Nghị quyết số 42/2011/NQ-HĐND ngày 21/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái Phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 42/2011/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Yên Bái
- Ngày ban hành: 21-12-2011
- Ngày có hiệu lực: 31-12-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-02-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1493 ngày (4 năm 1 tháng 3 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-02-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐÔNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/2011/NQ-HĐND | Yên Bái, ngày 21 tháng 12 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2011-2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XVII - KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009;
Căn cứ Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015; Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mần non giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28 tháng 11 năm 2007 hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15/7/2011 của Liên Bộ Hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em năm tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011- 2015;
Sau khi xem xét Tờ trình số 193/TTr-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc đề nghị phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa -Xã hội và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015, với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu chung
Củng cố, phát triển giáo dục mầm non với quy mô trường, lớp, đội ngũ giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo thu hút tối đa trẻ trong độ tuổi, trẻ 5 tuổi đến lớp; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện; nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; tạo chuyển biến cơ bản và vững chắc về chất lượng giáo dục mầm non. Phấn đấu đến năm 2014 tỉnh Yên Bái hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
2. Mục tiêu cụ thể
Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt 27%; tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 88%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 90%; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi không quá 8%; tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn về trình độ đào tạo 100%, trong đó trên chuẩn là 35%; tỷ lệ huyện, thị, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi 100%; tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia 35%.
3. Các giải pháp
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về chủ trương phát triển giáo dục mầm non, tạo sự quan tâm, phối hợp trong tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
Xây dựng hệ thống trường, lớp mầm non hợp lý, đảm bảo mỗi xã, phường có ít nhất có 01 trường mầm non độc lập. Xây dựng mới 305 phòng học, để thay thế số phòng học tạm, phòng học nhờ. Thu hút các nguồn lực xã hội hóa, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, bếp ăn, nước sạch, công trình vệ sinh trong các trường mầm non, để từng bước đạt chuẩn, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.
Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đến năm 2015, đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Đào tạo 520 chỉ tiêu giáo viên mầm non có trình độ trung cấp và cao đẳng; tổ chức đào tạo theo địa chỉ để đáp ứng nhu cầu giáo viên ở vùng khó khăn. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, tiếng địa phương; nâng cao phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên.
Bảo đảm chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên theo quy định hiện hành của Nhà nước. Bổ sung chính sách hỗ trợ đối với nhân viên dinh dưỡng ở trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Triển khai thực hiện đầy đủ nội dung của chương trình giáo dục mầm non mới theo hướng tích hợp các nội dung chăm sóc, giáo dục theo chủ điểm, tổ chức các hoạt động phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý lứa tuổi. Từng bước chỉ đạo, tạo độ đồng đều về tỷ lệ huy động trẻ ra lớp; chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ giữa các vùng miền trong tỉnh.
Tăng cường quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, từ khâu xây dựng quy hoạch hệ thống mạng lưới trường lớp, quyết định thành lập trường, chương trình chăm sóc, dạy và học; xây dựng quy chế quản lý giáo viên, quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện chế độ tự chủ. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục.
Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục mầm non. Xây dựng mức thu học phí cho giáo dục mầm non trên cơ sở chính sách học phí của Nhà nước đảm bảo sự chia sẻ chi phí hợp lý giữa Nhà nước, người học và cộng đồng trong các trường công lập. Khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
4. Kinh phí
Tổng nguồn vốn thực hiện Đề án 79.248 triệu đồng, trong đó, ngân sách trung ương 79%; ngân sách địa phương 10%; nguồn vốn huy động hợp pháp khác 11%.
Điều 2. Giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo dõi, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVII-Kỳ họp thứ 3 thông qua và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |