cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 172-CP ngày 26/10/1961 của Hội đồng Chính phủ Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 172-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 26-10-1961
  • Ngày có hiệu lực: 10-11-1961
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-01-1964
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 785 ngày (2 năm 1 tháng 25 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 04-01-1964
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 04-01-1964, Nghị định số 172-CP ngày 26/10/1961 của Hội đồng Chính phủ Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 187-CP ngày 20/12/1963 của Hội đồng Chính phủ Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động (Tình trạng hiệu lực không xác định)”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 172-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 1961 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỘ LAO ĐỘNG

 HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 7 năm 1960.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: Bộ Lao động là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý lao động tiền lương thuộc khu vực sản xuất và công tác an toàn xã hội theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch công tác của Bộ, thanh tra việc thực hiện công tác lao động tiền lương, công tác an toàn xã hội ở các ngành, các cấp, nhằm sử dụng hợp lý sức lao động, đẩy mạnh tăng năng suất lao động, nâng cao dần đời sống vật chất và văn hóa của công nhân và nhân dân lao động, phục vụ tích cực cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Điều 2: - Bộ Lao động có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Quản lý các lực lượng nhân công gồm có công nhân kỹ thuật, công nhân chuyên nghiệp, lao động phổ thông ở thành thị và ở nông thôn; chỉ đạo các việc: phân phối và cung cấp hợp lý nhân công theo nhu cầu của kế hoạch Nhà nước, huy động nhân dân tham gia lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội, giải quyết việc làm cho những người chưa có việc.

2. Chỉ đạo công tác đào tạo công nhân kỹ thuật và bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật theo kế hoạch Nhà nước.

3. Nghiên cứu và trìn Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ, thể lệ về tuyển dụng, sử dụng, điều chỉnh nhân công, về tổ chức lao động và tổ chức bộ máy quản lý xí nghiệp, về biên chế và bố trí nhân công theo yêu cầu của từng loại việc ở các cơ sở thuộc khu vực sản xuất, các cơ sở kinh doanh thương nghiệp, vận tải, bưu điện và các xí nghiệp phục vụ, giám đốc việc thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ ấy.

4. Chỉ đạo công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động và cải thiện điều kiện lao động.

5. Chỉ đạo công tác tiền lương, tiền phụ cấp và tiền thưởng thuộc khu vự sản xuất (quốc doanh và công tư hợp doanh); chỉ đạo việc quy định tiền công ở mỗi địa phương.

6. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ các chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể cho cán bộ, công nhân, viên chức thuộc khu vực sản xuất (quốc doanh và công tư hợp doanh) theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ ấy.

Hướng dẫn và giúp đỡ các cơ quan hữu quan trong việc vận dụng các chính sách, chế độ ấy vào các hợp tác xã thủ công nghiệp, các xí nghiệp hợp tác các hợp tác xã nông nghiệp.

7. Chỉ đạo công tác an toàn xã hội; quản lý các cơ sở sự nghiệp về an toàn xã hội thuộc Bộ phụ trách.

8. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ lao động tiền lương.

9. Quản lý tổ chức cán bộ, biên chế, lao động tiền lương, tài sản, tài vụ của Bộ theo chế độ chung của Nhà nước; góp ý kiến về tổ chức chuyên trách công tác lao động tiền lương của các ngành, các cấp.

10. Tổ chức và chỉ đạo công tác thanh tra việc thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ về lao động, tiền lương, bảo hộ lao động và an toàn xã hội ở các cơ sở thuộc khu vực sản xuất và ở các ngành, các cấp.

Trong khi thanh tra, nếu thấy ở một bộ phận máy móc hoặc ở một nơi làm việc có sự đe dọa trực tiếp gây ra tai nạn lao động lớn, hoặc gây tổn thất lớn đến tài sản của Nhà nước do vi phạm nghiêm trọng những quy định về bảo đảm an toàn lao động, thì Bộ Lao động có quyền tạm thời đình chỉ hoạt động của bộ phận máy móc đó hoặc của nơi làm việc đó.

Điều 3: Bộ trưởng Bộ Lao động chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ và trước Quốc hội lãnh đạo toàn bộ công tác của Bộ như điều 2 đã quy định. Các Thứ trưởng Bộ Lao động giúp Bộ trưởng trong việc lãnh đạo chung và có thể được Bộ trưởng ủy nhiệm chỉ đạo từng phần công tác của Bộ.

Trong phạm vi quyền hạn của mình, trên cơ sở và để thi hành pháp luật, và các nghị định, nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động ra những thông tư, quyết định và kiểm tra các ngành, các cấp trong việc thi hành những thông tư, quyết định ấy; sửa đổi hoặc bãi bỏ những  quyết định không thích đáng của cơ quan cấp dưới thuộc ngành mình; đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những thông tư; quyết định có liên quan đến công tác công tác của Bộ Lao động, mà xét thấy không thích đáng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ hay của Ủy ban hành chính địa phương.

Điều 4: - Tổ chức bộ máy Bộ Lao động gồm có:

- Văn phòng

- Vụ Tiền lương

- Vụ Bảo hộ lao động

- Vụ An toàn xã hội

- Vụ Quản lý nhân công

- Ban Thanh tra lao động

-Và các đơn vị sự nghiệp, xí nghiệp do Bộ quản lý

Việc thành lập, sửa đổi hoặc bãi bỏ Văn phòng, các Vụ, Ban và các đơn vị tương đương do Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.

Nhiệm vụ của Văn phòng, các Vụ, Ban và các đơn vị sự nghiệp, thuộc Bộ Lao động quản lý sẽ quy định trong điều lệ tổ chức của Bộ Lao động do Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.

Điều 5: - Bộ trưởng Bộ Lao động có trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 


 
Phạm Văn Đồng