Nghị quyết số 137/2014/NQ-HĐND ngày 13/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Về rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- Số hiệu văn bản: 137/2014/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
- Ngày ban hành: 13-12-2014
- Ngày có hiệu lực: 23-12-2014
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-01-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2228 ngày (6 năm 1 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 28-01-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 137/2014/NQ-HĐND | Đắk Lắk, ngày 13 tháng 12 năm 2014 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐẮK LẮK ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP; Thông tư số 05/2013/TT-BKH ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 04/2008/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 87/2009/QĐ-TTg ngày 17/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020; Quyết định 936/QĐ-TTg ngày 18/07/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng Tây Nguyên đến năm 2020; Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 18/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) phát triển Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020;
Xét Tờ trình số 139/TTr-UBND ngày 22/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết về rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 97/BC-HĐND ngày 05/12/2014 của Ban Kinh tế Ngân sách và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Nghị quyết về rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:
I. Quan điểm phát triển
1. Phát huy hiệu quả nội lực, thu hút các nguồn ngoại lực, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển dịch các ngành kinh tế, vùng lãnh thổ theo hướng khai thác có chiều sâu các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh đi đôi với nâng dần chất lượng các mặt xã hội.
2. Phát triển kinh tế Đắk Lắk theo hướng liên kết mở, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, trên cơ sở liên kết phát huy hiệu quả tổng hợp vùng Tây Nguyên, khẳng định vị thế của tỉnh đối với vùng Tây Nguyên, vùng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và cả nước.
3. Phát triển theo hướng tập trung ưu tiên các ngành có lợi thế, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo chiều sâu vào các khâu, các lĩnh vực, các vùng có thể tạo hiệu quả và sức lan tỏa, phù hợp với nguồn lực từ ngân sách nhà nước nhằm huy động, thu hút các nguồn lực khác tham gia đầu tư phát triển gắn với ban hành đồng bộ các chính sách khuyến khích. Trong đó tập trung ưu tiên đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhân lực.
4. Phát triển theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế đi đôi với nâng dần chất lượng các mặt xã hội, đảm bảo môi trường sinh thái. Chú trọng hỗ trợ phát triển sinh kế và hạ tầng xã hội cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, giảm nghèo bền vững nhằm thu hẹp khoảng cách thụ hưởng đời sống văn hóa, xã hội giữa các khu vực trong tỉnh. Gắn mục tiêu kinh tế với các mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai.
5. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
II. Mục tiêu phát triển
1. Mục tiêu tổng quát
Phấn đấu đưa tỉnh Đắk Lắk xứng đáng với vị thế trung tâm Vùng Tây Nguyên; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Đổi mới và phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, y tế, văn hóa, thể thao. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển với đảm bảo vững chắc an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng GDP (giá so sánh 2010) bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 là 8 - 8,5%/năm; trong đó, Nông, lâm, thủy sản tăng 4 - 4,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 10 - 11%; dịch vụ tăng 12 - 13%. Giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 9 - 10%/năm; trong đó, Nông, lâm, thủy sản tăng 4,5 - 5%; công nghiệp - xây dựng tăng 14 - 15%; dịch vụ tăng 11 - 12%. Giai đoạn 2021 - 2030: 10 - 11%/năm, trong đó, Nông, lâm, thủy sản tăng 4 - 4,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 17 - 18%; dịch vụ tăng 9 - 10%;
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2015 tỷ trọng các khu vực: nông lâm thủy sản chiếm 46,3%, công nghiệp - xây dựng chiếm 16%, dịch vụ chiếm 37,7%; đến năm 2020 tương ứng là: 38,8% - 18,5% - 42,7%. Giai đoạn sau năm 2020, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng Công nghiệp, xây dựng - Dịch vụ - Nông lâm thủy sản, tương ứng với tỷ trọng giữa các ngành vào năm 2030: 38,1% - 37,9% - 24%.
- GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 35 triệu đồng (giá hiện hành), năm 2020 đạt 74-76 triệu đồng, năm 2030 đạt 266-270 triệu đồng;
- Năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu là 750 triệu USD, năm 2020 là 1.500 triệu USD và năm 2030 là 3.500 triệu USD;
- Huy động GDP vào ngân sách giai đoạn 2011-2015 khoảng 6-7%, giai đoạn 2016-2020 khoảng 7-8% và giai đoạn 2021-2030 khoảng 7-8%.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 chiếm khoảng 26-27% GDP, giai đoạn 2016-2020 khoảng 29-30% GDP và giai đoạn 2021-2030 khoảng 30-31%
b) Về xã hội
- Tốc độ tăng dân số trung bình quân thời kỳ 2011-2015 khoảng 1,2%/năm, khoảng 1,1%/năm thời kỳ 2016-2020 và khoảng 1,0% thời kỳ 2021-2030. Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh bình quân 0,15 - 0,2‰/năm giai đoạn 2011-2020 và sau năm 2020 ổn định 0,15‰
- Phấn đấu đến năm 2015 đưa tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 30%, đến năm 2020 đạt khoảng 35%, đến năm 2030 đạt 46,5%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 50%, trong đó đào tạo nghề đạt 40%; đến năm 2020 đạt 60% trở lên, trong đó đào tạo nghề đạt trên 45%; đến năm 2030 đạt 70% trở lên, trong đó đào tạo nghề đạt 60%.
- Chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động còn khoảng 65% vào năm 2015 và khoảng 55% vào năm 2020, 38% năm 2030.
- Phấn đấu mỗi năm giải quyết việc làm cho 26 - 27 ngàn lao động trong giai đoạn 2011-2015 (trong đó việc làm tăng thêm: 14-15 ngàn lao động), 27-28 ngàn lao động giai đoạn 2016-2020 (trong đó việc làm tăng thêm: 15-16 ngàn lao động). Duy trì, ổn định tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ổn định ở mức 2,7-3% vào năm 2015, 2,5-2,7% giai đoạn 2016-2020, 2,2-2,5% giai đoạn 2021-2030 và giảm tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở khu vực nông thôn xuống còn 5%.
- Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng dần mức sống của các hộ đã thoát nghèo, chống tái nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% năm 2015, từ năm 2020 còn dưới 5%.
- Tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 70% vào năm 2015, 80% vào năm 2020 và 100% vào năm 2030. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 31% năm 2015, 51% vào năm 2020 và 85% vào năm 2030.
- Đến năm 2015 có 60,5% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, 85% vào năm 2020 và trên 95% vào năm 2030. Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân vào năm 2015 đạt 6,6; 2020 đạt 8-9 và 9,5-10 vào năm 2030.
- Giảm tỉ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi thể nhẹ cân xuống dưới 23% năm 2015; dưới 20% vào năm 2020 và dưới 15% vào năm 2030.
- Phấn đấu đến năm 2015 có 30%, năm 2020 có 40-45% dân số thường xuyên luyện tập thể dục thể thao và đạt trên 60% vào năm 2030.
c) Về bảo vệ môi trường
- Đưa tỷ lệ che phủ (bao gồm cả diện tích cây cao su) năm 2015 đạt 39,3%, đến năm 2020 đạt 40,4% và duy trì đến năm 2030 khoảng 44%; tăng diện tích cây xanh ở thành phố và các đô thị khác của tỉnh.
- Đến năm 2015: 100% khu công nghiệp, 40% cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, các cơ sở sản xuất có hệ thống thoát nước mưa, nước thải và công nghệ tiên tiến xử lý nước thải cục bộ đạt tiêu chuẩn môi trường; thu gom, xử lý từ 75 đến 80% lượng rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp, 90% chất thải rắn y tế nguy hại. Đến năm 2020, tỷ lệ tương ứng là: 100%; 80-85% và 100%. Đến năm 2030, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý rác thải, chất thải (gồm cả chất thải rắn, nước thải và không khí).
- Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2015 đạt khoảng 85%, năm 2020 đạt 95%, đến năm 2030 đạt trên 98%. Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch năm 2015 đạt 72%, năm 2020 đạt 90%, đến năm 2030 đạt khoảng 95%.
- Bảo tồn, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Tăng cường năng lực quản lý và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.
d) Về an ninh, quốc phòng
Xây dựng nền quốc phòng vững mạnh. Bảo đảm ổn định vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh, được tăng cường, chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh, thích ứng với bối cảnh hội nhập sâu vào khu vực và quốc tế.
III. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực
1. Phát triển ngành nông, lâm, thủy sản
2. Phát triển ngành công nghiệp
3. Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch
4. Phát triển Giáo dục - Đào tạo
5. Phát triển Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân
6. Phát triển Văn hóa, thể dục thể thao
7. Lĩnh vực lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội
8. Phát triển kết cấu hạ tầng, bao gồm: Mạng lưới giao thông; Bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; Cấp điện; Hệ thống thủy lợi, cấp nước sinh hoạt... (nội dung cụ thể tại Đề án)
IV. Tổ chức không gian kinh tế - xã hội
1. Phương hướng tổ chức lãnh thổ theo đô thị, nông thôn
- Phương hướng phát triển đô thị: Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho TP Buôn Ma Thuột đáp ứng vai trò vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, Vùng Tam giác phát triển. Nâng cấp đô thị loại III đối với thị xã Buôn Hồ đảm bảo vai trò hạt nhân của trung tâm công nghiệp phía Bắc của tỉnh.
- Phương hướng tổ chức không gian khu vực nông thôn: Xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.
2. Phương hướng tổ chức không gian theo các tiểu vùng
- Tiểu vùng trung tâm: Trung tâm là thành phố Buôn Ma Thuột. Ưu tiên tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.
- Tiểu vùng phía Bắc: Trung tâm là Thị xã Buôn Hồ. Khai thác lợi thế về sản xuất lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi gắn với phát triển công nghiệp chế biến.
- Tiểu vùng Đông Nam: Trung tâm là huyện Ea Kar. Tập trung vào phát triển công nghiệp chế biến nông sản, khai thác và chế biến lâm sản, sản xuất cây hàng năm và chăn nuôi đại gia súc và du lịch.
3. Phương hướng tổ chức không gian theo các hành lang
- Hành lang phát triển theo hướng Bắc - Nam (QL 14, QL 27);
- Hành lang theo hướng Đông - Tây (QL29, QL 26);
- Hành lang khu vực biên giới (QL 14C);
(nội dung cụ thể tại Đề án)
V. Các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch
Để thực hiện quy hoạch đạt kết quả cần thực hiện 6 nhóm giải pháp sau: (1) Huy động vốn đầu tư và nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; (2) Phát triển nguồn nhân lực; (3) Khoa học công nghệ; (4) Tăng cường phát triển kinh tế đối ngoại, chủ động liên kết, hợp tác phát triển với các vùng, các địa phương; (5) Xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư; (6) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
VI. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư (có phụ biểu kèm theo)
Điều 2. Giao cho UBND tỉnh chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương có liên quan hoàn chỉnh nội dung, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch khi được Thủ tướng phê duyệt.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa VIII Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 13 tháng 12 năm 2014./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
PHỤ BIỂU
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ CỦA TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 137/2014/NQ-HĐND ngày 13/12/2014 của HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa VIII)
A. CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN
1. Các chương trình, dự án phát triển công nghiệp;
2. Các chương trình, dự án phát triển thương mại, du lịch;
3. Các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp;
4. Các chương trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng;
5. Các chương trình, dự án phát triển hệ thống thủy lợi;
6. Các chương trình, dự án phát triển các lĩnh vực xã hội;
7. Các chương trình, dự án kiên cố hóa kênh mương.
B. CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRỌNG ĐIỂM
1. Nâng cấp Quốc lộ 26;
2. Nâng cấp Quốc lộ 27;
3. Quốc lộ 29 (Đắk Lắk - Phú Yên);
4. Đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa;
5. Tuyến đường sắt dọc QL14 nối Đà Nẵng - Kon Tum - Đắk Lắk - Bình Phước;
6. Nâng cấp cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế;
7. Đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột;
8. Đường Đông Tây, thành phố Buôn Ma Thuột
9. Dự án phát triển các thành phố loại 2 - Tiểu dự án Buôn Ma Thuột;
10. Các tỉnh lộ: 1, 7, 8, 9, 12, 13B, 17B, 18;
11. Thủy lợi Krông Pách thượng và hệ thống kênh mương;
12. Thủy lợi Krông Búk hạ và hệ thống kênh mương;
13. Thủy lợi Ea Súp thượng (hệ thống kênh mương);
14. Hồ thủy lợi Ea H’leo;
15. Hệ thống kênh mương Ya Mơ;
16. Hồ chứa nước Ea Tam;
17. Cấp nước sinh hoạt: Thị trấn Ea Kar, Thị trấn Phước An, Thị trấn Buôn Trấp và các trung tâm thị trấn huyện.
18. Trường Đại học Y khoa Tây Nguyên;
19. Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật;
20. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia, phân viện Tây Nguyên;
21. Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên;
22. Mở rộng Viện Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên;
23. Khu Liên hợp thể dục thể thao Vùng Tây Nguyên;
24. Phân viện Hàn lâm - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam;
25. Trung tâm Khoa học ứng dụng, chi nhánh Buôn Ma Thuột - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;
26. Trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm vùng Tây Nguyên;
27. Bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng;
28. Bệnh viện Sản - Nhi;
29. Bệnh viện Ung bướu;
30. Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Búk;
31. Bệnh viện chấn thương chỉnh hình.
32. Trường Cao Đẳng Y tế.
33. Cơ sở Bảo trợ xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí tỉnh Đắk Lắk.
C. CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ
1. Chăn nuôi bò thịt, bò sữa;
2. Trồng và chế biến ca cao tại huyện M’Đrắk và huyện Krông Ana;
3. Chế biến thịt, sữa;
4. Sản xuất nước giải khát;
5. Nhà máy sản xuất penspast và gạch men;
6. Sản xuất gạch men Ceramic;
7. Nhà máy sản xuất đá ốp lát;
8. Nhà máy sản xuất gạch không nung;
9. Nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ rác; phụ phẩm nông nghiệp;
10. Sản xuất phân bón NPK;
11. Nhà máy chế tạo các sản phẩm từ cao su (KCN Hòa Phú, CCN Krông Buk);
12. Sản xuất bao bì;
13. Đầu tư, kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh;
14. Nhà máy chế biến mía - đường;
15. Nhà máy chế biến tinh bột sắn;
16. Nhà máy chế biến cà phê bột, hòa tan (Buôn Hồ, Cư M’gar, Krông Pắc);
17. Nhà máy chế biến sản phẩm ca cao (Tp. Buôn Ma Thuột, Ea Kar);
18. Nhà máy chế biến hoa quả (Tp. Buôn Ma Thuột, Ea Kar);
19. Nhà máy chế biến tiêu đen (Huyện Ea H’leo);
20. Nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản (Tp. Buôn Ma Thuột, TX Buôn Hồ, Krông Ana, Ea H’leo);
21. Chợ Trung tâm các thị xã, thị trấn huyện;
22. Khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Chư Yang Sin;
23. Khu du lịch sinh thái Ea Sô;
24. Khu du lịch sinh thái Đèo Hà Lan (P. Bình Tân, TX. Buôn Hồ);
25. Điểm du lịch sinh thái hồ Buôn Joong (Xã Kpam, huyện Cư M'gar);
26. Điểm du lịch, nghỉ dưỡng hồ Ea Chur Kăp (Xã Ea Ktur, H. Cư Kuin);
27. Điểm du lịch sinh thái hồ Ea Súp Thượng (Xã Cư Mlan, huyện Ea Súp);
28. Điểm du lịch thác Thủy Tiên (Xã Ea Púk, huyện Krông Năng);
29. Điểm du lịch Đồi Thông (Đồi Téch) - Tp. Buôn Ma Thuột;
30. Điểm du lịch hồ Ea Tam (Tp. Buôn Ma Thuột);
31. Nhà máy xử lý rác thải: Thị xã Buôn Hồ và các huyện: Krông Pắc, Ea Kar, Krông Ana, Cư Kuin, Ea H’leo, Cư M'gar;
* Ghi chú: Vị trí, quy mô diện tích chiếm đất, tổng mức và nguồn vốn đầu tư của các Chương trình, các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.