cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND ngày 19/07/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu văn bản: 06/2013/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Ngày ban hành: 19-07-2013
  • Ngày có hiệu lực: 01-08-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-12-2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2679 ngày (7 năm 4 tháng 4 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-12-2020
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-12-2020, Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND ngày 19/07/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020 bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND ngày 13/11/2020 của Hội đồng nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế Về thông qua Đề án về “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030””. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2013/NQ-HĐND

Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 7 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN MINH ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2013 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHOÁ VI, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang của cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy chế văn hóa Công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

Căn cứ Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương;

Căn cứ Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về Quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”;

Căn cứ Thông tư số 02/2013/TT-BVHTTDL ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về Quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”; “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”;

Căn cứ Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Bộ Nội vụ về ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3287/TTr-UBND ngày 4 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc đề nghị thông qua Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành và thông qua Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020 với nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu:

Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, những nét đẹp văn hóa của vùng đất Cố đô Huế; hình thành những nếp sống văn minh, tiến bộ, góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Một số chỉ tiêu cụ thể:

a) Giai đoạn 2013 - 2015:

- 100% hộ gia đình được tuyên truyền vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; trên 80% hộ gia đình thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn;

- 92% gia đình đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa;

- 95 - 100% hộ gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường, không lấn chiếm lòng đường, hè phố, gây cản trở giao thông, không đặt biển quảng cáo sai qui định, gây mất mỹ quan đô thị và nông thôn;

- 95% làng, thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu làng (thôn, bản, tổ dân phố) văn hóa; giảm mạnh tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, nạn tảo hôn, hạn chế thấp nhất tệ nạn xã hội phát sinh;

- 95% cơ quan, đơn vị và 80% doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn văn hóa;

- 100% các điểm di tích, các điểm sinh hoạt công cộng có khu vệ sinh, chấm dứt tình trạng đeo bám khách du lịch.

* Riêng đối với nông thôn:

- 100% hộ gia đình tích cực tham gia cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.

b) Giai đoạn 2016 - 2020: Giữ vững các chỉ tiêu đã đạt được trong giai đoạn 2013 - 2015, tiếp tục phấn đấu các chỉ tiêu cụ thể sau:

- 100% hộ gia đình nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn;

- 100% hộ gia đình không lấn chiếm lòng đường, hè phố, gây cản trở giao thông, không cơi nới, làm mái che, đặt biển quảng cáo sai quy định, gây mất mỹ quan đô thị;

- 95% gia đình được công nhận và giữ vững đạt chuẩn văn hóa; 97% làng (thôn, bản, tổ dân phố) được công nhận và giữ vững danh hiệu đạt chuẩn văn hóa;

- 100% hộ gia đình nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

- 100% cơ quan, đơn vị và 90% doanh nghiệp đóng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn văn hóa.

3. Một số nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn:

- Tích cực vận động nhân dân: tang lễ để không quá 3 ngày; hạn chế rải vàng mã trên đường đưa tang; các gia đình sử dụng thùng để đốt vàng mã; không mê tín dị đoan, bói toán, đồng bóng...

- Không vi phạm trật tự an toàn giao thông; nghiêm cấm việc lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán, họp chợ, đặt biển quảng cáo.

- Không đổ chất phế thải, rác ra đường, sông, ao, hồ; các gia đình thu gom và đặt rác thải đúng quy định.

- Ngăn chặn và xử lý nghiêm các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình.

- Không sử dụng trang phục thiếu lịch sự đến những nơi tôn nghiêm, các di tích lịch sử, văn hóa; nghiêm cấm tình trạng nâng giá, ép giá, tranh giành, đeo bám khách du lịch.

- Xây dựng mô hình “tổ dân phố không rác”, “thôn, làng, bản không rác”.

- Ban hành các bộ tiêu chí và tổ chức xử phạt các hành vi vi phạm trong việc xây dựng nếp sống văn minh theo quy định của pháp luật hiện hành; thiết lập các đường dây nóng, thành lập các đội kiểm tra liên ngành để kiểm tra định kỳ, đột xuất và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị.

* Riêng đối với đô thị:

- Xây dựng thành phố Huế trở thành “Thành phố không khói thuốc”, “Thành phố không có ăn xin, đeo bám”, “Thành phố xanh, sạch, đẹp”.

- Không treo, dán quảng cáo, rao vặt trên xây xanh, cột điện, công trình công cộng...; trong khu dân cư không có các điểm thu gom, buôn bán phế liệu.

- Ban hành quy định một số tuyến đường, đặc biệt là những tuyến đường du lịch không được rải vàng mã khi đưa tang.

4. Một số giải pháp:

a) Công tác tuyên truyền, giáo dục: Tập trung đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục nếp sống văn minh đô thị và nông thôn sâu rộng và đồng bộ, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức trách nhiệm của mọi người, mọi ngành, mọi cấp trong xây dựng và thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

b) Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng không gian, cảnh quan văn minh, hiện đại:

- Tập trung chỉnh trang và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn đồng bộ, chú trọng đến những địa điểm công cộng, các khu du lịch, các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các khu danh lam thắng cảnh...

- Lồng ghép việc chỉnh trang kết cấu hạ tầng nông thôn với các dự án xây dựng nông thôn mới ở các địa phương nhằm đảm bảo việc thực hiện nếp sống văn minh.

c) Phát huy vai trò của quy ước, hương ước xây dựng văn hóa:

- Hoàn thiện, bổ sung hệ thống quy ước, hương ước làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, cơ quan văn hóa phù hợp với các quy định của pháp luật.

- Đẩy mạnh các giải pháp nhằm ngăn ngừa, giáo dục ý thức chấp hành quy ước, hương ước; tạo dư luận xã hội nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi người.

d) Tổ chức sơ kết, tổng kết để kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

5. Nguồn kinh phí thực hiện:

Hàng năm, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị chủ động bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung của Đề án.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2013.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khoá VI kỳ họp thứ 6 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện