Nghị quyết số 05/2015/NQ-HĐND ngày 10/07/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Quy định mức hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định
- Số hiệu văn bản: 05/2015/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Định
- Ngày ban hành: 10-07-2015
- Ngày có hiệu lực: 20-07-2015
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-08-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1473 ngày (4 năm 0 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-08-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2015/NQ-HĐND | Bình Định, ngày 10 tháng 7 năm 2015 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC, LIÊN KẾT SẢN XUẤT GẮN VỚI TIÊU THỤ NÔNG SẢN, XÂY DỰNG CÁNH ĐỒNG LỚN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 11
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 62/2013/TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;
Sau khi xem xét Tờ trình số 75/TTr-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy định mức hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định; Báo cáo thẩm tra số 13/BCTT-KT&NS ngày 03 tháng 7 năm 2015 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Quy định mức hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định (Có Quy định cụ thể kèm theo).
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Điều 4. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XI, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2015; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2015./.
| CHỦ TỊCH |
QUY ĐỊNH
VỀ MỨC HỖ TRỢ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC, LIÊN KẾT SẢN XUẤT GẮN VỚI TIÊU THỤ NÔNG SẢN, XÂY DỰNG CÁNH ĐỒNG LỚN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Kèm theo Nghị quyết số 05/2015/NQ-HĐND ngày 10 /7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ 11)
Điều 1. Hỗ trợ đối với doanh nghiệp
1. Hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trong dự án cánh đồng lớn:
Giao Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ trong từng trường hợp cụ thể.
2. Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp để tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng:
Khi doanh nghiệp tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng thì được hỗ trợ 50% chi phí thực tế nhưng không quá 50% mức chi đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật dưới đây:
- Hỗ trợ chi phí văn phòng phẩm, in ấn tài liệu, giáo trình trực tiếp phục vụ lớp học: Tối đa không quá 30.000 đồng/người.
- Chi nước uống cho học viên: Tối đa không quá 10.000 đồng/01 người/ngày.
- Thuê hội trường: tối đa không quá 1.000.000 đồng/ngày/lớp.
- Thuê trang thiết bị phục vụ lớp học (nếu có): tối đa không quá 1.000.000 đồng/ngày/lớp.
- Mua vật tư thực hành (nếu có): tối đa không quá 1.000.000 đồng/khóa học/lớp.
- Bồi dưỡng cho giảng viên, hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ thuật: 300.000 đồng/buổi.
- Hỗ trợ tiền ăn cho giảng viên, hướng dẫn viên: 100.000 đồng/người/ngày.
- Hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ cho giảng viên, hướng dẫn viên và học viên theo hóa đơn hợp pháp nhưng không vượt quá mức hỗ trợ sau: Đối với tập huấn tổ chức tại thành phố Quy Nhơn 150.000 đồng/ngày/người; đối với tập huấn tổ chức tại cấp huyện 100.000 đồng/ngày/người.
- Hỗ trợ tiền ăn cho học viên: 70.000 đồng/ngày thực học/người đối với các lớp tập huấn, đào tạo tổ chức tại thành phố Quy Nhơn; 50.000 đồng/ngày thực học/người đối với các lớp tập huấn, đào tạo tổ chức tại cấp huyện; 25.000 đồng/ngày thực học/người đối với các lớp tập huấn, đào tạo tổ chức tại cấp xã.
- Hỗ trợ tiền tàu xe đi lại đối với người học xa nơi cư trú từ 15 km trở lên: Mức hỗ trợ trợ theo giá vé giao thông công cộng nhưng mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học; đối với những nơi không có phương tiện giao thông công cộng thì hỗ trợ theo mức khoán nhưng tối đa không quá 150.000 đồng/người/khóa học.
- Chi khai giảng, bế giảng, in chứng nhận, tiền thuốc y tế cho lớp học, khen thưởng tối đa không quá 3.000.000 đồng/khóa học/lớp.
Điều 2. Hỗ trợ đối với tổ chức đại diện của nông dân (Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã)
1. Hỗ trợ chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên:
- Năm thứ nhất hỗ trợ 600.000 đồng/ha/vụ.
- Năm thứ hai hỗ trợ 400.000 đồng/ha/vụ.
Tổ chức đại diện của nông dân được hỗ trợ kinh phí mỗi năm 02 vụ (Đông Xuân và Hè Thu), tổng cộng hỗ trợ 04 vụ/02 năm.
2. Hỗ trợ 50% chi phí tập huấn một lần cho cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất:
- Cơ quan chủ trì tổ chức tập huấn: Sở Nông nghiệp và PTNT.
- Căn cứ chế độ hội nghị tập huấn hiện hành và căn cứ nhu cầu đào tạo của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Kế hoạch tập huấn và xây dựng mức chi phí tập huấn/học viên trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở hỗ trợ chi phí tập huấn (bao gồm chi phí về ăn, ở, mua tài liệu và học phí).
- Mỗi cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chỉ được hỗ trợ 01 lần tập huấn. Trong đó: ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí tập huấn/học viên theo Kế hoạch tập huấn được UBND tỉnh phê duyệt, phần 50% chi phí tập huấn/học viên còn lại (kể cả tiền tàu xe đi, về) do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đài thọ cho cán bộ của mình được cử đi dự tập huấn.
3. Hỗ trợ kinh phí tổ chức tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng; bao gồm chi phí về tài liệu, ăn, ở, đi lại, thuê hội trường, thù lao giảng viên, tham quan:
- Đối với hỗ trợ kinh phí tổ chức tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân: Mức hỗ trợ là 100% chi phí thực tế tổ chức tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật nhưng không vượt quá mức chi đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật tại Điểm b, Điều 1 Quy định này.
- Đối với chi phí tổ chức tham quan: Tùy theo yêu cầu của khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật có tổ chức tham quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức đại diện của nông dân được chi trả tiền thuê xe và các chi phí liên hệ để tổ chức tham quan cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng.
Điều 3. Hỗ trợ với nông dân
1. Hỗ trợ một lần chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để gieo trồng vụ đầu tiên trong dự án cánh đồng lớn:
- Định mức các loại giống cây trồng được hỗ trợ: Giống lúa thuần 120 kg/ha; giống lúa lai 45 kg/ha; giống ngô 20 kg/ha; giống lạc 200 kg/ha; định mức hỗ trợ các loại giống khác: giao Sở Nông nghiệp và PTNT thôn trình UBND tỉnh xem xét, quyết định cụ thể theo từng thời điểm.
- Đơn giá hỗ trợ các loại giống cây trồng được tính theo giá ghi trên hóa đơn mua giống cùng thời điểm; trường hợp các doanh nghiệp cung ứng không đủ số lượng, chủng loại giống cây trồng, nông dân phải mua từ các hộ nông dân được phép sản xuất giống cây trồng chất lượng cao (không có hóa đơn) thì căn cứ đơn giá giống cây trồng cùng loại ghi trên hóa đơn cung ứng của các doanh nghiệp khác cùng thời điểm hoặc theo thông báo giá của Trung tâm Giống cây trồng Bình Định để xác định đơn giá hỗ trợ.
- Mức hỗ trợ: Tùy thuộc vào dự án đã đăng ký tham gia, người nông dân được hỗ trợ một lần bằng 30% chi phí mua giống cây có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để gieo trồng vụ đầu tiên trong dự án cánh đồng lớn. Trường hợp sau khi tính tổng mức kinh phí hỗ trợ 30% chi phí mua giống có số lẻ dưới 1.000 đồng thì được tính tròn số là 1.000 đồng.
2. Hỗ trợ kinh phí lưu kho tại doanh nghiệp:
Nông dân được hỗ trợ 100% kinh phí lưu kho tại doanh nghiệp trong trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản, thời hạn hỗ trợ tối đa là 03 tháng.
Điều 4. Nguồn kinh phí hỗ trợ
1. Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho ngân sách tỉnh Bình Định thông qua các chương trình, dự án trực tiếp và lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan.
2. Ngân sách tỉnh.
3. Các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 5. Khi chế độ đào tạo, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật được các Bộ, ngành của Trung ương quy định mức chi cao hơn mức chi tại Khoản 2, Điều 1 Quy định này; chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% so với năm 2015 (theo chỉ số giá tiêu dùng do Cục Thống kê Bình Định công bố) làm ảnh hưởng đến mức hỗ trợ chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật được quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định này: Giao UBND tỉnh quyết định điều chỉnh mức chi cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế.