cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 57/2012/NQ-HĐND ngày 19/07/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 57/2012/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Ngày ban hành: 19-07-2012
  • Ngày có hiệu lực: 22-07-2012
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 01-01-2016
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-05-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2483 ngày (6 năm 9 tháng 23 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 10-05-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 10-05-2019, Nghị quyết số 57/2012/NQ-HĐND ngày 19/07/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1202/QĐ-UBND ngày 10/05/2019 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 57/2012/NQ-HĐND

Vĩnh Yên, ngày 19 tháng 7 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2012-2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Trên cơ sở Tờ trình số: 57/TTr-UBND ngày 29/6/2012 của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án một số giải pháp tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012-2015; báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Một số giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015, với các nội dung sau

1. Mục tiêu

Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị và của toàn xã hội đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; phấn đấu hàng năm tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; từng bước xây dựng và hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng.

2. Nhiệm vụ và giải pháp

a) Về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông

Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, nhất là các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền sâu rộng pháp luật về trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức tới mọi đối tượng tham gia giao thông. Triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, xây dựng Văn hóa giao thông”.

b) Về công tác quản lý Nhà nước

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn giao thông theo hướng nâng cao trách nhiệm, quyền hạn trong tổ chức phối hợp và tính chuyên nghiệp của Ban An toàn giao thông các cấp.

- Xây dựng củng cố lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vững mạnh về số lượng, chất lượng, trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ cần thiết để các lực lượng này có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

- Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

- Tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra chấp hành các quy định về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông.

- Đẩy mạnh sự phối kết hợp giữa các cấp các ngành, nâng cao trách nhiệm của chính quyền xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Chủ tịch, Trưởng Ban An toàn giao thông các cấp phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp trên và Hội đồng nhân dân tỉnh nếu để tai nạn giao thông gia tăng trên địa bàn;

c) Về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng

- Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch đáp ứng được sự gia tăng các phương tiện giao thông. Thực hiện đúng lộ trình của quy hoạch phát triển giao thông vận tải Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm đáp ứng có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững;

- Thực hiện xây dựng các đường gom, cầu vượt một số điểm giao cắt đường bộ và đường sắt, đặc biệt ở điểm giao cắt trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên.

- Mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống vận tải hành khách bằng xe buýt.

- Triển khai, thực hiện đồng bộ quy hoạch các điểm họp chợ, khắc phục việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ;

- Nâng cấp cải tạo các bến phà, bến khách ngang sông như: Đóng mới phương tiện, cải tạo nâng cấp đường lên xuống đảm bảo điều kiện an toàn.

- Triển khai xây dựng các kho bãi, cầu cảng tạm giữ phương tiện vi phạm; xây dựng các bãi đỗ xe trên địa bàn các huyện, thành, thị. Ban hành quy định chế độ trông giữ phương tiện, lưu kho, lưu bãi và xử lý tang vật.

- Lắp đặt, bổ sung hệ thống đèn tín hiệu chỉ huy giao thông tại các nút giao thông trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên và một số nút giao thông trọng yếu trên địa bàn các huyện.

- Đầu tư xây dựng, mở rộng và nâng cao chất lượng, năng lực của Trung tâm Đăng kiểm phương tiện trên địa bàn tỉnh;

- Từng bước ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý trật tự an toàn giao thông như: Xây dựng, lắp đặt hệ thống giám sát trật tự an toàn giao thông đượng bộ bằng hình ảnh, hệ thống quản lý giám sát phương tiện vận tải.

d) Về công tác huy động lực lượng quần chúng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt

Huy động các lực lượng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông tại các đường dân sinh cắt ngang đường sắt không có trạm gác, các chốt đèn tín hiệu giao thông, các khu vực chợ cóc trên tuyến đường, các ngã ba, ngã tư có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều.

e) Về kinh phí thực hiện

Từ nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông và nguồn ngân sách của tỉnh.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện nghị quyết. Đối với các giải pháp thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh, giao UBND tỉnh thống nhất với thường trực HĐND tỉnh trước khi tổ chức thực hiện.

2. Thường trực, các Ban và Đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2012./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Vọng