Nghị quyết số 370/2011/NQ-HĐND ngày 18/03/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La Về ổn định sản xuất và đời sống nhân dân ở các bản có điều kiện kinh tế-xã hội còn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011-2015 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 370/2011/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Sơn La
- Ngày ban hành: 18-03-2011
- Ngày có hiệu lực: 28-03-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-07-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1206 ngày (3 năm 3 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 16-07-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 370/2011/NQ-HĐND | Sơn La, ngày 18 tháng 3 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT VÀ ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN Ở CÁC BẢN CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI CÒN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHÓA XII, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân số 11/2003/QH11 ngày 26 tháng năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân số 31/2004/QH11 ngày 02 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 02 tháng 11 năm 2010 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về ổn định sản xuất và đời sống nhân dân ở các bản có điều kiện kinh tế - xã hội còn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011 - 2015;
Xét Tờ trình số 47/TTr-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc ban hành Nghị quyết về ổn định sản xuất và đời sống nhân dân ở các bản có điều kiện kinh tế - xã hội còn đặc biệt khó khăn tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2015; Báo cáo thẩm tra số 638/BC-BDT ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh; Tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành Nghị quyết "Ổn định sản xuất và đời sống nhân dân ở các bản có điều kiện kinh tế - xã hội còn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011 - 2015", với những nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
- Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh lần thứ XIII, phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh cơ bản không còn bản đặc biệt khó khăn, để tỉnh Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía bắc.
- Nâng cao dần từng bước vững chắc đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các bản còn đặc biệt khó khăn; khai thác tốt mọi tiềm năng, tạo điều kiện để đưa các bản này sớm thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, chậm phát triển, thu hẹp khoảng cách với các tổ, bản trong tỉnh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.
- Ưu tiên tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và ổn định đời sống cho 1.105 bản có điều kiện kinh tế - xã hội còn đặc biệt khó khăn, bản còn tiềm ẩn du canh du cư. Tổ chức quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, bảo đảm cho đồng bào có đất sản xuất, đất ở ổn định, có nhà ở, có đủ nước sinh hoạt; đại bộ phận đồng bào được bồi dưỡng, tiếp thu kinh nghiệm sản xuất, kiến thức khoa học, văn hóa, xã hội, chủ động vận dụng vào sản xuất và đời sống; phát triển mạng lưới nhà trẻ, lớp mẫu giáo; xây dựng các thiết chế văn hóa thiết yếu ở cơ sở; kiểm soát được phần lớn các dịch bệnh nguy hiểm.
2. Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2015 có 1.105 bản có điều kiện kinh tế - xã hội còn đặc biệt khó khăn đạt một số tiêu chí cơ bản sau:
- Đường đến bản được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải; đạt 50% trở lên.
- 95% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.
- 70% nhà trẻ, lớp mẫu giáo có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia.
- 100% bản có nhà văn hóa (nhà học tập cộng đồng) đạt quy định của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch.
- 70% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia.
- Hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh trên 70%.
- Không còn nhà tạm, dột nát.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 50% so với năm 2010.
- 100% người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế.
- 100% bản có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định; an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.
II. NỘI DUNG
1. Phạm vi, đối tượng: Bao gồm 1.105 bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, II, III theo Quyết định số 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27 tháng 11 năm 2006; Quyết định số 05/2007/QĐ-UBDT ngày 06 tháng 9 năm 2007 của Uỷ Ban Dân tộc về việc Công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển.
2. Đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu
a) Ưu tiên nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư mới hoặc nâng cấp 6 loại công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu theo quy định cho bản đặc biệt khó khăn của tỉnh 2011 - 2015 trên 3.900 công trình; bao gồm: giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, lớp học cho nhà trẻ, mẫu giáo các bản, điện sinh hoạt, nhà văn hoá.
b) Tiến độ lập dự án (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) cho đầu tư mới hoặc nâng cấp hoàn thành trong 2 năm (2011 - 2012).
c) Tổ chức triển khai hoàn thành các dự án đầu tư đến hết năm 2015.
d) Định mức hỗ trợ và đầu tư các dự án được thực hiện theo các quy định hiện hành.
3. Nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất
a) Hỗ trợ hộ nghèo để ổn định và phát triển sản xuất
- Hỗ trợ mua giống cây trồng, thuỷ sản, gia cầm và tiểu gia súc: Mức hỗ trợ 500.000 đồng/hộ/năm.
- Hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc: Mức cho vay mỗi hộ 10 triệu đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ lãi xuất trong 5 năm.
b) Hỗ trợ cho các hộ khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng rừng
- Hỗ trợ khoanh nuôi bảo vệ rừng: 200.000 đồng/ha/năm.
- Hỗ trợ gạo đối với các hộ trồng rừng thay thế nương rẫy: 10kg gạo/khẩu /tháng (định mức 1 ha không quá 700kg gạo/hộ/một năm).
c) Ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư, tổ chức lớp tập huấn, chuyển giao mô hình sản xuất mới.
d) Hỗ trợ tủ sách khuyến nông để tuyên truyền, hướng dẫn các mô hình sản xuất mới, mỗi bản 500.000 đồng/bản/năm.
e) Ngân sách địa phương hỗ trợ 100% kinh phí thuốc thú y tiêm phòng, chống dịch bệnh.
f) Ngân sách địa phương hỗ trợ 100% kinh phí bảo vệ thực vật.
4. Chính sách giáo dục, đào tạo và dạy nghề
a) Hỗ trợ toàn bộ các khoản học phí phải nộp cho học sinh mầm non, phổ thông thuộc các bản đặc biệt khó khăn.
b) Hỗ trợ kinh phí học tập cho học sinh mầm non, phổ thông là con em các gia đình thuộc bản đặc biệt khó khăn: 70.000 đồng/cháu/tháng; (Hỗ trợ 9 tháng/cháu/năm).
c) Hỗ trợ học phí đào tạo nghề cho thanh niên thuộc các bản đặc biệt khó khăn.
d) Đối với học sinh bán trú, không đi về trong ngày được hỗ trợ tiền ăn và hỗ trợ tiền nhà ở bằng 50% mức lương tối thiểu/ tháng/ (một năm hỗ trợ 9 tháng).
5. Chính sách hỗ trợ văn hoá
- Đầu tư hỗ trợ 100% bản đặc biệt khó khăn có nhà văn hoá (nhà sinh hoạt cộng đồng).
- Hỗ trợ trang thiết bị văn hoá đồng bộ mỗi bản 01 đài cassette sử dụng được băng đĩa, màn hình 29 inch, một chảo thu tín hiệu, một tăng âm, dây, mico, loa truyền thanh; các bản chưa có điện lưới được hỗ trợ mua 01 máy phát điện công suất 1 kw và tiền mua xăng chạy máy nổ (60 lít xăng/bản/tháng).
- Hỗ trợ thêm (Ngoài định mức 02 triệu đồng/bản/năm theo Nghị quyết số 342/2010/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh) mức 500.000 đồng/bản /năm để mua nhạc cụ và luyện tập văn nghệ, thể dục thể thao.
6. Chính sách hỗ trợ y tế
- Ngân sách địa phương hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người dân tộc thuộc các bản đặc biệt khó khăn (Không thuộc đối tượng được hưởng ngân sách hỗ trợ theo quy định Luật Bảo hiểm y tế).
- Hỗ trợ thêm ngoài định mức quy định tại Nghị Quyết số 342/2010/NQ-HĐND tỉnh ngày 10 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh, số tiền 500.000 đồng/bản/năm để mua bổ sung cơ số thuốc cho túi thuốc y tế bản.
- Đào tạo và bố trí nhân viên y tế bản, đảm bảo 100% các bản có nhân viên y tế bản.
7. Chính sách hỗ trợ cán bộ: (Bổ sung ngoài mức quy định hiện hành)
- Hỗ trợ thêm đối với Bí thư, Trưởng bản bằng 0,1 mức lương cơ bản.
- Hỗ trợ thêm 0,05 mức lương cơ bản cho:
+ Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội bản;
+ Công an viên;
+ Nhân viên y tế bản.
- Hỗ trợ thêm 0,2 mức lương cơ bản cho người được phân công quản lý, sử dụng trang thiết bị văn hoá bản.
8. Chính sách hỗ trợ an sinh xã hội
- Ưu tiên nguồn kinh phí an sinh xã hội hỗ trợ các gia đình chính sách, gia đình khó khăn, người có công với cách mạng, các hộ nghèo.
- Hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo thuộc các bản đặc biệt khó khăn khu vực I: 80.000 đồng/1người/năm (do ngân sách địa phương đảm bảo).
- Hỗ trợ xoá nhà tạm; định mức hỗ trợ theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Các hộ nghèo đặc biệt khó khăn, được bản bình xét thực tế (không có đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất). Hỗ trợ (1 lần) 01 triệu đồng/hộ để mua sắm chăn màn, xoong nồi và dụng cụ sản xuất.
III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh hàng năm cân đối, lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu, ngân sách tỉnh và các nguồn khác để thực hiện Nghị quyết này.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XII thông qua.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức chỉ đạo rà soát xây dựng đề án cụ thể, cân đối nguồn kinh phí để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.
2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Kỳ họp chuyên đề lần thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XII thông qua./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|