Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND ngày 14/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ Về Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035
- Số hiệu văn bản: 06/2015/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
- Ngày ban hành: 14-12-2015
- Ngày có hiệu lực: 01-01-2016
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3251 ngày (8 năm 11 tháng 1 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2015/NQ-HĐND | Phú Thọ, ngày 14 tháng 12 năm 2015 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2016 - 2025, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2035
(Hợp phần 1: Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV).
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI MỘT
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Điện lực năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2004;
Căn cứ Nghị định 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;
Căn cứ Thông tư 43/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương về việc ban hành quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập và thẩm định quy hoạch phát triển điện lực;
Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số 4867/TTr-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành thông qua Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 với những nội dung chủ yếu sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2011-2015, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2020
Sau 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020, nhiều mục tiêu quy hoạch đề ra cơ bản hoàn thành; quy hoạch đã tính toán đầy đủ nhu cầu phát triển các phụ tải, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu điện phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng dân cư trong tỉnh. Việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống trạm, lưới điện được chú trọng và đảm bảo theo quy hoạch. Đã hình thành mạng lưới điện đồng bộ; chất lượng và khả năng đáp ứng điện được cải thiện, khối lượng lưới trung áp, hạ áp tăng; đã quan tâm huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các hạng mục và đạt kết quả khá; công tác quản lý điện có nhiều tiến bộ và theo hướng ưu tiên hoá. Bình quân điện thương phẩm toàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 tăng 8,2%/năm; đã nâng công suất trạm biến áp 220kV Việt Trì từ (2x125)MVA lên thành (2x250)MVA, xây dựng mới 03 trạm 110kV với tổng công suất đặt là 90MVA, nâng công suất 02 trạm 110kV với công suất tăng thêm là 65MVA; khối lượng lưới trung thế tăng thêm 485 km, dung lượng trạm 35/0,4kV; 35(22)/0,4kV tăng thêm 247.756kVA; khối lượng đầu tư các đường dây hạ áp tăng thêm 1.211km.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: Do hệ thống điện miền Bắc và lưới điện mua điện của Trung Quốc không được hòa đồng bộ với nhau, nên công tác quản lý vận hành lưới điện cao áp của tỉnh Phú Thọ khá phức tạp. Lưới điện tỉnh Phú Thọ phải được tách thành 02 phần riêng biệt, hai phần này không thể hỗ trợ cấp điện cho nhau; do nâng công suất trạm 220kV Việt Trì thay vì xây dựng mới trạm 220kV Phú Thọ, nên chưa góp phần giảm được tổn thất trên lưới điện cao áp của tỉnh và khiến cho một số tuyến đường dây 110kV vận hành đầy tải và quá tải; một số dự án nguồn, trạm triển khai chậm, như trạm 110kV Hợp Hải, Yến Mao dẫn đến các trạm 110kV đều đầy và quá tải, khả năng dự phòng kém, độ tin cậy của lưới 110kV thấp; Triển khai cải tạo, chuyển đổi lưới 6kV, 10kV thành lưới 22kV chậm; Số lượng dao cách ly để phân đoạn trên lưới còn hạn chế, có ít các máy cắt phân đoạn, máy cắt liên lạc giữa các đường dây nên khả năng hỗ trợ cung cấp điện chưa cao; công tác xã hội hóa về đầu tư và phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, đầu tư, phát triển điện lực của tỉnh chưa thực sự chặt chẽ.
II. NỘI DUNG CƠ BẢN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2016-2025, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2035.
1. Phạm vi quy hoạch
Bao gồm quy hoạch các nguồn trạm biến áp 220kV cấp điện cho tỉnh, quy hoạch lưới điện 110kV, các nguồn điện vừa và nhỏ, tổng khối lượng các đường dây trung áp, số lượng/tổng dung lượng (kVA) các trạm biến áp phân phối giai đoạn 2016-2025, riêng giai đoạn 2026-2035 chỉ tính toán và thiết kế sơ bộ.
2. Mục tiêu và yêu cầu
2.1. Mục tiêu: Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Phú Thọ đảm bảo sự phát triển cân đối, hài hòa, tính đồng bộ giữa phát triển nguồn và lưới điện nhằm cung cấp cho phụ tải với chất lượng tốt nhất, tin cậy, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, độ tin cậy, tính kinh tế trong công tác thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo vệ, bảo dưỡng hệ thống; phù hợp với hiện tại và định hướng phát triển lâu dài của tỉnh và phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống điện Việt Nam.
2.2. Yêu cầu: Kế thừa và phát triển những nghiên cứu trong Quy hoạch cũ đã đạt được; đánh giá tổng hợp tình hình cung cấp điện giai đoạn 2011-2015. Tính toán dự báo nhu cầu điện của tỉnh để quy hoạch phát triển nguồn và lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 với độ tin cậy cung cấp điện cao, giảm tổn thất điện năng, gắn kết lưới điện của tỉnh với các tỉnh lân cận, từng bước hiện đại hoá lưới điện.
3. Dự báo nhu cầu điện và phân vùng phụ tải
3.1. Dự báo nhu cầu điện đến năm 2035
- Đến năm 2020: Dự báo công suất cực đại Pmax = 606 MVA, điện năng thương phẩm 2.968 triệu kWh; điện năng bình quân đầu người là 2.000 kWh/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2016-2020 là 8,93%.
- Đến năm 2025: Dự báo công suất cực đại Pmax = 855 MVA, điện năng thương phẩm 4.573 triệu kWh; điện năng bình quân đầu người là 2.941 kWh/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2021-2025 là 9,03%.
- Đến năm 2030: Dự báo công suất cực đại Pmax = 1.213 MVA, điện năng thương phẩm 6.712 triệu kWh; điện năng bình quân đầu người là 4.258 kWh/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2026-2030 là 7,98%.
- Đến năm 2035: Dự báo công suất cực đại Pmax = 1.656 MVA, điện năng thương phẩm 9.761 triệu kWh; điện năng bình quân đầu người là 6.059 kWh/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2031-2035 là 7,78%.
3.2. Phân vùng phụ tải
- Vùng phụ tải I: Gồm phụ tải thành phố Việt Trì và các huyện: Phù Ninh, Lâm Thao.
- Vùng phụ tải II: Gồm phụ tải thị xã Phú Thọ và các huyện: Thanh Ba, Hạ Hoà, Đoan Hùng, Cẩm Khê.
- Vùng phụ tải III: Gồm phụ tải các huyện: Tam Nông, Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập.
4. Phát triển hệ thống điện
4.1. Phát triển nguồn điện
Xây dựng nhà máy thuỷ điện cột nước thấp tại huyện Đoan Hùng công suất 105 MW dự kiến phát điện giai đoạn 2021-2025.
4.2. Lưới điện 220kV
- Giai đoạn 2016-2020: Xây dựng mới trạm 220kV Phú Thọ, quy mô công suất 2x250MVA, trước mắt lắp 01 máy 250MVA; xây dựng mới 13 km đường dây 220kV; cải tạo nâng tiết diện dây dẫn 10km.
- Giai đoạn 2021-2025: Xây dựng mới trạm 220kV Phú Thọ 2, quy mô công suất 2x250MVA, trước mắt lắp 01 máy 250MVA; Lắp máy 02 trạm 220kV Phú Thọ, công suất 250MVA; xây dựng mới 0,5 km đường dây 220kV.
- Giai đoạn 2026-2035: Lắp máy 2 trạm 220kV Phú Thọ 2, công suất 250MVA; xây dựng mới trạm 220kV Phú Thọ 3, công suất 2x250MVA; xây dựng mới 13 km đường dây 220kV.
4.3. Lưới điện 110kV
- Giai đoạn 2016-2020:
+ Xây dựng mới 08 trạm biến áp tổng công suất 320MVA, gồm các trạm biến áp: Hợp Hải: 1x40MVA; Hạ Hoà: 1x40MVA; Cẩm Khê 2: 1x40MVA; Phú Hà (thị xã Phú Thọ): 1x40MVA; Tam Nông: 1x40MVA; Tân Sơn: 1x40MVA; Thanh Thuỷ: 1x40MVA; Thanh Sơn: 1x40MVA;
+ Xây dựng hoàn thiện trạm biến áp gồm: Ethanol: 1x25MVA; Việt Trì 2: 1x63MVA; Đoan Hùng: 1x40MVA
+ Nâng công suất: 06 trạm biến áp với tổng công suất tăng thêm 219MVA, gồm các trạm: Phù Ninh; Việt Trì; Bắc Việt Trì; Cẩm Khê; Ninh Dân và Đồng Xuân (huyện Thanh Ba).
+ Xây dựng mới 163,5km đường dây 110kV; cải tạo 129,7km đường dây 110kV.
- Giai đoạn 2021-2025:
+ Xây dựng mới 03 trạm biến áp tổng công suất 120MVA, gồm các trạm biến áp: Bạch Hạc (thành phố Việt Trì): 1x40MVA; Phù Ninh 2: 1x40MVA; Yên Lập: 1x40MVA.
+ Nâng công suất: 09 trạm biến áp với tổng công suất tăng thêm 316MVA, gồm các trạm: Bắc Việt Trì, Việt Trì 2, Đoan Hùng, Hạ Hoà, Cẩm Khê 2, Phú Hà (thị xã Phú Thọ), Trung Hà (huyện Tam Nông), Thanh Thuỷ, Phố Vàng (huyện Thanh Sơn).
+ Xây dựng mới 57 km đường dây 110kV; cải tạo 48 km đường dây 110kV.
- Giai đoạn 2026-2035:
+ Xây dựng mới 09 trạm biến áp tổng công suất 429MVA, gồm các trạm biến áp Việt Trì 3: 1x63MVA; Lâm Thao: 1x40MVA; Cẩm Khê 3: 1x40MVA; Đoan Hùng 2: 1x40MVA; Thanh Thuỷ 2: 1x40MVA; Tề Lễ (huyện Tam Nông): 1x40MVA; Việt Trì 4: 1x63MVA; Phù Ninh 3: 1x63MVA; Hạ Hoà 2: 1x40MVA.
+ Nâng công suất 18 trạm biến áp, tổng công suất tăng thêm là: 479MVA, gồm các trạm: Hợp Hải (huyện Lâm Thao), Phù Ninh 2, Cẩm Khê, Phú Thọ, Tam Nông, Tân Sơn, Việt Trì 3, Cẩm Khê 3, Đoan Hùng 2, Thanh Thủy 2, Tề Lễ (huyện Tam Nông), Phù Ninh, Bắc Việt Trì, Ninh Dân và Đồng Xuân (huyện Thanh Ba), Hạ Hòa 2, Thanh Sơn, Yên Lập.
+ Xây dựng 65 km đường dây 110kV.
4.4. Lưới điện trung áp
- Giai đoạn 2016-2020:
+ Xây dựng mới: 857 trạm biến áp, tổng công suất là: 285.010 KVA.
+ Cải tạo nâng công suất: 817 trạm biến áp, tổng công suất là: 220.890 KVA.
+ Xây dựng mới 491,77km; cải tạo 365,69km.
- Giai đoạn 2021-2025:
+ Xây dựng mới: 843 trạm biến áp, tổng công suất là: 346.050 KVA.
+ Cải tạo nâng công suất: 28 trạm biến áp, tổng công suất là: 12.800 KVA.
+ Xây dựng mới 456,35km.
5. Nhu cầu sử dụng đất
Nhu cầu quỹ đất dành xây dựng các công trình lưới điện tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 là 7.922.260m2; trong đó:
- Nhu cầu đất sử dụng ổn định lâu dài: 342.683m2
- Nhu cầu đất sử dụng có thời hạn: 7.579.577m2
6. Vốn đầu tư lưới điện
Đến năm 2025, tổng vốn đầu tư cần cho xây dựng mới và cải tạo lưới điện toàn tỉnh Phú Thọ: 5.792,3 tỷ đồng.
7. Cơ chế quản lý thực hiện quy hoạch
7.1. Tổ chức quản lý xây dựng
Do đặc thù của ngành điện nên công tác đền bù và giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, thường xuyên kéo dài và bị vướng mắc, đặc biệt là về thủ tục đền bù và đơn giá đền bù. Đơn giá đền bù do Bộ Xây dựng ban hành chưa phù hợp với đặc thù của các công trình điện, trong đó đối với công trình lưới điện, do phải đi qua nhiều khu vực khác nhau, việc đền bù, giải phóng mặt bằng không thể thực hiện xong trong cùng một lúc. Vị vậy vai trò quyết định đến tiến độ các công trình điện phụ thuộc vào sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và các cơ quan chức năng.
7.2. Quản lý nguồn vốn
- Với các dự án nguồn vốn ngành Điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia hoặc Tổng công ty điện lực Miền Bắc, Công ty Điện lực Phú Thọ làm chủ đầu tư.
- Với các dự án vốn của tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc huyện làm chủ đầu tư thông qua các Ban quản lý dự án.
- Với các dự án vốn khách hàng do khách hàng làm chủ đầu tư.
- Ngoài ra cần xem xét, tranh thủ các nguồn vốn ODA, vốn tài trợ của các Tổ chức Quốc tế để thực hiện các dự án cải tạo và phát triển lưới điện tại các huyện, thành phố.
- Các thủ tục xây dựng (cấp duyệt chủ chương đầu tư, thiết kế các công trình, đấu thầu thi công...) theo các quy định hiện hành.
7.3. Quản lý quy hoạch
- Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Quy hoạch phát triển các công trình điện trên địa bàn theo các quy định hiện hành.
- Về phía ngành điện: Định kỳ đầu năm có trách nhiệm thông báo kết quả thực hiện năm vừa qua và kế hoạch phát triển lưới điện trong năm mới với Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Sở Công Thương thường xuyên phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường,...) các ban, ngành, liên quan và các huyện, thành, thị để phối hợp, hỗ trợ việc triển khai thực hiện các công trình điện trên địa bàn các địa phương.
7.4. Cơ chế tài chính
- Tổng vốn đầu tư cho cải tạo và phát triển điện lực tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2025:
Theo tính toán tổng vốn đầu tư cho việc xây dựng và cải tạo lưới điện tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 là 5.792,3 tỷ đồng.
Trong đó:
+ Vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới truyền tải 220kV là 918 tỷ đồng.
+ Vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới phân phối cao áp 110kV là 2.938,6 tỷ đồng.
+ Vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới phân phối trung áp là 1.935,7 tỷ đồng.
- Cơ chế huy động và nguồn vốn đầu tư:
Căn cứ theo quy định của Luật Điện lực, để phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh Phú Thọ. Cơ chế huy động vốn đầu tư như sau:
+ Ngành điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia) và các thành phần kinh tế khác đầu tư phần nguồn, lưới điện từ 220kV trở lên;
+ Tổng công ty Điện lực miền Bắc đầu tư lưới điện 110kV.
+ Công ty Điện lực Phú Thọ đầu tư lưới điện trung áp.
+ Đối với khách hàng ngoài là khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị, khu chung cư, khu dân cư,... ngành điện sẽ đầu tư đến chân hàng rào công trình.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Uỷ ban nhân dân tỉnh hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt theo quy định; chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khoá XVII, kỳ họp thứ Mười một thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 15/2011/NQ-HĐND ngày 18 tháng 8 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020./.
| CHỦ TỊCH |