Hướng dẫn số 826/HD-TLĐ ngày 01/06/2009 Về đóng đoàn phí công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 826/HD-TLĐ
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Cơ quan ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
- Ngày ban hành: 01-06-2009
- Ngày có hiệu lực: 01-07-2009
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1645 ngày (4 năm 6 tháng 5 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-01-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 826/HD-TLĐ | Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2009 |
HƯỚNG DẪN
ĐÓNG ĐOÀN PHÍ CÔNG ĐOÀN
Để thống nhất việc đóng đoàn phí của đoàn viên theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ĐÓNG ĐOÀN PHÍ CÔNG ĐOÀN.
Đối tượng đóng đoàn phí công đoàn là đoàn viên công đoàn đang sinh hoạt tại các công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.
II. MỨC ĐÓNG, PHƯƠNG THỨC ĐÓNG, QUẢN LÝ TIỀN ĐOÀN PHÍ.
1. Mức đóng đoàn phí công đoàn.
1.1. Đoàn viên công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hưởng tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ, tiền lương theo hợp đồng lao động hoặc đi học hưởng nguyên lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức đóng đoàn phí bằng 1% lương ngạch bậc, chức vụ, tiền lương theo hợp đồng lao động và phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm.
1.2. Đoàn viên công đoàn tại các công đoàn cơ sở doanh nghiệp hưởng tiền lương theo kết quả kinh doanh; Đoàn viên công đoàn tại các công đoàn cơ sở đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập hưởng tiền lương theo kết quả hoạt động sự nghiệp, dịch vụ; Đoàn viên công đoàn ở các văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong các hợp đồng hợp tác kinh doanh, văn phòng đại diện, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đoàn viên công đoàn của các công đoàn cơ sở cơ quan, đơn vị được cử tham gia chuyên trách các ban quản lý dự án hưởng tiền lương theo hợp đồng lao động, mức đóng đoàn phí bằng 1% tiền lương, tiền công doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức phải trả cho đoàn viên hàng tháng. Nhưng mức đóng đoàn phí của đoàn viên tối đa một tháng không quá 10% tiền lương tối thiểu chung theo quy định của Nhà nước (Tiền lương tối thiểu của khu vực HCSN, sau đây gọi là tiền lương tối thiểu chung theo quy định của Nhà nước).
Ban chấp hành công đoàn cơ sở được quy định mức đóng đoàn phí của đoàn viên (Đoàn viên quy định tại khoản 1.2 và 1.4 điểm 1 mục II) bằng 1% tiền lương, tiền công do doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức phải trả cho đoàn viên hàng tháng (Không khống chế mức đóng đoàn phí của đoàn viên một tháng tối đa không quá 10% tiền lương tối thiểu chung) sau khi có ý kiến thỏa thuận của đoàn viên.
Đối với các doanh nghiệp, đơn vị thanh toán tiền lương, tiền công cho người lao động vào cuối kỳ kế toán theo kết quả kinh doanh, kết quả hoạt động sự nghiệp – dịch vụ, hàng tháng chỉ tạm ứng tiền lương, tiền công thì công đoàn cơ sở quyết định mức đóng đoàn phí của đoàn viên hàng tháng cho phù hợp với hướng dẫn trên.
1.3. Đoàn viên công đoàn tại các nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở doanh nghiệp khó xác định tiền lương, tiền công thì đoàn phí công đoàn đóng theo mức ấn định do Ban chấp hành công đoàn cơ sở quy định sau khi có ý kiến chấp thuận của công đoàn cấp trên trực tiếp được phân cấp quản lý tài chính công đoàn cơ sở, nhưng mức đóng tối thiểu bằng 1% lương tối thiểu chung theo quy định của Nhà nước.
1.4. Đoàn viên công đoàn công tác ở nước ngoài, mức đóng đoàn phí bằng 1% tiền lương được hưởng ở nước ngoài theo chế độ do Nhà nước quy định. Đoàn viên đang lao động ở nước ngoài mức đóng đoàn phí bằng 1% tiền lương hoặc tiền công theo hợp đồng lao động, nhưng tối đa không quá 10% tiền lương tối thiểu chung theo quy định của Nhà nước.
1.5. Đoàn viên công đoàn bị ốm, đau, thai sản, tai nạn lao động hưởng trợ cấp BHXH từ 1 tháng trở lên thì trong thời gian đoàn viên nghỉ làm việc hưởng trợ cấp BHXH không phải đóng đoàn phí. Đoàn viên công đoàn bị mất việc làm, không có thu nhập thời gian từ 1 tháng trở lên hoặc nghỉ việc riêng từ 1 tháng trở lên không hưởng tiền lương, tiền công thì trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí, tổ công đoàn lập danh sách báo cáo công đoàn cơ sở số đoàn viên không phải đóng đoàn phí hàng tháng.
2. Phương thức đóng đoàn phí
- Đoàn phí công đoàn do đoàn viên tự nguyện đóng cho công đoàn cơ sở hàng tháng.
- Đoàn phí công đoàn thu qua lương hàng tháng sau khi có ý kiến thỏa thuận của đoàn viên.
3. Quản lý tiền đoàn phí
- Căn cứ mức đóng đoàn phí theo Hướng dẫn trên, công đoàn cơ sở quy định mức đóng đoàn phí của đoàn viên trong quy chế thu, chi và quản lý tài chính của công đoàn cơ sở.
- Tiền đoàn phí do đoàn viên đóng phải được ghi chép, phản ảnh đầy đủ, kịp thời vào sổ kế toán và báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách của công đoàn cơ sở. Việc phân phối, sử dụng tiền đoàn phí thực hiện theo quy định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và quy chế thu, chi và quản lý tài chính của công đoàn cơ sở.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. LĐLĐ các tỉnh – thành phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn công đoàn cơ sở tổ chức thu, quản lý, sử dụng tiền đoàn phí công đoàn theo đúng quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
2. Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công đoàn cơ sở thành viên; Công đoàn bộ phận; Tổ công đoàn thu, sử dụng, thanh toán tiền đoàn phí với công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên theo Hướng dẫn này và các Quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về quản lý tài chính, tài sản công đoàn.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.
1. Hướng dẫn này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2009, thay thế Thông tri số 58/TTr-TLĐ ngày 10/5/2004 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ảnh về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH |