Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND ngày 05/08/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái Về tăng cường, củng cố, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở giai đoạn 2011-2015 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 23/2011/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Yên Bái
- Ngày ban hành: 05-08-2011
- Ngày có hiệu lực: 15-08-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-07-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1077 ngày (2 năm 11 tháng 17 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 27-07-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2011/NQ-HĐND | Yên Bái, ngày 05 tháng 8 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG, CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRUYỀN THANH CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XVII – KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 116/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2020.
Sau khi xem xét Tờ trình số 93/TTr-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc đề nghị ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án “Tăng cường, củng cố, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015”; nghe báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa – Xã hội và ý kiến của các vị Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tăng cường củng cố, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015”, với các nội dung như sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Tăng cường củng cố, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở, nhằm mở rộng diện phủ sóng phát thanh tại địa phương, tăng tính đồng bộ về công nghệ truyền thanh, rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin, tuyên truyền giữa các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền cấp xã, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và đảm bảo an ninh quốc phòng ở cơ sở.
2. Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2012, các Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh có mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động thống nhất.
- Đến năm 2014, 100% các xã, phường, thị trấn có Đài Truyền thanh cơ sở tiếp sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh, Đài phát thanh - truyền hình huyện đồng thời chuyển tải thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cấp xã.
- Phấn đấu đến năm 2015 có: 90% thôn, bản, khu phố có loa truyền thanh; 80% Đài Truyền thanh cơ sở sản xuất 01 chương trình/tháng; 100% Đài Truyền thanh cơ sở tiếp âm chương trình phát thanh của Đài cấp trên 6 giờ/ngày;
- 100% Đài truyền thanh cơ sở được bố trí 01 cán bộ quản lý và vận hành được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.
3. Giải pháp thực hiện:
a) Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh sẽ thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, vồn xây dựng cơ bản tập trung và nguồn tài chính hợp pháp khác để đầu tư cải tạo, xây dựng mới hệ đài truyền thanh cơ sở, theo hướng hiện đại, đồng bộ và phù hợp với lộ trình số hóa hệ thống phát thanh truyền hình.
b) Mở rộng diện phủ sóng, nâng cao chất lượng chương trình tiếp sóng các đài cấp trên và sản xuất chương trình truyền thanh cơ sở, để đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
c) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ đài truyền thanh cơ sở. Nội dung đào tạo tập trung vào kỹ năng nghiệp vụ quản lý nhà nước; công tác thông tin tuyên truyền; vận hành, sửa chữa đài truyền thanh cơ sở.
d) Cán bộ đài truyền thanh cơ sở được xác định là cán bộ không chuyên trách cấp xã và được áp dụng các chế độ, chính sách theo “Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND ngày 9/4/2010 của HĐND tỉnh Yên Bái về chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn bản, tổ dân”, với mức phụ cấp bằng hệ số 0,8 mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định.
đ) Hàng năm ngân sách tỉnh phân bổ kinh phí chi hoạt động thường xuyên cho đài truyền thanh cơ sở, với mức 4 triệu đồng/đài/năm.
e) Tổng nguồn vốn thực hiện Đề án là: 29 tỷ đồng;
Trong đó: - Vốn chương trình mục tiêu quốc gia chiếm 45%;
- Vốn ngân sách địa phương chiếm 55%.
Điều 2. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVII, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 5 tháng 8 năm 2011./.
| CHỦ TỊCH |