Nghị định số 80-CP ngày 16/07/1962 của Hội đồng Chính phủ Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nội thương (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 80-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Ngày ban hành: 16-07-1962
- Ngày có hiệu lực: 31-07-1962
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 80-CP | Hà Nội, ngày 16 tháng 07 năm 1962 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỘ NỘI THƯƠNG
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 7 năm 1960,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Bộ Nội thương là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý công tác nội thương và quản lý toàn bộ thị trường nội địa theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành kế hoạch lưu thông vật phẩm tiêu dùng cá nhân, mua thực phẩm, nông sản và lâm sản phụ, bán tư liệu sản xuất cho các ngành thủ công nghiệp, phát triển ngành ăn uống công cộng và một số ngành nghề phục vụ xã hội, chế biến một số mặt hàng thực phẩm và chế biến, sản xuất một số mặt hàng công nghệ tiêu dùng cần thiết, hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư doanh, nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của nhân dân và phục vụ xuất khẩu.
Điều 2. Bộ Nội thương có nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ về nội thương; tổ chức và chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ ấy.
2. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn kế hoạch lưu thông hàng hóa và doanh số bán lẻ của tất cả các hệ thống thương nghiệp; phân bố kế hoạch và doanh số bán lẻ ấy cho các hệ thống thương nghiệp; tổ chức và chỉ đạo thực hiện các kế hoạch lưu thông những mặt hàng thuộc phạm vi Bộ Nội thương quản lý.
3. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ duyệt phương án giá về những mặt hàng được phân công quản lý; trong phạm vi được Chính phủ ủy quyền, quy định giá các mặt hàng cần thiết; chỉ đạo thực hiện những loại giá nói trên; kiểm tra việc chấp hành chính sách giá cả của Nhà nước trong các hệ thống thương nghiệp.
4. Tổ chức việc lưu thông các mặt hàng được phân công quản lý một cách thường xuyên và đều đặn giữa các miền trong nước.
5. Tổ chức và lãnh đạo thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp chợ nông thôn; lãnh đạo thương nghiệp hợp tác xã; xây dựng, quản lý và điều chỉnh màng lưới thương nghiệp trong nước; kiểm tra việc bố trí và phối hợp màng lưới của các hệ thống thương nghiệp.
6. Quyết định các biện pháp cần thiết để quản lý toàn bộ thị trường nội địa và xây dựng thị trường xã hội chủ nghĩa thống nhất. Quản lý và hoàn thành công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư doanh và các ngành, nghề phục vụ thuộc phạm vi Bộ Nội thương phụ trách; thông qua công tác mua và nắm nguồn hàng, tham gia cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và thủ công nghiệp.
7. Trong phạm vi quyền hạn của mình, quy định các nguyên tắc, thể lệ về thương nghiệp, và kiểm tra việc chấp hành các nguyên tắc, thể lệ ấy trong các hệ thống thương nghiệp.
8. Tham gia ý kiến với các Bộ, các ngành có liên quan về những biện pháp nhằm mở rộng mặt hàng, cải tiến phẩm chất hàng hóa và hạ giá thành sản phẩm, về việc quy định phẩm chất, quy cách và sản lượng các mặt hàng tiêu dùng cho thích hợp với nhu cầu thị hiếu và đặc điểm tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc.
9. Cải tiến không ngừng kỹ thuật kinh doanh và phục vụ khách hàng; chỉ đạo việc xây dựng cửa hàng, kho tàng, thiết bị cho các cơ sở kinh doanh; xây dựng và quản lý các cơ sở khoa học, kỹ thuật của ngành nội thương.
10. Tiến hành thanh tra mọi hoạt động của các cơ quan, xí nghiệp trong ngành nội thương; kiểm tra phẩm chất hàng hóa theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhà nước; bảo đảm chấp hành các chế độ, thể lệ về đo lường của Nhà nước.
11. Quản lý tài sản, tài vụ và vật tư trong ngành; quản lý vốn của Nhà nước giao cho Bộ; bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ kế toán, tài vụ của Nhà nước; bảo đảm tích lũy vốn cho Nhà nước.
12. Quản lý tổ chức cán bộ, biên chế, lao động tiền lương trong ngành theo chế độ chung của Nhà nước; đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, nhân viên cho ngành Nội thương.
Điều 3. - Ông Bộ trưởng Bộ Nội thương chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ và trước Quốc hội lãnh đạo toàn bộ công tác của Bộ như điều 2 đã quy định. Các Thứ trưởng Bộ Nội thương giúp Bộ trưởng trong việc lãnh đạo chung và có thể được Bộ trưởng ủy nhiệm chỉ đạo từng phần công tác của Bộ.
Trong phạm vi quyền hạn của mình, trên cơ sở và để thi hành pháp luật và các nghị định, nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội thương ra những thông tư, quyết định và kiểm tra các ngành, các cấp trong việc thi hành những thông tư, quyết định ấy; sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của cơ quan cấp dưới thuộc ngành mình; đề nghị sửa đổi hoặc đề nghị bãi bỏ những quyết định không thích đáng có liên quan đến công tác thương nghiệp của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ hay Ủy ban hành chính địa phương.
Điều 4. - Tổ chức bộ máy của Bộ Nội thương gồm có:
1. Văn phòng,
2. Vụ Kế hoạch,
3. Vụ Tổ chức - kỹ thuật,
4. Vụ Tài vụ,
5. Vụ Kế toán,
6. Vụ Vật giá,
7. Vụ Cán bộ giáo dục và lao động tiền lương,
8. Ban Thanh tra,
9. Cục Bách hóa – ngũ kim,
10. Cục Vải sợi – may mặc,
11. Cục Vật liệu xây dựng và kiến thiết cơ bản,
12. Cục Nông lâm sản,
13. Cục Thực phẩm,
14. Cục Ăn uống công cộng và phục vụ,
15. Cục Quản lý hợp tác xã mua bán,
16. Cục Kiểm tra phẩm chất hàng hóa và đo lường và các đơn vị sự nghiệp, xí nghiệp do Bộ Nội thương quản lý.
Việc thành lập, sửa đổi hoặc bãi bỏ Văn phòng, các Vụ, Cục và các đơn vị sự nghiệp. Xí nghiệp tương đương do Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.
Nhiệm vụ của Văn phòng, các Vụ, Cục và các đơn vị sự nghiệp, xí nghiệp thuộc Bộ quản lý sẽ quy định trong điều lệ tổ chức của Bộ Nội thương do Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.
Điều 5. - Ông Bộ trưởng Bộ Nội thương có trách nhiệm thi hành nghị định này.
| TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |