Kế hoạch số 1244/KH-SNN ngày 21/06/2016 Thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển Hợp tác xã trong lĩnh vực Nông lâm nghiệp-Thủy sản giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 1244/KH-SNN
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
- Ngày ban hành: 21-06-2016
- Ngày có hiệu lực: 21-06-2016
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 11-02-2019
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1244/KH-SNN | Tuyên Quang, ngày 21 tháng 06 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TRONG LĨNH VỰC NLN - THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
Thực hiện Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020;
Thực hiện Chỉ thị số 2904/CT-BNN-KTHT ngày 13/4/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc để mạnh phát triển hợp tác xã theo Luật hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp; Văn bản số 993/UBND-NLN ngày 25/4/2016 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 2904/CT-BNN-KTHT ngày 13/4/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT;
Thực hiện Văn bản số 2515/BKHĐT-HTX ngày 04/4/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Văn bản số 973/UBND-NLN ngày 22/4/2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể;
Căn cứ Văn bản số 493/SKH-ĐKKD ngày 03/6/2016 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng nội dung hỗ trợ và dự toán kinh phí hỗ trợ HTX giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển Hợp tác xã trong lĩnh vực NLN - Thủy sản giai đoạn 2016 -2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang như sau:
I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
1. Thực trạng phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp
1.1. Về số lượng HTX: Tính đến ngày 31/12/2015 toàn tỉnh có 169 Hợp tác xã NLN - thủy sản, trong đó: Hợp tác xã NLN: 162 HTX chiếm 95,9% (Quy mô toàn xã 135 HTX, liên thôn 23 HTX, thôn bản 04 HTX); Hợp tác xã chăn nuôi và đánh bắt thủy sản: 07 HTX, chiếm 4,1%. So với năm 2010 tăng 12 HTX do thành lập mới, giảm 05 HTX do giải thể các hợp tác yếu kém, tồn tại hình thức.
1.2. Thành viên Hợp tác xã: Tổng số thành viên của 169 HTX là: 19.840 thành viên, bình quân 117 thành viên/HTX, (trong đó Thành viên là người lao động: 4.297 thành viên (chiếm 21,7%), Thành viên là đại diện hộ gia đình: 15.543 thành viên (chiếm 78,3%). So với năm 2010 số thành viên giảm 64.495 thành viên. Nguyên nhân giảm do các HTX sau khi thực hiện củng cố kiện toàn đã xác định lai các thành viên có tham gia góp vốn điều lệ vào HTX theo đúng Luật Hợp tác xã).
1.3. Tổ chức bộ máy và trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý HTX: Bộ máy quản lý HTX hiện nay có 825 người, trong đó: Số cán bộ có trình độ Đại học: 89 người, chiếm 10,8%; Số cán bộ có trình độ Cao đẳng: 24 người, chiếm 2,9%; Số cán bộ có trình độ Trung cấp: 335 người, chiếm 40,6%; Số cán bộ qua lớp tập huấn, bồi dưỡng: 280 người, chiếm 33,9%; Số cán bộ chưa qua đào tạo, bồi dưỡng: 97 người, chiếm 11,8%.
1.4. Kết quả thực hiện chuyển đổi hợp tác xã theo Luật năm 2012: Thực hiện Kế hoạch số 278/KH-SNN ngày 25/2/2013 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc củng cố, đổi mới Hợp tác xã NLN - Thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2013 -2015, định hướng đến năm 2020. Toàn tỉnh đã có 96/169 HTX (chiếm 56,8% tổng số HTX toàn tỉnh) thực hiện chuyển đổi, đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã năm 2012 (trong đó: Củng cố kiện toàn theo Luật HTX 56 HTX, thành lập mới 13 HTX).
1.5. Tình hình hoạt động dịch vụ của các HTX: Hoạt động dịch vụ của các Hợp tác xã NLN và Thủy sản chủ yếu tập trung vào một số khâu dịch vụ như: Dịch vụ thủy lợi: có 144 HTX thực hiện (chiếm 86,2%); Dịch vụ Chuyển giao KHKT: 38 HTX (chiếm 22,8%); Dịch vụ Bảo vệ thực vật, thú y: 39 HTX (chiếm 23,8%); Dịch vụ Cung ứng giống, phân bón: 83 HTX (chiếm 49,7%); Dịch vụ tiêu thụ sản phẩm: 27 HTX (chiếm 16,2%); Dịch vụ tín dụng nội bộ: 12 HTX (chiếm 7,2%); Dịch vụ nước sạch: 12 HTX (chiếm 7,2%); Dịch vụ xây dựng: 17 HTX (chiếm 10,2%); Dịch vụ chăn nuôi và đánh bắt thủy sản: 20 HTX (chiếm 12,0%)...
1.6. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh cửa các hợp tác xã năm 2015: Tổng doanh thu từ các hoạt động dịch vụ của các HTX năm 2015 đạt 134.474,5 triệu đồng (Tăng 84.260,9 triệu đồng so với năm 2010), sau khi trừ chi phí cho các khâu dịch vụ các HTX còn lãi là: 24.527,7 triệu đồng, điển hình như HTX Phong Lưu, xã Phù Lưu, HTX dịch vụ Hoàng Long, xã Đức Ninh- huyện Hàm Yên; HTX Ỷ La- TP Tuyên Quang; HTX Nhữ Hán, HTX Phúc Ninh, HTX Thắng Lợi - huyện Yên Sơn; HTX Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, HTX chăn nuôi Ong Phong Thổ, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang...). Tập trung ở các khâu dịch vụ chủ yếu như: Thủy lợi, cung ứng giống vật tư phân bón, tín dụng nội bộ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...
2. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực NLN - Thủy sản.
- Thực hiện Kế hoạch số 67/KH-UBND Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh hợp tác xã, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành Nghị quyết, Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã, Kết luận số 56-KL/TW và các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, cụ thể như sau:
+ Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND ngày 22 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
+ Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND ngày 17/7/2015 của UBND tỉnh về Ban hành Quy định về hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; quy mô diện tích tối thiểu đối với Dự án cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
+ Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 10/6/2016 của UBND tỉnh về thực hiện dự án cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020.
- Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các ngành liên quan ban hành Hướng dẫn liên ngành số 1728/HDLN-NN-TC-KHĐT-XD-NHNN ngày 15/9/2014 của Liên ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Tài chính - Sở Kế hoạch và Đầu tư - Sở Xây dựng - Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang về việc hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
- Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã, Kết luận số 56-KL/TTW, Kế hoạch số 67/KH-UBND và các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, bao gồm:
+ Kế hoạch số 278/KH-SNN ngày 25/2/2013 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc củng cố, đổi mới Hợp tác xã NLN - Thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2013 -2015, định hướng đến năm 2020;
+ Kế hoạch số 1166/KH-SNN ngày 12/7/2013 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc thực hiện Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 20/6/2013 của Ban thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV) thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;
+ Hướng dẫn số 2097/HD-SNN ngày 28/10/2014 của Sở Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn đánh giá tiêu chí Thủy lợi, hình thức tổ chức sản xuất và chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh theo Quy chuẩn Quốc gia trong bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới;
+ Hướng dẫn số 669/HD-SNN ngày 29/4/2014 của Sở Nông nghiệp và PTNNT về việc hướng dẫn thực hiện chuyển đổi Hợp tác xã NLN -Thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo Luật hợp tác xã năm 2012;
+ Văn bản số 710/SNN-PTNT ngày 13/4/2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trong lĩnh vực NLN - Thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
- Công tác tuyên truyền: Đã hướng dẫn thành lập mới 13 Hợp tác xã; tổ chức 65 lớp tuyên truyền, bồi dưỡng, đào tạo cho nâng cao nghiệp vụ về Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật cho 3.888 cán bộ HTX, THT tham gia, tổng kinh phí thực hiện 3.745 triệu đồng. Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức 01 Hội nghị tuyên truyền về Luật HTX và các Chủ trương chính sách về phát triển kinh tế tập thể cho toàn thể cán bộ công nhân viên chức trong cơ quan...
3. Kết quả kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KTHT trong lĩnh vực nông lâm nghiệp
3.1. Bộ máy quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông lâm nghiệp ở cấp tỉnh
Ở cấp tỉnh Chi cục Phát triển nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT đã được thành lập theo Quyết định số 142/QĐ-UBND ngày 02/6/2012 của UBND tỉnh Tuyên Quang và được củng cố, kiện toàn theo Thông tư 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Quyết định số 362/QĐ-UBND ngày 09/12/2015 của UBND tỉnh về quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay Chi cục đã có phòng chuyên về kinh tế hợp tác và trang trại, với 03 biên chế thuộc Chi cục Phát triển nông thôn (trong đó có 01 biên chế quản lý Nhà nước về hợp tác xã).
3.2. Bộ máy quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông lâm nghiệp ở cấp huyện, thành phố
Hiện nay UBND huyện, thành phố đã bố trí 01 cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể và phát triển nông thôn tại Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế. Tuy các huyện, thị có bố trí cán bộ làm công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, nhưng phải kiêm nhiệm thêm các lĩnh vực: Kinh tế trang trại; chính sách nông nghiệp nông thôn; bố trí sắp xếp ổn định dân cư, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn...
4. Kết quả triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp tác xã
4.1. Về hỗ trợ thành lập mới, tuyên truyền, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ hợp tác xã
Từ năm 2011-2015 Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì với Sở, ngành, các đơn vị, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch hướng dẫn thành lập mới 12 Hợp tác xã; tổ chức 46 lớp bồi dưỡng, đào tạo cho nâng cao nghiệp vụ cho 2.648 cán bộ quản lý HTX tham gia, tổng kinh phí thực hiện 3.755,706 triệu đồng. Cụ thể:
- Đối với hỗ trợ thành lập mới: Hỗ trợ thành lập mới và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa cho các sáng lập viên của 12 HTX chuẩn bị thành lập hợp tác xã NLN tại các huyện, thành phố. Tổng số 14 lớp/202 học viên, kinh phí 89,452 triệu đồng.
- Đối với công tác bồi dưỡng, đào tạo: Tổ chức 32 lớp/2.446 học viên, kinh phí 4.490,285 triệu đồng, trong đó:
+ Bồi dưỡng cho cán bộ quản lý Hợp tác xã NLN-Thủy sản: 24 lớp/2.076 người, kinh phí 2.621,782 triệu đồng;
+ Đào tạo ngắn hạn cho cán bộ quản lý HTX: 08 lớp/370 người, kinh phí 1.868,5 triệu đồng.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức 01 Hội nghị chuyên đề để tuyên truyền về Luật HTX, các Chủ trương chính sách về phát triển kinh tế tập thể và lồng ghép nội dung vào các hội nghị tuyên truyền hàng tháng cho toàn thể cán bộ công nhân viên chức trong cơ quan; phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công chức xã về các Chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn; Quản lý nhà nước đối với các tổ chức kinh tế trên địa bàn cấp xã...
4.2. Về chính sách đất đai
Tính đến ngày 31/12/2015 toàn tỉnh có 73/167 HTX, chiếm 43,2% đang được sử dụng đất làm trụ sở làm việc với tổng diện tích 77.389m2, trong đó: Diện tích đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 46.940m2/38 HTX1, chiếm 60,7% trên tổng số HTX đang được sử dụng đất làm trụ sở; Diện tích đang được sử dụng làm trụ sở nhưng chưa được cấp quyền sử dụng đất với diện tích 30.449m2/35 HTX, chiếm 39,3 % trên tổng số HTX đang có đất để làm trụ sở. Hiện còn có 96 HTX, chiếm 56,8% trên tổng số HTX toàn tỉnh chưa được quy hoạch đất để làm thủ tục cấp đất xây dựng trụ sở theo quy định.
Việc lập thủ tục xin giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hợp tác xã nông nghiệp sản còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do nhiều HTX đã được quy hoạch giao đất nhưng không có kinh phí để giải phóng mặt bằng, lập thủ tục, hồ sơ xin giao đất, cấp quyền sử dụng đất; một số HTX chưa thực sự quan tâm đến việc làm các thủ tục cần thiết để được cấp quyền sử dụng đất.
3.3. Chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
- Từ năm 2013-2015 Sở Nông nghiệp đã hỗ trợ, hướng dẫn 16 HTX xây dựng được 17 nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Các HTX đã xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm hàng hóa nông sản, chế biến; lập dự án mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại các khu quy hoạch sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn của các xã.
- Phối hợp với Sàn giao dịch rau quả Hà Nội duy trì công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm Chè và các sản phẩm nông nghiệp của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác của tỉnh; tư vấn mở các điểm bán hàng để giới thiệu và quảng bá sản phẩm trên địa bàn thành phố Tuyên Quang (tại các khách sạn, cửa hàng..);
- Hỗ trợ các HTX tham gia 09 gian hàng trưng bày, triển lãm, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm Chè và các sản phẩm hàng hóa nông sản khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tại Hội chợ sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội hàng năm, Hội chợ Triển lãm Chuỗi sản phẩm Công - Nông nghiệp và hội chợ Xuân tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang, Hội chợ giống Nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ triển lãm sản phẩm Cam sành Hàm Yên và các sản phẩm nông nghiệp tại các tỉnh như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh; Tham gia Festival Chè tại Thái Nguyên...
- Tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá thông tin thị trường sản phẩm chè trên địa bàn toàn tỉnh; tổng hợp, biên tập, in 30.000 bản tin thị trường chuỗi giá trị như: cam, chè, lạc, rong riềng, keo, trâu, lợn, cá… và phát tại các điểm bán sản phẩm, các địa điểm phục vụ cho việc quảng bá, tham gia hội chợ và các Tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
3.4. Về chính sách hỗ trợ; ưu đãi tín dụng
Thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 và Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn: Từ năm 2011-2015, có 17 HTX thực hiện vay vốn với ngân hàng với tổng số tiền vay là 28.139 triệu đồng, dư nợ cho vay hiện nay là 11.817 triệu đồng.
3.5. Chính sách hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật
- Có 38/169 HTX (Chiếm 22,5% tổng số HTX) thực hiện khâu dịch vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tổng thu từ dịch vụ (năm 2015) đạt 119,5 triệu đồng. Trung tâm khuyến nông tỉnh đã chỉ đạo các Trạm khuyến nông các huyện, thành phố, phối hợp với các công ty giống, các HTX tổ chức tập huấn triển khai các mô hình thí điểm và tập huấn kỹ thuật cho hộ nông dân là thành viên HTX trước thời vụ gieo trồng và đăng ký giống lúa lai, ngô lai; giống rau trồng vụ đông trên đất 02 vụ lúa phục vụ cho sản xuất; từ đó đã khuyến khích các hộ nông dân, thành viên HTX tổ chức thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Điển hình như HTX Ỷ La, Nông Tiến, Tràng Đà - thành phố Tuyên Quang; HTX Yên Nguyên, Đồng Tiến - huyện Chiêm Hóa.
- Có 25/169 HTX (chiếm 14,8% tổng số HTX) thực hiện khâu dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y. Tổng thu từ dịch vụ năm 2015 đạt 5.167,4 triệu đồng. Các HTX phối hợp với cán bộ khuyến nông, Trạm BVTV hướng dẫn hộ thành viên các biện pháp phòng trừ sâu bệnh; phối hợp với hệ thống thú y cơ sở để tổ chức tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, tuy nhiên số HTX thực hiện khâu dịch vụ này có hiệu quả chưa nhiều.
- Các HTX đã tiếp cận được các ứng dụng khoa học kỹ thuật, có 03 HTX đã được chủ trì thực hiện 05 dự án khoa học công nghệ với tổng kinh phí là 2.705,45 triệu đồng. Nhiều kỹ thuật công nghệ mới được chuyển giao cho các HTX để ứng dụng vào sản xuất. Thông qua việc triển khai các đề tài, dự án các HTX đã được chuyển giao các thành tựu khoa học, công nghệ mới để ứng dụng vào sản xuất.
5. Đánh giá kết quả đạt được trong 5 năm qua
5.1. Mặt được
- Việc chỉ đạo các nội dung thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực NLN - Thủy sản đã được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Công tác tuyên truyền đã về kinh tế hợp tác, hợp tác xã và liên kết trong sản xuất đã được đẩy mạnh. Bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ, người dân về tầm quan trọng và vai trò của kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Việc tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn đã giúp cho các HTX nắm được kiến thức để tập trung tháo gỡ những khó khăn như: Về quản lý, sử dụng thủy lợi phí cấp bù cho nông dân; mở thêm dịch vụ về tín dụng nội bộ, …; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm hàng hóa nông sản, chế biến; củng cố chuyển đổi HTX theo đúng Luật HTX năm 2012 và lập dự án mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại các khu quy hoạch sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn của các xã.
- Các HTX cũ cơ bản đã được chuyển đổi theo Luật hợp tác xã 2003 (đến 31/12/2015 toàn tỉnh có 100% số Hợp tác xã NLN-thủy sản đã thực hiện Đăng ký theo Luật Hợp tác xã, trong đó 96 HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012); HTX yếu kém, tồn tại hình thức đã được giải thể thành lập lại; nhiều HTX mới được thành lập và những mô hình HTX mới được hình thành.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ luôn được ngành Nông nghiệp và PTNT quan tâm chỉ đạo. Đến nay cán bộ HTX có trình độ Đại học: 89 người, chiếm 10,8%; Số cán bộ có trình độ Cao đẳng: 24 người, chiếm 2,9%; Số cán bộ có trình độ Trung cấp: 335 người, chiếm 40,6%; Số cán bộ qua lớp tập huấn, bồi dưỡng: 280 người, chiếm 33,9%; Số cán bộ chưa qua đào tạo, bồi dưỡng: 97 người, chiếm 11,8%.
- Việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX đã được củng cố về tổ chức quản lý, về năng lực hoạt động, về trách nhiệm giữa thành viên với HTX, nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh và dịch vụ, từng bước khắc phục tình trạng hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài. Sau khi thực hiện củng cố kiện toàn, một số HTX phát triển khá, hoạt động đa dạng, phong phú về ngành nghề, nhất là các ngành về dịch vụ tín dụng nội bộ, tiêu thụ sản phẩm... Một số HTX đã tạo sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua việc đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa.
5.2. Tồn tại, hạn chế
- Công tác tuyên truyền Luật HTX năm 2012 đã được chú trọng tuy nhiên việc đổi mới phương pháp tuyên truyền chưa được chú trọng nên chưa phát huy được hiệu quả cao nhất trong công tác tuyên truyền.
- Việc bố trí cán bộ các cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể đã được quan tâm, giải quyết. Tuy nhiên số lượng còn ít, lại kiêm nhiệm nhiều việc khác nhất là cán bộ ở cấp huyện vì vậy chưa phát huy được hiệu quả.
- Quy mô Hợp tác xã nhỏ, năng lực tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh, dịch vụ của cán bộ Hợp tác xã yếu, chưa chủ động đầu tư mở rộng hoạt động SXKD, còn trông chờ sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không tâm huyết với công việc; chưa đa dạng hóa các hoạt động nhất là khâu chế biến sau thu hoạch để nâng giá trị sản phẩm.
- Số hợp tác xã có thành viên góp vốn, góp sức còn ít, hoạt động của HTX còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất, đời sống của thành viên và cộng đồng; thiếu vốn hoạt động, thiếu cơ sở vật chất làm dịch vụ; trình độ, năng lực điều hành cán bộ HTX còn nhiều hạn chế.
- Nhiều hợp tác xã tổ chức và hoạt động chưa đúng quy định của Luật Hợp tác xã: Công nợ tồn đọng lớn chưa được xử lý dứt điểm khi chuyển đổi, tình trạng không rõ ràng về thành viên và quyền sở hữu tài sản còn khá phổ biến, công tác kế toán, tài chính của các HTX còn yếu kém, chưa hạch toán đầy đủ, kịp thời được hoạt động tài chính của HTX nên không huy động được vốn góp mới; nhiều hợp tác xã hoạt động cầm chừng, thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc chỉ tồn tại về hình thức; rất ít hợp tác xã có đầu tư mới; hoạt động hỗ trợ thành viên chưa nhiều; mối quan hệ giữa thành viên và hợp tác xã còn lỏng lẻo.
- Số tiền vay và số hợp tác xã được vay vốn từ ngân hàng còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của các hợp tác xã (Một số HTX vay chủ yếu là nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ để xây dựng kênh mương và các công trình thủy lợi...); Hiện nay hầu hết các hợp tác xã rất khó vay vốn từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp; các ngân hàng chính sách và ngân hàng nông nghiệp mới chỉ cho một số ít hợp tác xã vay vốn với số lượng vốn vay hạn chế. Mặt khác, cơ sở vật chất, quy mô hoạt động và chất lượng nguồn nhân lực của hợp tác xã còn hạn chế đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn vay ngân hàng. Nợ xấu của hợp tác xã tuy đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao và tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro tín dụng.
5.3. Nguyên nhân
- Trong quá trình chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 gặp nhiều lúng túng, việc chuyển đổi và thành lập mới HTX còn mang nặng tính hình thức và thiếu những mô hình hoạt động có hiệu quả vì vậy sau khi chuyển đổi chưa đẩy mạnh được các hoạt động đa dạng, thiết thực cho hộ thành viên; hơn nữa hiện nay tiến độ chuyển đổi HTX còn chậm. Hiện có 106/168 hợp tác xã (64,9%) đã hoàn thành việc chuyển đổi. Tỷ lệ này vẫn ở mức thấp so với yêu cầu về thời gian theo Điều 62 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định.
- Năng lực, trình độ cán bộ HTX hạn chế, HTX tổ chức hoạt động dịch vụ nhưng không thu được phí; ngoài ra về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật của HTX còn yếu kém đang là một trong những khó khăn lớn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của HTX trong quá trình chuyển đổi và xây dựng mới.
- Sự phân công, phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể ở các huyện, thành phố trong việc hướng dẫn, hỗ trợ HTX chưa đồng bộ, thống nhất; cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước đối với kinh tế HTX thuộc Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thành phố biên chế ít và thay đổi thường xuyên, còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên chưa dành thời gian để kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động đối với các HTX.
II. KẾ HOẠCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TRONG LĨNH VỰC NÔNG LÂM NGHIỆP - THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
1. Mục đích, yêu cầu
- Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020;
- Xác định lộ trình thực hiện việc chuyển đổi toàn diện cả về nội dung và hình thức đối với các HTX gắn với hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
- Phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong cả hệ thống chính trị và cụ thể hóa các nội dung công việc, xác định thời gian và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ để đảm bảo thực hiện có chất lượng, hiệu quả “Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014” trên địa bàn tỉnh.
- Phải lồng ghép các nguồn lực, kinh phí với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương, phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các HTX.
2. Kế hoạch hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2016 - 2020
2.1. Hỗ trợ thành lập mới và tổ chức lại hoạt động HTX
a) Mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 thành lập mới 20 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh HTX (trung bình mỗi năm thành lập mới 4 HTX).
b) Đối tượng hỗ trợ: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập HTX (có văn bản đề nghị được hỗ trợ thành lập mới HTX).
c) Nội dung hỗ trợ:
- Cung cấp thông tin tư vấn, tập huấn về quy định pháp luật HTX trước khi thành lập HTX cho sáng lập viên HTX;
- Tư vấn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của HTX theo Luật HTX năm 2012;
- Tư vấn thực hiện các thủ tục tổ chức lại hoạt động của HTX theo Luật HTX năm 2012.
d) Kinh phí và nguồn kinh phí: Tổng kinh phí hỗ trợ: 600,0 triệu đồng, từ nguồn Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí thành lập mới HTX theo quy định của Luật HTX năm 2012.
2.2. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX
a) Mục tiêu: Đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý và tổ chức sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cho cán bộ hợp tác xã và cán bộ quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể (khoảng 1.670 lượt người) trong đó 100% cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể được đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý và nghiệp vụ chuyên môn.
b) Đối tượng hỗ trợ: Cán bộ quản lý và thành viên HTX; cán bộ quản lý nhà nước và phụ trách kinh tế tập thể của các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, UBND các xã phường, thị trấn.
c) Nội dung hỗ trợ:
- Triển khai thực hiện tuyên truyền văn bản pháp luật về KTHT trên địa bàn tỉnh qua hội nghị, trang Web chuyên ngành đối với Luật Hợp tác xã năm 2012 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 về quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã năm 2012; Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn đăng ký HTX và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của HTX; Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2014 về Hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg Quyết định số 710/QĐ-BNN-KTHT ngày 10/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Kế hoạch “Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp”; Các Nghị quyết, Quyết định, kế hoạch của UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT về phát triển KTHT trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;
- Bồi dưỡng nghiệp vụ, tuyên truyền thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến KTHT cho cán bộ quản lý nhà nước các huyện, thành phố và cán bộ HTX, THT, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp bằng nguồn vốn của Trung ương, CTMTQG xây dựng nông thôn mới và các nguồn khác.
- Hướng dẫn tổ chức rà soát, hướng dẫn, tập huấn quy trình, hỗ trợ tư vấn đăng ký lại cho 100% số HTX nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các HTX sau khi đăng ký chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả trên cơ sở thực hiện các hình thức liên kết sản xuất theo cơ chế, chính sách hiện hành phù hợp với thực tế của mỗi địa phương, HTX.
d) Kinh phí và nguồn kinh phí: Tổng kinh phí hỗ trợ: 12.718,0 triệu đồng, trong đó: Nguồn trung ương hỗ trợ 10.174,4 triệu đồng (theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ); Nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 2.543,6 triệu đồng.
2.3. Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
a) Mục tiêu: Hỗ trợ các HTX xây dựng và quản lý nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản để từng bước hình thành thương hiệu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, truyền thông, tham gia các Hội chợ triển lãm các sản phẩm hàng năm.
b) Đối tượng hỗ trợ: Các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức đã được cấp nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
c) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; Hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa, thuê gian hàng tại nơi mở hội chợ, triển lãm.
d) Kinh phí và nguồn kinh phí: Tổng kinh phí hỗ trợ: 5.625,0 triệu đồng, trong đó: Nguồn trung ương hỗ trợ 4.500,0 triệu đồng (theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ); Nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 1.125,0 triệu đồng (Theo Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh và các chính sách liên quan…).
2.4. Hỗ trợ về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới thông qua xây dựng và phát triển các mô hình liên kết gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng
a) Mục tiêu:
- Xây dựng 26 Dự án (với quy mô diện tích sản xuất 1.335 ha) gắn với các mô hình liên kết bền vững trên cơ sở Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013, Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND ngày 17/7/2015 của UBND tỉnh. Nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới.
- Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, địa bàn, thị trường để thu hút doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cơ quan quản lý, nhà khoa học, tư vấn dịch vụ, ngân hàng... cùng với nông dân tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
b) Đối tượng hỗ trợ: Các Hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân có hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua xây dựng cánh đồng lớn.
c) Nội dung hỗ trợ: Thực hiện xây dựng các mô hình về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới thông qua các mô hình liên kết gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng.
d) Kinh phí và nguồn kinh phí: Tổng kinh phí hỗ trợ: 8.608,0 triệu đồng, trong đó: Nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% (Theo Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND ngày 17/7/2015 và Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 10/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh).
2.4. Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
a) Mục tiêu:
- Hỗ trợ HTX tham gia vào các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh và đầu tư bằng nhiều hình thức như xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phục vụ sản xuất, trồng rừng, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông, lâm, thủy sản...
- Thực hiện cơ chế lồng ghép nguồn lực từ Chương trình MTQG xây dựng NTM, các chương trình, dự án của các đơn vị, phòng ban chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNNT và của các sở, ban, ngành khác để phát triển KTHT.
b) Đối tượng hỗ trợ: Các Hợp tác xã NLN - thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được đăng ký và hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã 2012. Ưu tiên các HTX có quy mô lớn về thành viên, hàng hóa, sản xuất theo cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; HTX hoạt động trên địa bàn khó khăn.
c) Nội dung hỗ trợ:
- Hỗ trợ các Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của HTX nhằm mục đích phục vụ sản xuất, kinh doanh chung cho cộng đồng thành viên HTX, phải thực hiện theo đúng các thủ tục về đầu tư và được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Hỗ trợ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh cho cộng đồng thành viên HTX bao gồm: Trụ sở, sân phơi, nhà kho, xưởng sơ chế, chế biến, điện, nước sinh hoạt, chợ, công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, cửa hàng vật tư nông nghiệp, giao thông nội đồng.
d) Kinh phí và nguồn kinh phí: Tổng kinh phí hỗ trợ: 7.500,0 triệu đồng, trong đó: Nguồn trung ương hỗ trợ 100% (theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ).
2.5. Hỗ trợ giao đất, cho thuê đất
a) Mục tiêu: Tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn các Hợp tác xã NLN - Thủy sản hoàn thiện hồ sơ để được thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai ngày 29/11/2013; Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
b) Đối tượng hỗ trợ: Các Hợp tác xã NLN - thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được đăng ký và hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã 2012.
c) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ các Hợp tác xã NLN - thủy sản trên địa bàn tỉnh thuê đất (không thu tiền sử dụng đất) để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh cho cộng đồng thành viên HTX bao gồm: Trụ sở, sân phơi, nhà kho, xưởng sơ chế, chế biến, cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, cửa hàng vật tư nông nghiệp...
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Tổng kinh phí thực hiện: 35.651 triệu đồng. Trong đó:
- Nguồn kinh phí Ngân sách Trung ương: 22.774,4 triệu đồng
- Nguồn kinh phí Ngân sách tỉnh: 12.876,6 triệu đồng.
2. Nội dung cụ thể
- Hỗ trợ thành lập mới HTX: 600,0 triệu đồng;
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: 12.718,0 triệu đồng;
- Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường: 5.625,0 triệu đồng.
- Hỗ trợ về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm: 8.608,0 triệu đồng.
- Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: 7.500 triệu đồng.
(Chi tiết có phụ lục đính kèm)
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT: Là cơ quan đầu mối tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ:
- Chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển Hợp tác xã trong lĩnh vực NLN - Thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
- Xây dựng một số mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp phù hợp với từng vùng, từng ngành hàng nông sản.
- Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, UBND cấp huyện thực hiện công tác tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ các HTX, tổ hợp tác thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
2. UBND các huyện, thành phố
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển Hợp tác xã trong lĩnh vực NLN - Thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2015 và giai đoạn 2016-2020.
- Chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung hướng dẫn các xã, HTX thực hiện thành lập mới; củng cố, đổi mới; đăng ký hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã và thực hiện các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh thuộc các HTX trên địa bàn.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn phối hợp với các đơn vị, phòng, ban chuyên môn có liên quan của tỉnh, huyện triển khai thực hiện kế hoạch trên địa bàn quản lý.
- Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật Hợp tác xã và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 đến toàn thể cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân trên địa bàn cấp xã; chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung hướng dẫn các xã, HTX thực hiện củng cố, đổi mới theo Luật HTX.
- Chỉ đạo UBND các xã tổ chức cho các HTX thực hiện củng cố, đổi mới theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã và các quy định.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với HTX, THT theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan đơn vị và các đoàn thể tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2012 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã đến toàn thể nhân dân.
4. Các Hợp tác xã nông lâm nghiệp - Thủy sản: Thực hiện các nội dung về hỗ trợ củng cố, đổi mới theo Luật hợp tác xã, các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác năm 2012. Chấp hành và vận dụng cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với HTX trong hoạt động sản xuất kinh doanh và liên kết sản xuất với các thành phần kinh tế khác hoạt động trên địa bàn nông thôn.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển Hợp tác xã trong lĩnh vực NLN - Thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Sở Nông nghiệp và PTNT trân trọng báo cáo./.
| KT. GIÁM ĐỐC |
DỰ KIẾN KẾ HOẠCH KINH PHÍ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Kế hoạch số 1244/KH-SNN ngày 21/6/2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT)
Số TT | Chỉ tiêu | Đơn vị tính | KH 2016 | KH 2017 | KH 2018 | KH 2019 | KH 2020 | Mục tiêu KH 2016-2020 |
I | HỖ TRỢ CHUNG ĐỐI VỚI CÁC HTX |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Hỗ trợ thành lập mới |
|
|
|
|
|
| - |
| - Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX | 4,0 | 4,0 | 4,0 | 4,0 | 4,0 | 20,0 |
| - Tổng kinh phí hỗ trợ, trong đó: | Tr đồng | 120,0 | 120,0 | 120,0 | 120,0 | 120,0 | 600,0 |
| Ngân sách Trung ương | Tr đồng | 120,0 | 120,0 | 120,0 | 120,0 | 120,0 | 600,0 |
| Ngân sách địa phương | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
2 | Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực | đồng | 2.335,2 | 2.454,4 | 2.523,6 | 2.642,8 | 2.762,0 | 12.718,0 |
2.1 | - Số người được cử đi đào tạo | Người | 300,0 | 320,0 | 330,0 | 350,0 | 370,0 | 1.670,0 |
| Tổng kinh phí hỗ trợ, trong đó: | Tr đồng | 1.500,0 | 1.600,0 | 1.650,0 | 1.750,0 | 1.850,0 | 8.350,0 |
| Ngân sách Trung ương | Tr đồng | 1.200,0 | 1.280,0 | 1.320,0 | 1.400,0 | 1.480,0 | 6.680,0 |
| Ngân sách địa phương | Tr đồng | 300,0 | 320,0 | 330,0 | 350,0 | 370,0 | 1.670,0 |
2.2 | - Số người được tham gia bồi dưỡng | Người | 1.044,0 | 1.068,0 | 1.092,0 | 1.116,0 | 1.140,0 | 5.460,0 |
| Tổng kinh phí hỗ trợ, trong đó: | Tr đồng | 835,2 | 854,4 | 873,6 | 892,8 | 912,0 | 4.368,0 |
| Ngân sách Trung ương | Tr đồng | 668,2 | 683,5 | 698,9 | 714,2 | 729,6 | 3.494,4 |
| Ngân sách địa phương | Tr đồng | 167,0 | 170,9 | 174,7 | 178,6 | 182,4 | 873,6 |
3 | Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường |
|
|
|
|
|
| - |
| - Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX | 5,0 | 10,0 | 15,0 | 20,0 | 25,0 | 75,0 |
| Tổng kinh phí hỗ trợ, trong đó: | Tr đồng | 375,0 | 750,0 | 1.125,0 | 1.500,0 | 1.875,0 | 5.625,0 |
| Ngân sách Trung ương | Tr đồng | 300,0 | 600,0 | 900,0 | 1.200,0 | 1.500,0 | 4.500,0 |
| Ngân sách địa phương | Tr đồng | 75,0 | 150,0 | 225,0 | 300,0 | 375,0 | 1.125,0 |
4 | Hỗ trợ về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới thông qua xây dựng và phát triển các mô hình liên kết gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng |
|
|
|
|
|
| - |
| - Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX | 4,0 | 8,0 | 4,0 | 5,0 | 4,0 | 25,0 |
| Tổng kinh phí hỗ trợ, trong đó: | Tr đồng | 2.370,0 | 2.512,0 | 1.014,0 | 1.002,0 | 1.710,0 | 8.608,0 |
| Ngân sách Trung ương | Tr đồng |
|
|
|
|
|
|
| Ngân sách địa phương | Tr đồng | 2.370,0 | 2.512,0 | 1.014,0 | 1.002,0 | 1.710,0 | 8.608,0 |
5 | Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng |
|
|
|
|
|
| - |
| - Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX | 5,0 | 5,0 | 5,0 | 5,0 | 5,0 | 25,0 |
| Tổng kinh phí hỗ trợ, trong đó: | Tr đồng | 1.500,0 | 1.500,0 | 1.500,0 | 1.500,0 | 1.500,0 | 7.500,0 |
| Ngân sách Trung ương | Tr đồng | 1.500,0 | 1.500,0 | 1.500,0 | 1.500,0 | 1.500,0 | 7.500,0 |
| Ngân sách địa phương | Tr đồng |
|
|
|
|
| - |
6 | Hỗ trợ giao đất, cho thuê đất |
|
|
|
|
|
| - |
| - Số hợp tác xã được hỗ trợ giao đất | HTX |
|
|
|
|
| - |
| Tổng diện tích đất được giao | m2 |
|
|
|
|
| - |
| - Số hợp tác xã được hỗ trợ cho thuê đất | HTX | 35,0 | 35,0 | 35,0 | 25,0 | 25,0 | 155,0 |
| Tổng diện tích đất được cho thuê | m2 | 7.700,0 | 7.700,0 | 7.700,0 | 5.500,0 | 5.500,0 | 34.100,0 |
* | Tổng hỗ trợ |
|
|
|
|
|
|
|
| - Số hợp tác xã được hỗ trợ | HTX | 18,0 | 27,0 | 28,0 | 34,0 | 38,0 | 145,0 |
| - Số người được tham gia bồi dưỡng | Người | 1.344,0 | 1.388,0 | 1.422,0 | 1.466,0 | 1.510,0 | 7.130,0 |
| - Tổng kinh phí hỗ trợ, trong đó: | Tr đồng | 6.820,2 | 7.456,4 | 6.402,6 | 6.884,8 | 8.087,0 | 35.651,0 |
| Ngân sách Trung ương | Tr đồng | 3.788,2 | 4.183,5 | 4.538,9 | 4.934,2 | 5.329,6 | 22.774,4 |
| Ngân sách địa phương | Tr đồng | 3.032,0 | 3.272,9 | 1.863,7 | 1.950,6 | 2.757,4 | 12.876,6 |
1 Số HTX được cấp GCN: 38 HTX, trong đó: huyện Chiêm Hóa 14 HTX, huyện Hàm Yên 03 HTX, huyện Yên Sơn 07 HTX, huyện Sơn Dương 10 HTX, thành phố Tuyên Quang 04 HTX.