Nghị quyết số 73/2013/NQ-HĐND ngày 18/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Về phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020
- Số hiệu văn bản: 73/2013/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
- Ngày ban hành: 18-12-2013
- Ngày có hiệu lực: 28-12-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 31-01-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1860 ngày (5 năm 1 tháng 5 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 31-01-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 73/2013/NQ-HĐND | Hà Tĩnh, ngày 18 tháng 12 năm 2013 |
NGHỊ QUYẾT
PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;
Sau khi xem xét Tờ trình số 465/TTr-UBND ngày 05/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án "Phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020"; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế và ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án "Phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020", với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm và định hướng phát triển
- Phát triển cụm công nghiệp phải căn cứ những định hướng của Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến 2020, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, các quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan và quy hoạch của các địa phương.
- Phát triển cụm công nghiệp nhằm phát huy vai trò công nghiệp phụ trợ, công nghiệp vệ tinh của các dự án trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghiệp; gắn với phát triển đô thị và gần thị trường tiêu thụ, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
- Phát triển cụm công nghiệp phải tính toán sử dụng đất có hiệu quả; gần vùng nguyên liệu tập trung để thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chế biến nông - lâm - thủy sản, chế biến vật liệu xây dựng; gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm phát triển các ngành nghề nông thôn, làng nghề tiểu thủ công nghiệp để thu hút lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; phục vụ nhu cầu di dời các cơ sở sản xuất ở các làng nghề, khu dân cư.
- Phát triển cụm công nghiệp trên cơ sở huy động tối đa mọi nguồn lực của xã hội, trong đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, kinh doanh hạ tầng.
2. Mục tiêu
2.1. Đến năm 2015
- Đến năm 2015 có 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 488,62 ha, trong đó: Điều chỉnh 04 cụm công nghiệp (CCN Nam Hồng, CCN Yên Huy, CCN Phù Việt và CCN Nam thị trấn Kỳ Anh), thành lập mới 03 cụm công nghiệp (CCN Cổng Khánh 1, CCN Thạch Châu và CCN Cẩm Nhượng) và sẽ đưa ra khỏi quy hoạch 02 cụm công nghiệp (CCN Bắc Thị trấn Hương Khê, CCN sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi, cung cấp giống bò sữa Sơn Lễ)
- Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 2.500 tỷ đồng; Thu hút các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong cụm với tỷ lệ lấp đầy đạt 45 - 50% diện tích đất có thể cho thuê.
- Hoàn thiện một phần kết cấu hạ tầng trong cụm công nghiệp, trong đó tập trung đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp thoát nước của các cụm đã có doanh nghiệp đầu tư, sản xuất.
- Giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động; thực hiện việc đào tạo, dạy nghề đảm bảo tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%.
- Từng bước di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề vào cụm, trong đó tập trung thực hiện di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Thạch Kim (Lộc Hà), Thạch Đồng (Thành phố Hà Tĩnh) vào cụm công nghiệp.
2.2. Đến năm 2020
- Đến năm 2020 có 25 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 631,62 ha, trong đó thành lập mới 07 cụm công nghiệp (CCN Kỳ Phong, CCN Xuân Lĩnh; CCN Lạc Thiện, CCN Thạch Khê, CCN Lưu Vĩnh, CCN Hương Phúc) và sẽ đưa ra khỏi quy hoạch 01 cụm công nghiệp (CCN Bắc Thạch Quý)
- Cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp đã được thành lập, phê duyệt theo quy định và có tỷ lệ lấp đầy cao.
- Gái trị sản xuất công nghiệp đạt trên 7.000 tỷ đồng; thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong cụm với tỷ lệ lấp đầy 60 - 70% diện tích đất có thể cho thuê.
- Giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 lao động; thực hiện việc đào tạo, dạy nghề đảm bảo tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 80%.
- Thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất trong các làng nghề vào cụm công nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường lớn, cơ sở dễ gây cháy nổ.
- Tạo điều kiện liên kết, hợp tác giữa các cơ sở với nhau để hình thành các nhóm ngành sản xuất theo hướng chuyên môn hóa nhằm khai thác, phát huy tối đa các nguồn lực (vốn, thị trường, lao động, công nghệ…), nâng cao sức cạnh tranh của các cơ sở sản xuất công nghiệp trong cụm công nghiệp.
3. Một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
3.1. Về quy hoạch và quản lý quy hoạch
- Triển khai thực hiện việc thành lập, đầu tư, quản lý cụm công nghiệp theo đúng quy hoạch được phê duyệt và các quy định hiện hành;
- Đối với các cụm công nghiệp đã hình thành: Thực hiện việc rà soát, chuyển đổi, xử lý theo đúng quy định của Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009; Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012; Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT và các quy định hiện hành Nhà nước;
- Đối với các cụm công nghiệp thành lập mới: Thực hiện đúng quy định của Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009; Thông tư 39/2009/TT-BCT ngày 28/12/2009 và các quy định hiện hành Nhà nước.
3.2. Về đầu tư kết cấu hạ tầng
Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp một cách đồng bộ từ giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, xử lý môi trường cho từng cụm công nghiệp, đồng thời có cơ chế thu hút các dự án đầu tư vào cụm và chính sách di dời các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp:
- Tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp theo hình thức kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp;
- Trong thu hút đầu tư hạ tầng, nếu có đơn vị đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) thì mạnh dạn xây dựng cơ chế để triển khai thực hiện.
- Phân cấp ngân sách nhằm gắn nghĩa vụ và quyền lợi trong đầu tư phát triển hạ tầng giữa tỉnh và các địa phương.
3.3. Về đào tạo nguồn nhân lực
- Nhà đầu tư khi thực hiện dự án trong các cụm công nghiệp phải cam kết ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương, đảm bảo các hộ bị thu hồi đất có lao động được làm việc trong các cụm công nghiệp;
- Lồng ghép các chương trình mục tiêu về đào tạo nghề, các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại… để đào tạo kỹ năng quản trị, quản lý cho chủ doanh nghiệp và đào tạo nghề nâng cao cho người lao động;
- Tăng cường sự phối hợp giữa sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp với các trường dạy nghề trên địa bàn để đào tạo nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp về ngành nghề, số lượng, chất lượng; đồng thời đẩy mạnh công tác dịch vụ cung ứng nguồn nhân lực nhằm khơi thông thị trường lao động, tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận được với nhau khi có nhu cầu.
3.4. Về bảo vệ môi trường
- Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định bảo vệ môi trường tại Quyết định số 36/2013/QĐ-UBND ngày 15/8/2013 của UBND tỉnh đối với cụm công nghiệp và các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp;
- Có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ và thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ xử lý môi trường trong sản xuất; đồng thời lồng ghép thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất;
- Nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất ngoài cụm, sản xuất trong các khu dân cư, làng nghề về môi trường, kiên quyết đình chỉ hoặc yêu cầu di dời đối với các cơ sở sản xuất không đảm bảo môi trường, ảnh hưởng đến người dân.
3.5. Về xúc tiến thương mại
- Tổ chức các hội nghị xúc tiến giao thương, kết nối thị trường… để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà phân phối ký kết các hợp đồng để đảm bảo tiêu thụ các sản phẩm sản xuất bền vững;
- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất đăng ký thương hiệu, kiểu dáng mẫu mã, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm để từng bước tiếp cận thị trường và tạo lòng tin khách hàng. Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu;
- Khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, các sàn giao dịch; bình chọn sản phẩm công nghiệp tiêu biểu… nhằm quảng bá hình ảnh, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh.
3.6. Về tăng cường quản lý nhà nước
- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về chủ trương, chính sách phát triển cụm công nghiệp và xử lý môi trường trong các cụm công nghiệp;
- Ban hành các chính sách mới để khuyến khích đầu tư, phát triển và quản lý cụm công nghiệp; thực hiện tốt Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt;
- Thực hiện đúng quy định của pháp luật đối với phát triển cụm công nghiệp từ khâu thành lập, quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng hạ tầng đến quản lý hoạt động của các cụm công nghiệp;
- Giao UBND tỉnh xây dựng quy định tổ chức điều hành, quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn phù hợp với các quy định của pháp luật; tiến hành sửa đổi, bổ sung Quyết định số 18/2011/QĐ-UBND cho phù hợp với thực tế ở địa phương.
3.7. Về huy động nguồn vốn
- Lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách các cấp, doanh nghiệp, ODA, tín dụng ngân hàng; vốn các chương trình, dự án (như xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, ô nhiễm môi trường, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng làng nghề…) vào đầu tư, phát triển cụm công nghiệp;
- Tăng cường bố trí ngân sách hàng năm (ngân sách tỉnh và huyện) để hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu trong cụm công nghiệp, nhất là các cụm công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy cao; đồng thời có phân cấp giữa ngân sách các cấp để tăng cường đầu tư gắn với sự phát triển của địa phương;
- Tranh thủ nguồn vốn xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp và các nguồn vốn phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từ ngân sách trung ương.
3.8. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách; sửa đổi, bổ sung và ban hành chính sách mới
3.8.1. Thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành
Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành, bao gồm:
- Đối với lĩnh vực đất đai, các loại thuế và chính sách đối với người lao động: Căn cứ Luật, Nghị định và các văn bản quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền theo lĩnh vực nói trên, UBND tỉnh triển khai thực hiện.
- Được hưởng ưu đãi theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về "chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn".
- Về ưu đãi tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011; Nghị định số 54/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ và các quy định hiện hành.
- Được hưởng các ưu đãi quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ.
- Được hưởng các chính sách ưu đãi quy định tại điều 4, điều 6 Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 21/3/2012 của UBND tỉnh.
- Được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, Quỹ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.
Trường hợp các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm và dự án trực tiếp sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi khác nhau thì Nhà đầu tư được lựa chọn hình thức ưu đãi cao nhất.
3.8.2. Sửa đổi, bổ sung và ban hành chính sách mới về phát triển cụm công nghiệp
a) Đối với dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp
- Hỗ trợ chi phí san lấp mặt bằng: Trên cơ sở hồ sơ thiết kế, dự toán được phê duyệt và khối lượng thực tế được nghiệm thu, thanh quyết toán, tỉnh hỗ trợ sau đầu tư chi phí san lấp mặt bằng cho nhà đầu tư với các mức hỗ trợ như sau:
+ 02 tỷ đồng đối với cụm công nghiệp có giá trị san lấp từ 20 tỷ đồng đến dưới 30 tỷ đồng;
+ 03 tỷ đồng đối với cụm công nghiệp có giá trị san lấp từ 30 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng;
+ 05 tỷ đồng đối với cụm công nghiệp có giá trị san lấp từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng;
+ 10 tỷ đồng đối với cụm công nghiệp có giá trị san lấp từ 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng;
+ 15 tỷ đồng đối với cụm công nghiệp có giá trị san lấp trên 200 tỷ đồng;
- Hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải tập trung trong cụm công nghiệp: Sau khi triển khai xây dựng xong công trình xử lý nước thải, chất thải, được tỉnh hỗ trợ sau đầu tư 10% giá trị quyết toán đối với phần xây lắp công trình xử lý nước thải cho mỗi cụm công nghiệp nhưng không quá 3 tỷ đồng.
b) Đối với dự án sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp
- Hỗ trợ chi phí san lấp mặt bằng:
Nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp đã được đầu tư kết cấu hạ tầng hoặc cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Nếu Nhà đầu tư tự bỏ vốn để san lấp mặt bằng; sau khi hoàn thành, căn cứ hồ sơ thiết kế, dự toán được phê duyệt và khối lượng thực tế thi công nghiệm thu, thanh quyết toán, được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí san lấp mặt bằng nhưng tối đa không quá theo các mức sau:
+ Dự án có tổng vốn đầu tư từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng hỗ trợ 100 triệu đồng;
+ Dự án có tổng vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng đến dưới 30 tỷ đồng hỗ trợ 300 triệu đồng;
+ Dự án có tổng vốn đầu tư từ 30 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng hỗ trợ 500 triệu đồng;
+ Dự án có tổng vốn đầu tư từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ hỗ trợ 01 tỷ đồng;
+ Dự án có tổng vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ hỗ trợ 02 tỷ đồng;
+ Dự án có tổng vốn đầu tư từ 200 tỷ đồng đến dưới 300 tỷ hỗ trợ 03 tỷ đồng;
+ Dự án có tổng vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng trở lên hỗ trợ 04 tỷ đồng.
- Hỗ trợ 50% chi phí thực hiện công trình đầu tư để xử lý môi trường của dự án, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án và không quá 01 lần.
c) Đối với dự án sản xuất di dời vào cụm công nghiệp
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khi thực hiện di dời dự án vào cụm công nghiệp, ngoài được hưởng các chính sách đối với dự án sản xuất kinh doanh trong cụm, còn được hưởng các cơ chế, chính sách sau:
- Hỗ trợ tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển di dời: Hỗ trợ 50% chi phí di dời hợp pháp (tháo dỡ nhà xưởng, thiết bị và vận chuyển, lắp đặt tại địa điểm mới) nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng đối với một cơ sở.
- Hỗ trợ về vốn đầu tư xây dựng tại cơ sở mới trong cụm công nghiệp:
+ Được ưu tiên vay vốn đầu tư từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh hoặc Ngân hàng phát triển chi nhánh Hà Tĩnh;
+ Được hỗ trợ 20% số tiền phải trả lãi suất cho số vốn vay để trực tiếp xây dựng dự án sản xuất kinh doanh trong CCN với thời gian hỗ trợ 24 tháng.
4. Kinh phí thực hiện đề án:
Tổng nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2020 là 2.194 tỷ đồng, trong đó:
- Nguồn vốn từ ngân sách TW: 138 tỷ đồng;
- Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh: 373 tỷ đồng;
- Nguồn vốn từ ngân sách huyện: 115 tỷ đồng;
- Nguồn vốn từ doanh nghiệp và nguồn khác: 1.568 tỷ đồng.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu cần bổ sung, điều chỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI, kỳ họp thứ 8 thông qua./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |