cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 52/2012/NQ-HĐND ngày 13/07/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Quy định chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 52/2012/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Ngày ban hành: 13-07-2012
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1095 ngày (3 năm )
  • Ngày hết hiệu lực: 01-01-2016
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-01-2016, Nghị quyết số 52/2012/NQ-HĐND ngày 13/07/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Quy định chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND ngày 10/07/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Quy định chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2012/NQ-HĐND

Nghệ An, ngày 13 tháng 7 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Dân số ngày 21 tháng 3 năm 2003 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số ngày 27 tháng 12 năm 2008;

Căn cứ Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 4/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình;

Xét đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 3933/TTr-UBNDVX ngày 14 tháng 6 năm 2012;

Trên cơ sở Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội và ý kiến của các Đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Nghị quyết này quy định một số chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Đối tượng áp dụng:

Nghị quyết này được áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang thuộc tỉnh Nghệ An và công dân Việt Nam cư trú thực tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Một số chính sách DS-KHHGĐ

1. Chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với các xã, phường, thị trấn:

a) Xã, phường, thị trấn một năm không có người sinh con thứ 3 trở lên được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, kèm theo mức thưởng 5 triệu đồng.

b) Xã, phường, thị trấn hai năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên được Chủ tịch UBND tỉnh Bằng khen, kèm theo mức thưởng 10 triệu đồng.

c) Xã, phường, thị trấn ba năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, kèm theo mức thưởng 15 triệu đồng.

d) Xã, phường, thị trấn bốn năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, kèm theo mức thưởng 20 triệu đồng.

đ) Xã, phường, thị trấn từ năm năm liên tục trở lên không có người sinh con thứ 3 trở lên được Chủ tịch UBND tỉnh thưởng 30 triệu đồng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

2. Việc khen thưởng đối với khối, xóm, bản không có người sinh con thứ 3 trở lên do HĐND các huyện, thành, thị quy định.

3. Chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với cá nhân:

a) Khuyến khích các hoạt động nâng cao chất lượng và cơ cấu dân số: Nam, nữ trước khi kết hôn (trừ trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài) thực hiện khám sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân; thai phụ thực hiện kỹ thuật siêu âm sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi; trẻ sơ sinh thực hiện xét nghiệm lấy mẫu máu gót chân để phát hiện sớm một số bệnh lý bẩm sinh được miễn phí tại các cơ sở y tế nhà nước trên địa bàn tỉnh, nơi triển khai các Đề án về nâng cao chất lượng dân số được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm.

b) Những người trong độ tuổi sinh đẻ đã có từ 1 – 2 con trở lên sử dụng biện pháp tránh thai triệt sản được phẫu thuật miễn phí, được cấp một cơ số thuốc và 1 thẻ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe theo mức quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, được bồi dưỡng một khoản tiền có giá trị 5 triệu đồng (đối với nam) và 2 triệu đồng (đối với nữ) từ ngân sách tỉnh.

c) Người sử dụng biện pháp tránh thai (đặt vòng), được các cơ sở y tế khám phụ khoa, cấp dụng cụ và một số thuốc theo quy định của Bộ Y tế.

d) Người sử dụng biện pháp tránh thai khác thì được hưởng các dịch vụ, các phương tiện tránh thai theo quy định của Bộ Y tế thông qua cộng tác viên, Ban DS-KHHGĐ tại địa phương.

đ) Những người thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình và trong một năm vận động được 15 cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai (đình sản, đặt vòng) được thưởng 500.000 đồng và nếu trên 15 cặp, cứ thêm 10 cặp thì được thưởng thêm 200.000 đồng. Nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh.

4. Xử lý vi phạm.

a) Cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang vi phạm chính sách DS-KHHGĐ thì phải xem xét, xử lý nghiêm theo bản cam kết và pháp luật hiện hành (hình thức cụ thể do Chủ tịch UBND tỉnh quy định).

b) Các đối tượng khác vi phạm chính sách DS-KHHGĐ thì xử lý theo quy định của pháp luật và quy ước, hương ước của địa phương, của tổ chức đoàn thể ở cơ sở; không được xem xét danh hiệu Gia đình văn hoá và phải đóng góp một khoản tiền theo bản cam kết (có giá trị từ 1 đến 2 triệu đồng) cho Ban DS-KHHGĐ xã, phường, thị trấn. Mức cụ thể do HĐND các huyện, thành, thị quy định.

c) Tập thể và cá nhân Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thành viên thuộc cấp quản lý trực tiếp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ thì bị hạ loại thi đua và không xem xét danh hiệu đơn vị văn hoá trong năm có vi phạm.

Điều 3. Hỗ trợ Cộng tác viên DS- KHHGĐ

Cộng tác viên DS-KHHGĐ kiêm nhiệm ở xóm, khối, bản được hỗ trợ hàng tháng bằng 0,1 mức lương tối thiểu từ ngân sách tỉnh (ngoài mức thù lao theo quy định của Trung ương).

Điều 4. Kinh phí đảm bảo cho công tác DS-KHHGĐ

1. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí một khoản ngân sách địa phương theo kế hoạch để đảm bảo thực hiện mục tiêu về DS-KHHGĐ.

2. Ngoài kinh phí chương trình mục tiêu và ngân sách tỉnh cấp, hàng năm, các huyện, thành, thị bố trí một khoản ngân sách bổ sung cho công tác DS-KHHGĐ của địa phương và giao cho Trung tâm DS-KHHGĐ cùng cấp quản lý, sử dụng theo kế hoạch đã được duyệt.

3. Xã, phường, thị trấn được tiếp tục quản lý và huy động nguồn lực đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ từ các khoản xử lý vi phạm chính sách DS-KHHGĐ, khen thưởng, hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Giao cho Ban DS-KHHGĐ xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý, sử dụng đúng mục đích quy định.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

Giao UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013; Bãi bỏ Nghị quyết số 122/2005/NQ-HĐND ngày 17 tháng 7 năm 2005 của HĐND tỉnh về một số chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Quốc hội; VP Chính phủ (để b/c);
- Bộ Y tế, Bộ Tư pháp (Cục KTVB);
- TT Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Chánh, phó Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thành, thị;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT.

CHỦ TỊCH




Trần Hồng Châu