Nghị quyết số 60/2012/NQ-HĐND ngày 06/07/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Về phát triển Du lịch tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2012-2015 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 60/2012/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
- Ngày ban hành: 06-07-2012
- Ngày có hiệu lực: 16-07-2012
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1264 ngày (3 năm 5 tháng 19 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-01-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60/2012/NQ-HĐND | Buôn Ma Thuột, ngày 06 tháng 7 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHOÁ VIII - KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc Hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Luật Du lịch số 44/2005/QH11 được Quốc Hội thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét Tờ trình số 43/TTr-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết về phát triển Du lịch tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2012 - 2015; Báo cáo thẩm tra số 34/BC-HĐND ngày 29 tháng 62012 của Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành, thông qua Nghị quyết về phát triển Du lịch tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2012 - 2015 với những nội dung như sau:
1. Mục tiêu:
a) Mục tiêu tổng quát: Phát triển du lịch ổn định và bền vững theo hướng từng bước đa dạng hoá và chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Đến năm 2015, Du lịch Đắk Lắk cơ bản phát triển ổn định, làm nền tảng để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh vào năm 2020.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,82%/năm; năm 2015, tỷ trọng của du lịch trong GDP của tỉnh đạt 1,13%.
- Tổng doanh thu du lịch (chưa kể thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch) giai đoạn 2012 - 2015 là 1.360 tỷ đồng, năm 2015 đạt 420 tỷ đồng; nguồn khách đón tiếp giai đoạn 2012 - 2015 từ 1,9 đến 2,0 triệu lượt; năm 2015 đón 560.000 lượt khách, trong đó có 54.000 lượt khách quốc tế.
- Ngày lưu trú bình quân: 2 ngày/lượt khách.
2. Các nhiệm vụ trọng tâm:
a) Tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; lập các dự án để đầu tư và kêu gọi đầu tư nhằm khai thác tốt tài nguyên du lịch của tỉnh.
b) Tập trung khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng có tính đặc thù của địa phương như du lịch xanh; du lịch cà phê; khám phá “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.
c) Xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở rộng hoạt động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong cả nước để hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng.
d) Đẩy mạnh nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, kể cả tiếng dân tộc thiểu số.
đ) Thực hiện tốt chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của Nhà nước để thu hút đầu tư vào phát triển du lịch. Ưu tiên các dự án phát triển du lịch cộng đồng.
e) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi người dân hiểu và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du lịch. Phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh để hỗ trợ các doanh nghiệp.
g) Nâng cao vai trò công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh.
3. Định hướng phát triển du lịch:
a) Định hướng thị trường: Đối với thị trường trong nước, ưu tiên đối với các phân khúc dành cho đối tượng thu nhập thấp và trung bình; đối với thị trường nước ngoài, từng bước khai thác nguồn khách nước ngoài vào Việt Nam và đến Đắk Lắk từ các thị trường khách Trung Quốc, Asean.
b) Định hướng sản phẩm du lịch: Các loại hình du lịch gắn với các giá trị về văn hóa như Không gian văn hóa cồng chiêng và Sử thi Tây Nguyên; hệ thống di tích lịch sử và di tích lịch sử cách mạng của tỉnh; ưu tiên phát triển mô hình du lịch cộng đồng; Du lịch gắn với Voi. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng mô hình du lịch gắn với cà phê. Từng bước khai thác loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE).
c) Định hướng phát triển không gian du lịch: Ưu tiên phát triển không gian trung tâm Thành phố Buôn Ma Thuột, với lợi thế của sân bay Buôn Ma Thuột. Đồng thời, từng bước đầu tư, khai thác thế mạnh của các không gian còn lại.
d) Định hướng đầu tư phát triển du lịch, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ; phát triển nguồn nhân lực du lịch; bảo tồn các nguồn tài nguyên du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu cho Du lịch Đắk Lắk.
4. Giải pháp tổ chức thực hiện:
a) Giải pháp về tuyên truyền, giáo dục: Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, đặc biệt là dân cư sinh sống tại các điểm du lịch; tạo điều kiện tốt nhất để người dân tham gia hoạt động du lịch như khôi phục những nét văn hóa truyền thống, ẩm thực địa phương, sản phẩm thủ công mỹ nghệ…, tạo thu nhập ổn định cho cộng đồng dân cư.
b) Giải pháp về lập quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch, lập các dự án đầu tư phát triển du lịch làm cơ sở kêu gọi đầu tư; khảo sát, quy hoạch các buôn, các địa phương có thể phát triển loại hình du lịch cộng đồng (homestay) để định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư.
c) Giải pháp về đa dạng hóa sản phẩm, chương trình du lịch, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch vui chơi giải trí thể thao, du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm), du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch tham quan các làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm bảo tồn và Phát triển voi của tỉnh để khai thác phát triển các sản phẩm du lịch voi.
d) Giải pháp về mở rộng liên kết vùng với các tỉnh Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc và nghiên cứu, tiếp cận và mở rộng tuyến du lịch sang Campuchia, Lào, Thái Lan… .
đ) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý và kỹ năng nghiệp vụ; có chính sách thu hút lao động có tay nghề, chuyên môn cao; thành lập Khoa Du lịch tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh.
e) Giải pháp về quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng và triển khai hệ thống các quầy thông tin du lịch miễn phí tại các đầu mối giao thông quan trọng như sân bay; khách sạn, bảo tàng; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để xúc tiến quảng bá du lịch Đắk Lắk có hiệu quả.
g) Giải pháp về thu hút các nguồn vốn đầu tư:
Nghiên cứu, xây dựng một số cơ chế đặc thù của địa phương có thể áp dụng được đối với Đắk Lắk theo hướng ưu tiên miễn giảm thuế (đặc biệt là thuế sử dụng đất ở những khu vực khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém...); hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới.
Phấn đấu thực hiện cơ chế và chính sách đầu tư cho du lịch từ ngân sách của tỉnh (phấn đấu mức chi bằng 0,5% trên tổng chi ngân sách hàng năm) để hỗ trợ đầu tư, phát triển du lịch.
h) Giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao năng lực điều hành, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động du lịch, Đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch của tỉnh. Củng cố bộ máy, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, lựa chọn cán bộ có trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết để bố trí nhiệm vụ trong ngành du lịch. Kiện toàn tổ chức Hiệp hội Du lịch tỉnh.
5. Nguồn vốn đầu tư và kinh phí thực hiện:
Tổng kinh phí dự kiến đầu tư cho phát triển du lịch giai đoạn 2012 - 2015 khoảng 794 tỷ đồng, gồm đầu tư cơ sở hạ tầng là 76 tỷ đồng (trung ương 51 tỷ đồng; địa phương 25 tỷ đồng); chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là 89 tỷ đồng; đầu tư của doanh nghiệp là 557 tỷ đồng; ngân sách địa phương (từ nguồn trích 0,5% trên tổng chi ngân sách hàng năm của tỉnh) dự kiến là 72 tỷ đồng (gồm hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá và hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng - chỉ bố trí khi có dự án đầu tư đủ điều kiện).
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp.
Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và thay thế Nghị quyết số 13/2007/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển Du lịch tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2007 - 2010.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khoá VIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 06 tháng 7 năm 2012./.
| CHỦ TỊCH |