cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên Về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 12/2013/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Ngày ban hành: 04-12-2013
  • Ngày có hiệu lực: 14-12-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-01-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 410 ngày (1 năm 1 tháng 15 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 28-01-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 28-01-2015, Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên Về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 339/QĐ-CTUBND ngày 28/01/2015 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong năm 2014”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2013/NQ-HĐND

Hưng Yên, ngày 04 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2014

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XV - KỲ HỌP THỨ SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003, Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Quyết định số 2337/QĐ-TTg ngày 30/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; Quyết định 2986/QĐ-BTC ngày 30/11/2013 của Bộ Tài chính về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 tỉnh Hưng Yên;

Sau khi xem xét Báo cáo số 188/BC-UBND ngày 27/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2014, báo cáo thẩm tra của các Ban và ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh trình kỳ họp, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau đây:

I. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013:

Năm 2013 là năm kinh tế của tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình suy thoái kinh tế thế giới, sự trầm lắng của kinh tế trong nước và những diễn biến phức tạp của thời tiết. Song, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được đề ra tại Kỳ họp thứ tư - HĐND tỉnh.

Tổng sản phẩm (GDP) tăng 7,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: NN 17,05% - CN, XD 48,21% - DV 34,74%. Tổng diện tích gieo trồng đạt 108.849 ha, tăng 0,71%, lúa chất lượng cao đạt 61,5% diện tích, tăng 1,4% so với năm 2012; diện tích cây vụ đông tăng 4,8%; giá trị chăn nuôi tăng 1,2%; giá trị sản xuất thủy sản tăng 4,22%; sản lượng cây ăn quả nói chung đều tăng và được giá. Sản xuất công nghiệp tăng khá, giá trị sản xuất tăng 7,31%; thu hút được 84 dự án (trong đó: 54 dự án trong nước, 30 dự án nước ngoài) với tổng số vốn đầu tư 2.980 tỷ đồng và 129 triệu USD. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất tăng 12,23%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng 11,7% so với năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng chung tăng 6,7% so với bình quân chung cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa phát triển. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.700 triệu USD. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 5.700 tỷ đồng, bằng 105% so với dự toán Trung ương giao (trong đó thu nội địa trên 4.100 tỷ, thu thuế xuất nhập khẩu 1.600 tỷ, thu xổ số kiến thiết 8 tỷ). Tổng số vốn huy động cho đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 19.984 tỷ đồng (tăng 14% cùng kỳ), trong đó trên 10,5 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai, bình quân toàn tỉnh đạt 9,3 tiêu chí/xã, tăng 2,5 tiêu chí/xã so với năm 2012. GDP bình quân đầu người đạt 30,5 triệu đồng.

Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, duy trì Hưng Yên thuộc tốp đầu các tỉnh trong cả nước; công tác đào tạo nghề được quan tâm, dạy nghề cho 4,5 vạn lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 47%. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được cải thiện; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là 20%; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 0,9%. Văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra sôi nổi; Tỷ lệ làng, khu phố văn hóa chiếm 81%. Các chế độ chính sách đối với người có công, các đối tượng xã hội được đảm bảo, công tác chăm sóc trẻ em được chú trọng; Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,77%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng được củng cố. Việc xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có chuyển biến tích cực.

Hội đồng nhân dân tỉnh biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của các tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế; sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành đã góp phần tích cực vào những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế: Kinh tế tăng trưởng chậm. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tuy có tăng so với năm 2012 song chưa đạt kế hoạch đề ra, một số khoản thu ngân sách chủ yếu đạt thấp so với dự toán. Giá trị sản xuất nông nghiệp giảm 0,16%. Tỷ lệ nợ xấu tăng so với năm trước. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đã có 958 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 30 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể. Việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, lấn chiếm đất đai, lấn chiếm hành lang giao thông, các công trình thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông chưa có tiến bộ, số vụ tai nạn giao thông vẫn cao. Tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Chất lượng khám, chữa bệnh chưa được cải thiện nhiều, thủ tục khám chữa bệnh đối với người có bảo hiểm y tế còn phiền hà, tỷ lệ mất cân bằng giới tính vẫn ở mức cao. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền pháp luật, công tác kiểm sát, xét xử, thi hành án dân sự vẫn còn những mặt hạn chế…

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó là do khi xây dựng kế hoạch năm 2013, không lường được hết diễn biến không thuận lợi của tình hình kinh tế trong và ngoài nước nên đề ra chỉ tiêu cao. Một số ngành, địa phương chưa tích cực, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa cao. Tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Cải cách hành chính ở một số khâu, một số cơ quan, địa phương chưa tích cực…

II. Những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cơ bản năm 2014

Năm 2014 là năm bước sang nửa cuối của chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Dự báo tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thoát ra khỏi suy thoái, đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh phải cố gắng, quyết tâm hơn nữa để đạt được những mục tiêu đã đề ra.

1. Các mục tiêu chủ yếu.

1.1. Tổng sản phẩm (GDP) tăng 7,2 - 7,5%. Trong đó: giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2 - 2,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9%; dịch vụ tăng 10 - 11%. Cơ cấu kinh tế: NN 17% - CN,XD 48% - DV 35%.

1.2. Thu ngân sách đạt 6.350 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa 4.472 tỷ đồng (thu từ xổ số kiến thiết 8 tỷ đồng); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.878 tỷ đồng.

1.3. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.

1.4. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng.

1.5. Nâng cao chất lượng dân số, duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1%; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,5%; tạo thêm việc làm mới cho 2 vạn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo 52%.

1.6. Xây dựng 22 trường mầm non và trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 40% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Phấn đấu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 65 - 70%.

1.7. Tỷ lệ làng, khu phố văn hóa đạt 83%; tỷ lệ gia đình văn hóa 88%.

2. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể

2.1. Tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh phát triển kinh tế.

- Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Huy động các nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới, khuyến khích tất cả các xã đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, triển khai thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường thôn, xóm, đường ra đồng và tiếp tục triển khai vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển của nhà nước để thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn. Có cơ chế để khuyến khích chuyển đổi mô hình sản xuất phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn. Chú trọng chỉ đạo đảm bảo giống cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư; chủ động phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và cây trồng; phòng chống lụt, bão, úng. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao; khuyến khích hợp tác, liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia liên kết. Tiếp tục thực hiện Đề án dồn thửa đổi ruộng ở 22 xã làm điểm, chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng cây hàng năm để có giá trị kinh tế cao hơn.

- Tăng cường công tác quản lý đất đai và khai thác tài nguyên. Thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) đã được Chính phủ phê duyệt. Xử lý nhanh đất dôi dư, xen kẹp ở thôn, xã và đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, nhất là các Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động, Kế hoạch của UBND tỉnh về xử lý các vi phạm lấn chiếm hành lang giao thông, công trình thủy lợi, ô nhiễm môi trường. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng mạng lưới các điểm tập kết rác thải ở cả đô thị và nông thôn; hoàn thành giải tỏa các điểm đổ rác không đúng quy định.

- Tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế cho các đối tượng theo quy định. Hỗ trợ phát triển mạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có cơ chế khuyến khích phát triển một số ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ. Ưu tiên thu hút đầu tư đối với những dự án có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng có hiệu quả đất đai và bảo vệ môi trường; các dự án FDI. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Rà soát các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa đền bù giải phóng mặt bằng hoặc chậm đầu tư; kiên quyết thu hồi đất các dự án vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư.

- Tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch được duyệt. Triển khai nhanh các công trình, các dự án phát triển đô thị, thương mại; các dự án BT; các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các dự án trọng điểm hoàn thành trong năm 2014 như đường trên đê tả Sông Hồng, tỉnh lộ 200, Bệnh viện Sản Nhi, Trung tâm Hội nghị tỉnh và các công trình thủy lợi. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc quản lý và sử dụng vốn của các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Tăng cường quản lý đầu tư, bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài. Hạn chế tối đa các công trình khởi công mới. Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng phát triển thành phố Hưng Yên, đô thị Mỹ Hào và các khu đô thị mới ở một số địa phương. Hoàn thành bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành Điện quản lý theo quy định.

- Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ tài chính - ngân hàng, viễn thông, dịch vụ tư vấn, thẩm định; thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ và phát triển du lịch. Tạo lập mối liên kết giữa nhà sản xuất với tổ chức phân phối để hình thành kênh lưu thông hàng hóa ổn định. Tăng cường hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ truyền thống được cải tạo, nâng cấp kết hợp với các chợ đầu mối và siêu thị. Tích cực, chủ động mở rộng thị trường, tận dụng mọi khả năng để tăng kim ngạch xuất khẩu. Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường; mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin thị trường; nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hàng xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ hàng hoá nhập khẩu. Tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; giám sát chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống.

- Quản lý chặt chẽ tài chính, tiền tệ. Thực hiện tốt các biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tăng thu, chống thất thu. Kiên quyết thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu đạt và vượt dự toán thu. Quản lý chặt chẽ chi ngân sách; tiếp tục thực hiện chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp và sử dụng có hiệu quả. Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu. Chú trọng đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối trái quy định, hoạt động tín dụng đen.

2.2. Nâng cao chất lượng phát triển văn hóa - xã hội, khoa học công nghệ.

- Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2013-2014 ở các cấp học, bậc học. Đổi mới công tác quản lý giáo dục, phương pháp dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có phẩm chất đạo đức, tâm huyết và có trình độ, năng lực chuyên môn cao. Duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và giáo dục trung học cơ sở. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và ngăn chặn kịp thời tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định, tình trạng bạo lực học đường. Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.

- Chú trọng công tác y tế dự phòng, giám sát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề y, dược, phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao, du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cổ động, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; "Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nâng cao chất lượng làng, khu phố và gia đình văn hoá, phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học văn hoá. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực thể dục thể thao. Phát triển sâu rộng phong trào thể dục thể thao quần chúng; nâng cao thành tích các môn thể thao mũi nhọn có lợi thế. Đẩy mạnh xã hội hoá văn hoá, thể dục thể thao và du lịch. Hoàn thành công trình xây dựng Tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

- Thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động an sinh xã hội; quan tâm, chăm lo, giải quyết kịp thời các chế độ chính sách cho các đối tượng; vận động toàn dân tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với đất nước. Triển khai Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Chú trọng công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật về lao động. Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Mở rộng mạng lưới và quy mô đào tạo nghề. Phát triển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đào tạo nghề cho con em gia đình chính sách, hộ nghèo; nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

- Xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh; bảo đảm tốt thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu của người dân. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động thông tin và tuyên truyền. Tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình, kịp thời truyền tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các thông tin kinh tế - xã hội đến với nhân dân.

- Đẩy mạnh quá trình chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và phục vụ đời sống. Ưu tiên các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng và hiệu quả các đề tài, dự án khoa học công nghệ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2.3. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại

- Nâng cao sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang toàn tỉnh, củng cố xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc, duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cháy nổ.

- Tăng cường nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc. Thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, Chương trình hành động phòng chống ma túy. Tập trung tấn công truy quét tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông, giữ vững an ninh chính, trật tự an toàn xã hội.

- Giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; chú trọng kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân và an ninh nông thôn.

- Tăng cường công tác đối ngoại nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tiếp thu kinh nghiệm của các tỉnh và của các nước tiên tiến; tranh thủ nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2.4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng.

- Triển khai nghiêm túc việc phổ biến, quán triệt Hiến pháp và Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Tăng cường đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đổi mới công tác đánh giá, tuyển chọn, bồi dưỡng, luân chuyển và sử dụng cán bộ công chức; nâng cao chất lượng cán bộ và quy hoạch, đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản. Hoàn thành việc xác định vị trí việc làm đối với cán bộ công chức, viên chức. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc bố trí cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở thôn, khu phố. Thường xuyên cập nhật và đăng tải các thông tin quy định về thủ tục hành chính, dịch vụ công, cơ chế chính sách của nhà nước, của tỉnh trên các Cổng thông tin điện tử của tỉnh và của ngành.

- Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính. Thực hiện công khai, minh bạch các quy định về thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện mô hình một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực. Chú trọng làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; khắc phục tình trạng chậm trễ, gây phiền hà đối với doanh nghiệp và người dân khi thực thi nhiệm vụ.

- Nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh và xử lý kịp thời các vụ việc tham nhũng tiêu cực trên các lĩnh vực. Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản đối với các đối tượng theo quy định.

III. Tổ chức thực hiện

Uỷ ban nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban và các đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội tích cực tham gia giám sát, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi toàn thể nhân dân, các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV - Kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 04/12/2013./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thông