Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 28/07/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu Thông qua đề án phát triển hạ tầng thiết yếu khu sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung giai đoạn 2016-2020
- Số hiệu văn bản: 32/2016/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lai Châu
- Ngày ban hành: 28-07-2016
- Ngày có hiệu lực: 10-08-2016
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-01-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1624 ngày (4 năm 5 tháng 14 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 20-01-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/2016/NQ-HĐND | Lai Châu, ngày 28 tháng 7 năm 2016 |
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG THIẾT YẾU CÁC KHU SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HÀNG HÓA TẬP TRUNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ HAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020;
Xét Tờ trình số 1308/TTr-UBND ngày 15/7/2016 của UBND tỉnh về việc Ban hành Nghị quyết thông qua Đề án Phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra số 233/BC-HĐND ngày 21/7/2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung giai đoạn 2016-2020, với các nội dung sau:
1. Phạm vi áp dụng
Vùng sản xuất lúa gạo tập trung tại các cánh đồng: Hua Nà, Mường Than, Phúc Than, Mường Cang (huyện Than Uyên); Mường Khoa, Phúc Khoa (huyện Tân Uyên); Bình Lư, Bản Bo (Huyện Tam Đường). Vùng sản xuất chè tập trung trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng thiết yếu các vùng sản xuất tập trung gồm: hệ thống đường giao thông, hệ thống tưới, cầu, hệ thống thủy lợi.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
- Thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng, quy mô đủ lớn; đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
- Phát triển vùng chè theo hướng mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngành chè; phát triển vùng lúa gạo tập trung, hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Lai Châu.
- Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu: đường giao thông, thủy lợi tại những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh.
b) Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2020: có 6.000 ha chè, sản lượng chè búp tươi: 36.000 tấn; 2.350 ha lúa chất lượng cao, sản lượng: 11.750 tấn.
- Đầu tư mở mới và nâng cấp 492 km đường giao thông trục chính và nội đồng cho các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, trong đó: vùng sản xuất lúa 68 km, vùng sản xuất chè 424 km, theo hướng tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B và C.
- Đầu tư nâng cấp: 21,4 km kênh tạm lên kiên cố; gồm 02 công trình đảm bảo nước tưới cho 855 ha lúa; xây dựng mới hệ thống tưới công nghệ cao cho 50 ha chè xã Bản Bo, huyện Tam Đường.
3. Nhiệm vụ
a) Vùng sản xuất lúa gạo tập trung
- Quy hoạch vùng sản xuất lúa: Tổng diện tích 2.350 ha, gồm:
+ Huyện Than Uyên: 1.300 ha (các xã: Phúc Than 600 ha, Mường Than: 380 ha, Hua Nà 140 ha, Mường Cang 180 ha).
+ Huyện Tân Uyên: 450 ha (xã Mường Khoa 200 ha, Phúc Khoa 250 ha).
+ Huyện Tam Đường: 600 ha (thị trấn Tam Đường và xã Bình Lư 250 ha, xã Bản Bo 350 ha).
- Hạ tầng vùng lúa: Tổng chiều dài đường giao thông 68 km, gồm:
+ Đường trục chính: 28 km, trong đó: Nâng cấp đường trục chính 24 km đường giao thông nông thôn B; mở mới 4 km đường giao thông nông thôn C.
+ Đường giao thông nội đồng: 40 km, trong đó: Mở mới 35 km giao thông nông thôn C; nâng cấp 5 km giao thông nông thôn C.
- Thủy lợi: Đầu tư hệ thống thủy lợi vùng lúa: Nâng cấp 21,4 km kênh mương, trong đó: Cánh đồng Mường Than (Than Uyên) kênh cấp 1: 1,2 km; kênh cấp 2: 8,83 km, đảm bảo tưới 625 ha; cánh đồng Nà Tăm - Bản Bo (huyện Tam Đường) kênh cấp 1: 2,2 km; kênh cấp 2: 9,165 km, đảm bảo tưới 230 ha.
b) Vùng chè tập trung
- Phát triển 7 vùng chè với diện tích 6.000 ha, cụ thể:
+ Vùng chè huyện Than Uyên: 602 ha, gồm các tiểu vùng: Phúc Than, Hua Nà 312 ha; Tà Mung, Mường Kim 290 ha.
+ Vùng chè huyện Tân Uyên: 2.400 ha, gồm các tiểu vùng: trung tâm 1.120 ha (Gồm thị trấn, Thân Thuộc, Nậm Cần, Trung Đồng); Phúc Khoa - Mường Khoa 820 ha; Pắc Ta: 460 ha (Gồm Pắc Ta, Hố Mít).
+ Vùng chè huyện Tam Đường: 1.423 ha, gồm các tiểu vùng: Bản Bo - Sơn Bình - Nà Tăm và các xã lân cận: 827 ha; Tam Đường 597 ha (gồm Thèn Sin, Bản Giang, Bản Hon).
+ Vùng chè thành phố Lai Châu: 655 ha.
+ Vùng chè huyện Phong Thổ (Lản Nhì Thàng): 135 ha.
+ Vùng chè Sìn Hồ: 550 ha, gồm các tiểu vùng: Phìn Hồ - Hồng Thu 200 ha; Sà Dề Phìn 150 ha; Tà Ngảo 200 ha.
+ Vùng chè Nậm Nhùn (Nậm Pì): 250 ha.
- Hạ tầng vùng chè: Tổng chiều dài đường giao thông 424 km, gồm:
+ Đường trục chính: Nâng cấp 124 km giao thông nông thôn B (theo tiêu chuẩn đường cấp B).
+ Đường nội đồng: Tổng chiều dài 300 km trong đó: Mở mới 299 km đường giao thông nông thôn C và nâng cấp 1 km đường giao thông nông thôn C.
- 01 cầu dầm thép dài 30m (Cầu Mít Nọi, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên).
- Hệ thống tưới công nghệ cao cho 50 ha chè (xã Bản Bo - Huyện Tam Đường).
4. Kinh phí và nguồn kinh phí
- Tổng kinh phí: 566.480 triệu đồng, trong đó: Thủy lợi: 60.000 triệu đồng; giao thông: 501.360 triệu đồng; hệ thống tưới công nghệ cao: 5.120 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương: 194.832 triệu đồng; nguồn ODA: 350.000 triệu đồng; nguồn vốn của nhân dân đóng góp bằng công lao động, góp đất: 21.648 triệu đồng.
5. Giải pháp thực hiện
a) Về đất đai xây dựng hạ tầng
Xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu phải được người dân chủ động tham gia bàn bạc, quyết định và tự nguyện đóng góp với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân nơi có tuyến đường giao thông đi qua tự thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hiến đất, góp công lao động, vật liệu để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu.
b) Về quản lý, khai thác
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng bảo đảm chất lượng tiến độ và hiệu quả trong công tác xây dựng hạ tầng thiết yếu. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, công trình giao thông. Rà soát và chuẩn hóa quy trình vận hành của các hệ thống công trình thủy lợi đi đôi với việc tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân để họ vận hành và bảo vệ các công trình thủy lợi do các địa phương quản lý.
c) Về khoa học kỹ thuật
Tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ; chú trọng gieo trồng các giống lúa thuần chất lượng, lúa đặc sản địa phương; sử dụng các giống chè giâm cành có năng suất chất lượng vào sản xuất; Áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng theo yêu cầu của thị trường.
d) Về cơ chế, chính sách
Ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông, cầu; không hỗ trợ cho hạng mục bồi thường giải phóng mặt bằng.
- Đối với đường giao thông nội đồng: Cứ 10 ha chè tập trung hỗ trợ 1 km đường, mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/km đối với mở mới nền đường theo tiêu chuẩn đường cấp C; không quá 300 triệu đồng/km đối với nâng cấp nền đường với những nơi có nền đường hẹp chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.
- Đối với các công trình xây dựng mới, nâng cấp: Đường trục chính giao thông nội đồng theo tiêu chuẩn đường cấp B, công trình thủy lợi, hệ thống tưới vùng chè, cầu, được hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
đ) Về huy động vốn
Huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước như: nguồn ngân sách nhà nước, từ các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu; vốn vay ưu đãi của ngân hàng, các tổ chức tín dụng; vốn ODA; vận động đóng góp của nhân dân và các nguồn lực khác để đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao
1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu Khóa XIV Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 28 tháng 7 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 10/8/2016./.
| CHỦ TỊCH |