cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 19/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Về chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2012-2015 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 37/2011/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Ngày ban hành: 19-12-2011
  • Ngày có hiệu lực: 24-12-2011
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 21-12-2012
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 2: 22-12-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-05-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2694 ngày (7 năm 4 tháng 19 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 10-05-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 10-05-2019, Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 19/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Về chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2012-2015 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1202/QĐ-UBND ngày 10/05/2019 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2011/NQ-HĐND

Vĩnh Yên, ngày 19 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DẠY NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM VÀ GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29/11/2006;

Căn cứ Luật Ngân sách ngày 16/12/2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Trên cơ sở Tờ trình số 156/TTr-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về Đề án Dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo tinh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2020, báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đối tượng và nguyên tắc hỗ trợ:

1. Đối tượng hỗ trợ:

a) Người lao động và học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú từ 6 tháng trở lên và hiện đang sinh sống tại Vĩnh Phúc, học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề, làng nghề, hoặc tại gia đình nghệ nhân trên địa bàn tỉnh.

Học sinh, sinh viên đang có hộ khẩu thường trú tại Vĩnh Phúc từ 6 tháng trở lên đã tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông tại một trường của tỉnh đang học cao đẳng nghề, trung cấp nghề tại một cơ sở đào tạo nghề ngoài tỉnh.

b) Các cơ sở dạy nghề, cơ sở giới thiệu việc làm, doanh nghiệp có tổ chức dạy nghề đồng thời bố trí việc làm cho người học ổn định được ít nhất 1 năm.

c) Ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất nông nghiệp.

2. Nguyên tắc hỗ trợ:

Người được hưởng hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm chỉ hỗ trợ một lần theo Nghị quyết này; người đã được hỗ trợ học nghề theo các chính sách khác của Nhà nước thì không được hỗ trợ theo Nghị quyết này. Riêng người đã được hỗ trợ học sơ cấp nghề và học nghề dưới 3 tháng nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì vẫn tiếp tục được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm theo chính sách của Nghị quyết này nhưng không quá 3 lần.

Điều 2. Nội dung và mức hỗ trợ:

1. Hỗ trợ học và dạy nghề:

a) Học cao đẳng, trung cấp nghề, bổ túc văn hoá + nghề:

- Hỗ trợ chi phí học tập:

+ Cao đẳng nghề mức 400.000 đồng/ tháng.

+ Trung cấp nghề mức 350.000 đồng/tháng.

+ Bổ túc văn hóa + nghề mức 350.000 đồng/tháng.

- Hỗ trợ mua sách vở, đồ dùng học tập: Học sinh học bổ túc văn hoá + nghề và học sinh diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp học cao đẳng nghề, trung cấp nghề được hỗ trợ 100.000 đồng/tháng.

- Thời gian hỗ trợ: Theo thời gian thực học nhưng không quá 30 tháng đối với cao đẳng nghề, bổ túc văn hoá + nghề; không quá 20 tháng đối với trung cấp nghề.

b) Học nghề trình độ sơ cấp, học nghề ngắn hạn (dưới 3 tháng), tập huấn, bồi dưỡng nghề:

- Hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp: Mức 500.000 đồng/người/tháng.

- Hỗ trợ kinh phí tổ chức học nghề ngắn hạn (dưới 3 tháng), tập huấn, bồi dưỡng nghề: Mức 25.000 đồng/người/ngày.

- Hỗ trợ tiền ăn cho người học với mức 20.000 đồng/ngày/người cho đối tượng học sơ cấp nghề diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất nông nghiệp và đối tượng học nghề ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng nghề.

- Hỗ trợ thêm tiền mua giấy bút 15.000 đồng/người/khóa học cho đối tượng là lao động nông thôn; lao động khu vực thành thị diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất nông nghiệp có tham gia học nghề ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng nghề

- Thời gian hỗ trợ: Theo thời gian thực học, nhưng không quá 6 tháng đối với học nghề sơ cấp; không quá 01 tháng đối với học nghề ngắn hạn; không quá 10 ngày đối với tập huấn, bồi dưỡng nghề.

c) Bồi dưỡng nâng cao kiến thức;

- Hỗ trợ cho đơn vị tổ chức lớp: 15.000 đồng/người/ngày.

- Hỗ trợ tiền ăn cho người học mức 20.000 đồng/ngày thực học.

- Ngoài mức hỗ trợ trên, hỗ trợ tiền giấy bút 15.000 đồng/người/khóa học cho lao động ở khu vực nông nghiệp, lao động ở khu vực thành thị không có việc làm, lao động trong làng nghề, lao động tiểu thủ công nghiệp.

- Thời gian hỗ trợ: Theo thời gian thực học, nhưng không quá 3 ngày.

 d) Học nghề tại các làng nghề:

- Hỗ trợ chi phí học tập cho người học: 500.000 đồng/người/tháng.

- Hỗ trợ người truyền nghề mức 500.000 đồng/tháng.

- Hỗ trợ tiền ăn cho người học nghề với mức 20.000 đồng/ngày/người.

- Hỗ trợ thêm tiền mua giấy bút 15.000 đồng/khóa học/người cho lao động nông thôn; lao động diện được hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất nông nghiệp ở khu vực thành thị.

- Thời gian hỗ trợ: Theo thời gian thực học, thực dạy nhưng không quá 3 tháng.

e) Học ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người xuất khẩu lao động.

- Hỗ trợ chi phí học tập với mức 2 triệu đồng/người/khóa học.

- Hỗ trợ tiền ăn 20.000 đồng/người/ngày.

- Thời gian hỗ trợ: Theo thời gian thực học, nhưng không quá 3 tháng.

g) Kinh phí đào tạo cán bộ, giáo viên:

Hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao kiến thức cho giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng 3 triệu đồng/giáo viên/năm. Mỗi trường trung học phổ thông có 2 giáo viên hướng nghiệp; mỗi trường trung học cơ sở có 1 giáo viên hướng nghiệp được đào tạo hàng năm.

h) Hỗ trợ cho các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tiền tài liệu, tổ chức hướng nghiệp, phân luồng mức 2,5 triệu đồng/năm.

i) Hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị dạy nghề:

Hỗ trợ đầu tư kinh phí mua sắm thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề công lập: 20 tỷ đồng/năm.

2. Hỗ trợ cho giải quyết việc làm:

a) Đối với xuất khẩu lao động:

- Người thuộc hộ hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp được vay tối đa 100 triệu đồng và hỗ trợ 100% lãi suất vay trong 12 tháng đầu từ Quỹ Giải quyết việc làm của tỉnh, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Các đối tượng còn lại được vay tối đa 60 triệu đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được hỗ trợ 30% lãi suất vay của 12 tháng đầu.

b) Đối với người tự tạo việc làm mới tại chỗ, ổn định có dự án được cơ quan có chức năng thẩm định: Được vay tối đa 30 triệu đồng từ Quỹ Giải quyết việc làm và hỗ trợ 70% lãi suất trong năm đầu.

c) Đối với doanh nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở dạy nghề:

- Doanh nghiệp tổ chức dạy nghề, cấp chứng chỉ đồng thời bố trí việc làm cho người học nghề ổn định được ít nhất 1 năm trở lên được hỗ trợ tính theo đầu người thực học, thời gian thực học, mức 400.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tính trên đầu người thực học không quá 3 tháng.

- Trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở dạy nghề giới thiệu được lao động vào làm việc ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh khác từ 1 năm trở lên được hỗ trợ một lần với mức 400.000 đồng/người.

d) Về nguồn vốn lập Quỹ giải quyết việc làm:

Trích Ngân sách tỉnh lập Quỹ Giải quyết việc làm của tỉnh: Năm 2012 là 30 tỷ đồng. Các năm sau căn cứ tình hình cụ thể HĐND tỉnh xem xét quyết định bổ sung quỹ.

3. Kinh phí hoạt động Ban Chỉ đạo, kinh phí tuyên truyền cho công tác dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo: 1.000 triệu đồng/năm.

4. Kinh phí bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ các cấp làm công tác dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo:

Năm 2012 là 700 triệu đồng; các năm sau 350 triệu đồng/năm.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với HĐND tỉnh.

Thường trực HĐND, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua

Nghị quyết này được HĐND tỉnh thông qua ngày 14/12/2011./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Vọng