cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 12/07/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình Về phê duyệt Đề án thành lập Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Thái Bình (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 08/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Ngày ban hành: 12-07-2012
  • Ngày có hiệu lực: 12-07-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-08-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 394 ngày (1 năm 29 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 10-08-2013
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 10-08-2013, Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 12/07/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình Về phê duyệt Đề án thành lập Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Thái Bình (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 04/2013/NQ-HĐND ngày 31/07/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình Tổ chức thực hiện Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Thái Bình”. Xem thêm Lược đồ.

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/NQ-HĐND

Thái Bình, ngày 12 tháng 7 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP QUỸ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TỈNH THÁI BÌNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số: 93/TTr-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2012; Báo cáo thẩm tra số: 41/BC-KTNS ngày 06 tháng 7 năm 2012 của Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Thành lập Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Thái Bình" theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số: 93/TTr-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2012 với nội dung chủ yếu sau:

1. Nội dung thành lập quỹ

a) Các nguồn thu

* Trích từ ngân sách của tỉnh, đảm bảo trên 50% so với mức kinh phí hỗ trợ hàng năm của Chính phủ cho Chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy và Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người.

* Tiền thu được từ các vụ án như: tiền Việt Nam, ngoại tệ, tiền trên tài khoản của đối tượng phạm tội; tiền thu được do bán tài sản, phương tiện, tang vật tịch thu (trừ các tang vật phải tiêu huỷ theo quy định của pháp luật) sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, đã trừ đi các khoản chi phí cho việc bán tài sản và các khoản chi khác (nếu có).

- Đối với các vụ án ma túy, tỷ lệ trích được phân chia theo Thông tư liên tịch số 144/2009/TTLT-BTC-BCA ngày 16 tháng 7 năm 2009 của Bộ Tài chính-Bộ Công an hướng dẫn việc quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống ma túy theo quy định tại Quyết định số 110/2008/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống ma túy:

+ Trích 30% cho cơ quan điều tra trực tiếp khám phá, thụ lý chính của vụ án để thưởng cho các đơn vị, cá nhân trực tiếp tham gia điều tra vụ án.

+ Trích 10% chuyển vào tài khoản Quỹ phòng, chống ma túy Trung ương.

+ Trích 60% chuyển vào tài khoản Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh.

- Đối với các vụ án khác, tỷ lệ trích thực hiện theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

- Trường hợp tài sản là phương tiện, tang vật bị xử lý, tịch thu từ các vụ án thì việc bán các tài sản này phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

* Kinh phí huy động từ cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống tội phạm có địa chỉ thì chuyển theo địa chỉ mà cá nhân, tổ chức tài trợ chỉ định. Không có địa chỉ thì chuyển về Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh (Công an tỉnh). Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh chịu trách nhiệm tiếp nhận những khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng, chống tội phạm của địa phương. Nếu bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ thì trực tiếp nhận và nộp vào tài khoản Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh. Nếu bằng hiện vật thì lập biên bản giao nhận và chịu trách nhiệm quản lý, bảo quản.

- Nếu các loại trang thiết bị, phương tiện tài trợ phù hợp với hoạt động của các đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm thì Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh đánh giá lại tài sản, trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định trang bị cho đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng.

- Nếu các tài sản, phương tiện nhận từ nguồn tài trợ không phù hợp với công tác phòng, chống tội phạm, Sở Tài chính báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, tổ chức bán theo quy định hiện hành. Số tiền thu được chuyển vào Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh.

b) Nội dung chi

* Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

- Chi hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải và các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

- Chi hỗ trợ những cơ sở kinh doanh, dạy nghề; các tổ chức đoàn thể ở cơ sở thu hút, tạo việc làm; trực tiếp quản lý, giáo dục những người sau cai nghiện, những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, góp phần làm giảm tỷ lệ tái phạm tội...

* Chi thưởng.

- Thưởng cho các đơn vị, cá nhân (cán bộ nhân dân) có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm;

- Tập thể, cá nhân lập công xuất sắc trong công tác điều tra, khám phá các vụ án lớn, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

- Khen thưởng các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải, hoạt động có hiệu quả, giữ vững danh hiệu được vinh danh, liên tục từ 5 năm trở lên.

* Chi hỗ trợ ra quân các đợt cao điểm, tấn công trấn áp tội phạm; tập huấn các mô hình tự quản của quần chúng về an ninh trật tự.

* Chi hỗ trợ đối với gia đình và những người không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, bị hy sinh, bị thương tật khi trực tiếp tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, cụ thể:

- Hỗ trợ mai táng phí cho những người bị hy sinh, khi trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

- Hỗ trợ một lần cho thân nhân người bị hy sinh, khi trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm gồm: Bố, mẹ đẻ; người có công nuôi dưỡng; vợ, chồng, con.

- Hỗ trợ những người bị thương do trực tiếp tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm phải điều trị tại bệnh viện.

* Các nội dung chi khác do Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh đề xuất đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh quyết định.

Tất cả các định mức chi trong các danh mục trên, thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành.

2. Cơ cấu tổ chức, bộ máy, kiểm soát, điều hành quỹ do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Điều 2. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XV, kỳ họp thứ tư thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Diên