Nghị quyết số 38/2012/NQ-HĐND ngày 12/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La Về Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Sơn La năm 2013 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 38/2012/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Sơn La
- Ngày ban hành: 12-12-2012
- Ngày có hiệu lực: 22-12-2012
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 13-02-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 418 ngày (1 năm 1 tháng 23 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 13-02-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/2012/NQ-HĐND | Sơn La, ngày 12 tháng 12 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TỈNH SƠN LA NĂM 2013
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHOÁ XIII, KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994 (Đã được sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007); Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm;
Xét Tờ trình số 232/TTr-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2012 của UBND tỉnh Sơn La về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Sơn La năm 2013. Báo cáo thẩm tra số 154/BC-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2012 của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh; tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Sơn La năm 2013 với những nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH
Phối hợp, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các dự án phát triển ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và nhân dân tham gia vào công tác tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động góp phần ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Hạn chế các tệ nạn góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
a) Tạo việc làm mới và đảm bảo việc làm cho người có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; giúp cho người lao động chưa có việc làm sớm có việc làm; người thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, hiệu quả thấp có thêm việc làm, việc làm ổn định, mang lại hiệu quả cao hơn. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ.
b) Cơ cấu lao động nông, lâm, ngư nghiệp là 76%; công nghiệp và xây dựng là 11,22%; thương mại, du lịch, dịch vụ khác là 12,76%.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Năm 2013 giải quyết việc làm mới cho 17.500 lao động, gồm:
a) Giải quyết việc làm từ chương trình phát triển kinh tế - xã hội: 14.700 lao động (nông, lâm, ngư nghiệp 3.500 lao động; công nghiệp 4.000 lao động; xây dựng 2.000 lao động; thương mại và dịch vụ 4.600 lao động; du lịch 600 lao động).
b) Giải quyết việc làm từ cho vay vốn giải quyết việc làm: 2.500 lao động.
c) Giải quyết việc làm từ xuất khẩu lao động: 100 lao động.
d) Cung ứng lao động cho các khu công nghiệp ngoài tỉnh: 200 lao động.
2.2. Giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp và lao động chưa có việc làm ở khu vực thành thị xuống 4,2%; ổn định tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn ở mức 89%.
III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM NĂM 2013
1. Giải quyết việc làm từ phát triển kinh tế - xã hội
1.1. Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp
a) Tập trung chỉ đạo đầu tư thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, đưa một số giống lúa mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất nhằm đảm bảo an toàn lương thực bù lại phần diện tích lúa nước bị ngập. Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả trọng tâm là phát triển cây chè, cà phê, cây ăn quả chất lượng cao, tiếp tục trồng mới cây cao su. Tiếp tục hoàn thiện các trại nhân giống cây ăn quả Mường Hồng và Phiêng Cằm, xây dựng các mô hình cây ăn quả ở các xã vùng cao, đảm bảo đủ giống tốt cho nhu cầu phát triển. Khai thác các vùng đất trống, đồi núi trọc, vùng trồng cây có hiệu quả kinh tế thấp phát triển diện tích trồng mới cây có giá trị kinh tế cao.
b) Đẩy mạnh trồng rừng mới và bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất tổ chức quản lý và chăm sóc có hiệu quả vốn rừng hiện có, tiếp tục triển khai các dự án bảo vệ rừng.
c) Đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi, trọng tâm là phát triển đàn gia súc ăn cỏ, theo hướng sản xuất hàng hoá nhằm khai thác lợi thế của địa phương, phát triển các trang trại chăn nuôi tập trung gắn với vệ tinh là các hộ gia đình.
d) Tuyên truyền và vận động, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá ruộng, cá lồng, bè trên các sông, suối. Phát triển nguồn lợi thủy sản các hồ chứa đặc biệt là hồ chứa thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La.
1.2. Phát triển công nghiệp
a) Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh và mở rộng sản xuất tạo thêm việc làm; Thu hút các nhà đầu tư vào chế biến nông lâm sản, đầu tư phát triển mở rộng sản xuất da giầy; xây dựng nhà máy chế biến từ các sản phẩm của địa phương.
b) Tập trung đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp để thu hút lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề vào làm việc, tăng số lao động trong các ngành công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng lao động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả sản xuất nhà máy chế biến sữa, chế biến chè.
c) Hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy nhà máy xi măng Chiềng Sinh, Mai Sơn đi vào hoạt động ổn định và mở rộng sản xuất thu hút thêm lao động.
d) Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, hình thành điểm sản xuất tiểu thủ công nghiệp quy mô hộ gia đình hướng vào sản xuất hàng tiêu dùng là chính, nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
1.3. Đầu tư xây dựng
a) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư vào xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ, xây dựng các các nhà máy sản xuất chế biến tại các cụm, khu công nghiệp, khu du lịch, khu vui chơi giải trí...
b) Đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất hàng hoá trọng điểm, phát triển và nâng cấp mạng lưới giao thông, đầu tư các dự án thuỷ lợi, kiên cố hoá hệ thống kênh mương, xây dựng và nâng cấp khu đô thị tại trung tâm các huyện.
1.4. Phát triển thương mại dịch vụ
a) Tăng cường xúc tiến thương mại, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các loại hình dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm hàng hóa, chủ động tìm kiếm thị trường, thực hiện các giải pháp để đưa hàng hóa của Sơn La hội nhập với thị trường cả nước, thị trường các nước trong khu vực, hoàn thiện hệ thống phân phối hàng hóa, thúc đẩy phát triển thương mại ở nông thôn, đầu tư phát triển trung tâm thương mại. Tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại ở địa bàn các xã vùng sâu vùng xa, đẩy mạnh giao thương hàng hoá nông, lâm sản và hàng bách hoá tổng hợp.
b) Phát triển hệ thống dịch vụ vận tải đường bộ và đường thủy, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng được yêu cầu về vận chuyển hàng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa.
1.5. Phát triển du lịch
a) Tiếp tục chỉ đạo khai thác có hiệu quả tiềm năng về du lịch của khu du lịch, tạo ra các tua, tuyến hấp dẫn du khách du lịch trong và ngoài tỉnh và khách quốc tế. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hoạt động du lịch, đưa người dân cùng tham gia làm du lịch tạo việc làm và tăng thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống.
b) Khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia kinh doanh du lịch xây dựng sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo, mang sắc thái riêng của Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng; nâng cao chất lượng hiện có và đa dạng hóa sản phẩm.
c) Tiếp tục tham gia hoạt động phát triển du lịch trong khung hợp tác du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.
2. Giải quyết việc làm từ hoạt động xuất khẩu lao động
a) Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với người lao động đi xuất khẩu lao động, đặc biệt là thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động để tham gia xuất khẩu lao động theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ, Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
b) Tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về xuất khẩu lao động đến người lao động, phối hợp với các đơn vị hoạt động xuất khẩu lao động tổ chức giáo dục, định hướng nâng cao nhận thức, ý thức của người lao động tham gia xuất khẩu lao động.
3. Giải quyết việc làm từ hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm
a) Cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ quỹ giải quyết việc làm, để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động trong doanh nghiệp và thu hút thêm lao động vào làm việc tại doanh nghiệp.
b) Cho vay với các dự án khởi sự doanh nghiệp, phát triển sản xuất của thanh niên; các dự án giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động nữ nông thôn.
c) Thực hiện cho vay ủy thác đối với các tổ chức chính trị - xã hội thông qua Ngân hàng chính sách xã hội.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nhóm giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội trên mọi lĩnh vực
a) Tận dụng mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong đó cần lựa chọn đầu tư phát triển các ngành, các lĩnh vực, từng sản phẩm, đổi mới công nghệ trong các ngành kinh tế và hiện đại hóa công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ trên thị trường. Ưu tiên đổi mới trang thiết bị đối với các lĩnh vực phát triển thủy điện vừa và nhỏ, công nghiệp chế biến hàng nông lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tăng sản lượng cung cấp sản phẩm cho tiêu dùng, sản xuất và xuất khẩu; thúc đẩy thương mại phát triển.
b) Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp ngoài tỉnh phát triển sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt các ngành dệt may, giày da để thu hút được nhiều lao động từ ngành nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
c) Tạo điều kiện, khuyến khích cho các doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản có hiệu quả đầu tư mở rộng quy mô sản xuất thu hút lao động.
d) Ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ về tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị.
e) Tập trung đầu tư, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế để nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh để giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
f) Khai thác có hiệu quả tiềm năng về du lịch; đa dạng hóa các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... Nghiên cứu tổ chức một số sự kiện văn hóa, thể thao nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và tiềm năng du lịch của tỉnh. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hoạt động du lịch để cho người dân hiểu, biết cách làm du lịch để tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
2. Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
a) Khai thác có hiệu quả các cơ sở dạy nghề hiện có, đồng thời đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các trường nghề, cơ sở dạy nghề và định hướng cho chương trình dạy nghề.
b) Tập trung đào tạo các nghề phục vụ cho chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và các ngành nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động xuất khẩu.
c) Thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi đối với các đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động dạy nghề, tuyển lao động vào dạy nghề và bố trí việc làm tại đơn vị doanh nghiệp.
3. Nhóm giải pháp xuất khẩu lao động
a) Đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của đảng ủy, chính quyền cơ sở về chương trình xuất khẩu lao động, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về xuất khẩu lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng; Chỉ đạo các hội đoàn thể cơ sở chủ động đưa chương trình xuất khẩu lao động vào nội dung sinh hoạt.
b) Chủ động tổ chức hội nghị tư vấn tại các xã, phường, thị trấn cho người lao động về thông tin cơ bản khi đi làm việc ở nước ngoài như điều kiện, chi phí, tiền lương, thủ tục. Lập danh sách những người đăng ký tham gia xuất khẩu lao động giới thiệu cho các đơn vị hoạt động xuất khẩu lao động.
c) Tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan lựa chọn các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động có uy tín, thị trường phù hợp với trình độ, năng lực của người lao động trong tỉnh.
4. Nhóm giải pháp cho vay vốn tạo việc làm
a) Tạo điều kiện thuận lợi, tập trung cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn đầu tư cho sản xuất thu hút lao động vào làm việc.
b) Đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án, giải ngân cho các đối tượng vay vốn không để vốn tồn tại Ngân hàng.
c) Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay, mục đích sử dụng vốn, đánh giá hiệu quả của dự án vay vốn.
5. Nhóm giải pháp phát triển thị trường lao động, Thông tin thị trường lao động
a) Cập nhật thông tin biến động năm 2013 của tất cả những người từ đủ 10 tuổi trở lên về trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn kỹ thuật, việc làm trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cung lao động của năm 2012 từ tổ, bản, xã, phường, thị trấn.
b) Nâng cao chất lượng, hiệu quả của các dịch vụ giới thiệu, tư vấn việc làm cho người lao động.
c) Cập nhật thông tin cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, làm cơ sở dữ liệu để xây dựng kế hoạch cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
d) Thực hiện tốt công tác dự báo về thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và phục vụ yêu cầu của doanh nghiệp, của người lao động.
e) Hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin về thị trường lao động thông qua trung tâm giới thiệu việc làm và mở rộng đến cơ sở để người lao động tìm việc thuận lợi.
6. Nhóm giải pháp thông tin tuyên truyền
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ chương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về giải quyết việc làm và chương trình giải quyết việc làm của tỉnh bằng nhiều hình thức như tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt khai thác tốt hệ thống truyền thanh tại các tổ bản, tiểu khu, nâng cao nhân thức của người lao động và người sử dụng lao động về giải quyết việc làm, tích cực tham gia vào chương trình giải quyết việc làm của tỉnh, chủ động tạo thêm việc làm, tự tạo việc làm cho bản thân và thu hút lao động vào làm việc.
b) Tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ làm công tác giải quyết việc làm ở cơ sở.
c) Phổ biến, tuyên truyền về công tác xây dựng mối quan hệ hài hòa ổn định trong các doanh nghiệp.
d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật lao động, nghị quyết về giải quyết việc làm trên địa bàn.
V. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN
1. Các nguồn vốn đầu tư phát triển; Nguồn vốn hỗ trợ tái định cư Thuỷ điện Sơn La; Nguồn vốn thực hiện chương trình Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và các nguồn hỗ trợ khác, được duyệt trong dự toán chi ngân sách của tỉnh năm 2013.
2. Nguồn quỹ Quốc gia giải quyết việc, nguồn quỹ giải quyết việc làm tỉnh.
3. Kinh phí điều tra cung cầu lao động của tỉnh năm 2013.
4. Kinh phí đầu tư cho xây dựng Trung tâm dạy nghề các huyện, kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
5. Kinh phí hoạt động giám sát, tập huấn nâng cao năng lực năm 2013.
Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày HĐND tỉnh khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Sơn La năm 2013; chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này.
2. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tăng cường tuyên truyền, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh Sơn La khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2012./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |