cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 161-CP ngày 20/08/1971 của Hội đồng Chính phủ Quy định về việc bảo vệ an toàn lưới điện cao thế (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 161-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 20-08-1971
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-1972
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 11-11-1976
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
*******

SỐ: 161-CP

Hà Nội, ngày 20  tháng 8  năm 1971

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ VIỆC BẢO VỆ AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN CAO THẾ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để bảo vệ an toàn lưới điện cao thế và ngăn ngừa các vụ hư hỏng, tai nạn, làm ngừng trệ việc cung cấp điện, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, đến tính mạng và tài sản của nhân dân;
Xét đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Điện và Than;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 13-5-1971,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo nghị định này bản quy định về việc bảo vệ an toàn lưới điện cao thế.

Điều 2. – Ông Bộ trưởng Bộ Điện và Than, các ông Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

BẢN QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC BẢO VỆ AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN CAO THẾ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 161-CP ngày 20-8-1971)

Chương 1:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. – Bản quy định này ban hành nhằm mục đích bảo vệ tài sản của Nhà nước, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo đảm cho việc cung cấp điện được liên tục, an toàn, đồng thời nhằm làm cho các ngành, các địa phương và nhân dân cũng như cơ quan quản lý điện lực thấy rõ trách nhiệm trong việc bảo vệ lưới điện cao thế.

Điều 2. – Lưới điện cao thế bao gồm: đường dây dẫn điện không, đường cáp điện ngầm dưới đất, đường cáp điện ngầm dưới nước, trạm biến thế, trạm biến đổi dạng điện, trạm cắt điện và các thiết bị phân phối điện có điện thế từ 1.000 vôn trở lên.

Điều 3. – Mỗi đường dây dẫn điện cao thế trên không, mỗi đường cáp điện ngầm dưới nước, dưới đất phải có hành lang bảo vệ suốt dọc đường dây hoặc đường cáp ấy; mỗi trạm biến thế, trạm biến đổi dạng điện, trạm cắt điện hoặc trạm phân phối điện cao thế phải có phạm vi bảo vệ chung quanh trạm để giữ gìn toàn vẹn sự làm việc bình thường của lưới điện cao thế và tránh tai nạn có thể xảy ra.

Điều 4. – Xây dựng đường dây dẫn điện cao thế trên không hoặc đường cáp điện ngầm qua khu vực nào thì cơ quan được cấp vốn xây dựng phải thỏa thuận với ngành hoặc địa phương quản lý khu vực đó về hướng, tuyến của đường dây, về độ sâu chôn cáp…và phải theo đúng những quy định của Hội đồng Chính phủ về việc bảo vệ an toàn cho các ngành. Xây dựng lưới điện cao thế qua đô thị nào thì phải theo đúng các quy định của Nhà nước về thiết kế và quy hoạch đô thị.

Điều 5. – Bản quy định này thi hành cho tất cả các lưới điện cao thế của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa.

Chương 2:

ĐƯỜNG DÂY ĐIỆN CAO THẾ TRÊN KHÔNG

Điều 6. – Hành lang bảo vệ dọc đường dây dẫn điện cao thế trên không được giới hạn bằng hai đường thẳng nằm ngang song song với đường dây và cách dây dẫn ngoài cùng mỗi bên một khoảng cách là:

a) Trong vùng ít dân cư

- 10 mét đối với điện thế từ 10kV trở xuống;

- 15 mét đối với điện thế 35kV;

- 20 mét đối với điện thế 110kV;

- 25 mét đối với điện thế 220kV.

b) Trong vùng đông dân cư:

- 2 mét đối với điện thế từ 10kV trở xuống;

- 4 mét đối với điện thế 35kV và 110kV;

- 6 mét đối với điện thế 220kV.

Các khoảng cách nói trên tính từ dây ngoài cùng khi bị gió thổi lệch đi nhiều nhất đến phần nhô ra gần dây nhất của nhà cửa hoặc công trình.

c) Trong rừng hoặc trong khu vực có cây cối mà chiều cao của cây dưới 4 mét:

- 3 mét đối với tất cả các cấp điện thế. Khoảng cách này tính từ dây ngoài cùng đến phần ngoài cùng gần dây nhất của cây cối.

d) Trong rừng hoặc trong khu vực có cây cối mà chiều cao của cây từ 4 mét trở lên:

- Không được nhỏ hơn chiều cao của dải cây chính. Những cây hoặc nhóm cây mọc ở mép hành lang cao hơn dải cây chính đều phải chặt.

Điều 7. – Xây dựng đường dây dẫn điện cao thế trên không đi qua rừng có gỗ quý, qua phạm vi giới hạn an toàn dọc đường sắt, qua địa phận của công trình quốc phòng hoặc qua công trình di tích văn hóa, lịch sử…thì cơ quan được cấp vốn xây dựng đường dây đó phải thỏa thuận với cơ quan quản lý các khu vực ấy về chiều rộng của hành lang bảo vệ trên cơ sở của bản quy định này. Riêng đối với cây cối trong các khu vực nói trên thì phải bảo đảm khoảng cách nằm ngang từ dây dẫn ngoài cùng khi bị gió thổi lệch đi nhiều nhất đến phần ngoài cùng gần dây nhất của cây là:

- 2 mét đối với điện thế từ 10kV trở xuống;

- 3 mét đối với điện thế 35kV và 110kV;

- 4 mét đối với điện thế 220kV.

Điều 8. – Cây ăn quả ở trong hành lang bảo vệ cao dưới 4m thì không bắt buộc phải chặt.

Hết sức tránh xây dựng đường dây dẫn điện cao thế trên không qua công viên. Trường hợp bắt buộc phải qua công viên, thì dưới các đoạn đường dây dẫn qua công viên đó phải có lưới bảo vệ.

Tránh xây dựng đường dây dẫn điện cao thế trên không qua khu rừng hoặc dải cây bảo vệ (chắn gió, chắn cát, ngăn nước v.v…). Trường hợp cần thiết phải qua khu vực này, thì cần phải tính toán sao cho thiệt hại ít nhất đến rừng hoặc dải cây bảo vệ, mà vẫn giữ được nhiệm vụ bảo vệ của rừng hoặc dải cây ấy, cụ thể là không được làm trơ trụi mặt đất, không được đào các gốc cây để lại.

Điều 9. – Ngành hoặc địa phương quản lý cây ở khu vực có lưới điện cao thế đi qua có trách nhiệm giám sát, hướng dẫn việc chặt cây và được quyền sử dụng cây đã chặt ra trong hành lang bảo vệ lưới điện cao thế ở khu vực đó;

Điều 10. – Cấm xây dựng bất kỳ nhà cửa, công trình nào dưới đường dây dẫn điện cao thế trên không, trừ những công trình không có điều kiện gây cháy, gây nổ được như trạm phân phối điện kiểu kín, trạm bơm nước, kênh mương, đường sá, v.v…

Khi xây dựng những công trình này, cơ quan chủ quản phải:

a) Báo cho cơ quan quản lý điện lực biết trước 30 ngày;

b) Bảo đảm khoảng cách thẳng đứng từ dây dưới cùng khi võng nhất đến bộ phận gần dây nhất của công trình:

Đối với trạm bơm nước, trạm phân phối điện kiểu kín, khoảng cách đó không được ngắn hơn:

- 3 mét đối với điện thế từ 35kV trở xuống;

- 4 mét đối với điện thế 110kV;

- 5 mét đối với điện thế 220kV.

Đối với kênh mương thủy lợi, đường giao thông, khoảng cách đó do Bộ trưởng Bộ Điện và Than quy định.

Trường hợp do yêu cầu sản xuất và xây dựng mà cần phải thay đổi tuyến hoặc khoảng cách từ đường dây dẫn điện đến công trình thì theo như điều 25 của bản quy định này;

c) Bảo đảm an toàn cho người và lưới điện cao thế khi thi công;

d) Thực hiện những biện pháp bảo vệ an toàn lưới điện của cơ quan quản lý điện lực trong khi thi công cũng như trong khi sử dụng, vận hành các công trình đó.

Điều 11. – Trong giới hạn hành lang bảo vệ đường dây điện cao thế trên không ghi trong điều 6 và điều 7 trên đây, cấm làm các bãi bóng, bãi chơi công cộng, họp chợ, cấm làm chuồng trại súc vật và cấm xếp các nguyên vật liệu hoặc những vật khác dễ cháy, dễ nổ và dễ truyền điện.

Cũng trong giới hạn hành lang này, nếu chưa có sự thỏa thuận và chưa có sự hướng dẫn biện pháp bảo vệ an toàn của cơ quan quản lý điện lực thì:

a) Không được xây dựng nhà cửa hoặc công trình khác trừ những công trình đã được phép xây dựng đã ghi trong điều 10 của bản quy định này;

b) Không được tiến hành những việc: bắn mìn, mở mỏ hay đào, đắp đất, lắp ráp sửa chữa v.v…hoặc những việc phải dùng đến những máy móc cao trên 4,50 mét cũng như không được cho những máy móc ấy qua lại ở những chỗ không có biển quy định được phép qua lại.

Điều 12. – Cấm máy bay bay ở độ cao dưới 100 mét trên đường dây dẫn điện trên không và trên các trạm điện và cấm thả bất cứ vật gì nhất là dây từ trên máy bay xuống hành lang bảo vệ lưới điện, trừ máy bay phục vụ yêu cầu của cơ quan quản lý điện lực.

Điều 13. – Cấm mọi hành động có thể làm hư hỏng đường dây dẫn điện cao thế trên không hoặc có thể gây ra tai nạn cho người và súc vật như:

- Làm hỏng cột,

- Đào bới hoặc làm hỏng móng, chân cột; rào hoặc cọc bảo vệ cột điện,

- Làm hỏng hoặc tháo gỡ dây điện, dây chống sét, dây néo cột và các biển cấm, biển báo an toàn trên các cột điện.

- Ném các vật lên dây điện, lên xà, lên sứ, cột,

- Nối hoặc tựa các vật vào cột điện hoặc dây điện,

- Thả diều gần khu vực lưới điện cao thế.

Điều 14. – Dưới đường dây dẫn điện cao thế trên không và trong phạm vi hành lang bảo vệ vẫn được trồng hoa mầu nhưng phải cách mép móng cột ít nhất là 0,50 mét.

Trong hành lang bảo vệ lưới điện cao thế trên không, không được sử dụng các máy móc nông nghiệp cao quá 4 mét.

Điều 15.  – Cơ quan quản lý điện lực được phép xây dựng đường sá, cầu nhỏ hoặc công trình phụ cần thiết trong hành lạng bảo vệ để phục vụ cho việc quản lý lưới điện.

Chương 3:

ĐƯỜNG CÁP ĐIỆN NGẦM

Điều 16. – Hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm được giới hạn bằng hai đường thẳng song song dọc theo đường cáp và cách dây cáp ngoài cùng mỗi bên một khoảng cách là:

a) Cáp ngầm dưới nước:

- 100 mét ở sông lớn có tầu bè qua lại hoặc ở hồ chứa nước;

- 50 mét ở sông nhỏ không có tầu bè qua lại.

b) Cáp ngầm dưới đất:

- 1 mét ở những nơi đất ổn định,

- 3 mét ở những nơi đất cát, bãi lầy.

Điều 17. – Trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm dưới nước, cấm thiết lập bến cảng, chỗ đánh cá, cấm các loại phương tiện vận tải thả neo.

Khi nạo vét lòng sông, phải báo cho cơ quan quản lý điện lực trước 30 ngày và phải thực hiện biện pháp bảo vệ an toàn lưới điện của cơ quan quản lý điện lực.

Điều 18. – Trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm dưới đất, cấm đào trên các đường cáp sâu quá 0,50 mét và cấm ném hoặc vần các vật có trọng lượng nặng, thải nước công nghiệp, hóa chất ăn mòn, làm các hố rác hoặc hố xí.

Khi thật cần thiết, xây dựng công trình nào trên đường cáp thì phải được cơ quan quản lý điện lực thỏa thuận trên nguyên tắc phải bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Chương 4:

TRẠM BIẾN THẾ, TRẠM BIẾN ĐỔI DẠNG ĐIỆN, TRẠM CẮT ĐIỆN VÀ CÁC THIẾT BỊ PHÂN PHỐI ĐIỆN

Điều 19. – Phạm vi bảo vệ chung quanh trạm biến thế, trạm biến đổi dạng điện, trạm cắt điện và các thiết bị phân phối điện (gọi tắt là các trạm điện) quy định mỗi phía như sau:

a) Trong khu vực có cây cối, có rừng:

- 10 mét đối với các trạm điện từ 10kV trở xuống;

- 15 mét đối với các trạm điện 35kV;

- 20 mét đối với các trạm điện 110kV;

- 25 mét đối với các trạm điện 220kV.

Khoảng cách nói trên tính từ bộ phận dẫn điện cao thế ngoài cùng trở ra.

b) Trong khu vực không có cây cối:

Trạm điện loại ngoài trời:

- 2 mét đối với điện thế từ 35kV trở xuống;

- 4 mét đối với điện thế 110kV;

- 6 mét đối với điện thế 220kV.

Khoảng cách nói trên tính từ mặt ngoài của tường rào trở ra.

Trạm điện loại trong nhà:

- 1 mét đối với các cấp điện thế.

Khoảng cách này tính từ mặt ngoài tường trở ra.

Những cây hay nhóm cây mọc trong phạm vi bảo vệ trạm điện đều phải chặt.

Điều 20. – Trong phạm vi bảo vệ trạm điện, không được trồng cây và xây dựng bất kỳ nhà cửa công trình nào, trường hợp cần thiết thì phải được cơ quan quản lý điện lực thỏa thuận trên nguyên tắc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trạm điện.

Điều 21. – Cấm mọi hành động làm hư hỏng trạm điện hoặc gây ra tai nạn cho người và súc vật như:

a) Làm hỏng rào, tường rào; ném bất cứ vật gì vào trạm điện,

b) Trèo qua tường rào của trạm hoặc vào trạm khi không có nhiệm vụ.

Chương 5:

KHOẢNG CÁCH, NƠI GIAO CHÉO, CÁC CÔNG TÁC TIẾN HÀNH GẦN LƯỚI ĐIỆN

Điều 22. – Khoảng cách từ dây dẫn điện cao thế đến mặt đất, mặt nước đến các công trình; điều kiện về giao chéo và đi gần nhau giữa đường dây dẫn điện cao thế trên không hoặc đường cáp điện ngầm với các công trình khác phải theo đúng các quy định của Nhà nước.

Điều 23. – Mọi việc tiến hành ngoài hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện cao thế hoặc ngoài phạm vi bảo vệ trạm điện mà có thể ảnh hưởng đến sự làm việc bình thường của lưới điện hoặc có thể gây tai nạn về điện như khai thác mỏ, đào đắp đất, tháo nước, tập bắn v.v…đều phải làm theo sự hướng dẫn bảo vệ an toàn lưới điện của cơ quan quản lý điện lực.

Điều 24. – Các cơ quan quản lý công trình sử dụng một chiều (tầu điện, đường sắt điện khí hóa), công trình hóa chất hoặc thải nước công nghiệp gần nơi có cáp điện ngầm mà có thể gây ảnh hưởng như ăn mòn, phá hủy đường cáp điện ngầm đó thì phải bảo đảm thực hiện các yêu cầu kỹ thuật bảo vệ chống ăn mòn cho các công trình kim loại ngầm.

Điều 25. – Ngành, địa phương nào do sự cần thiết về sản xuất hoặc xây dựng của mình, mà phải yêu cầu di chuyển các công trình của lưới điện cao thế đã có, thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép nếu là trạm điện hoặc đường dây 110kV trở lên và phải được Bộ trưởng Bộ Điện và than đồng ý nếu là trạm điện và đường dây dưới 110kV, hoặc cần phải thay đổi khoảng cách đã quy định từ dây dẫn điện cao thế đã có đến mặt đất, mặt nước hoặc đến các công trình, thì phải được Bộ trưởng Bộ Điện và than đồng ý.

Cơ quan yêu cầu thay đổi khoảng cách hoặc di chuyển đường dây hoặc trạm điện phải chịu mọi khoản kinh phí để thực hiện công việc trên.

Chương 6:

CÔNG TÁC QUẢN LÝ VẬN HÀNH VÀ XỬ LÝ HƯ HỎNG LƯỚI ĐIỆN

Điều 26. – Cán bộ, công nhân viên chức của cơ quan quản lý điện lực có nhiệm vụ đến làm việc tại các nơi có lưới điện cao thế phải mang theo giấy chứng nhận của cơ quan quản lý điện lực.

Nếu những nơi ấy thuộc khu vực đặc biệt thì còn phải được cơ quan quản lý khu vực đó đồng ý.

Điều 27. – Cơ quan quản lý điện lực phải:

a) Bảo đảm hành lang bảo vệ đường dây điện cao thế và phạm vi bảo vệ trạm điện luôn luôn trong trạng thái an toàn;

b) Bảo đảm hành lang bảo vệ đường dây điện cao thế, phạm vi bảo vệ trạm điện đúng kích thước đã nêu trong các điều 6, 7, 10, 16 và 19 trên đây;

c) Thu dọn sạch sẽ cây và cành cây đã chặt, đưa ra ngoài hành lang bảo vệ đường dây và phạm vi bảo vệ trạm điện để đề phòng nạn cháy làm hư hỏng lưới điện và các tài sản khác.

Điều 28. – Sau khi thông báo chính thức cho người sở hữu cây được 10 ngày, cơ quan quản lý điện lực được phép chặt những cây cối xâm phạm hành lang bảo vệ đường dây điện cao thế hoặc phạm vi bảo vệ trạm điện.

Điều 29. – Trường hợp xảy ra hư hỏng đột xuất đường dây điện cao thế ở vùng có rừng, có cây, cơ quan quản lý điện lực được phép chặt những cây cần thiết ngoài hành lang bảo vệ để xử lý nhanh chóng hư hỏng, sau đó phải thông báo cho cơ quan hoặc địa phương được giao quyền quản lý rừng cây đó biết và phải thanh toán bằng tiền. Nghiêm cấm mọi hành động lợi dụng chặt cây bừa bãi.

Điều 30. – Cơ quan quản lý khu vực hoặc công trình có cáp ngầm đi qua phải tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý điện lực tiến hành sửa chữa định kỳ hoặc xử lý hư hỏng đột xuất.

Sau khi xử lý hư hỏng hoặc sửa chữa xong, cơ quan quản lý điện lực phải phục hồi lại mặt bằng như cũ trong một thời gian ngắn nhất. Trong trường hợp vì không phục hồi kịp thời lại mặt bằng mà để xẩy ra ngừng trệ sản xuất, lưu thông hoặc tai nạn thì cơ quan quản lý điện lực phải chịu trách nhiệm.

Điều 31. – Cơ quan quản lý điện lực phải thường xuyên kiểm tra tình hình vận hành an toàn của lưới điện cao thế và thi hành nhanh chóng mọi biện pháp để bảo vệ an toàn cho người và lưới điện theo đúng các quy phạm và quy trình hiện hành.

Chương 7:

BIỂN BÁO, TÍN HIỆU

Điều 32. - Ở chỗ giao chéo giữa đường dây dẫn điện cao thế trên không với đường sắt hoặc đường bộ phải dựng biển báo cho phép đối với những loại xe cao từ 4,50 mét trở lên (kể cả chiều cao của vật trên xe).

Cơ quan giao thông vận tải chịu trách nhiệm đặt và quản lý các biển báo đó. Nếu đường dây điện cao thế xây dựng sau đường giao thông thì cơ quan quản lý điện lực phải thanh toán kinh phí về việc đặt biển báo với cơ quan giao thông vận tải.

Điều 33. - Ở chỗ giao chéo giữa đường dây điện cao thế trên không hoặc đường cáp điện ngầm dưới nước với sông ngòi có tầu bè qua lại phải đặt tín hiệu và dấu hiệu hai bên bờ.

Cơ quan quản lý điện lực có trách nhiệm đặt và quản lý tín hiệu và dấu hiệu đó và thông báo cho các cơ quan có liên quan biết.

Dọc đường cáp điện ngầm dưới đất phải đặt cột mốc hoặc dấu hiệu.

Điều 34. – Trên cột điện cao thế cao từ 50 mét trở lên phải đặt tín hiệu ban đêm và sơn mầu báo hiệu ban ngày. Cơ quan quản lý điện lực có trách nhiệm đặt và quản lý tín hiệu đó và thông báo cho các cơ quan có liên quan biết,

Điều 35. – Cơ quan quản lý điện lực có trách nhiệm đặt và quản lý các biển cấm, biển báo an toàn ở các cột điện và trạm điện để đề phòng tai nạn hoặc hư hỏng lưới điện.

Chương 8:

THƯỞNG VÀ PHẠT

Điều 36. – Cá nhân hay tổ chức có thành tích trong việc giữ gìn, bảo vệ lưới điện cao thế hoặc công trình thiết bị phục vụ cho lưới điện, ngăn ngừa được tai nạn hay phát hiện những hành động phá hoại an toàn lưới điện cao thế thì sẽ được Bộ Điện và Than hay Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố khen thưởng hoặc được Bộ Điện và than đề nghị lên Chính phủ khen thưởng tùy theo thành tích.

Điều 37. – Cá nhân hay tổ chức vi phạm những điều khoản trong quy định này sẽ phải bồi thường thiệt hại, bị thi hành kỷ luật hoặc bị truy tố trước toà án tùy theo lỗi nặng nhẹ.

Chương 9:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 38. – Đối với nhà cửa, công trình, cây cối…đã có trong hành lang bảo vệ lưới điện cao thế và phạm vi bảo vệ trạm điện trước ngày ban hành bản quy định này, thì Bộ Điện và than cùng với ngành, địa phương có liên quan bàn cách giải quyết hợp lý nhằm chấp hành nghiêm chỉnh bản quy định này.

Nếu cần phải rời đi nơi khác thì sẽ giải quyết như sau:

a) Đối với nhà cửa, công trình, cây cối…thuộc địa phương quản lý hay thuộc tài sản của nhân dân thì Bộ Điện và than cùng Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bàn bạc và thông báo cho người chủ nhà cửa, công trình hay cây cối…ấy biết để rời đi trong một thời hạn nhất định. Trường hợp nhà cửa, công trình hay cây cối…đã có trước khi xây dựng lưới điện cao thế, thì Bộ Điện và than sẽ cùng với Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét việc đền bù cho người chủ nhà cửa, công trình hay cây cối…ấy.

b) Đối với nhà cửa, công trình, cây cối…thuộc quyền quản lý của các ngành trung ương thì Bộ Điện và than sẽ cùng với các cơ quan hữu quan bàn biện pháp giải quyết hoặc trình lên Chính phủ quyết định.

Điều 39. – Cơ quan quản lý điện lực phải định kỳ thông báo và hướng dẫn các cơ quan, xí nghiệp và các địa phương có lưới điện cao thế đi qua cần phải tiến hàng những việc đã ghi trong bản quy định này.

Điều 40. – Xí nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào do không tiến hành những công việc của mình phải làm hoặc do các điều kiện không tốt về kỹ thuật của công trình mà gây hư hỏng lưới điện cao thế thì phải bồi thường cho cơ quan quản lý điện lực.

Điều 41. – Khi có thiên tai, địch họa hoặc xẩy ra các vụ cháy, nổ, gây nên hư hỏng lưới điện cao thế, thì các cơ quan, xí nghiệp và chính quyền địa phương gần đấy có trách nhiệm huy động phương tiện và nhân lực giúp đỡ cho cơ quan quản lý điện lực để cơ quan quản lý điện lực xử lý nhanh chóng các hư hỏng nói trên.

Điều 42. - Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm lãnh đạo các cơ quan trong địa phương và nhân dân địa phương thi hành nghiêm chỉnh các điều khoản ghi trong bản quy định này.

Các cơ quan công an, các lực lượng dân quân tự vệ có trách nhiệm cùng với cơ quan quản lý điện lực kịp thời ngăn chặn những trường hợp có hại cho việc bảo vệ an toàn lưới điện cao thế.

Điều 43. – Ông Bộ trưởng Bộ Điện và than có trách nhiệm hướng dẫn giải thích, đôn đốc và kiểm tra việc thi hành bản quy định về việc bảo vệ an toàn lưới điện cao thế này.

Điều 44. – Bản quy định này thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1972. Các quy định trước đây trái với bản quy định này đều bãi bỏ.