Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày 19/07/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Thông qua Chương trình cải cách hành chính tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012-2020
- Số hiệu văn bản: 60/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Ngày ban hành: 19-07-2012
- Ngày có hiệu lực: 19-07-2012
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 17-12-2018
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2342 ngày (6 năm 5 tháng 2 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 17-12-2018
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60/NQ-HĐND | Vĩnh Phúc, ngày 19 tháng 7 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 (ban hành kèm theo Nghị quyết số 30c/NQ - CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ);
Trên cơ sở Tờ trình số 44/TTr-UBND ngày 15/6/2012 của UBND tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Chương trình cải cách hành chính tỉnh Vĩnh phúc giai đoạn 2012-2020, với một số nội dung sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
Tiếp tục cải cách thể chế, cơ chế, chính sách đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính.
b) Mục tiêu cụ thể
- Giai đoạn 1 (2012 - 2015) gồm các mục tiêu sau đây:
+ Sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị để không còn sự chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan hành chính nhà nước; phân định rõ ràng, hợp lý trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan hành chính.
+ Thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, tổ chức được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản; mỗi năm đều có tỷ lệ giảm chi phí mà cá nhân, tổ chức, phải bỏ ra khi giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước.
+ 6/9 UBND cấp huyện được triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức từ 61- 65%.
+ Từng bước nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, bảo đảm sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức từ 61- 65%.
+ Từ 51-55% các cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; 5% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính.
+ Từ 61- 65% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trên mạng điện tử; 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử; cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2 và hầu hết dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 tới người dân, doanh nghiệp.
- Giai đoạn 2 (2016 - 2020) gồm các mục tiêu sau đây:
+ Hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương hoạt động thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
+ 100% UBND cấp huyện và 90% UBND các phường, thị trấn triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông hiện đại. Thủ tục hành chính được cải cách cơ bản, mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt mức từ 81-85%.
+ Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thực thi công vụ; 100% các cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; 15% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính; 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt tiêu chuẩn theo chức danh.
+ Sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức từ 81- 85%; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đạt mức từ 81- 85%;
+ 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; bảo đảm dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết các hoạt động trong các cơ quan; hầu hết các giao dịch của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử, dựa trên các ứng dụng truyền thông đa phương tiện; hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên mạng thông tin điện tử ở mức độ 3 và 4.
2. Nhiệm vụ
a) Về cải cách thể chế
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng lấy ý kiến của nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, rà soát và kịp thời hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác cho phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.
b) Về cải cách thủ tục hành chính
- Thực hiện cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân, doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước, các ngành, các cấp và trong nội bộ từng cơ quan hành chính nhà nước theo hướng tinh, gọn.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; mở rộng cơ chế một cửa liên thông tại một số sở, ngành và cơ chế một cửa liên thông hiện đại tại UBND các huyện, thành, thị và thực hiện thí điểm tại các phường, thị trấn.
- Thực hiện cải cách thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực của xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính bằng các hình thức thiết thực và thích hợp. Duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
c) Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
- Rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và biên chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cấp huyện và các cơ quan, tổ chức khác; trên cơ sở đó điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; chuyển giao những công việc mà cơ quan hành chính nhà nước không nên làm hoặc làm hiệu quả thấp cho xã hội, các tổ chức xã hội đảm nhận.
- Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp theo hướng gắn quyền hạn với trách nhiệm.
d) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
- Đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân.
- Trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức hợp lý gắn với vị trí việc làm.
- Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút, ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của từng ngành, từng cấp; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh và ngạch công chức.
e) Về cải cách tài chính công
- Tiếp tục thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí đối với các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh và đơn vị sự nghiệp cấp huyện đủ điều kiện.
- Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính nhà nước, tiến tới xóa bỏ chế độ cấp kinh phí theo số lượng biên chế, thay thế bằng cơ chế cấp ngân sách dựa trên kết quả và chất lượng hoạt động, hướng vào kiểm soát đầu ra, chất lượng chi tiêu theo mục tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý chi tiêu công, tập trung cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý vốn đầu tư tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn nhà nước trong các doanh nghiệp. Thực hiện phân cấp quản lý tài chính, tài sản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan hành chính, sự nghiệp.
- Nhà nước tăng đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, thể dục, thể thao. Đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; từng bước thực hiện chính sách điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công phù hợp; chú trọng đổi mới cơ chế tài chính của các cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch.
f) Hiện đại hoá nền hành chính
- Nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị và từng bước mở rộng đến cấp xã. Cải tiến, nâng cấp Cổng thông tin giao tiếp điện tử của tỉnh; trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành và huyện, thành, thị; đưa các thủ tục hành chính lên mạng và từng bước giải quyết thông qua hồ sơ điện tử.
- Thực hiện có hiệu quả việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong các cơ quan hành chính nhà nước. Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.
- Xây dựng trụ sở làm việc các cơ quan cấp tỉnh theo mô hình hợp khối. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và ứng dụng công nhệ thông tin cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa, một cửa liên thông ở các cấp.
3. Giải pháp
a) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác cải cách hành chính.
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chương trình cải cách hành chính; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác cải cách hành chính.
c) Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng các hình thức phù hợp, có hiệu quả. Xây dựng và nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách hành chính, có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
d) Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình cải cách hành chính. Phát huy vai trò giám sát của HĐND, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính.
4. Kinh phí thực hiện
Hàng năm căn cứ Chương trình cải cách hành chính tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách thực hiện cải cách hành chính trình HĐND tỉnh quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước của các cơ quan.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện nghị quyết này.
2. Thường trực HĐND, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết này, được HĐND tỉnh khoá XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2012 và có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| CHỦ TỊCH |