Nghị quyết số 40/2012/NQ-HĐND ngày 20/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông Thông qua Chương trình và Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Đắk Nông năm 2013 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 40/2012/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Nông
- Ngày ban hành: 20-12-2012
- Ngày có hiệu lực: 30-12-2012
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-01-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1124 ngày (3 năm 0 tháng 29 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 28-01-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/2012/NQ-HĐND | Đắk Nông, ngày 20 tháng 12 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH VÀ QUỸ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2013
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
KHÓA II, KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm;
Căn cứ Thông tư số 73/2008/TT-BTC ngày 01 tháng 8 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm;
Sau khi xem xét Tờ trình số 4600/TTr-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc đề nghị thông qua Chương trình và Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Đắk Nông năm 2013; Báo cáo thẩm tra số 85/BC- HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2012 của Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Chương trình và Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Đắk Nông năm 2013 (có Chương trình kèm theo).
Điều 2. Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Đắk Nông được bố trí 03 tỷ đồng từ nguồn dự toán ngân sách địa phương trong năm 2013.
Điều 3. Giao cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo HĐND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện.
Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông khóa II, kỳ họp thứ 5 thông qua./..
| CHỦ TỊCH |
CHƯƠNG TRÌNH VÀ QUỸ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM
TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2013
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 40/2012/NQ-HĐND ngày 20/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông
Phần I
CHƯƠNG TRÌNH GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TỈNH ĐẮK NÔNG
I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM
1. Đặc điểm tình hình
Tỉnh Đắk Nông nằm ở Tây Nam vùng Tây Nguyên, có Quốc lộ 14 nối Đắk Nông với Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực kinh tế có động lực phát triển phía Nam, có Quốc lộ 28 nối Đắk Nông với Lâm Đồng và Bình Thuận, đồng thời nằm trong tam giác phát triển của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có cửa khẩu Bu Prăng và cửa khẩu Đắk Per là cửa ngõ giao thông, buôn bán với các nước láng giềng. Với thế mạnh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát huy các thế mạnh nông nghiệp gồm các sản phẩm chủ lực như: Cà phê, tiêu, cao su, điều và chế biến các mặt hàng nông sản khác…, công nghiệp khai khoáng có quặng bauxit.
Dân số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông khoảng 526.000 người, phân bố trên 7 huyện, 01 thị xã. Bao gồm 39 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 60.490 người, chiếm 11,5% dân số toàn tỉnh; các dân tộc thiểu số nói chung 173.580 người, chiếm 33% dân số toàn tỉnh. Lao động trong độ tuổi 318.200 người, chiếm 60,49% dân số; lao động tham gia trong nền kinh tế 274.000 người, chiếm 52,09% dân số, chia theo nhóm ngành như sau: Công nghiệp – Xây dựng 26.900 người, chiếm 9,82%; Nông, lâm, ngư nghiệp 186.300 người, chiếm 67,99%; Thương mại – Dịch vụ 60.800 người, chiếm 22,19%. Trong đó lao động ở khu vực thành thị 42.700 người, chiếm 15,58%; lao động ở khu vực nông thôn 231.300 người, chiếm 84,42%.
Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn tăng từ 85,5% năm 2011 và ước thực hiện cuối năm 2012 lên 85,75%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị 1,25% vào cuối năm 2012.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng chậm khoảng 32%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề 24%, còn thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại từ Chương trình và Quỹ giải quyết việc làm năm 2012
Nhìn chung, các hoạt động của Chương trình hầu hết đều đạt các chỉ tiêu thực hiện đó là sự nỗ lực của các cấp uỷ đảng, chính quyền nên công tác phối hợp thực hiện Chương trình và Quỹ giải quyết việc làm đạt được kết quả đáng khích lệ, cụ thể: Năm 2012 giải quyết việc làm cho 17.281/17.250 người, đạt 100,18% so với kế hoạch. Điều này đã góp phần tích cực trong công tác tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động trong bối cảnh khó khăn do khủng hoảng tài chính toàn cầu, cụ thể như sau:
* Số lao động được giải quyết việc làm chia theo các hoạt động của chương trình:
Năm 2012 giải quyết việc làm cho 17.281 lao động, trong đó: Cho vay vốn giải quyết việc làm 2.100 người, chiếm 12,15%; xuất khẩu lao động 170 người, chiếm 0,98%; tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động 345 người, chiếm 2%; tổ chức Phiên chợ việc làm lưu động: 292 người, chiếm 1,69%; dạy nghề gắn với giải quyết việc làm 695 người, chiếm 4,02%; phát triển kinh tế - xã hội tạo mở việc làm 13.679 người, chiếm 79,16%.
a) Dự án cho vay vốn tạo việc làm:
Tổng dư nợ dự kiến đến năm 2012: 55,5 tỷ đồng. Doanh số cho vay vốn giải quyết việc làm trong năm 2012 là 19,5/20 tỷ đồng, đạt 97,5% so với kế hoạch. Trong đó kinh phí Trung ương bổ sung 5,5 tỷ đồng, kinh phí địa phương 14 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn thu hồi 12/12,5 tỷ đồng, đạt 96% so với kế hoạch và nguồn vốn từ Quỹ việc làm địa phương là 02 tỷ đồng); số lao động được giải quyết việc làm qua các dự án vay vốn là 2.100 lao động, đạt 100% so với kế hoạch. Chia ra: Cơ sở sản xuất kinh doanh 270 người; hộ gia đình 1.830 người; số dự án được duyệt cho vay vốn là 842 dự án. Chia ra: Cơ sở sản xuất kinh doanh 12 dự án; hộ gia đình 830 dự án.
b) Dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (xuất khẩu lao động):
Năm 2012 số người đi xuất khẩu lao động 170/270 người, đạt 62,96% so với kế hoạch.
c) Điều tra, thống kê thị trường lao động và xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động:
- Tổ chức điều tra khảo sát, thu thập, xử lý các thông tin biến động lao động trong 116.000/116.000 hộ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh, đạt 100% so với kế hoạch.
- Tổng kinh phí thực hiện điều tra 300/340 triệu đồng, trong đó kinh phí Trung ương 120 triệu đồng, kinh phí địa phương 180 triệu đồng.
d) Hoạt động nâng cao năng lực quản lý Lao động – Việc làm cho cán bộ từ thôn, bon, tổ dân phố đến cấp huyện):
Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ từ cấp thôn, bon, tổ dân phố trở lên làm công tác Lao động – Việc làm cho 912/350 người, đạt 260,57% so với kế hoạch, trong đó cán bộ cấp huyện 24 người, cán bộ cấp xã 132 người, cán bộ (trưởng hoặc phó) thôn, bon, tổ dân phố là 756 người; với tổng kinh phí từ nguồn Trung ương đầu tư 150/90 triệu đồng.
e) Kiểm tra, giám sát Chương trình Lao động – Việc làm:
Thành lập và tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành về tình hình thực hiện cho vay vốn giải quyết việc làm tại các huyện, thị xã. Kết quả, hầu hết các dự án vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng là lao động thiếu việc làm, chưa có việc làm, thất nghiệp. Kinh phí thực hiện 50/130 triệu đồng từ nguồn kinh phí Trung ương.
f) Hội chợ, phiên chợ việc làm:
Hoạt động truyền thông: Tuyên truyền, tư vấn, phổ biến thông tin về việc làm, thị trường lao động, tổ chức 35 phiên chợ việc làm lưu động tại các xã, với 1.225 người tham gia. Qua đó, số lao động tìm được việc làm 292/300 lao động, đạt
97,33% so với kế hoạch.
g) Tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động:
Bằng nhiều hình thức tư vấn, nhiều việc làm đa dạng phù hợp cho người lao động từ không có tay nghề, lao động giản đơn đến lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn, số nghề làm việc bán thời gian ngày càng nhiều nên công tác giới thiệu việc làm và cung ứng lao động thành công cho 345/970 người, đạt 35,57% so với kế hoạch.
h) Dự án Dạy nghề:
Dự kiến cuối năm 2012, tổ chức dạy nghề gắn với việc làm cho 695/700 người, đạt 99,29% so với kế hoạch (thực hiện theo Quyết định số 04/2011/QĐ- UBND ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020”).
3. Những tồn tại
- Công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin về thị trường lao động chưa được rộng khắp đến từng người lao động, việc vận động tuyên truyền có lúc, có nơi chưa tích cực nhất là vùng sâu, vùng xa dẫn đến người lao động mất một số cơ hội trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng và trình độ tay nghề của họ hoặc tìm việc làm vào lúc nông nhàn. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thường xuyên, chưa đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.
- Ảnh hưởng trực tiếp bởi tình hình kinh tế lạm phát hiện nay, làm cho giá cả thị trường đầu vào tăng cao, trong khi đó giá một số mặt hàng nông sản do người dân sản xuất tăng chậm, nên người dân thiếu vốn, đầu tư cầm chừng dẫn đến năng suất hiệu quả thấp nên các hộ gia đình vay vốn gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ, làm tăng tỷ lệ nợ gia hạn và kéo dài thời hạn thu hồi vốn.
- Các dự án cho vay vốn giải quyết việc làm chủ yếu là dự án trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm trên 70%), đối tượng vay chủ yếu vẫn là hộ gia đình mức vay không quá 20 triệu đồng/hộ, so với tình hình giá cả tăng cao như hiện nay thì việc vay vốn để bổ sung vào nguồn vốn đầu tư chăm sóc cây trồng, vật nuôi, phân bón, máy móc thiết bị... thật sự nhỏ lẻ so với nhu cầu cần đầu tư thực tế của người dân, nên nhìn chung chỉ tăng thời giờ làm việc, chưa tạo thêm nhiều việc làm mới.
- Hiểu biết và nhận thức của người lao động về xuất khẩu lao động còn ít. Người lao động chưa có đủ thông tin để biết đi làm việc ở nước ngoài sẽ không quá khó khăn, lại có điều kiện học hỏi nâng cao khả năng nghề nghiệp, có thu nhập cao để trở về xây dựng kinh tế gia đình, góp phần xây dựng kinh tế địa phương, do đó chưa thay đổi được thói quen không đi xa nhà, hài lòng với cuộc sống hiện tại.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng chậm, ước thực hiện cuối năm 2012 khoảng 32%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề 24%, còn thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
- Với xuất phát điểm từ nền kinh tế nông nghiệp nông thôn, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của nhà đầu tư nên việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động.
- Hiệu quả tạo việc làm chưa cao từ việc cho vay vốn do mức vay thấp, trong khi nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm ngày càng nhiều nhưng nguồn vốn hàng năm chỉ đáp ứng từ 40% - 45% nhu cầu vay vốn của người dân theo quy định không quá 20 triệu đồng/1 chỗ việc làm mới (hộ gia đình). Do đó, một số mô hình trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh sẵn sàng thế chấp tài sản để vay nhưng nguồn vốn không đáp ứng đầy đủ theo quy định từ 100 – 500 triệu đồng/dự án.
- Hợp đồng vay vốn trong đó nêu rõ phương án trả nợ là thu lãi hàng tháng, thu nợ gốc hàng năm nhưng thực tế các dự án đóng lãi hàng tháng hoặc hàng quý nhưng nợ gốc đến cuối kỳ hạn hợp đồng mới trả. Điều này ảnh hưởng đến công tác thu hồi vốn cho vay quay vòng hàng năm.
- Đối tượng hưởng chính sách xuất khẩu lao động chưa phổ biến, còn giới hạn một số đối tượng ưu tiên như: hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, hộ chính sách có công, bộ đội, thanh niên xuất ngũ, hộ khó khăn về kinh tế, còn nhiều người không thuộc đối tượng vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội không đủ điều kiện thế chấp để được vay vốn nên chưa khuyến khích, thu hút được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài.
(Cụ thể đã có Báo cáo đánh giá thực hiện Chương trình và Quỹ việc làm địa phương năm 2012).
II. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH VÀ QUỸ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2013
1. Sự cần thiết
Công tác giải quyết việc làm rất được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên ở tỉnh ta hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 1,25%; thời gian sử dụng lao động ở khu vực nông thôn chiếm 85,75%; lực lượng lao động trong độ tuổi toàn tỉnh là 318.200 người, chiếm 60,49% dân số. Điều này đem lại lợi thế về nguồn lực trẻ dồi dào, có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng đồng thời cũng là sức ép không nhỏ trong giải quyết việc làm cho người lao động, do hạn chế về trình độ chuyên môn, tay nghề và kinh nghiệm. Mặt khác, làm tốt công tác giải quyết việc làm còn thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đổi mới là công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, không ngừng nâng cao chất lượng và số lượng việc làm trên địa bàn tỉnh. Do đó việc xây dựng, ban hành Chương trình và Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Đắk Nông năm 2013 là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn tại địa phương.
2. Cơ sở pháp lý
Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm;
Thông tư số 73/2008/TT-BTC ngày 01 tháng 8 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm.
III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2013
1. Quan điểm
a) Giải quyết việc làm là một trong những chương trình trọng điểm phát triển kinh tế xã hội, là chính sách xã hội cơ bản, là hướng ưu tiên trong toàn bộ các chính sách kinh tế và xã hội. Tăng việc làm có ý nghĩa nhằm phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển kinh tế, lành mạnh xã hội, đáp ứng yêu cầu bức xúc về tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân nhất là trong thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay.
b) Thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội phù hợp với cơ cấu kinh tế. Kết hợp tăng trưởng việc làm với nâng cao chất lượng việc làm và cải thiện đời sống nhân dân.
c) Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức kinh tế, tổ chức đoàn thể, xã hội, cá nhân đầu tư và tạo mở việc làm, phát triển thị trường lao động trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ trực tiếp giải quyết việc làm nhất là tín dụng ưu đãi việc làm.
d) Phát huy nội lực là chủ yếu, đồng thời tăng cường sự hợp tác quốc tế để tăng thêm nguồn lực cho giải quyết việc làm địa phương.
e) Tạo việc làm trên cơ sở phát triển thị trường lao động trong nước và mở rộng thị trường lao động nước ngoài; Tập trung ưu tiên cho những đối tượng yếu thế trong thị trường lao động; Nâng cao trách nhiệm các cấp, các ngành trong công tác hỗ việc làm cho người lao động. Đồng thời, huy động tối đa và phát huy có hiệu quả nguồn lực sẵn có trong dân để tạo thêm nhiều việc làm mới.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
Hỗ trợ phát triển tạo việc làm trong năm 2013 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng lao động, đặc biệt ở khu vực nông thôn; Góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
b) Mục tiêu cụ thể:
Hỗ trợ phát triển tạo việc làm thông qua nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Thực hiện Thông tư số 73/2008/TT-BTC ngày 01 tháng 8 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm. Năm 2013 bằng nguồn vốn Chương trình và Quỹ việc làm địa phương cho vay khoảng 455 dự án; Số tiền cho vay khoảng 18,26 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 40% - 45% nhu cầu vay vốn của người dân; Tạo việc làm cho khoảng 1.800 lao động góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình.
- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị 1,2%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn 85,75%.
3. Hoạt động của Chương trình về cho vay vốn giải quyết việc làm
- Tổng dư nợ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đến năm 2013: 61 tỷ đồng;
- Doanh số cho vay vốn giải quyết việc làm là 18,26 tỷ đồng; Trong đó kinh phí Trung ương bổ sung 2,76 tỷ đồng; kinh phí địa phương 15,5 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn thu hồi cho vay quay vòng là 12,5 tỷ đồng và nguồn vốn từ Quỹ việc làm địa phương là 03 tỷ đồng);
- Số dự án được duyệt cho vay vốn: 455 dự án (bao gồm 440 dự án hộ gia đình, nhóm hộ và 15 dự án cơ sở sản xuất kinh doanh), ưu tiên và tăng mức vay cho các dự án cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định từ 100 triệu đến 500 triệu;
- Số tiền giải ngân cho các dự án: 18,26 tỷ đồng. Chia ra: Cơ sở sản xuất kinh doanh 2,7 tỷ đồng, hộ gia đình là 15,56 tỷ đồng;
- Số lao động được giải quyết việc làm qua các dự án vay vốn là 1.800 lao động. Chia ra: Cơ sở sản xuất kinh doanh 270 người, hộ gia đình 1.530 người.
Trong đó: Lao động nữ 800 người, lao động là người tàn tật 8 người, lao động là dân tộc thiểu số 180 người, lao động bị thu hồi đất 50 người.
4. Giải pháp thực hiện Chương trình giải quyết việc làm
- Đẩy nhanh công tác đầu tư đối với các dự án, đề án phát triển kinh tế đã được phê duyệt nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, chuyển dịch về cơ cấu kinh tế và cơ cấu về lao động theo hướng tăng dần số lao động làm việc trong ngành Công nghiệp – Xây dựng, dịch vụ và giảm dần số lao động trong lĩnh vực Nông, Lâm nghiệp.
- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong nhân dân về nguồn vốn cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm để người dân tiếp cận, nắm rõ mục đích của nguồn vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả hơn.
- Lãnh đạo các địa phương quan tâm, tiên phong, và thể hiện tính năng động
trong công tác lao động việc làm.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác lao động việc làm từ cấp xã đến cấp tỉnh nắm vững kiến thức chuyên môn, am hiểu pháp luật và những kỹ năng cần thiết để có thể làm việc một cách chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
- Tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn kinh phí giải quyết việc làm Trung ương, ngân sách địa phương hàng năm để bổ sung vào nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm địa phương, nhằm đáp ứng trên 45% nhu cầu vay vốn của người dân theo đúng quy định (20 triệu đồng/1 việc làm mới) vào năm 2013.
- Đối với dự án hộ gia đình: Công tác bình xét đúng đối tượng, nhu cầu vốn vay, khả năng tạo việc làm cho lao động của chính quyền địa phương cấp xã, phường, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức Hội nhận ủy thác cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, tránh tình trạng cả nể, áp đặt, thiếu dân chủ, bình xét không đúng đối tượng, gây khó khăn cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thẩm định, giải ngân cho vay cũng như làm sai lệch mục đích cho vay vốn của Chương trình.
- Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường công tác thu hồi nợ đến hạn, đặc biệt là thu nợ gốc hàng năm theo đúng phương án trả nợ trong hợp đồng vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các dự án, không để tình trạng thu nợ gốc đến cuối thời hạn hợp đồng vay vốn mới trả; hạn chế tỷ lệ cho gia hạn nợ đối với dự án cố tình kéo dài thời hạn trong khi có khả năng trả nợ để đảm bảo tiến độ thu hồi vốn cho vay quay vòng của Chương trình.
- Phân bổ vốn ưu tiên các dự án mô hình kinh tế trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh làm ăn hiệu quả, khả thi, dựa trên thu nhập hàng năm chứ không căn cứ vào diện tích cây trồng, vật nuôi để tạo việc làm ổn định cho người chưa có việc làm, thiếu việc làm, gắn với sự phát triển kinh tế trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp chế biến hàng nông sản, hàng gỗ gia dụng, hàng xuất khẩu để giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động.
- Cho vay ưu đãi đối với các nhóm lao động yếu thế như: Người đồng bào dân tộc thiểu số, người tàn tật, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật nhằm tránh nguy cơ mất việc làm, ổn định cuộc sống và hoà nhập cộng đồng.
- Xây dựng cơ chế ưu tiên cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm đối với các đối tượng thuộc vùng được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang để phục vụ làm các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp.
- Ủy ban nhân dân huyện, thị xã quyết định điều chuyển nguồn vốn vay giữa các xã, phường, thị trấn (do chậm tiến độ thực hiện dự án theo quy định) trong phạm vi nguồn vốn đơn vị quản lý khi cần thiết.
- Tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, cơ chế, thủ tục hành chính để phát triển và mở rộng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nông trang trại…để tạo việc làm, thu hút nhiều lao động.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức đoàn thể triển khai các chương trình, đề án, dự án tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.
- Tổ chức cho những người thất nghiệp, thiếu việc làm vay vốn tạo việc làm mới hoặc tự tạo việc làm có hiệu quả hơn, gắn với các hình thức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để chuyển giao công nghệ, hướng dẫn cách làm ăn cho nông dân và phát triển ngành nghề.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực giải quyết việc làm để từ đó có một cái nhìn toàn diện về công tác giải quyết việc làm, đánh giá đúng và đạt các chỉ tiêu đặt ra.
5. Nguồn lực tài chính
Tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình: 18,26 tỷ đồng; trong đó:
- Nguồn vốn từ trung ương hỗ trợ, bổ sung 2,76 tỷ đồng.
- Nguồn vốn từ địa phương: 15,5 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn thu hồi cho vay
quay vòng 12,5 tỷ đồng, Quỹ việc làm địa phương năm 2013 bổ sung: 03 tỷ đồng).
Bảng dự toán kinh phí thực hiện Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Đắk Nông năm 2013
Đơn vị tính: Triệu đồng
TT | Nội dung | Tạo việc làm (người) | Tổng | Chia ra | ||
Ngân sách Trung ương | Ngân sách địa phương | |||||
Nguồn vốn thu hồi cho vay quay vòng | Dự kiến Quỹ việc làm địa phương bổ sung | |||||
1 | Cho vay vốn giải quyết việc làm. | 1.800 | 18.260 | 2.760 | 12.500 | 3.000 |
Tổng cộng: | 1.800 | 18.260 | 2.760 | 12.500 | 3.000 |
Phần II
QUỸ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2013
1. Quy định chung
Quy định việc cho vay, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Đắk Nông (sau đây gọi là Quỹ việc làm địa phương), phần vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm khuyến khích đầu tư tạo việc làm mới cho người lao động, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình giải quyết việc làm của tỉnh Đắk Nông.
2. Quỹ việc làm địa phương
Doanh số cho vay vốn giải quyết việc làm năm 2013 dự kiến là 18,26 tỷ đồng. Trong đó kinh phí Trung ương bổ sung 2,76 tỷ đồng; kinh phí địa phương 15,5 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn thu hồi cho vay quay vòng là 12,5 tỷ đồng và nguồn vốn từ Quỹ việc làm địa phương là 03 tỷ đồng).
Để có nguồn vốn cho vay theo kế hoạch, Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí bổ sung 03 tỷ đồng từ nguồn dự toán ngân sách địa phương cho Quỹ giải quyết việc làm để thực hiện Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Đắk Nông năm 2013.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Chương trình và Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Đắk Nông năm 2013 và báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định./.