cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 13/2012/NQ-HĐND ngày 20/07/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái Nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012-2015 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 13/2012/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Ngày ban hành: 20-07-2012
  • Ngày có hiệu lực: 30-07-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-07-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 727 ngày (1 năm 12 tháng 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 27-07-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 27-07-2014, Nghị quyết số 13/2012/NQ-HĐND ngày 20/07/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái Nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012-2015 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND ngày 17/07/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng phát thanh-truyền hình tỉnh và truyền thanh cơ sở tỉnh Yên Bái năm 2015 (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2012/NQ-HĐND

Yên Bái, ngày 20 tháng 7 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHOÁ XVII - KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 116/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 15/2010/TT-BTTTT ngày 01 tháng 7 năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về điều kiện phát sóng quảng bá trực tiếp các kênh chương trình truyền hình trên vệ tinh.

Sau khi xem xét Tờ trình số 116/TTr - UBND ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc đề nghị ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015; nghe báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015, với các nội dung sau đây:

1. Mục tiêu của đề án

a) Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu trong giai đoạn 2012 - 2015 nâng cao hiệu quả hoạt động của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các trạm phát lại phát thanh-truyền hình trên địa bàn tỉnh; đảm bảo để Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh ổn định tổ chức bộ máy với đội ngũ cán bộ, viên chức tinh thông nghiệp vụ; đổi mới, nâng cao chất lượng, tăng thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình, đặc biệt là chương trình truyền hình và chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc; mở rộng phạm vi phủ sóng với chất lượng tín hiệu cao, thu hút được số lượng lớn khán thính giả trong tỉnh, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh Yên Bái ra các địa phương khác trong nước.

b) Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Phấn đấu đến năm 2015, có 90% phóng viên, biên tập viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có trình độ đại học (trong đó ít nhất 50% có bằng đại học chuyên ngành báo chí); 08% có trình độ thạc sỹ; 70% phóng viên, biên tập viên thời sự và chuyên đề của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh được đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị.

- Nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình theo hướng phản ánh nhanh nhạy, kịp thời và đổi mới hình thức thể hiện thông qua các thể loại trực tiếp, tương tác và liên kết sản xuất chương trình; tăng thời lượng và số lượng các chuyên đề, chuyên mục liên quan đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội; mở mới các chương trình phim tài liệu, phim khoa giáo, games show (các trò chơi trên truyền hình) và các cuộc thi trên truyền hình.

- Phấn đấu trước năm 2014 kênh truyền hình Yên Bái phát sóng trên vệ tinh với thời lượng 15 giờ/ngày, trong đó chương trình tự sản xuất có thời lượng là 6 giờ.

Năm 2015, kênh truyền hình Yên Bái phát sóng trên vệ tinh với thời lượng 17 giờ/ngày, trong đó chương trình tự sản xuất có thời lượng là 7 giờ; các chương trình phát thanh có thời lượng tự sản xuất là 6 giờ 30 phút/ngày.

- Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển khoa học, công nghệ. Thực hiện giải pháp truyền dẫn phát sóng kênh truyền hình địa phương trên vệ tinh. Năm 2015, phát sóng truyền hình mặt đất analog song song với truyền hình số tại trạm trung tâm tỉnh. Phấn đấu nâng tỷ lệ phủ sóng phát thanh địa phương lên 92% địa bàn dân cư; tỷ lệ phủ sóng truyền hình địa phương đạt 100%. Tỷ lệ hộ nghe, xem chương trình phát thanh, truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái đạt 85%.

2. Giải pháp thực hiện

a) Hàng năm, trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được giao, tuyển dụng cán bộ đảm bảo đúng chuyên ngành và trình độ đào tạo để sắp xếp vào các vị trí công việc.

- Quan tâm làm tốt công tác tổ chức cán bộ; bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập, kỹ thuật theo hướng chuyên nghiệp và đạt chuẩn theo quy định.

- Thực hiện chính sách đãi ngộ trong tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, viên chức có năng lực và được đào tạo đại học báo chí chính quy. Có chế độ ưu tiên trong tuyển dụng và đào tạo phóng viên, biên tập viên là người dân tộc thiểu số.

- Mở rộng mạng lưới cộng tác viên, thông tin viên bao gồm phóng viên Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, Đài Truyền thanh cơ sở, các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh.

b) Tăng cường thực hiện các biện pháp thu hút nguồn vốn đầu tư, tăng các nguồn thu, đặc biệt là nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo, thực hiện chương trình phối hợp. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng tài chính; xây dựng chính sách về chi trả nhuận bút, thù lao cho cán bộ, viên chức của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và cộng tác viên theo quy định hiện hành.

c) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ sự nghiệp phát thanh - truyền hình, đặc biệt là trong ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ sản xuất chương trình, truyền dẫn phát sóng.

d) Tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện các chương trình phát thanh - truyền hình. Đẩy mạnh trao đổi chương trình với các Đài Phát thanh - Truyền hình Trương ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phối hợp, liên kết với các công ty truyền thông sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình, đặc biệt là chương trình truyền hình phát trên sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

đ) Ngân sách Nhà nước hỗ trợ học phí cho cán bộ, viên chức của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Đài Phát thanh - Truyền hình cấp huyện tham gia học lớp cử nhân chính trị và lớp đại học báo chí hệ vừa làm vừa học.

3. Nguồn vốn

Tổng nguồn vốn là: 42,013 tỷ đồng; cơ cấu nguồn vốn: Vốn ngân sách trung ương: 35%; vốn ngân sách địa phương: 55%; nguồn vốn khác: 10%.

Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh Yên Bái khoá XVII - kỳ họp thứ 5 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Bộ Tài Chính;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- TT.Tỉnh ủy;
- UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Như Điều 3;
- VP.UBND tỉnh (đăng công báo);
- Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- TT.HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chánh, Phó VP Đoàn ĐBQH &HĐND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu VT, Cvhxh.

CHỦ TỊCH




Dương Văn Thống