Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND ngày 21/07/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Về biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2017-2020
- Số hiệu văn bản: 28/2016/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Ngày ban hành: 21-07-2016
- Ngày có hiệu lực: 01-08-2016
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-03-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 955 ngày (2 năm 7 tháng 15 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-03-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2016/NQ-HĐND | Vĩnh Phúc, ngày 21 tháng 7 năm 2016 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2017- 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14/6/2005;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15/6/2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17/6 2014;
Căn cứ Thông tư số 137/2013/TT-BTC ngày 17/10/2013 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Ngân sách nhà nước cấp;
Xét Tờ trình số 181/TTr-UBND ngày 11/7/2016 của UBND tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2017 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Quyết định một số biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, với các nội dung sau:
1. Mục tiêu:
Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn xã hội đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phấn đấu hàng năm tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương); xây dựng và hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng.
2. Một số biện pháp
a) Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông với nhiều hình thức và nội dung phù hợp với mọi đối tượng tham gia giao thông. Triển khai đưa “văn hóa giao thông” vào nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở nơi dân cư".
b) Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm. Sớm hoàn thành cầu tầu tạm giữ phương tiện thủy vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa. Thí điểm đầu tư xây dựng bãi trông giữ phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông kết hợp với bãi đỗ xe tĩnh tại thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên. Kịp thời khắc phục các sự cố bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ùn tắc giao thông. Cải tạo, sửa chữa khắc phục các điểm có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông. Xử lý nghiêm các hành vi chiếm dụng lòng đường, vỉa hè trái phép.
c) Rà soát lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu chỉ huy giao thông tại các nút giao thông đô thị. Từng bước hoàn chỉnh hệ thống giám sát phát hiện và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh.
d) Phát triển mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng và nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt. Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân lưu thông trên các tuyến đường trọng điểm trong giờ cao điểm ở các đô thị, khu, cụm công nghiệp; khuyến khích, huy động, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng.
đ) Thực hiện xã hội hóa công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; huy động các lực lượng: Bảo vệ dân phố, Công an viên, Cựu chiến binh, Thanh niên tình nguyện và các lực lượng tình nguyện khác tham gia điều khiển, hướng dẫn giao thông tại các tuyến trọng điểm giao thông vào giờ cao điểm giao thông.
e) Hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
3. Kinh phí thực hiện
Hàng năm UBND tỉnh xây dựng dự toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.
2. Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và Đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khóa XVI, kỳ họp thứ 2, thông qua ngày 19 tháng 7 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2016./.
| CHỦ TỊCH |