Nghị quyết số 88/2013/NQ-HĐND ngày 16/07/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Về phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013-2020 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 88/2013/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Ngày ban hành: 16-07-2013
- Ngày có hiệu lực: 20-07-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 895 ngày (2 năm 5 tháng 15 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-01-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 88/2013/NQ-HĐND | Vĩnh Yên, ngày 16 tháng 7 năm 2013 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2013 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh thú y ngày 29/04/2004;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược chăn nuôi đến năm 2020;
Trên cơ sở Tờ trình số 43/TTr-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2013 của UBND tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về phát triển chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013 - 2020 với những nội dung sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi có quy mô vừa và lớn theo hướng trang trại, công nghiệp; chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm. Nâng cao hiệu quả kiểm soát dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đảm bảo duy trì tăng trưởng bền vững của ngành chăn nuôi, trong đó ưu tiên phát triển chính là: Lợn, bò, gà.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn 2013-2015: Đến năm 2015 tỷ trọng của ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 54,5 - 55%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân 5 - 6%/ năm. Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn.
- Giai đoạn 2016-2020: Đến năm 2020 tỷ trọng ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 60%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân 3 - 4 %/ năm. Mở rộng và tăng qui mô các chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thực phẩm sạch; có thương hiệu.
2. Nhiệm vụ:
- Thực hiện xây dựng quy hoạch chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm; xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển chăn nuôi cho từng vùng và từng giai đoạn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế.
- Áp dụng tiến bộ kỹ thuật - công nghệ tiên tiến phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa; lấy phương thức, loại hình chăn nuôi: Trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp là chủ đạo; tăng giá trị và hiệu quả kinh tế.
- Dịch bệnh và ô nhiễm môi trường được kiểm soát và đảm bảo an toàn.
- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong chăn nuôi, nhất là ở cơ sở; tăng cường quản lý chất lượng vật tư, sản xuất và sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.
- Xây dựng cơ chế, khuyến khích phát triển chăn nuôi sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững.
3. Đối tượng được đầu tư, hỗ trợ
Các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, cá nhân, hộ nông dân (sau đây gọi chung là hộ) phát triển chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh (trừ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, liên kết với nước ngoài).
4. Điều kiện được đầu tư, hỗ trợ:
a) Phải phù hợp với qui hoạch đã được phê duyệt. Đối với những hộ chăn nuôi không thuộc quy hoạch hiện đang chăn nuôi không vi phạm các quy định vẫn được hỗ trợ vắc xin tiêm phòng, hỗ trợ lãi xuất vay ngân hàng và xử lý chất thải môi trường chăn nuôi.
b) Có dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật, kế hoạch hỗ trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Nội dung đầu tư, hỗ trợ
a) Về đất đai:
- Khuyến khích dồn điền, đổi thửa khu đất qui hoạch phát triển chăn nuôi; khu đất trũng, đất quỹ 2, đất trồng lúa kém hiệu quả, đất trồng màu, đất đồi trong qui hoạch phát triển chăn nuôi; sau dồn điền đổi thửa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao ổn định thời hạn 49 năm và được chuyển nhượng, cho thuê theo quy định của Luật Đất đai để phát triển chăn nuôi.
- Hỗ trợ 100% chi phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa và xây dựng bản đồ, qui hoạch theo định mức qui định của Nhà nước. Hỗ trợ cấp xã 1 triệu đồng/1 ha sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa.
- Hộ gia đình thuê đất lập trang trại tại các vùng đã quy hoạch phát triển chăn nuôi được hưởng các chính sách ưu tiên theo Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
b) Xử lý chất thải môi trường chăn nuôi:
- Hỗ trợ 20% kinh phí xây bể lọc sục khí, ao chứa chất thải lỏng và men ủ chất thải rắn cho hộ chăn nuôi lợn quy mô trên 20 con lợn nái hoặc 200 con lợn thịt/lứa trở lên, mức hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ. Hộ chăn nuôi có quy mô dưới mức quy định trên có từ 10 con trở lên được hỗ trợ làm hầm Bioga, mức hỗ trợ không quá 2 triệu đồng/hầm Bioga (trừ các hộ hưởng theo Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND ngày 19/12/2011 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ bảo vệ môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh).
- Hỗ trợ một lần tập huấn chuyển giao kỹ thuật, mua nguyên liệu, làm đệm lót chuồng sinh học cho các hộ nuôi gà qui mô từ 500 con/lứa trở lên, mức hỗ trợ 1.000 đồng/con gà, tối đa không quá 2 triệu đồng /hộ.
- Hỗ trợ 20% tiền mua máy ép phân cho hộ nuôi gà quy mô trên 2.000 con/lứa, mức hỗ trợ không quá 8 triệu đồng/hộ.
c) Hỗ trợ 50% kinh phí mua máy nghiền, máy trộn thức ăn cho các hộ chăn nuôi quy mô từ 100 con lợn/lứa hoặc nuôi từ 2.000 con gà/lứa trở lên, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/hộ.
d) Hỗ trợ 100% kinh phí mua các loại vắc xin tiêm phòng: Cúm gia cầm; lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu, bò; tai xanh, dịch tả lợn cho các hộ nuôi vịt và hộ nuôi từ 1.000 con gà trở xuống, các hộ nuôi trâu bò, lợn nái, lợn đực giống; các loại thuốc khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, phun 2 lần/năm trên phạm vi toàn tỉnh.
e) Hỗ trợ 100% lãi xuất tiền vay ngân hàng cho các hộ chăn nuôi để mua mới con giống, mức lãi xuất tính tại thời điểm vay theo quy định của Nhà nước, cụ thể:
- Hộ nuôi lợn thịt từ 200 con/lứa trở lên, mức vay tối đa không quá 250 triệu đồng/hộ, chu kỳ 4 tháng.
- Hộ nuôi bò cái lai từ 3 con trở lên, mức vay không quá 15 triệu đồng/con, chu kỳ 18 tháng.
- Hộ nuôi bò sữa, mức vay không quá 30 triệu đồng/con, chu kỳ 18 tháng.
- Hộ nuôi gà thịt từ 5.000 con/lứa trở lên, mức vay không quá 100 triệu đồng/hộ, chu kỳ 2 tháng.
f) Doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc chế biến sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn:
- Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay ngân hàng, thời gian vay tối đa 3 năm, vốn vay tối đa để làm căn cứ tính hỗ trợ lãi suất là 70% giá trị đầu tư của dự án; chỉ được hỗ trợ sau khi dự án hoàn thành, đi vào sản xuất.
- Hỗ trợ 30% chi phí xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để làm hệ thống xử lý chất thải, mua thiết bị phục vụ giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở có qui mô giết mổ tối thiểu là 100 con lợn/ngày hoặc 30 con trâu, bò/ngày; nếu giết mổ cả trâu, bò, lợn thì qui mô bằng 1/2 mỗi loại trên, mức hỗ trợ tối đa không quá 01 tỷ đồng/cơ sở.
g) Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn, sạch về thịt lợn, thịt gà và trứng gà
- Giai đoạn 2013 - 2015: Các hộ tham gia mô hình được hưởng chính sách quy định trong Nghị quyết này và được hỗ trợ thêm các nội dung sau:
+ Hỗ trợ đầu tư 50% kinh phí để cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị để bảo đảm tiêu chuẩn VietGAHP; mức hỗ trợ chuỗi thịt lợn không quá 150 triệu đồng; chuỗi thịt gà không quá 50 triệu đồng; chuỗi trứng gà không quá 20 triệu đồng.
+ Hỗ trợ kinh phí bảo quản, sát trùng, đóng hộp trứng, tem, đóng dấu sản phẩm đối với chuỗi sản xuất, cung cấp trứng gà an toàn; mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/chuỗi/năm.
+ Hỗ trợ 50% kinh phí cải tạo cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn; mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/cơ sở; số lượng 02 cơ sở.
+ Hỗ trợ đầu tư 70% kinh phí xây dựng cửa hàng, trang thiết bị phục vụ tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi; mức hỗ trợ không quá 250 triệu đồng/cửa hàng; số lượng làm điểm 1- 2 cửa hàng.
+ Hỗ trợ cho quản lý và bán sản phẩm của chuỗi (2- 4 người); thời gian hỗ trợ đến hết năm 2015; mức hỗ trợ tương đương mức lương tối thiểu nhà nước quy định cho doanh nghiệp (2,1 triệu đồng/người/tháng).
+ Hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng thương hiệu sản phẩm theo đúng quy định của Nhà nước.
- Giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục đầu tư, hỗ trợ để mở rộng, tăng qui mô, sản lượng chuỗi sản xuất thực phẩm thịt lợn, thịt gà và trứng gà an toàn, sạch .
h) Cơ sở tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi sạch, có thương hiệu:
- Hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong thời hạn 3 năm để xây dựng cửa hàng hoặc thuê địa điểm kinh doanh, mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/cửa hàng/năm.
- Hỗ trợ 70% chi phí quảng cáo sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh trong thời hạn không quá 3 năm, mức hỗ trợ không quá 30 triệu đồng/sản phẩm/ năm.
- Hỗ trợ 70% kinh phí thuê gian hàng để tham gia triển lãm, hội chợ giới thiệu sản phẩm ở trong nước.
i) Hỗ trợ công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ sản xuất chăn nuôi và quản lý, chỉ đạo thực hiện Đề án.
6. Kinh phí thực hiện Nghị quyết: Từ nguồn ngân sách tỉnh.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.
2. Thường trực HĐND, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. Nghị quyết có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Khoá XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2013 ./.
| CHỦ TỊCH |