cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 110/2014/NQ-HĐND ngày 15/07/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng Thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2020

  • Số hiệu văn bản: 110/2014/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Ngày ban hành: 15-07-2014
  • Ngày có hiệu lực: 21-07-2014
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-01-2022
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2748 ngày (7 năm 6 tháng 13 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 28-01-2022
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 28-01-2022, Nghị quyết số 110/2014/NQ-HĐND ngày 15/07/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng Thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2020 bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 198/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng năm 2021”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/2014/NQ-HĐND

Đà Lạt, ngày 15 tháng 7 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA VIII KỲ HỌP THỨ 10.

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

Căn cứ Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;

Căn cứ Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3185/TTr-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 - 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1: Thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 - 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu chương trình:

1. Mục tiêu chung: Đến năm 2020 tổng diện tích nhà ở toàn tỉnh đạt khoảng 36,6 triệu m2 sàn.

a) Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 26,0 m2 sàn/người, trong đó, khu vực đô thị đạt 28,4 m2 sàn/người, khu vực nông thôn đạt 24,0 m2 sàn/người.

b) Diện tích nhà ở tối thiểu bình quân đầu người của tỉnh đạt 8m2 sàn/người (bằng chỉ tiêu diện tích nhà ở quốc gia).

c) Chất lượng nhà ở: tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt khoảng 70%; nhà ở bán kiên cố đạt khoảng 25%; không còn nhà đơn sơ, tạm bợ.

d) Tỷ lệ nhà chung cư và nhà ở cho thuê: Tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị đạt khoảng 10% tổng số nhà ở xây mới và tỷ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị đạt khoảng 10%.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Phát triển nhà ở xã hội:

- Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng khoảng 3.500 hộ. Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực nông thôn khoảng 7.700 hộ.

- Phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đạt khoảng 200.000 m2 sàn; nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đạt khoảng 24.000 m2 sàn; nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề đạt khoảng 103.400 m2 sàn; nhà ở tái định cư đạt khoảng 167.600 m2 sàn

b) Xây dựng nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức khoảng 4.620 m2 sàn; nhà ở công vụ cho giáo viên các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn khoảng 28.330 m2 sàn.

c) Phát triển nhà ở thương mại đạt khoảng 837.700 m2 sàn.

d) Nhà ở do người dân tự đầu tư xây dựng đạt khoảng 10.006.300 m2 sàn.

II. Nhu cầu vốn:

1. Tổng nhu cầu vốn: khoảng 70.680 tỷ đồng, trong đó:

- Đầu tư cho công tác lập quy hoạch khoảng 100 tỷ đồng;

- Bố trí để hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án nhà ở do ngân sách đầu tư khoảng 135 tỷ đồng;

- Hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên và xây dựng nhà ở công vụ khoảng 1.235 tỷ đồng.

- Phát triển nhà ở như: nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở do tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng khoảng 69.200 tỷ.

2. Nguồn vốn:

a) Ngân sách: 1.380 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 2%)

b) Nguồn huy động: 69.300 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 98%)

III. Giải pháp chủ yếu:

1. Giải pháp về chính sách:

a) Chính sách đất đai: Bố trí quỹ đất ở đô thị và quỹ đất ở nông thôn trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm, trong quy hoạch xây dựng để tạo quỹ đất phát triển nhà ở tái định cư và quỹ đất dành để kêu gọi đầu tư; dành tối thiểu 10% diện tích đất các dự án phát triển nhà ở khu đô thị mới để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Thực hiện việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định hiện hành của pháp luật về đất đai.

b) Chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư.

c) Các chính sách liên quan về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; về quản lý và phát triển nhà ở tái định cư và quản lý nhà ở xã hội quy định tại các Nghị định số 34/2013/NĐ-CP; số 84/2013/NĐ-CP và số 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Giải pháp về tài chính: Huy động các nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển nhà ở, trong đó: tập trung ngân sách cho công tác lập quy hoạch, phát triển quỹ đất, hỗ trợ các đối tượng chính sách về nhà ở; vốn của doanh nghiệp, vốn tín dụng để phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội (trong đó có gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Trung ương cho phát triển nhà ở xã hội) và khuyến khích nhân dân tự bỏ vốn để đầu tư cải thiện nhà ở.

3. Về khoa học, công nghệ: Ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế, xây dựng nhà ở, sử dụng vật liệu mới... nhằm rút ngắn thời gian và giảm giá thành xây dựng.

4. Giải pháp về quản lý nhà nước:

a) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hợp lý các thủ tục hành chính trong cấp phép quy hoạch, cấp phép xây dựng nhà ở, quản lý đất đai, quản lý xây dựng, quản lý đầu tư, thu hút đầu tư.

b) Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

c) Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, xử lý nghiêm tình trạng xây dựng công trình không phép, sai phép theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

d) Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực nhà ở và các chủ thể tham gia thị trường nhà ở. Tiếp tục kiện toàn tổ chức thanh tra ngành xây dựng theo Nghị định số 26/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp dân cư phát triển nhà ở theo quy hoạch. Tích cực vận động hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội.

Điều 2: Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng Khóa VIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2014 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa