cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 162/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Quy định chính sách phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2016-2017

  • Số hiệu văn bản: 162/2015/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Ngày ban hành: 12-12-2015
  • Ngày có hiệu lực: 22-12-2015
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-02-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1164 ngày (3 năm 2 tháng 9 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 28-02-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 28-02-2019, Nghị quyết số 162/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Quy định chính sách phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2016-2017 bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 642/QĐ-UBND ngày 28/02/2019 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh kỳ 2014-2018”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 162/2015/NQ-HĐND

Hà Tĩnh, ngày 12 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2016 - 2017

HỘI ÐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Bộ Luật Lao động năm 2012;

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 149/2012/TTLT-BTC-BLĐTBH-BVHTTDL ngày 12 tháng 9 năm 2012 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Thông tư liên tịch 149/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 07 tháng 11 năm 2011 của Liên Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao;

Căn cứ Thông tư số 04/2012/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 3 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng trang thiết bị tập luyện, thi đấu của các đội tuyển thể thao Quốc gia và đội tuyển trẻ thể thao Quốc gia;

Sau khi xem xét Tờ trình số 673/TTr-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được tập trung tập luyện, tập huấn và thi đấu; báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành một số chính sách phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2016 - 2017, cụ thể như sau:

I. Phạm vi, đối tượng, nguyên tắc áp dụng

1. Phạm vi: Các chính sách quy định tại Nghị quyết này bao gồm việc mở rộng, thành lập môn thể thao mới và bổ sung vận động viên thể thao thành tích cao; chế độ tiền công; chế độ dinh dưỡng; chế độ khen thưởng và một số chế độ, chính sách quy định khác.

2. Đối tượng áp dụng: Vận động viên, huấn luyện viên, đội tuyển tỉnh ăn, ở tập trung tại Trung tâm Thể dục, thể thao tỉnh; vận động viên, huấn luyện viên, đội tuyển trẻ tỉnh, ngành tại các cơ quan, đơn vị và các cấp (nếu có đội tuyển tập trung); vận động viên, huấn luyện viên, đội tuyển năng khiếu các cấp và đội tuyển cấp huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (nếu có đội tuyển tập trung).

3. Nguyên tắc áp dụng: Chế độ dinh dưỡng, tiền công tại quy định này được tính theo ngày có mặt thực tế tập trung tập luyện, tập huấn và thi đấu theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

Các quy định khác về chế độ đối với vận động viên và huấn luyện viên thể thao không quy định tại Nghị quyết này thì được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 149/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 07 tháng 11 năm 2011 của liên bộ Tài chính, Văn hoá Thể thao và Du lịch; Thông tư liên tịch số 149/2012/TTLT/BTC-BLĐTBH-BVHTTDL ngày 12 tháng 9 năm 2012 của liên bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh xã hội, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch;

Các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương quản lý căn cứ tình hình thực tế, khả năng nguồn kinh phí để quyết định mức chi cụ thể đối với huấn luyện viên, vận động viên không thuộc đối tượng, phạm vi quy định tại khoản 3.1 Điều này cho phù hợp, nhưng không được vượt quá các mức chi được quy định tại Nghị quyết này.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 nhằm xây dựng và phát triển nền thể thao thành tích cao ổn định, vững chắc; xây dựng đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao. Phấn đấu đạt vị trí trong tốp từ 20 đến 25 tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VIII (năm 2018); đóng góp nhiều vận động viên cho các đội tuyển Quốc gia và đạt thành tích cao tại các giải thể thao khu vực Đông Nam Á, Châu Á và quốc tế.

Đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp kế cận; thống nhất quản lý phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp theo hướng tiên tiến, bền vững, phù hợp với đặc điểm thể chất và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao thành tích thi đấu thể thao, tăng cường hội nhập với nền thể thao trong nước và quốc tế, tiến tới thu hẹp khoảng cách trình độ đối với các đơn vị mạnh trong toàn quốc.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Giai đoạn 2016 – 2020

Tập trung đầu tư 07 môn thể thao trọng điểm: Karate, Điền kinh, Pencak silat, Wusuh, Đua thuyền, Bóng đá, Bóng chuyền và thành lập bộ môn mới Vovinam trở thành những môn thể thao có thế mạnh tham dự các giải quốc gia, quốc tế đạt thành tích cao;

Tham gia Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VIII (năm 2018), phấn đấu đạt 8 đến 12 huy chương vàng xếp vị trí 20 đến 25 so với các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc;

Hàng năm phấn đấu đạt từ 90 đến 110 huy chương các loại tại các giải thể thao quốc gia và quốc tế; có từ 15 đến 20 vận động viên tham gia thi đấu trong các đội tuyển quốc gia; có từ 40- 50 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia;

2.2. Giai đoạn sau năm 2020

Khẳng định vị trí của Đội tuyển bóng chuyền tỉnh Hà Tĩnh trong tốp dẫn đầu toàn quốc;

Phát triển và tập trung thêm từ 2 - 3 môn thể thao mới có thế mạnh tham dự các giải quốc gia, quốc tế đạt thành tích cao và tham gia Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX (năm 2023), phấn đấu xếp vị trí trong tổng 20 so với các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Mở rộng, thành lập bộ môn mới:

Năm 2016, thành lập bộ môn mới Vovinam. Những năm tiếp theo tùy tình hình thực tiễn sẽ xem xét thành lập thêm những môn thể thao có thế mạnh tham dự các giải quốc gia, quốc tế đạt thành tích cao

2. Phát triển vận động viên:

Năm 2016, tăng 6 vận động viên cho môn Karatedo; 6 vận động viên cho môn Điền kinh; 6 vận động viên cho môn Bóng chuyền và 14 vận động viên cho môn Vovinam;

Những năm tiếp theo tùy tình hình thực tiễn sẽ xem xét bổ sung thêm vận động viên cho những môn thể thao có thế mạnh tham dự các giải quốc gia, quốc tế đạt thành tích cao.

3. Đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang, thiết bị phục vụ luyện tập thi đấu:

Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện cơ sở vật chất hiện có. Hàng năm đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ nhu cầu tập luyện, nâng cao và chăm sóc sức khỏe cho vận động viên như: hệ thống giàn tập thể lực, hệ thống tạ, đệm, thảm, máy đo sức mạnh, sức bền, máy khám bệnh, thiết bị sơ cứu thương và các thiết bị phục vụ tập luyện các môn thể thao cụ thể như: rào nhảy, xốp, dây nhảy, ăngpơ, bóng, lưới, cầu, tạ tay...từ nguồn ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

IV. CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH CỤ THỂ

1. Chế độ tiền công:

1.1. Đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao là người có quốc tịch Việt Nam không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được cơ quan, tổ chức sử dụng vận động viên, huấn luyện viên trả tiền công theo ngày trong thời gian tập trung tập luyện, tập huấn và thi đấu theo mức quy định như sau:

a) Đối với huấn luyện viên:

- Huấn luyện viên đội tuyển tỉnh: 120.000 đồng/người/ngày.

- Huấn luyện viên đội tuyển trẻ tỉnh, ngành tại các cơ quan, đơn vị: 90.000 đồng/người/ngày.

- Huấn luyện viên đội tuyển năng khiếu các cấp và đội tuyển cấp huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh: 70.000 đồng/người/ngày.

b) Đối với vận động viên:

- Vận động viên đội tuyển tỉnh: 80.000 đồng/người/ngày.

- Vận động viên đội tuyển trẻ tỉnh, ngành tại các cơ quan, đơn vị: 40.000 đồng/người/ngày.

- Vận động viên đội tuyển năng khiếu các cấp và đội tuyển cấp huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh: 30.000 đồng/người/ngày.

c) Đối với vận động viên và huấn luyện viên môn bóng chuyền được thi đấu ở giải đội mạnh toàn quốc:

- Đối với vận động viên:

+ Mức cầu thủ đội hình chính: 400.000 đồng/người/ngày;

+ Mức cầu thủ đội hình dự bị: 300.000 đồng/người/ngày;

+ Mức cầu thủ đội tuyển trẻ, năng khiếu 2: 200.000 đồng/người/ngày;

- Đối với Huấn luyện viên:

+ Huấn luyện viên có nhiều kinh nghiệm đã từng dẫn dắt các đội tuyển bóng chuyền trong nước tham gia giải đội mạnh toàn quốc: 700.000 đồng/người/ngày;

+ Huấn luyện viên được chọn vào làm huấn luyện viên theo Quyết định của cấp có thẩm quyền: 500.000 đồng/người/ngày;

(Vận động viên và huấn luyện viên môn bóng chuyền được thi đấu nếu thi đấu ở các giải khác, mức chi áp dụng theo khoản a, b nêu trên).

1.2. Đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì:

a) Trong thời gian tập trung, tập huấn và thi đấu được hưởng nguyên lương tại cơ quan, tổ chức quản lý vận động viên, huấn luyện viên. Trường hợp mức tiền lương theo ngày (tiền lương tháng chia 22 ngày) thấp hơn mức tiền công quy định tại khoản 1.1 nêu trên thì được cơ quan, tổ chức sử dụng vận động viên, huấn luyện viên chi trả phần chênh lệch để đảm bảo bằng mức quy định.

b) Trường hợp vận động viên, huấn luyện viên thể thao có thời gian thực tế tập huấn và thi đấu cao hơn số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng (nhiều hơn 22 ngày/tháng) thì cơ quan, tổ chức sử dụng vận động viên, huấn luyện viên trả tiền công bằng mức quy định tại khoản 1.1 nêu trên cho số ngày cao hơn ngày làm việc tiêu chuẩn.

c) Khoản bù chênh lệch giữa tiền lương và tiền công trả cho số ngày làm việc cao hơn số ngày làm việc tiêu chuẩn quy định tại điểm a, b nêu trên không được dùng để tính đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

2. Chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao:

Mức chi chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao như sau:

2.1. Đối với vận động viên, huấn luyện viên các đội tuyển trong thời gian nghỉ không luyện tập (Chủ Nhật, lễ, tết), luyện tập hàng ngày và tập huấn chuẩn bị thi đấu được hưởng mức như sau:

- Đội tuyển tỉnh: 120.000đ/người/ngày.

- Đội tuyển trẻ tỉnh, ngành tại các cơ quan đơn vị: 100.000 đồng/người/ngày (nếu có đội tập trung).

- Đội tuyển năng khiếu các cấp và đội tuyển cấp huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh: 80.000 đồng/người/ngày(nếu có đội tập trung ).

2.2. Đối với vận động viên, huấn luyện viên trong thời gian thi đấu các giải:

- Vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển tỉnh: 200.000 đồng/người/ngày;

- Vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển trẻ, năng khiếu tỉnh, ngành, các cơ quan, đơn vị, huyện, thị xã, thành phố: 150.000 đồng/người/ngày;

2.3. Các đội thể thao khuyết tật khi được cấp có thẩm quyền triệu tập tập huấn và thi đấu được vận dụng mức quy định đối với đội tuyển tỉnh.

2.4. Đối với vận động viên đạt cấp kiện tướng và vận động viên đạt đẳng cấp I thuộc địa phương quản lý, ngoài được hưởng chế độ dinh dưỡng theo quy định tại điều 2.1 và 2.2 nêu trên còn được hưởng thêm chế độ dinh dưỡng bằng tiền trong thời gian tập trung, tập luyện và thời gian tập trung thi đấu, theo mức 15.000/đồng/người/ngày đối với vận động viên đạt cấp kiện tướng; 10.000 đồng/người/ngày đối với vận động viên đạt đẳng cấp I trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận.

3. Chế độ khen thưởng:

Mức thưởng bằng tiền đối với các vận động viên, huấn luyện viên lập thành tích tại các cuộc thi đấu thể dục thể thao (tính theo mức lương cơ sở chung)

3.1. Vận động viên đạt giải tại các giải Vô địch thế giới và Đại hội Olympic:

- Huy chương Vàng: 20 lần;

- Huy chương Bạc: 15 lần;

- Huy chương Đồng: 10 lần;

3.2. Vận động viên đạt giải Vô địch Châu Á (Đại hội Thể thao Châu Á - ASIAD, Đại hội thể thao trong nhà Châu Á - INDOOR GAMES):

- Huy chương Vàng: 15 lần;

- Huy chương Bạc: 10 lần;

- Huy chương Đồng: 7 lần;

3.3. Vận động viên đạt giải tại giải Vô địch Đông Nam Á, Đại hội thể thao Đông Nam Á:

- Huy chương Vàng: 12 lần;

- Huy chương Bạc: 8 lần;

- Huy chương Đồng: 5 lần.

3.4. Vận động viên đạt giải tại các cuộc thi đấu Vô địch quốc gia và Đại hội thể dục, thể thao toàn quốc mức thưởng như sau:

- Huy chương Vàng: 7 lần;

- Huy chương Bạc: 5 lần;

- Huy chương Đồng: 3 lần.

3.5. Vận động viên đạt giải tại các giải vô địch trẻ cấp quốc gia, Cúp quốc gia và khu vực quốc gia được thưởng như sau: Vận động viên đạt giải tại các giải vô địch trẻ cấp quốc gia (không phân biệt lứa tuổi) và Cúp quốc gia được thưởng như sau:

- Huy chương Vàng: 3 lần;

- Huy chương Bạc: 2 lần;

- Huy chương Đồng: 1 lần.

3.6. Đối với môn thể thao tập thể:

Mức thưởng chung bằng số lượng người tham gia môn thể thao tập thể nhân với mức thưởng tương ứng (môn Bóng chuyền có quy định riêng).

3.7. Vận động viên phá kỷ lục:

Ngoài chế độ được hưởng theo mức tương ứng quy định trên, vận động viên phá kỷ lục được thưởng thêm như sau:

- Phá kỷ lục Thế giới: 20 lần;

- Phá kỷ lục Châu Á: 15 lần;

- Phá kỷ lục Đông Nam Á: 10 lần;

- Phá kỷ lục quốc gia 6 lần, phá kỷ lục tại các giải thi đấu Vô địch trẻ quốc gia 3 lần.

3.8. Mức thưởng đối với huấn luyện viên:

a) Đối với thi đấu cá nhân: Những huấn luyện viên trực tiếp huấn luyện, đào tạo vận động viên lập thành tích trong các cuộc thi đấu thì mức thưởng được tính bằng mức thưởng vận động viên đó.

Trường hợp một huấn luyện viên có hai vận động viên trở lên đạt thành tích trong cùng một giải thi đấu thì mức thưởng áp dụng cho huy chương thứ 2 là 50% mức thưởng tương ứng cho vận động viên, từ huy chương thứ 3 trở lên là 30% mức thưởng tương ứng cho vận động viên.

b) Đối với thi đấu tập thể: Những huấn luyện viên trực tiếp đào tạo đội tuyển thi đấu lập thành tích thì được thưởng mức thưởng chung bằng số lượng huấn luyện viên theo quy định nhân với mức thưởng tương ứng với vận động viên đạt giải.

3.9. Huấn luyện viên, vận động viên lập thành tích tại các giải thể thao giành cho người khuyết tật Đông Nam Á, Châu Á, Thế giới và các giải thuộc hệ thống thi đấu thể thao quần chúng cấp quốc gia cùng được hưởng bằng các mức quy định tại Điểm 3.1 đến 3.8, Khoản 3, Mục IV.

3.10. Quy định về mức thưởng riêng đối với môn Bóng chuyền (cho toàn đội) như sau:

a) Giải Vô địch quốc gia:

- Huy chương Vàng: 200 lần;

- Huy chương Bạc: 150 lần;

- Huy chương Đồng: 100 lần.

b) Giải cúp quốc gia:

- Huy chương Vàng: 150 lần;

- Huy chương Bạc: 100 lần;

- Huy chương Đồng: 70 lần.

c) Giải Đại hội thể dục thể thao toàn quốc và giải trẻ các lứa tuổi trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng chuyền:

- Huy chương Vàng: 100 lần;

- Huy chương Bạc: 70 lần;

- Huy chương Đồng: 50 lần.

Vận động viên, huấn luyện được hưởng chế độ khen thưởng tại Khoản 3 nêu trên thì không được hưởng chế độ khen thưởng quy định tại Điều 5, Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND ngày 25 tháng 3 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Riêng mức thưởng đối với Ban Giám đốc Trung tâm Thể dục - thể thao, vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích đặc biệt xuất sắc căn cứ tình hình thực tế, hàng năm Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định hình thức khen thưởng và mức thưởng cụ thể.

4. Các chế độ chính sách khác:

Các Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp một lần, bồi thường tai nạn đối với các vận động viên, huấn luyện viên trong thời gian tập trung tập luyện, tập huấn và thi đấu được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 149/2012/TTLT/BTC-BLĐTBH-BVHTTDL ngày 12 tháng 9 năm 2012 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch và các văn bản khác có liên quan.

5. Nguồn kinh phí thực hiện:

Nguồn kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách quy định tại Nghị quyết này được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh trong dự toán ngân sách sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch hàng năm của các cấp, các ngành, các đơn vị và các nguồn xã hội hóa, huy động hợp pháp khác.

Ðiều 2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 36/2012/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI về việc quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao.

Ðiều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI, Kỳ họp thứ 15 thông qua./. 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ, Website Chính phủ;

- Kiểm toán nhà nước khu vực II;
- Bộ Tư lệnh Quân khu IV;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh uỷ;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trung tâm T.Tin VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Trung tâm Công báo - tin học VP UBND tỉnh;
- Trang thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu
: VT.

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Nữ Y