cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 17/2012/NQ-HĐND ngày 07/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang Về việc phê chuẩn dự toán thu, chi ngân sách nhà nước tỉnh An Giang năm 2013 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 17/2012/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
  • Ngày ban hành: 07-12-2012
  • Ngày có hiệu lực: 17-12-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-12-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 368 ngày (1 năm 3 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 20-12-2013
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 20-12-2013, Nghị quyết số 17/2012/NQ-HĐND ngày 07/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang Về việc phê chuẩn dự toán thu, chi ngân sách nhà nước tỉnh An Giang năm 2013 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 10/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước tỉnh An Giang năm 2012 (Tình trạng hiệu lực không xác định)”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2012/NQ-HĐND

An Giang, ngày 07 tháng 12 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TỈNH AN GIANG NĂM 2013

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 5

(Từ ngày 05 đến ngày 07/12/2012)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Sau khi xem xét Tờ trình số 107/TTr-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê chuẩn dự toán thu, chi ngân sách nhà nước tỉnh An Giang năm 2013; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê chuẩn dự toán thu, chi ngân sách nhà nước tỉnh An Giang năm 2013 như sau:

1. Thu ngân sách nhà nước (NSNN):

a) Tổng thu NSNN từ kinh tế trên địa bàn : 5.505.000 triệu đồng.

- Các khoản thu cân đối NSNN    : 3.955.000 triệu đồng. Gồm:

+ Thu nội địa     : 3.855.000 triệu đồng.

+ Thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt      : 100.000 triệu đồng.

và thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu

- Các khoản thu để lại chi quản lý qua NSNN       : 1.550.000 triệu đồng. Gồm:

+ Thu xổ số kiến thiết     : 800.000 triệu đồng.

+ Học phí, viện phí         : 750.000 triệu đồng.

b) Tổng thu ngân sách địa phương (NSĐP)          : 8.814.762 triệu đồng.

- Các khoản thu cân đối NSNN    : 7.264.762 triệu đồng. Gồm:

+ Các khoản thu từ kinh tế NSĐP được hưởng : 3.834.700 triệu đồng.

+ Thu bổ sung từ ngân sách Trung ương : 3.430.062 triệu đồng.

- Các khoản thu để lại chi quản lý qua NSNN       : 1.550.000 triệu đồng. Gồm:

+ Thu xổ số kiến thiết     : 800.000 triệu đồng.

+ Học phí, viện phí         : 750.000 triệu đồng.

2. Tổng chi ngân sách địa phương          : 8.814.762 triệu đồng.

a) Các khoản chi cân đối ngân sách        : 7.264.762 triệu đồng. Gồm

- Chi đầu tư phát triển    : 1.361.606 triệu đồng.

- Chi thường xuyên        : 5.728.746 triệu đồng.

- Chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính          : 1.170 triệu đồng.

- Dự phòng ngân sách    : 173.240 triệu đồng.

b) Chi từ các nguồn thu để lại quản lý qua NSNN : 1.550.000 triệu đồng.

- Chi đầu tư xây dựng cơ bản (xổ số kiến thiết)    : 800.000 triệu đồng.

- Chi thường xuyên (học phí, viện phí)      : 750.000 triệu đồng.

3. Thống nhất tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu cho ngân sách cấp huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là ngân sách cấp huyện); nguyên tắc phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương; mức phân bổ ngân sách cấp tỉnh về chi thường xuyên cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các đơn vị khác thuộc ngân sách cấp tỉnh; mức bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách cấp huyện theo báo cáo số 110/BC-STC ngày 14 tháng 11 năm 2012 của Sở Tài chính.

Điều 2. Giải pháp chủ yếu để thực hiện dự toán ngân sách nhà nước tỉnh năm 2013:

1. Về thu ngân sách:

a) Tổ chức thu theo luật định, khai thác tốt các nguồn thu về đất theo bảng giá đất năm 2013 được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Tăng cường kiểm tra chống thất thu về hộ và doanh số.

b) Bám sát dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu năm 2013; tính đúng, tính đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách theo các chính sách, chế độ hiện hành và những chế độ, chính sách mới sẽ có hiệu lực thi hành năm 2013; các khoản thu ngân sách nhà nước của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát sinh, phải nộp trong năm 2013, trong đó có tính các khoản thu phát sinh từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi thuế; các khoản miễn, giảm, giãn theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm sát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp; chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, thu số thuế nợ đọng từ các năm trước, các khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi, các khoản thu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…

c) Triển khai mạnh mẽ cải cách hành chính thuế, tập trung vào việc rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, công khai đầy đủ các thủ tục hành chính thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính thuế tại cơ quan Thuế các cấp.

d) Đề ra các biện pháp và lộ trình cụ thể để xử lý các khoản nợ đọng thuế; chống thất thu, trốn lậu thuế và gian lận thương mại; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Phản ánh kịp thời các khoản thu phí, lệ phí và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước nước theo quy định.

đ) Tập trung cho công tác tổ chức bán nhà, đất dôi dư thuộc sở hữu nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Thực hiện rộng rãi phương thức dùng quỹ đất tạo nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức đấu giá đất những khu dân cư có vị trí thuận lợi. Khai thác, quản lý nguồn thu theo luật định, chống thất thu, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh; tiếp tục xử lý quỹ nhà đất dôi dư thuộc sở hữu nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư. Khai thác tốt các nguồn thu về đất để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị.

2. Về chi ngân sách:

a) Chi đầu tư xây dựng cơ bản:

- Bố trí vốn đầu tư ưu tiên tập trung thanh toán tạm ứng và trả nợ khối lượng các năm trước và theo đúng Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của tỉnh. Chú ý điều hành tập trung về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, vốn từ nguồn xổ số kiến thiết. Chú trọng khâu thẩm định và quyết định các dự án đầu tư, nâng chất lượng công tác quản lý, giám sát thi công và tăng cường công tác thanh tra trong và sau đầu tư.

- Bố trí vốn đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, khoa học công nghệ bảo đảm theo chỉ tiêu không thấp hơn dự toán Trung ương giao.

b) Chi thường xuyên:

- Các ngành, các cấp ngân sách tổ chức điều hành theo dự toán được duyệt, chủ động sắp xếp những khoản chi đột xuất phát sinh trong phạm vị dự toán được giao, hạn chế việc đề nghị bổ sung kinh phí khi chưa thực sự cần thiết và chưa sử dụng hết kinh phí đã giao trong năm. Thực hiện nghiêm chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên nhất là các khoản chi: mua xe công, tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công, tiếp khách… Tiếp tục thực hiện cơ chế giao quyền tự chủ cho đơn vị sử dụng ngân sách về tổ chức, biên chế, thu chi tài chính theo quy định.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thực hiện việc phân bổ và giao dự toán theo đúng thời gian quy định, đối với dự toán chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo không được thấp hơn chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

- Thực hiện nghiêm túc việc công khai dự toán và quyết toán hàng năm của từng cấp ngân sách, từng cơ quan, đơn vị nhằm tăng cường quyền giám sát của nhân dân, cán bộ công chức trong đơn vị và cơ quan quản lý cấp trên.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan Tài chính, Kho bạc nhà nước, Thanh tra nhà nước trong việc quản lý sử dụng ngân sách, quản lý sử dụng tài sản công.

Điều 3. Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh; nhiệm vụ thu, chi; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu cho ngân sách cấp huyện; mức bổ sung từ ngân sách tỉnh cho ngân sách cấp huyện và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Điều 4. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2012 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phan Văn Sáu