cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 21/2013/NQ-HĐND ngày 05/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Về chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh Cà Mau (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 21/2013/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Ngày ban hành: 05-12-2013
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2014
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1461 ngày (4 năm 1 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-01-2018
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-01-2018, Nghị quyết số 21/2013/NQ-HĐND ngày 05/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Về chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh Cà Mau (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết 26/2017/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, khuyến khích đào tạo cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Cà Mau”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2013/NQ-HĐND

Ca Mau, ngày 05 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KINH PHÍ ĐÀO TẠO VÀ THU HÚT NGUỒN NHÂN LỰC CỦA TỈNH CÀ MAU

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ BẢY

(Từ ngày 04 đến ngày 05 tháng 12 năm 2013)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

Căn cứ Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

Căn cứ Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

Xét Tờ trình số 161/TTr-UBND ngày 03/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐND ngày 12/7/2012 của HĐND tỉnh Cà Mau về chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh Cà Mau và Báo cáo thẩm tra số 58/BC-HĐND ngày 29/11/2013 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh;

Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau khóa VIII, kỳ họp thứ Bảy đã thảo luận và thống nhất,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh Cà Mau, với những nội dung sau đây:

1. Đối tượng và điều kiện được hỗ trợ kinh phí đào tạo

a) Cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện; công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các hội được giao biên chế cấp tỉnh, cấp huyện; công chức trong các cơ quan thuộc ngành dọc; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thuộc tỉnh Cà Mau được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo sau đại học, đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ.

b) Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 19 và đào tạo sau đại học đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 20 Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ.

c) Sinh viên, học sinh đăng ký thường trú tại tỉnh Cà Mau được cơ quan có thẩm quyền cử đi học đại học và sau đại học ở nước ngoài, có cam kết bằng văn bản sau khi tốt nghiệp về công tác tại tỉnh Cà Mau trong thời gian ít nhất bằng 03 lần thời gian đào tạo. Trừ những đối tượng được cử đi đào tạo từ các chương trình, đề án khác đã được hưởng kinh phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước.

d) Sinh viên, học sinh, học viên đăng ký thường trú tại tỉnh Cà Mau được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo tại các trường năng khiếu trong nước hoặc ở nước ngoài, có cam kết bằng văn bản sau khi tốt nghiệp về công tác tại tỉnh Cà Mau trong thời gian ít nhất bằng 03 lần thời gian đào tạo.

2. Đối tượng và điều kiện được khuyến khích đào tạo

a) Cán bộ, công chức cấp xã; cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp tỉnh, được Thủ trưởng cơ quan nơi đang công tác đồng ý bằng văn bản cho đi học chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, cao học, nghiên cứu sinh thuộc các ngành nghề, lĩnh vực tỉnh cần thu hút theo danh mục do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, tự túc kinh phí đào tạo, có cam kết bằng văn bản sau khi tốt nghiệp về làm việc tại cơ quan đang công tác từ 7 năm trở lên.

b) Cán bộ, công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã thuộc địa bàn thu hút, được Thủ trưởng cơ quan nơi đang công tác đồng ý băng văn bản cho đi học đại học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực tỉnh cần thu hút theo danh mục do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, tự túc kinh phí đào tạo, có cam kết bằng văn bản sau khi tốt nghiệp về làm việc tại cơ quan đang công tác từ 7 năm trở lên.

3. Đối tượng và điều kiện thu hút

a) Người có bằng đại học hệ chính quy (không phân biệt địa bàn đăng ký thường trú), có cam kết bằng văn bản tự nguyện về công tác tại các xã, thị trấn trong tỉnh Cà Mau thuộc những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh cần thu hút từ 5 năm trở lên, có độ tuổi không quá 45 tuổi đối với nam, không quá 40 tuổi đối với nữ.

b) Sinh viên đăng ký thường trú tại tỉnh Cà Mau từ 3 năm trở lên, đang học đại học hệ chính quy, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn tỉnh cần thu hút và có cam kết bằng văn bản về tỉnh Cà Mau công tác từ 07 năm trở lên.

c) Người có bằng đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ngành sư phạm và những người có bằng đại học khác hệ chính quy, có cam kết bằng văn bản tự nguyện về công tác tại các xã khó khăn theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh từ 5 năm trở lên, có độ tuổi không quá 45 tuổi đối với nam, không quá 40 tuổi đối với nữ.

d) Người có học hàm, học vị: Giáo sư - Tiến sĩ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ; Tiến sĩ, Thạc sĩ; Bác sĩ, Dược sĩ chuyên khoa cấp II; Bác sĩ, Dược sĩ chuyên khoa cấp I, có cam kết bằng văn bản tự nguyện về công tác tại tỉnh Cà Mau từ 5 năm trở lên theo những ngành nghề, lĩnh vực tỉnh cần thu hút, có độ tuổi không quá 55 tuổi đối với nam, không quá 50 tuổi đối với nữ. Trường hợp người đã làm việc tại các cơ quan, đơn vị ngoài tỉnh thì trong thời gian 5 năm gần nhất không bị kỷ luật với hình thức từ cảnh cáo trở lên.

đ) Người có bằng tốt nghiệp trên đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, có cam kết bằng văn bản về công tác tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Cà Mau từ 05 năm trở lên theo Danh mục ngành nghề, lĩnh vực đặc thù do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và có độ tuổi không quá 45 đối với nam, không quá 40 đối với nữ.

4. Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo

a) Các đối tượng quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1, điều này được cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước được hỗ trợ tiền học phí theo quy định của cơ sở đào tạo và hỗ trợ chi phí học tập của toàn khóa học như sau:

- Tiến sĩ: bằng 100 lần mức lương cơ sở.

- Thạc sĩ: bằng 60 lần mức lương cơ sở.

- Bác sĩ, Dược sĩ chuyên khoa cấp II: bằng 80 lần mức lương cơ sở.

- Bác sĩ, Dược sĩ chuyên khoa cấp I: bằng 40 lần mức lương cơ sở.

Trường hp đối tượng được cử đi đào tạo là nữ thì được hỗ trợ thêm 10% so với mức chi hỗ trợ của trình độ đào tạo tương ứng.

b) Đối tượng quy định tại điểm b, khoản 1, điều này được cử đi đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì được hỗ trợ:

- Tiền học phí theo thông báo của cơ sở đào tạo (nếu có).

- Hỗ trợ bằng 0,03 mức lương cơ sở/người/ngày thực học (theo thông báo của cơ sở đào tạo) đối với các lớp học tại tỉnh Cà Mau; hỗ trợ bằng 0,04 mức lương cơ sở /người/ngày thực học đối với lớp học ngoài tỉnh Cà Mau. Đối với nữ được hỗ trợ thêm bằng 10% so với mức hỗ trợ tương ứng nêu trên.

c) Đối tượng quy định tại điểm c, điểm d, khoản 1 điều này được hỗ trợ tiền học phí theo quy định của cơ sở đào tạo và một số khoản chi hợp lý khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.

5. Mức hỗ trợ khuyến khích đào tạo

a) Đối tượng quy định tại điểm a, khoản 2, điều này được hỗ trợ một lần khi có bằng tốt nghiệp như sau:

- Tiến sĩ: bằng 130 lần mức lương cơ sở.

- Thạc sĩ: bằng 80 lần mức lương cơ sở.

- Bác sĩ, Dược sĩ Chuyên khoa cấp II: bằng 100 lần mức lương cơ sở.

- Bác sĩ, Dược sĩ Chuyên khoa cấp I: bằng 60 lần mức lương cơ sở.

b) Đối tượng quy định tại điểm b, khoản 2, điều này được hỗ trợ bằng 20 lần mức lương cơ sở khi có bằng tốt nghiệp.

6. Mức hỗ trợ thu hút

a) Đối tượng quy định tại điểm a, khoản 3 điều này, khi nhận công tác được hỗ trợ một lần bằng 13 lần mức lương cơ sở/người, nếu tốt nghiệp loại trung bình; bằng 15 lần mức lương cơ sở/người, nếu tốt nghiệp loại khá và bằng 18 lần mức lương cơ sở/người, nếu tốt nghiệp loại giỏi. Được phân công công việc phù hợp với ngành nghề đào tạo, được hưởng 85% bậc lương khởi điểm và được hỗ trợ khó khăn thêm 15% bậc lương khởi điểm trong thời gian tập sự.

b) Đối tượng quy định tại điểm b, khoản 3, điều này được hỗ trợ học phí toàn bộ khóa học theo quy định của cơ sở đào tạo (nhưng tối đa không quá mức trần về học phí Đại học do Chính phủ quy định). Ngoài ra, nếu học lực đạt loại khá thì được hỗ trợ thêm 50% so với mức tiền học phí được hỗ trợ, loại giỏi được hỗ trợ thêm 100% so với mức tiền học phí được hỗ trợ; nếu được kết nạp đảng tại trường thì được hỗ trợ 01 lần bằng 05 lần mức lương cơ sở.

c) Đối tượng quy định tại điểm c, khoản 3 điều này được bố trí nhà ở, ưu tiên giải quyết đất ở, nhà ở theo quy định hiện hành, được hưởng 85% bậc lương khởi điểm theo trình độ đào tạo và được hỗ trợ khó khăn thêm 15% bậc lương khởi điểm trong thời gian tập sự. Ngoài ra, được hỗ trợ ưu đãi hàng tháng thêm 50% theo hệ số lương cơ bản và hỗ trợ một lần khi nhận công tác với các mức sau:

- Người có bằng trung cấp chuyên nghiệp: bằng 13 lần mức lương cơ sở/người.

- Người có bằng cao đẳng: bằng 15 lần mức lương cơ sở/người.

- Người có bằng đại học: bằng 20 lần mức lương cơ sở/người.

d) Nếu người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện có đủ các điều kiện quy định tại điểm a, điểm c, khoản 3 điều này, tình nguyện về công tác ở địa bàn thu hút và được Thủ trưởng cơ quan đồng ý cho chuyển công tác thì được giữ nguyên mức lương hiện hưởng cộng với các quyền lợi, chính sách ưu đãi riêng quy định tại điểm a, điểm c, khoản 6 Điều này.

đ) Đối tượng quy định tại điểm d, khoản 3, điều này được hỗ trợ một lần khi nhận công tác với các mức như sau:

- Giáo sư - Tiến sĩ: bằng 500 lần mức lương cơ sở và ưu tiên bố trí nhà ở công vụ, ưu tiên giải quyết đất ở, nhà ở theo quy định hiện hành.

- Phó Giáo sư - Tiến sĩ: bằng 400 lần mức lương cơ sở và ưu tiên bố trí nhà ở công vụ, ưu tiên giải quyết đất ở, nhà ở theo quy định hiện hành.

- Tiến sĩ: bằng 300 lần mức lương cơ sở và ưu tiên bố trí nhà ở công vụ, ưu tiên giải quyết đất ở, nhà ở theo quy định hiện hành.

- Thạc sĩ: bằng 180 lần mức lương cơ sở và ưu tiên bố trí nhà ở công vụ, ưu tiên giải quyết đất ở, nhà ở theo quy định hiện hành.

- Bác sĩ, Dược sĩ chuyên khoa cấp II: bằng 240 lần mức lương cơ sở và ưu tiên bố trí nhà ở công vụ, ưu tiên giải quyết đất ở, nhà ở theo quy định hiện hành.

- Bác sĩ, Dược sĩ chuyên khoa cấp I: bằng 120 lần mức lương cơ sở, ưu tiên giải quyết đất ở, nhà ở theo quy định hiện hành.

- Ngoài ra, còn được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục tiếp nhận, hợp thức hóa gia đình về tỉnh sinh sống và làm việc lâu dài.

e) Đối tượng quy định tại điểm đ, khoản 3 điều này được hỗ trợ một lần khi nhận công tác với các mức như sau:

- Đối với người có bằng tốt nghiệp trên đại học: được hỗ trợ theo các mức tương ứng với trình độ đào tạo quy định tại điểm đ, khoản 6, Điều này.

- Đối với người có bằng tốt nghiệp đại học: bằng 20 lần mức lương cơ sở/người.

- Đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng: bằng 15 lần mức lương cơ sở/người.

- Đối với người có bằng trung cấp chuyên nghiệp: bằng 13 lần mức lương cơ sở/người.

Điều 2. Bồi hoàn kinh phí đào tạo, khuyến khích đào tạo và thu hút nguồn nhân lực

1. Những người được hỗ trợ kinh phí đào tạo theo Nghị quyết này, không thực hiện đúng thời gian công tác đã cam kết sau khi đào tạo hoặc tự ý không tham gia khoá học, tự ý bỏ học, bị đuổi học, không được nhận bằng tốt nghiệp, bỏ việc, thôi việc trong thời gian được cử đi đào tạo thì phải bồi hoàn ngay một lần đủ số kinh phí đã nhận hỗ trợ theo quy định.

2. Những người được nhận kinh phí khuyến khích đào tạo và thu hút nguồn nhân lực theo Nghị quyết này, không thực hiện đúng thời gian công tác đã cam kết thì phải bồi hoàn đủ ngay gấp hai lần kinh phí đã nhận và toàn bộ các ưu đãi khác.

3. Không giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức đã nhận kinh phí hỗ trợ, khuyến khích đào tạo và thu hút nguồn nhân lực theo Nghị quyết này liên hệ chuyển công tác ra ngoài tỉnh khi chưa bồi hoàn đủ kinh phí đã nhận.

4. Những trường hợp đặc biệt, vì lý do khách quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 3. Điều kiện chuyển tiếp

Đối với những đối tượng đang được hỗ trợ kinh phí đào tạo theo quy định của Nghị quyết số 11/2008/NQ-HĐND ngày 10/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh, nhưng đến thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực mà chưa hoàn thành khóa học hoặc chưa nhận bằng tốt nghiệp thì sẽ được tiếp tục hỗ trợ kinh phí đào tạo theo Nghị quyết này tại điểm a, khoản 4, Điều 1 đối với đào tạo sau đại học và tại điểm b, khoản 4, Điều 1 đối với đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đng, đại học.

Điều 4. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực được sử dụng từ nguồn ngân sách cấp tỉnh (kinh phí đào tạo hàng năm của tỉnh).

Điều 5. Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này và ban hành quy định cụ thể danh mục những xã khó khăn, danh mục ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn cần thu hút.

Điều 6. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 và thay thế Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐND ngày 12/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh Cà Mau.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau khóa VIII, kỳ họp thứ Bảy thông qua ngày 05 tháng 12 năm 2013./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Nội vụ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (BTP);
- TT. Tỉnh ủy;
- UBND tỉnh;
- BTT. Ủy ban MTTQ VN tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT. HĐND, UBND huyện, TP;
- Cổng Thông tin Điện tử tỉnh;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Bùi Công Bửu