hình công tác và điều hòa công việc nội bộ hàng ngày.
Điều 4. – Tùy theo yêu cầu công tác, Chủ nhiệm Ủy ban quan hệ kinh tế với nước ngoài của Chính phủ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ thành lập một số tiểu ban nghiên cứu các chuyên đề lớn. Thành phần các tiểu ban gồm đại diện các Bộ, các ngành có liên quan đến chuyên đề, và do thủ trưởng Bộ, ngành chủ quản làm trưởng tiểu ban. Các tiểu ban này có thể là tổ chức thường xuyên hoặc tổ chức lâm thời.
Điều 5. – Các điều khoản trong nghị định số 155-CP ngày 2-7-1974, quyết định số 5-CP ngày 12-1-1976 và quyết định số 247-CP ngày 27-12-1976 của Hội đồng Chính phủ trái với nghị định này, từ nay bãi bỏ.
Điều 6. – Các thành viên của Ủy ban quan hệ kinh tế với nước ngoài của Chính phủ, Thủ trưởng các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Văn phòng Phủ thủ tướng có trách nhiệm thi hành nghị định này.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |