Nghị quyết số 29/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông Quy định cơ cấu nguồn vốn thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 29/2015/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Nông
- Ngày ban hành: 10-12-2015
- Ngày có hiệu lực: 20-12-2015
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 18-01-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1125 ngày (3 năm 1 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 18-01-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2015/NQ-HĐND | Đăk Nông, ngày 10 tháng 12 năm 2015 |
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH CƠ CẤU NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG VÀ GIAO THÔNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
KHÓA II, KỲ HỌP THỨ 12
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 10 năm 2013;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Thông tư số 156/2009/TT-BTC ngày 03 tháng 8 năm 2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế vay vốn tín dụng đầu tư các dự án giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn;
Xét Tờ trình số 5567/TTr-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2015 của UBND tỉnh, về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định cơ cấu nguồn vốn thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra số 62/BC-HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2015 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định cơ cấu nguồn vốn thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
(có quy định kèm theo)
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch phân bổ vốn Chương trình với các nội dung: Tổng mức vốn vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn, mức phân bổ vốn cho các huyện, thị xã.
Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh việc điều chuyển vốn cho các địa phương thực hiện tốt Chương trình, huy động được nhân dân đóng góp; báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
2. Giao UBND tỉnh quy định, hướng dẫn thủ tục đầu tư, cấp phát, quyết toán vốn theo hình thức nhân dân tự làm.
3. Giao Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày được HĐND tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông khóa II, kỳ họp thứ 12 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
QUY ĐỊNH
CƠ CẤU NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG VÀ GIAO THÔNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 29/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông)
1. Những quy định chung
a) Phạm vi áp dụng: Các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn.
b) Phân loại xã, thôn, bon, buôn, bản: Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi và Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi.
c) Kiên cố hóa kênh mương là việc gia cố bằng các vật liệu như đá xây, gạch xây, bê tông, bê tông cốt thép, composite các hợp phần (mái kênh, lòng kênh, bờ kênh, cống đầu kênh,...) nhằm đảm bảo để lấy nước, chuyển nước, tiêu nước cho các cấp kênh đủ lưu lượng nước theo thiết kế. Việc kiên cố hóa kênh mương được áp dụng cho hệ thống kênh tiêu, kênh tưới tiêu kết hợp.
d) Đường giao thông nông thôn (GTNT) là các tuyến nối tiếp từ hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ đến tận các làng mạc, thôn xóm, ruộng đồng, trang trại, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi,... phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương; đường GTNT bao gồm: Đường trục xã, đường liên xã, đường trục thôn; đường trong ngõ xóm và các điểm dân cư tương đương; đường trục chính nội đồng.
đ) Quy định về nguồn vốn thực hiện:
- Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn (sau đây gọi tắt là Chương trình).
- Nguồn vốn huy động: Bằng ngày công lao động, bằng tiền, tài sản khác của nhân dân và nguồn vốn huy động hợp pháp khác (không kể nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước). Việc huy động đóng góp tự nguyện đảm bảo theo quy định tại Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân.
2. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư
a) Kiên cố hóa kênh mương:
- Khu vực đặc biệt khó khăn: Ngân sách nhà nước đầu tư 65% giá trị xây lắp; còn lại là nguồn vốn huy động.
- Các khu vực còn lại ngân sách nhà nước đầu tư 50% giá trị xây lắp; còn lại là nguồn vốn huy động.
b) Đường giao thông nông thôn: Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa theo định mức trên 1km đường bê tông xi măng (được quy định bằng tiền) của từng khu vực như sau:
- Khu vực đặc biệt khó khăn: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 138 tấn xi măng; 425 m3 đá 1x2; 219 m3 cát xây; còn lại là nguồn vốn huy động.
- Khu vực khó khăn:
+ Đối với các thôn, bon, buôn, bản thuộc xã: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 138 tấn xi măng; 212m3 đá 1x2; 219m3 cát xây; còn lại là nguồn vốn huy động.
+ Đối với tổ dân phố thuộc phường và thị trấn: Ngân sách nhà nước hỗ trợ: 138 tấn xi măng; 106m3 đá 1x2; 109m3 cát xây; còn lại là nguồn vốn huy động.
* Riêng đối với bon, buôn, bản có từ 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số trở lên, chưa đạt từ 1-2 km đường nhựa hoặc bê tông xi măng thì vốn Chương trình hỗ trợ: 138 tấn xi măng; 425m3 đá 1x2; 438m3 cát xây; 4,5 ca máy đầm bàn bê tông; 4,6 ca máy trộn bê tông (dung tích 250 lít); còn lại các chi phí khác như: Thiết kế, giám sát, đền bù giải phóng mặt bằng, nhân công,... thì huy động nguồn lực của nhân dân trong vùng tự tổ chức thực hiện với sự hỗ trợ của cán bộ cấp xã, các tổ chức đoàn thể tại địa phương.
Định mức trên của Chương trình được hỗ trợ tối đa cho 1km đường bê tông xi măng mác 200, chiều rộng 3m, chiều dày 16cm. Trường hợp điều kiện địa hình khó khăn, trong bước đầu phân kỳ đầu tư xây dựng có thể giảm chiều rộng mặt đường (nhưng tối thiểu là 2,0m) hoặc do các yếu tố về kỹ thuật khác (mở rộng đường cong,...) thì định mức hỗ trợ vật liệu của Chương trình được xác định bằng mức hỗ trợ bình quân cho 1m2 nhân với diện tích thực tế./.