cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND ngày 04/08/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu văn bản: 47/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Ngày ban hành: 04-08-2016
  • Ngày có hiệu lực: 14-08-2016
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 01-08-2019
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 2: 01-01-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3023 ngày (8 năm 3 tháng 13 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2016/NQ-HĐND

Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 04 tháng 8 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020;

Thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”;

Thực hiện Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Ban hành kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020”;

Xét Tờ trình số 64/TTr-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra số 68/BC-VHXH ngày 25 tháng 7 năm 2016 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1Phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu đến cuối năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới của tỉnh theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều xuống dưới 1,5% so với tổng số hộ dân thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia (kèm theo đề án chi tiết).

1. Các chính sách cơ bản:

a) Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn quốc gia và hộ nghèo chuẩn tỉnh:

Hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn quốc gia và hộ nghèo chuẩn tỉnh được hỗ trợ các chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi, chính sách về y tế (hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế), chính sách về giáo dục (hỗ trợ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập), hỗ trợ tiền điện, chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ về nhà ở theo các quy định hiện hành.

b) Chính sách đối với hộ cận nghèo chuẩn tỉnh:

Hộ cận nghèo chuẩn tỉnh được hỗ trợ các chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định hiện hành, chính sách hỗ trợ về y tế (hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế), chính sách hỗ trợ về giáo dục (giảm 50% học phí cho học sinh con hộ cận nghèo chuẩn tỉnh).

2. Các chỉ tiêu và nhiệm vụ chủ yếu:

Tạo điều kiện cho khoảng 21.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi. Mức vay và lãi suất cho vay thực hiện theo quy định hiện hành.

Mua và cấp 100% thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, người cận nghèo chuẩn Quốc gia, người nghèo, người cận nghèo chuẩn tỉnh và hộ nghèo mới thoát nghèo trong vòng 05 năm.

Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo đúng quy định cho học sinh con hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn Quốc gia, hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn tỉnh và hộ mới thoát nghèo trong vòng 02 năm.

Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà Đại đoàn kết cho người nghèo theo Quy chế quản lý và sử dụng quỹ vì người nghèo của tỉnh. Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Hỗ trợ cho khoảng 2.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được khuyến nông, ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, 500 hộ được hỗ trợ mô hình từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh nâng mức trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội khi có biến động về giá cả, lạm phát về kinh tế, có ảnh hưởng đến mức sống đối tượng bảo trợ xã hội.

Bố trí đủ cán bộ, công chức và người làm công tác giảm nghèo để triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo (cấp tỉnh 5 người; cấp huyện 15 người và cấp xã 82 người), được hưởng chế độ như cán bộ công chức nhà nước (đối với cấp tỉnh và huyện), như chế độ cán bộ công chức cơ sở (đối với cấp xã). Hàng năm tổ chức tập huấn nâng cao trình độ và trang bị kiến thức cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.

3. Nguồn lực thực hiện:

a) Tổng nguồn vốn bố trí để triển khai thực hiện cho Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020 là 1.423.566.054.000 đồng.

Bao gồm:

- Nguồn vốn trung ương: 500.000.000.000 đồng

- Nguồn vốn địa phương: 923.566.054.000 đồng

Trong đó:

- Nguồn vốn thu hồi lại: 840.000.000.000 đồng

+ Nguồn vốn Trung ương: 500.000.000.000 đồng

+ Nguồn vốn địa phương: 340.000.000.000 đồng

- Nguồn vốn không thu hồi lại: 583.566.054.000 đồng

(Trong đó nguồn vốn huy động là 22.500.000.000 đồng)

b) Cụ thể nguồn vốn thực hiện các chính sách như sau:

- Chính sách tín dụng: 840.000.000.000 đồng

- Chính sách y tế: 389.950.632.000 đồng

- Chính sách giáo dục: 106.178.200.000 đồng

- Chính sách nhà ở : 22.500.000.000 đồng

- Chính sách hỗ trợ tiền điện: 26.787.222.000 đồng

- Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo: 9.500.000.000 đồng

- Chi cho bộ máy nhân sự: 22.980.000.000 đồng

- Tập huấn cho cán bộ giảm nghèo các cấp: 2.200.000.000 đồng

- Hoạt động tuyên truyền công tác giảm nghèo: 1.750.000.000 đồng

- Công tác quản lý hộ nghèo: 220.000.000 đồng

- Hoạt động giám sát, đánh giá: 1.500.000.000 đồng

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Khóa VI, Kỳ họp thứ Hai thông qua ngày 04 tháng 8 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 14 tháng 8 năm 2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Lĩnh

 

ĐỀ ÁN

GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2016-2020

Chương 1

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2011-2015

1. Thực trạng về hộ nghèo trên địa bàn tỉnh

Ngày 31/01/2011 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 và UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có Quyết định số 45/2010/QĐ-UBND ngày 11/10/2010 ban hành mức chuẩn của tỉnh cao hơn 1,75 lần chuẩn quốc gia.

Theo quy định về chuẩn nghèo của tỉnh áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, đầu năm 2011 toàn tỉnh có 26.841 hộ nghèo theo chuẩn tỉnh chiếm tỷ lệ 12,15% so với tổng số hộ dân. Trong đó hộ nghèo chuẩn quốc gia: 9.430 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 4,27% so với tổng số hộ dân; Hộ cận nghèo: 7.171 hộ chiếm tỷ lệ 3,24% so với tổng số hộ dân; Hộ trên cận nghèo: 10.240 hộ chiếm tỷ lệ 4,63% so với tổng số hộ dân.

2. Kết quả thực hiện

a) Kết quả thực hiện các chính sách chung

- Chính sách hỗ trợ tín dụng cho hộ nghèo: Trong giai đoạn 2011 - 2015 đã giải quyết cho 127.062 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn từ các chương trình: vay để sản xuất, kinh doanh; cho vay giải quyết việc làm; cho vay tín dụng học sinh - sinh viên; cho vay xuất khẩu lao động; cho vay hộ nghèo làm nhà ở; cho vay hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; cho vay thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh,... Tính đến 31/12/2015 tổng dư nợ cho vay từ các chương trình là 1.404,97 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn tín dụng cho vay sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt trực tiếp từ chương trình giảm nghèo là 557,16 tỷ đồng.

- Chính sách dạy nghề cho người nghèo: Thực hiện lồng ghép từ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã đào tạo nghề cho 1.349 người nghèo, trong đó học nghề nông nghiệp: 348 người, học nghề phi nông nghiệp: 1.001 người. Kết quả sau khi được đào tạo nghề có 1.135 người có việc làm.

- Chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo: Cấp 500.815 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, 27.176 thẻ bảo hiểm y tế người thuộc hộ dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí 264,764 tỷ đồng.

- Chính sách hỗ trợ về giáo dục cho người nghèo: Thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho 82.814 lượt học sinh với số tiền 45,578 tỷ đồng.

- Chính sách hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo: Thực hiện xây dựng 1.803 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo với kinh phí khoảng 42 tỷ đồng từ quỹ “Vì người nghèo” và hỗ trợ sửa chữa 270 căn nhà Đại đoàn kết. Hỗ trợ về nhà ở cho 240 cho hộ nghèo theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg kinh phí thực hiện 6 tỷ đồng.

- Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo: Trợ giúp pháp lý cho 2.133 đối tượng là người nghèo, trong đó trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng là 95 vụ; Trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng là 9 vụ việc; Trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn là 2.029 vụ việc. Ngoài ra Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tổ chức lồng ghép được 392 buổi trợ giúp pháp lý cho người nghèo nhằm phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm đã phổ biến và tuyên truyền pháp luật cho 26.726 người tham dự, phát miễn phí 684.111 tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho nhân dân các địa phương.

- Chính sách hỗ trợ tiền điện, trợ cấp khó khăn: hỗ trợ tiền điện cho 70.702 lượt hộ nghèo với kinh phí thực hiện 25,467 tỷ đồng, trợ cấp khó khăn cho 26.841 hộ nghèo với kinh phí 6,71 tỷ đồng.

- Trợ cấp tết cho hộ nghèo: Thực hiện trợ cấp tết cho 202.611 lượt hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập với số tiền 149,912 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và nguồn vận động.

- Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo: hỗ trợ cây giống, con giống, hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy bơm và dây ống tưới cho 344 hộ nghèo tại các huyện, thành phố; tổ chức 170 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hộ nghèo để vận dụng tổ chức sản xuất, tăng thu nhập; tổ chức 26 chuyến tham quan trong và ngoài tỉnh để hộ nghèo học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Tổng kinh phí thực hiện dự án trong 5 năm là 4,942 tỷ đồng.

- Hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình: Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 3.694 lượt đối tượng là Trưởng, phó phòng, cán bộ giảm nghèo các huyện, thành phố; Trưởng ban giảm nghèo, cán bộ giảm nghèo và cán bộ hội đoàn thể cấp xã; Trưởng, phó thôn, ấp, khu phố; Phối hợp với đài truyền hình, báo Trung ương và địa phương đưa tin, bài viết, phóng sự tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo, tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các kinh nghiệm mô hình giảm nghèo, cách làm ăn có hiệu quả. Kinh phí thực hiện trong 5 năm là 1,45 tỷ đồng; Hàng năm tổ chức đi kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách, dự án của chương trình giảm nghèo tại các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Kinh phí thực hiện 1,558 tỷ đồng.

b) Kết quả thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc giai đoạn 2011-2015.

- Chương trình 135 giai đoạn II: Bố trí 147,313 tỷ đồng để thực hiện 04 dự án hợp phần gồm dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho 5 xã đặc biệt khó khăn của huyện Xuyên Mộc và Châu Đức; Hỗ trợ tiền ăn cho 2.054 em học sinh con hộ nghèo từ bậc mầm non đến trung học phổ thông; hợp phần phát triển sản xuất và dự án đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng.

- Chương trình 135 giai đoạn III: Đầu tư cho 3 xã và 11 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí thực hiện là 242,34 tỷ đồng, cấp 48,2 tỷ đồng để thực hiện đầu tư 17 công trình hạ tầng thiết yếu, đầu tư đường giao thông, công trình điện; Xây dựng đập thủy lợi tiêu tưới, tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng; Hỗ trợ cây con giống cho 835 hộ, tập huấn chuyển giao KHKT 19 lớp, tổng kinh phí thực hiện 3,57 tỷ đồng; Phí quản lý chương trình 0,13 tỷ đồng.

- Chương trình 134 và Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn 2012-2015, với tổng kinh phí đầu tư là 147.173.200.000 đồng để thực hiện các hạng mục hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở; nước sinh hoạt; tập vở, sách giáo khoa; tiền ăn cho học sinh mẫu giáo con hộ nghèo; mắc điện kế; xây dựng hố xí hợp vệ sinh; hỗ trợ phát triển sản xuất; tổ chức mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tuyên truyền các chính sách của đảng, nhà nước cho người dân tộc thiểu số; đầu tư công trình giao thông nông thôn, công trình điện, nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ: UBND tỉnh đã bố trí 1,982 tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho 5.629 lượt hộ nghèo trên địa bàn các xã khó khăn thuộc huyện Tân Thành, Xuyên Mộc và Châu Đức.

- Chính sách hỗ trợ vay vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn: trong cả giai đoạn UBND tỉnh đã bố trí 1 tỷ đồng giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai, qua đó có 29 hộ vay với số tiền là 0,145 tỷ đồng.

c) Các chương trình phối hợp, lồng ghép

Các tổ chức hội, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp đỡ hội viên, đoàn viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn như giúp đỡ hội viên, đoàn viên vay vốn tín dụng, vay vốn tổ tiết kiệm, vay vốn không tính lãi; hỗ trợ về nhà ở; cây giống, con giống, kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn; đào tạo nghề cho hội viên, phát động các phong trào như nuôi heo đất, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, thăm hỏi tặng quà nhân các dịp lễ, tết,... nhằm tạo điều kiện, khích lệ tinh thần cho hội viên nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

d) Kết quả giảm nghèo

Thông qua việc triển khai và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn 2011-2015 đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12,15% so với tổng số hộ dân (26.841 hộ) đầu năm 2011 (trong đó: số hộ nghèo theo chuẩn quốc gia: 9.430 hộ chiếm tỷ lệ 4,27%) đến cuối năm 2015 còn 1,04% so với tổng số hộ dân (2.573 hộ), trong đó hộ nghèo theo chuẩn quốc gia 921 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo chuẩn quốc gia giảm còn 0,37% so với tổng số hộ dân.

3. Nguồn lực để triển khai thực hiện chương trình

Tổng nguồn vốn thực hiện cho chương trình: 2.151.967.000.000 đồng.

Bao gồm: -Nguồn vốn trung ương: 1.168.490.000.000 đồng.

- Nguồn vốn địa phương: 941.477.000.000đồng. -Nguồn vốn huy động: 42.000.000.000 đồng.

Trong đó:

- Nguồn vốn đầu tư thu hồi lại: 1.411.929.000.000 đồng.

(Nguồn vốn cho hộ nghèo vay sản xuất kinh doanh là 557,16 tỷ đồng)

- Nguồn vốn đầu tư không thu hồi lại: 740.038.000.000 đồng.

4. Đánh giá kết quả thực hiện Đề án giảm nghèo giai đoạn 2011-2015

a) Những kết quả đạt được

- Công tác giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của toàn đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, công tác giảm nghèo thời gian qua luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự phối kết hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách giảm nghèo từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; sự tham gia vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể có nhiều mô hình giảm nghèo giúp hội viên góp phần xã hội hóa công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong kỳ có 26.286 hộ nghèo theo chuẩn tỉnh thoát nghèo, đạt 122% so với kế hoạch, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,2%/năm. Số hộ thoát nghèo theo chuẩn quốc gia 8.797 hộ, đạt 164%. Đời sống của hộ nghèo, người nghèo từng bước đã được cải thiện; hầu hết các xã ở nông thôn đều có đường nhựa bê tông, có chợ, trạm xá, trường học; điện, nước sinh hoạt, nhà ở cơ bản ổn định.

- Thông qua công tác tuyên truyền và tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, cán bộ hội, đoàn thể đã giúp cho các cấp, các ngành và người dân hiểu đúng mục đích, ý nghĩa đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách giảm nghèo, đặc biệt là đối với người nghèo tự ý thức vươn lên thoát nghèo, chương trình đã huy động sức mạnh, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực nhà nước thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách giảm nghèo.

- Ngoài các chính sách hỗ trợ của trung ương đối với hộ nghèo chuẩn quốc gia, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ trương hỗ trợ các chính sách cho hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo theo chuẩn của tỉnh như y tế, giáo dục, vay vốn, nhà ở,... bằng mức hỗ trợ hộ nghèo chuẩn quốc gia.

b) Tồn tại, hạn chế trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

- Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, một số hộ tái nghèo; số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn, do đó khi gặp những biến cố trong cuộc sống như thiên tai, bệnh tật, rủi ro về tài chính thì số hộ thoát nghèo lại rơi vào hộ nghèo.

- Một số chính sách triển khai thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên con hộ nghèo; Chính sách hỗ trợ người nghèo bệnh nặng, chi phí cao không đủ khả năng thanh toán viện phí chưa thực hiện được.

- Việc rà soát xác định hộ nghèo tại cấp xã ở một số địa phương chưa chặt chẽ, vẫn có những sai sót. Cán bộ làm công tác giảm nghèo ở xã, phường, thị trấn không ổn định, thay đổi thường xuyên nên chưa tích lũy nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, chưa nắm bắt sâu tình hình hộ nghèo để kịp thời tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo địa phương.

- Trình độ học vấn của người nghèo phần lớn rất thấp do đó khó khăn trong việc thực hiện việc đào tạo nghề cho người nghèo. Công tác dạy nghề cho người nghèo chưa đạt hiệu quả, số lượng người nghèo tham gia học nghề thấp. Phần lớn hộ nghèo không có đất để sản xuất, do đông con, gia đình có người ốm đau thường xuyên, phương tiện sản xuất còn thiếu.

c) Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế

- Chính sách hỗ trợ về giáo dục khi Nghị định của Chính phủ được ban hành, các Bộ, ngành chậm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện, do đó gây khó khăn cho địa phương chậm triển khai thực hiện chính sách đến đối tượng thụ hưởng. Mặt khác nhà trường xác nhận ngành học không rõ ràng gây khó khăn cho các địa phương trong việc thẩm định hồ sơ, một số hộ nghèo nắm bắt thông tin về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập không kịp thời, do đó nộp hồ sơ chậm không đúng theo quy định

- Công tác phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành, các đoàn thể và địa phương trong thực hiện chương trình giảm nghèo chưa thật đồng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp trong việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo còn hạn chế.

- Một bộ phận người nghèo còn tâm lý ỷ lại, chưa tích cực vươn lên thoát nghèo; một số hộ không muốn thoát nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ như y tế, giáo dục, vay vốn,...; một số hộ đông con, trình độ học vấn thấp, gia đình thường xuyên có người ốm đau, không có đất và thiếu phương tiện để sản xuất.

Chương 2

NỘI DUNG ĐỀ ÁN GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2016-2020

1. Căn cứ pháp lý

- Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;

- Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020;

- Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Ban hành kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020”;

- Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”;

- Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 15/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”;

- Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;

- Chương trình số 01-CTr/TU ngày 31/12/2015 của Tỉnh ủy Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;

- Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo;

- Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo; Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế;

- Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/3/2016 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

2. Mục tiêu của đề án

2.1. Mục tiêu chung

Bảo đảm việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo nhằm góp phần từng bước nâng cao mức sống cho người nghèo gần với mức sống chung của xã hội; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho vay tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ về nhà ở, đào tạo nghề tạo việc làm cho người nghèo góp phần tăng thu nhập ổn định đời sống.

Nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng thuận lợi, đầy đủ.

Phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới của tỉnh theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều xuống dưới 1,5%, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia (không bao gồm hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội không có khả năng thoát nghèo).

2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo: Phấn đấu đến năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh giảm còn 5,06% so với tổng số hộ dân và đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% so với tổng số hộ dân.

- Về thu nhập: Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, 100% lao động nghèo có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề. Phấn đấu 85% lao động nghèo sau khi được hỗ trợ học nghề có việc làm mang lại thu nhập ổn định. Hỗ trợ cho khoảng 2.000 hộ nghèo được khuyến nông, ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, 500 hộ được hỗ trợ mô hình.

- Về tiếp cận y tế: Phấn đấu tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 85% đến năm 2020. Người nghèo bệnh nặng được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh.

- Về tiếp cận giáo dục: Tỷ lệ trẻ đến trường đúng độ tuổi nhà trẻ đạt tỷ lệ 30%; mẫu giáo đạt 92,5%; tiểu học đạt 96%; cấp học THCS 94%; THPT và tương đương đạt 90%; tỷ lệ biết chữ của người lớn đạt 90%; tỷ lệ bỏ học, lưu ban giảm còn 0,15%.

- Về nhà ở: Những hộ nghèo có khó khăn về nhà ở được hỗ trợ kinh phí từ nguồn quỹ huy động và tạo điều kiện vay vốn để xây mới, sửa chữa, cải tạo nhà ở. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân đầu người là 24,6 m2/người; tỷ lệ người dân có nhà ở kiên cố là 80%, nhà bán kiên cố là 15%, nhà thiếu kiên cố là 5%, nhà đơn sơ là 0%.

- Về tiếp cận nước sạch và vệ sinh, điện sinh hoạt:

+ Về nước sạch: 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, trong đó tỷ lệ người nghèo sử dụng nước sạch là 75%.

+ Về vệ sinh môi trường: 99% người dân sử dụng hố xí hợp vệ sinh, trong đó tỷ lệ người nghèo sử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 90%.

+ Về số hộ sử dụng điện: Phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ khoảng 99,9% số hộ có điện, giải quyết cấp điện đạt chất lượng cho khoảng 173/328 hộ chưa có điện (vùng sâu, vùng xa) và khoảng 4.700/6.892 hộ có điện nhưng chưa có điện kế, câu nhờ, câu tạm.

- Về tiếp cận thông tin: Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ người dân được tiếp cận thông tin như sử dụng điện thoại, tivi, báo, đài phát thanh xã/phường,…) đạt 99%.

- Về trợ giúp pháp lý: đến năm 2020 phấn đấu 90% người dân biết đến trợ giúp pháp lý, tỷ lệ người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu theo đúng quy định được trợ giúp pháp lý miễn phí là 100%.

3. Số liệu hộ nghèo theo kết quả điều tra năm 2015

Theo kết quả điều tra rà soát hộ nghèo năm 2015, số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới của tỉnh là 22.302 hộ, chiếm tỷ lệ 8,54% so với tổng số hộ dân, trong đó:

- Hộ nghèo là 14.789 hộ chiếm tỷ lệ 5,66 % so với tổng số hộ dân (trong đó có 10.012 hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 3,83% so với tổng số hộ dân);

- Hộ cận nghèo là 7.513 hộ chiếm tỷ lệ 2,88% so với tổng số hộ dân.

(Phụ lục số 01 - Số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo các huyện, thành phố)

4. Các chính sách giảm nghèo

4.1. Chính sách hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, nâng cao tay nghề, tạo việc làm góp phần tăng thu nhập

a) Hỗ trợ vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất

- Mục tiêu: Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong vòng 3 năm có sức lao động có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập thông qua hoạt động dịch vụ của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.

- Nhiệm vụ: Giải quyết cho vay vốn phát triển sản xuất cho khoảng 21.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong vòng 3 năm. Mức lãi suất, thời hạn vay vốn, quy trình và thủ tục cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được thực hiện theo các quy định hiện hành.

b) Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo

- Mục tiêu: Trợ giúp lao động nghèo có tay nghề cần thiết để tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập thông qua các hình thức dạy nghề phù hợp để họ tự tạo việc làm tại chỗ; Tham gia lao động xuất khẩu, góp phần giảm nghèo bền vững.

- Nhiệm vụ: Tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 2.000 người nghèo, bình quân mỗi năm là 400 người; Lồng ghép với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, phương tiện dạy nghề lưu động để dạy nghề cho hộ nghèo ở vùng xa cơ sở dạy nghề; Chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn miễn phí, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho lao động hộ nghèo học nghề thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

b) Hỗ trợ giải quyết việc làm

- Mục tiêu: Giúp cho người nghèo, người cận nghèo có cơ hội tìm kiếm việc làm thông qua các chương trình tư vấn việc làm, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề để chuyển đổi việc làm, xuất khẩu lao động và vay vốn để tự tạo việc làm.

- Nhiệm vụ: Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người nghèo, người cận nghèo; Thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người nghèo đi lao động ở nước ngoài; Hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho hộ nghèo để tự tạo việc làm. Mức cho vay, thời hạn, mức lãi suất thực hiện theo quy định hiện hành về cho vay hỗ trợ việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội.

c) Hướng dẫn cách làm ăn

- Mục tiêu: Hướng dẫn cách làm ăn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó tập trung cho các đối tượng hộ nghèo ở khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ cho khoảng 2.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được khuyến nông, ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, 500 hộ được hỗ trợ mô hình từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo.

- Nhiệm vụ: Lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để triển khai thực hiện các dự án khuyến công, khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; Hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản sơ chế, chế biến nông sản và phát triển ngành nghề ở nông thôn; Từ Dự án nhân rộng mô hình khuyến nông giảm nghèo hỗ trợ người nghèo kiến thức và kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào tổ chức sản xuất và kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập để giảm nghèo bền vững; Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn ngắn ngày về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và đất đai cho hộ nghèo. Đồng thời, dạy các lớp thủ công mỹ nghệ ngắn ngày.

4.2. Hỗ trợ tiếp cận y tế

- Mục tiêu: Đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn quốc gia và chuẩn Tỉnh, hộ mới thoát nghèo trong vòng 5 năm được cấp thẻ BHYT để thực hiện khám chữa bệnh theo hình thức BHYT và bảo đảm cho người nghèo được khám chữa bệnh khi có bệnh nặng.

- Nhiệm vụ: Kịp thời mua và cấp thẻ BHYT cho người nghèo, hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ BHYT người nghèo, người cận nghèo chuẩn Quốc gia, người nghèo, người cận nghèo chuẩn tỉnh và hộ nghèo mới thoát nghèo trong vòng 5 năm; Hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh, chi phí đi lại, tiền ăn cho người nghèo chuẩn quốc gia trong thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện. Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định hiện hành.

4.3.Chính sách hỗ trợ tiếp cận giáo dục

- Mục tiêu: Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn Quốc gia, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn tỉnh, hộ mới thoát nghèo trong vòng 02 năm được tiếp cận giáo dục. Cả giai đoạn ước thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 98.139 lượt học sinh, sinh viên con hộ nghèo, hộ cận nghèo.

- Nhiệm vụ: Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo. Thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ (hoặc người giám hộ trực tiếp nuôi dưỡng) thuộc diện hộ nghèo; Nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định hiện hành của Trung ương tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 và quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập hiện hành của tỉnh; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hỗ trợ giáo dục cho con em hộ nghèo; vận động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân hỗ trợ như: Trao học bổng, hỗ trợ dụng cụ học tập, quần áo, phương tiện đi lại... tạo điều kiện cho con em hộ nghèo đến trường.

4.4. Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở

- Mục tiêu: Nhằm tạo điều kiện cho khoảng 750 hộ nghèo có thiếu hụt về nhà ở xây mới, sửa chữa, cải tạo nhà ở nhằm đáp ứng các tiêu chí về nhà ở.

- Nhiệm vụ: Phối hợp với UBMTTQVN tỉnh để thực hiện việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà Đại đoàn kết cho người nghèo theo quy chế quản lý và sử dụng quỹ vì người nghèo của tỉnh; Tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, lồng ghép hỗ trợ nhà ở từ chương trình nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số; Tạo điều kiện hỗ trợ người nghèo đủ điều kiện vay vốn để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở; UBND các huyện, thành phố tùy điều kiện thực tế nghiên cứu xây dựng đề án về nhà ở cho người nghèo tại từng địa bàn cho phù hợp, trong đó có việc bố trí đất, nguồn lực xây nhà đại đoàn kết; Phát huy nội lực của các tổ chức đoàn thể giúp đỡ các đoàn viên, hội viên nghèo về nhà ở.

4.5. Hỗ trợ về điện sinh hoạt, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường

a) Hỗ trợ nước sạch, vệ sinh môi trường

- Mục tiêu: Hỗ trợ cho các hộ nghèo thiếu hụt về nước sạch và vệ sinh xây dựng, cải tạo công trình nước quy mô hộ gia đình và xây mới, sửa chữa nhà vệ sinh.

- Nhiệm vụ: Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về nước sạch, vệ sinh vay vốn từ chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường để lắp đặt, sửa cha, cải tạo công trình. Mức vay, thời hạn vay, mức lãi suất thực hiện theo các quy định hiện hành.

b) Hỗ trợ chi phí sử dụng điện sinh hoạt

- Mục tiêu: Hỗ trợ chi phí sử dụng điện sinh hoạt cho các hộ nghèo nhằm tạo điều kiện cho hộ được sử dụng các thiết bị điện.

- Nhiệm vụ

Thực hiện chi trả tiền điện cho hộ nghèo kịp thời. Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ.

4.6. Hỗ trợ tiếp cận Thông tin - truyền thông

- Mục tiêu: Tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với thông tin và truyền thông.

- Nhiệm vụ: Tập trung đẩy mạnh việc đưa thông tin về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; củng cố và phát triển mạng lưới thông tin cơ sở; đảm bảo hầu hết các hộ dân trong tỉnh có th thu, xem được các chương trình truyền hình; mạng lưới truyền hình trả tiền được triển khai tại các trung tâm huyện, thành phố thuộc tỉnh; kết hợp việc truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình qua vệ tinh với các trạm phát lại có công suất phù hợp và sử dụng đầu thu số vệ tinh để đưa các chương trình phát thanh, truyền hình đến các vùng lõm sóng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

4.7. Trợ giúp pháp lý cho người nghèo

- Mục tiêu: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, góp phần đảm bảo công lý và công bằng cho người nghèo trong việc tiếp cận với pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người nghèo để họ thực hiện pháp luật, tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Nhiệm vụ: Thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho các hộ nghèo, trong đó chú trọng các hình thức trợ giúp pháp lý sau đây: Tham gia tố tụng, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng hình sự, hôn nhân và gia đình; Đại diện ngoài tố tụng; Tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp luật tiền tố tụng; Truyền thông về trợ giúp pháp lý gồm: Xây dựng chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý trên báo hình, báo viết, Đài phát thanh; phát băng, đĩa CD về trợ giúp pháp lý trên Đài phát thanh xã; Tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở.

4.8. Chính sách trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng

- Mục tiêu: Hỗ trợ cho các đối tượng là người già neo đơn, trẻ em tàn tật, không nơi nương tựa...ổn định cuộc sống, từng bước hòa nhập cộng đồng. Đảm bảo triển khai thực hiện tốt chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của Nhà nước.

- Nhiệm vụ: Thực hiện chi trả trợ cấp xã hội kịp thời, đúng chế độ. Mức chuẩn trợ cấp xã hội thực hiện theo quy định hiện hành. Xét duyệt trợ cấp xã hội bảo đảm công bằng, đúng đối tượng.

5. Dự kiến nhu cầu nguồn vốn thực hiện các chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016-2020

* Tổng nguồn vốn bố trí để triển khai thực hiện cho Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020 là 1.423.566.054.000 đồng (Phụ lục 02: Phụ lục phân bổ nguồn vốn).

Bao gồm:

- Nguồn vốn trung ương : 500.000.000.000 đồng

- Nguồn vốn địa phương : 923.566.054.000 đồng

Trong đó:

- Nguồn vốn thu hồi lại : 840.000.000.000 đồng

(Trong đó:

+ Nguồn vốn Trung ương: 500.000.000.000 đồng

+ Nguồn vốn địa phương: 340.000.000.000 đồng

- Nguồn vốn không thu hồi lại : 583.566.054.000 đồng

* Tổng nguồn vốn địa phương cho chính sách tín dụng giai đoạn 2016-2020 là 340.000.000.000 đồng, trong đó đã được bố trí là 115.000.000.000 đồng, nhu cầu nguồn vốn tín dụng bổ sung cho giai đoạn 2016-2020 là: 225.000.000.000 đồng.

5.1. Chính sách về tín dụng

Trong tổng số hộ nghèo trong từng giai đoạn bình quân có khoảng 90% hộ có nhu cầu vay vốn (còn lại 10% không có nhu cầu vay vốn, đó là những hộ không còn khả năng lao động, người già neo đơn, hộ có người tàn tật,…). Nhu cầu dự kiến bình quân 1 hộ được vay 40 triệu đồng để hỗ trợ cho vay vốn để sản xuất kinh doanh.

- Nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh:

21.000 hộ x 40.000.000đ/hộ = 840.000.000.000đ.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đến 31/12/2015 nguồn vốn cho vay hộ nghèo đã được bố trí cho giai đoạn 2016-2020: 615.000.000.000 đồng (bao gồm nguồn vốn trung ương là 500 tỷ đồng và nguồn vốn địa phương là 115 tỷ đồng). Như vậy nguồn vốn cần bổ sung cho giai đoạn 2016-2020 là 225 tỷ đồng, trong đó bố trí cho từng năm:

+ Năm 2016: 70.000.000.000đồng

+ Năm 2017: 70.000.000.000đồng

+ Năm 2018: 40.000.000.000đồng

+ Năm 2019: 25.000.000.000đồng

+ Năm 2020: 20.000.000.000đồng

5.2. Chính sách hỗ trợ về y tế

* Kinh phí hỗ trợ mua BHYT:

Ước tính kinh phí mua thẻ BHYT bình quân 1 hộ trong 1 năm: 621.000đ/thẻ x 4 người = 2.484.000 đồng (kinh phí này có thể thay đổi khi mức lương cơ sở được điều chỉnh).

Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo là 389.950.632.000 đồng.

Trong đó bố trí cho từng năm:

- Năm 2016:

24.000 hộ x 2.484.000đ/hộ + 14.789 hộ x 1.244.000 + 7.513 x 1.244.000 = 87.359.688.000 đồng

- Năm 2017: 42.223 hộ x 2.484.000đ/hộ = 104.881.932.000 đồng

- Năm 2018: 32.587 hộ x 2.484.000đ/hộ = 80.946.108.000 đồng

- Năm 2019: 29.130 hộ x 2.484.000đ/hộ = 72.358.920.000 đồng

- Năm 2020: 17.876 hộ x 2.484.000đ/hộ = 44.403.984.000 đồng

*Kinh phí hỗ trợ khám chữa bệnh: thực hiện hỗ trợ theo mức quy định hiện hành và thực tế số phát sinh hộ nghèo bị bệnh nặng.

5.3. Chính sách hỗ trợ về giáo dục

Ước kinh phí miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho mỗi em học sinh con hộ nghèo trong năm học: 1.500.000đ/em/năm học (trong đó: học phí là 600.000 đ/năm, hỗ trợ chi phí học tập 900.000 đ/năm). Ước kinh phí giảm học phí cho mỗi em học sinh con hộ cận nghèo nghèo trong năm học: 300.000đ/em/năm học. Mức miễn giảm học phí và chi phí học tập thực hiện theo các quy định hiện hành, kinh phí hỗ trợ có thể thay đổi khi Chính phủ hoặc tỉnh điều chỉnh mức hỗ trợ.

Tổng nguồn vốn hỗ trợ giáo dục cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện cho giai đoạn 2016-2020: 106.178.200.000 đồng, trong đó bố trí cho từng năm:

- Năm 2016

3.555 em x 1.500.000đ/năm + 14.789 em x 800.000 đ + 7.513 em x 300.000 đ/năm = 9.417.600.000đ.

- Năm 2017

14.789 em x 1.500.000đ/năm + 7.513 em x 300.000 đ/năm = 26.798.400.000đ.

- Năm 2018

14.789 em x 1.500.000đ/năm + 4.513 em x 300.000đ/năm = 23.537.400.000đ. - Năm 2019

14.789 em x 1.500.000đ/năm + 4.513 em x 300.000 đ/năm = 23.537.400.000đ.

- Năm 2020

8.289 em x 1.500.000đ/năm + 1.513 em x 300.000 đ/năm = 12.887.400.000đ.

5.4. Chính sách hỗ trợ tiền điện

Ước tổng nguồn vốn thực hiện cho giai đoạn 2016-2020: 26.787.222.000 đ, trong đó bố trí cho từng năm (mức hỗ trợ thay đổi khi Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ):

- Năm 2016: 10.012 hộ x 588.000đ/năm + 4.777 hộ x 294.000 đ/6 tháng = 7.291.494.000đ.

- Năm 2017: 14.789 hộ x 588.000đ/năm = 8.695.932.000đ.

- Năm 2018: 8.289 hộ x 588.000đ/năm = 4.873.932.000đ.

- Năm 2019: 8.289 hộ x 588.000đ/năm = 4.873.932.000đ.

- Năm 2020: 8.289 hộ x 588.000đ/năm = 1.051.932.000đ.

5.5. Chính sách hỗ trợ nhà ở: Ước tổng nguồn vốn thực hiện cho giai đoạn 2016-2020: 22.500.000.000 đ, dự kiến mỗi năm hỗ trợ 150 căn với kinh phí là 4.500.000.000 đồng từ nguồn quỹ vận động.

5.6. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo

Nguồn vốn cần bố trí cho giai đoạn: 9.500.000.000 đồng. Dự kiến 1 năm ngân sách bố trí 2 tỷ đồng (riêng năm 2016 bố trí 1,5 tỷ đồng).

5.7. Chi cho bộ máy nhân sự để thực hiện đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020

Định mức khoán chi cho các đơn vị hành chính:

- Cấp xã: 82 người x 38.000.000đ/người/năm = 3.116.000.000 đồng

- Cấp huyện: 15 người x 74.000.000đ/người/năm = 1.110.000.000 đồng

- Cấp tỉnh: 5 người x 74.000.000đ/người/năm = 370.000.000 đồng

Nguồn vốn cần bố trí cho giai đoạn 2016-2020: 22.980.000.000 đồng, bình quân mỗi năm bố trí 4.596.000.000 đồng. Kinh phí này sẽ được điều chỉnh khi định mức khoán chi cho đơn vị hành chính thay đổi.

5.8. Tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo

Nguồn vốn cần bố trí cho giai đoạn: 2.200.000.000 đồng, dự kiến bình quân mỗi năm bố trí 500.000.000 đồng, riêng năm 2016 bố trí 200.000.000 đồng

5.9. Hoạt động tuyên truyền về công tác giảm nghèo

Nguồn vốn cần bố trí cho giai đoạn: 1.750.000.000 đồng, dự kiến bình quân mỗi năm bố trí 400.000.000 đồng, riêng năm 2016 bố trí 150.000.000 đồng

5.10. Hoạt động giám sát, đánh giá chương trình

Nguồn vốn cần bố trí cho giai đoạn: 1.500.000.000 đồng, dự kiến bình quân mỗi năm bố trí 300.000.000 đồng.

5.11. Công tác quản lý hộ nghèo

Nguồn vốn cần bố trí cho cả giai đoạn: 220.000.000 đồng. Trong đó năm 2016: 100.000.000đ, từ năm 2017 đến năm 2020 mỗi năm bố trí 30.000.000 đồng.

5.12. Một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, đề án khác

a) Chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng

Theo số liệu đến cuối năm 2015, có 24.661 đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng (trong đó có 766 đối tượng hưởng trợ cấp theo quy định thuộc diện hộ nghèo), với số tiền trợ cấp trong năm 101.898.540.000 đồng.

Nguồn vốn dự kiến cần bố trí cho giai đoạn 2016 - 2020: 510.000.000.000 đồng.

Dự kiến 1 năm ngân sách bố trí: 102.000.000.000 đồng.

Chính sách này chi từ ngân sách đảm bảo xã hội do ngân sách tỉnh bố trí hàng năm cho ngân sách huyện để thực hiện chính sách trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội.

b) Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo được thực hiện lồng ghép trong đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Dự kiến bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 400 người nghèo, mức hỗ trợ 3.000.000 đ/người. Tổng kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho người nghèo cả giai đoạn khoảng 6.000.000.000đ (bình quân 1.200.000.000 đồng/năm).

Kinh phí thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo được bố trí trong nguồn kinh phí đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956).

c) Chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm: Kinh phí cho người nghèo vay tự tạo việc làm, xuất khẩu lao động được thực hiện lồng ghép trong kinh phí cho vay xuất khẩu lao động, chương trình cho vay giải quyết việc làm.

d) Hướng dẫn cách làm ăn: Kinh phí hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo lồng ghép với kinh phí hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.

e) Hỗ trợ về nhà ở: Kinh phí thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được thực hiện lồng ghép trong đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg Đề án phát triển kinh tế xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Quỹ vì người nghèo kết hợp với vốn đối ứng của hộ nghèo tự có hoặc thông qua chương trình cho vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách.

g) Chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo như hỗ trợ về nhà ở, nhà vệ sinh, điện, nước sinh hoạt, văn hóa, giáo dục, phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng,… được thực hiện lồng ghép trong đề án phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

h) Hỗ trợ hộ nghèo về tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường: Được bố trí lồng ghép trong chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, nguồn vốn được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

i) Hỗ trợ tiếp cận thông tin - truyền thông: Kinh phí thực hiện từ ngân sách tỉnh do Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng để thực hiện theo kế hoạch hàng năm.

k) Trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo, người nghèo: Kinh phí thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo lồng ghép với chính sách trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số của Sở Tư pháp.

6. Một số giải pháp chủ yếu

6.1. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân về giảm nghèo và phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều:

- Tăng cường công tác tuyên truyền quán triệt mục đích, ý nghĩa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo tới cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo, đặc biệt là giúp người nghèo nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tự ý thức vươn lên thoát nghèo.

- Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, tổ chức thực hiện tốt chương trình đưa thông tin, văn hóa về cơ sở giúp người nghèo thuận lợi tiếp cận thông tin, biết và tiếp cận các chính sách giảm nghèo; chấp hành đúng pháp luật Nhà nước về dân số kế hoạch hóa gia đình, an toàn giao thông, nâng cao học vấn, bài trừ tệ nạn xã hội; phổ biến các mô hình giảm nghèo có hiệu quả; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, làm ăn giỏi, những hộ vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng.

6.2. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo

- Phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể thẩm định, xét cho vay hộ nghèo, phân công hướng dẫn hộ nghèo cách làm ăn, giám sát việc sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích. Xét bồi vốn cho hộ nghèo sử dụng vốn vay làm ăn có hiệu quả;

- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, vay vốn đối với hộ nghèo, hộ thoát nghèo theo quy định. Tham mưu triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên cơ sở quy định của Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, chính sách hỗ trợ y tế cho hộ có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm,…

- Phổ biến và nhân rộng dự án mô hình giảm nghèo hiệu quả, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; Chú trọng hướng dẫn hỗ trợ cho người nghèo về kiến thức, kỹ thuật xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm để tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Hướng dẫn hộ nghèo chủ động lựa chọn hình thức/mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của hộ với môi trường xã hội, giải quyết các vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

- Thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng. Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội nhằm tạo điều kiện cho đối tượng bảo trợ xã hội không có khả năng thoát nghèo có mức sống gần hơn với mức sống người dân trên địa bàn cư trú.

6.3. Kết nối và huy động các nguồn lực phục vụ cho chương trình giảm nghèo

- Vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia giảm nghèo, giúp đỡ xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, hỗ trợ về nhà ở, đường giao thông, nước sinh hoạt nông thôn, các công trình văn hóa, phúc lợi công cộng cho người nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả. Tổ chức vận động các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhận đỡ đầu hỗ trợ tạo việc làm, nguồn lực hoặc bao tiêu sản phẩm tạo điều kiện giúp hộ nghèo phát triển sản xuất.

- Tiếp tục vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ người nghèo xây dựng và sửa chữa nhà ở, trợ giúp tiền mua vật tư nông nghiệp, trợ giúp người nghèo khi gặp khó khăn,..; phát huy nội lực của các tổ chức đoàn thể giúp đỡ các đoàn viên, hội viên nghèo.

- Thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thông tin nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.

6.4. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người nghèo đăng ký tham gia học nghề. Tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề, ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường, lớp, thiết bị, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; gắn đào tạo nghề với tạo việc làm; tổ chức đào tạo ngắn hạn miễn phí cho người lao động thuộc hộ nghèo những nghề phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương để sau khi ra trường tự tạo được việc làm, có thu nhập ổn định vươn lên thoát nghèo bền vững.

- Hướng dẫn hộ nghèo cách làm ăn có hiệu quả, khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất cho hộ nghèo.

- Hỗ trợ chính sách tín dụng ưu đãi đối với lao động nghèo trên địa bàn tỉnh đi xuất khẩu lao động.

6.5. Tăng cường năng lực bộ máy cho công tác giảm nghèo

- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, bộ máy cơ quan chuyên trách thực hiện công tác giảm nghèo, đổi mới phương thức hoạt động đảm bảo việc thực hiện chính sách giảm nghèo được công khai đúng đối tượng và đạt hiệu quả; trong đó chú trọng việc rà soát, xác định hộ nghèo và các hộ thoát nghèo đảm bảo chặt chẽ, chính xác; thường xuyên sâu sát kiểm tra từng hộ nghèo; phân công cụ thể các tổ chức đoàn thể nắm bắt tình hình, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nghèo, người nghèo theo từng địa chỉ cụ thể phát triển sản xuất, kinh doanh đảm bảo việc sử dụng các nguồn hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, thoát nghèo bền vững.

- Thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo ở cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh; bố trí cán bộ chuyên trách giảm nghèo ổn định; giải quyết chế độ chính sách hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách như cán bộ công chức cấp xã để theo dõi xuyên suốt và tập trung vào việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, hạn chế việc điều động cán bộ làm công tác giảm nghèo sang làm công tác khác.

- Hàng năm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ chuyên môn, phổ biến kịp thời những chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo cho cán bộ chuyên trách, các cấp ủy, chính quyền và hội, đoàn thể.

6.6. Hoạt động tư vấn, tham vấn hộ nghèo

- Hoàn thiện việc tuyển chọn mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội cấp xã, phường, thị trấn để thực hiện các hoạt động công tác xã hội đối với người nghèo, hộ nghèo nhằm giúp hộ nghèo thuận lợi tiếp cận các chính sách, các dịch vụ xã hội, giúp hộ nghèo phát huy năng lực sẵn có để chủ động tự vươn lên thoát nghèo góp phần giảm nghèo bền vững.

- Tập trung hoạt động trao đổi để người nghèo lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của hộ gia đình. Kết nối hỗ trợ các nguồn lực cần thiết để giúp người nghèo phát triển sản xuất, giới thiệu việc làm ổn định cuộc sống.

- Các địa phương mở hồ sơ quản lý từng trường hợp hộ nghèo: Lập kế hoạch theo dõi tiến trình phát triển kinh tế của hộ; Kết nối hỗ trợ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu thực hiện, yêu cầu: xác định hộ nghèo làm trung tâm; Đánh giá nhu cầu, lập và triển khai kế hoạch can thiệp, kết thúc và đánh giá kết quả can thiệp; đảm bảo cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hộ nghèo một cách toàn diện và hệ thống

6.7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, phát huy vai trò của từng thành viên trong Ban Chỉ đạo giảm nghèo từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã trong hoạt động kiểm tra, giám sát.

6.8. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hộ nghèo trên toàn địa bàn tỉnh nhằm quản lý thống nhất số liệu hộ nghèo, theo dõi tình hình biến động hộ nghèo, những thiếu hụt và nhu cầu hỗ trợ của hộ nghèo, đặc biệt là tránh việc cấp trùng thẻ BHYT,...

7. Tổ chức thực hiện

7.1. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố:

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

- Hàng tháng, quý, năm Sở Lao động -Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tiến độ triển khai và tham mưu, đề xuất ý kiến cụ thể trình UBND tỉnh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

- Tổ chức hướng dẫn, triển khai và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo trên phạm vi cấp tỉnh.

7.2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch-Đầu tư phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tính toán cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

7.3. Sở Y tế: xây dựng giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận của người dân về dịch vụ khám chữa bệnh, tăng độ bao phủ tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; triển khai thực hiện các chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, chính sách hỗ trợ người nghèo bệnh nặng, chi phí cao không đủ khả năng thanh toán viện phí (Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

7.4. Sở Giáo dục và Đào tạo: xây dựng giải pháp tăng tỷ lệ trẻ em đến trường đúng độ tuổi theo từng cấp học, giảm tỷ lệ bỏ học, lưu ban; tăng tỷ lệ biết chữ của người lớn; quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất trường học phù hợp để học sinh tiếp cận thuận lợi; tham mưu triển khai thực hiện các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh con hộ nghèo.

7.5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: xây dựng giải pháp để tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh khu vực nông thôn; tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ sử dụng hố xí hợp vệ sinh khu vực nông thôn; triển khai thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; tổ chức hướng dẫn người nghèo về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi,…

7.6. Sở Xây dựng: xây dựng giải pháp để tăng tỷ lệ người dân có nhà ở bảo đảm về diện tích và chất lượng; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước máy ở khu vực thành thị; tham mưu xây dựng đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 giai đoạn 2 và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp.

7.7. Sở Thông tin và Truyền thông: xây dựng giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân; mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp thông tin, viễn thông, phát thanh, truyền hình; chỉ đạo các cơ quan Báo, Đài của tỉnh tăng cường công tác truyền thông về chủ trương, đường lối, chính sách về giảm nghèo, mô hình giảm nghèo hiệu quả, tấm gương vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng.

7.8. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: trong các hoạt động văn hóa, thể thao của ngành thực hiện lồng ghép tuyên truyền về nội dung các chính sách giảm nghèo, những tấm gương thoát nghèo tiêu biểu để góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh về công tác giảm nghèo.

7.9. Ban Dân tộc: xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Thực hiện chính sách nhà ở, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, điện sinh hoạt, y tế, văn hóa, giáo dục, phát triển sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số và phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

7.10. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội: Hàng năm, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội và Sở Tài chính, căn cứ nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách, trình UBND tỉnh phê duyệt nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách để cho vay đối với Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn tỉnh và hộ mới thoát nghèo.

Phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện cho vay đúng đối tượng thụ hưởng trên cơ sở xác nhận của UBND cấp xã, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ trả lãi đầy đủ và xử lý nợ bị rủi ro theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

7.11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Căn cứ chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào danh sách do hội đồng xét duyệt của xã, phường, thị trấn để phê duyệt danh sách hộ nghèo trên địa bàn cấp huyện và báo cáo lên Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các chính sách giảm nghèo cho giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn cấp huyện.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức điều tra, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội định kỳ, hàng năm, tổ chức phân loại đối tượng tác động phù hợp.

- Tăng cường vai trò Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, cấp xã trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo tại địa phương.

- Có giải pháp, kế hoạch tác động phù hợp để nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên địa bàn.

- Xây dựng đề về nhà ở cho người nghèo tại từng địa bàn cho phù hợp, trong đó có việc bố trí đất, nguồn lực xây nhà đại đoàn kết.

7.12. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp hội cơ sở ở địa phương phát huy sức mạnh toàn dân tham gia thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách về giảm nghèo cho các hội viên nhằm nâng cao nhận thức giúp đỡ hộ nghèo, hội viên nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.